NGỔN NGANG LỖI CHÍNH TẢ
NGỔN NGANG LỖI CHÍNH TẢ
“Chữ quốc ngữ có được cương vị thật sự
sau Cách mạng Tháng Tám. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ văn bản nào của Nhà nước (cấp
quốc gia) công nhận đó là quốc tự. Ngay cả tiếng Việt cũng chưa được ghi trong
hiến pháp là ngôn ngữ quốc gia...”.
Ý
kiến của GS.TS Đinh Văn Đức khiến không ít người ngỡ ngàng tại hội thảo “Xây dựng
chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền
thông đại chúng”, khai mạc sáng 21-12 tại TP.HCM. Hội thảo do ba đơn vị phối hợp
tổ chức: báo Thanh Niên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) và
Trường ĐH Sài Gòn.
Nêu
ra những thiếu sót vĩ mô trong cách ứng xử với tiếng Việt như thế, GS Đinh Văn
Đức cho rằng: “Do vậy, tính tự phát trong sử dụng ngôn ngữ và văn tự là tất yếu
khi vắng bóng hành lang pháp lý và những chế tài điều chỉnh các hành vi”.
Lộn xộn ngôn ngữ trên biển hiệu
TS
Nguyễn Hồng Cổn trình bày tình hình sử dụng ngôn ngữ và chính tả hiện nay thông
qua khảo sát thực tế từ 120 biển hiệu các cửa hàng tại phố Mã Mây, Hà Nội. Qua
đó, chỉ riêng việc viết địa chỉ cơ sở trên biển hiệu, ông đã ghi nhận có đến 23
trường hợp không thống nhất về chính tả.
Thực
tế này được TS Cổn gọi là đáng báo động, và ông đề xuất nên có quy định thống
nhất về cách sử dụng ngôn ngữ trên biển hiệu, cũng như quy định chính tả cho
ngôn ngữ biển hiệu dựa trên chuẩn chính tả chung. “Chúng ta vốn đã lộn xộn
trong kiến trúc rồi, nay các biển hiệu cũng lộn xộn về ngôn ngữ nữa thì bộ mặt
xã hội không đẹp” - ông nhấn mạnh.
Với
cách tiếp cận gần tương tự TS Nguyễn Hồng Cổn, ThS Đinh Xuân Hảo tiến hành khảo
sát các “bảng truyền thông” (bảng hiệu, bảng quảng cáo, bảng thông tin, yết thị,
biểu ngữ) và đưa ra báo động về lỗi chính tả trong các trường hợp này.
Bà
Hảo nêu hàng loạt ví dụ thực tế về sai chính tả, từ những lỗi nho nhỏ xuất phát
từ cách phát âm vùng miền như “hoa quả rầm”, “quà niu niệm” đến những lỗi lớn
khó chấp nhận như dòng chữ “Văn phòng HĐND tỉnh Bạc Liêu đang khuẩn trương hoàn
tất các công việc...”.
Đặc
biệt, bà Hảo đã dẫn “Báo cáo tình hình chính tả văn bản tiếng Việt” do Viện
Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty CP truyền thông và
công nghệ VieGrid công bố ngày 28-7-2010 cho thấy tỉ lệ lỗi chính tả trung bình
của văn bản tiếng Việt là 7,79%, cao gần tám lần so với chuẩn 1%.
Hội
thảo sôi động hẳn lên khi GS Đinh Văn Đức đưa tờ báo Thanh Niên làm dẫn chứng:
“Ngay trang 20 số báo ra hôm nay còn đăng một đoạn tiếng Anh mà không dịch ra
tiếng Việt”.
Ông
Đức nêu một quan điểm thuộc chuyên môn ngôn ngữ học là “nguyên tắc tôn trọng
tuyệt đối bản ngữ” để nhấn mạnh “tôi phản đối cách làm này”. Và cách ghi, phiên
âm tiếng nước ngoài như thế nào vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau giữa các
nhà chuyên môn.
GS
Nguyễn Minh Thuyết đề xuất Chính phủ có thể giao cho Viện Khoa học xã hội VN chủ
trì xuất bản hằng tháng một tài liệu hướng dẫn cách phiên âm các tên riêng nước
ngoài mới xuất hiện để thống nhất sử dụng trong phạm vi toàn quốc.
Rất cần có Luật ngôn ngữ
Các
ý kiến tham luận gặp nhau ở tinh thần đề dẫn được TS Nguyễn Hữu Chương nêu rõ:
Nhiệm vụ chính của hội thảo này không phải là bàn về vấn đề cải tiến chữ quốc
ngữ mà là đưa ra ý kiến hợp lý để Nhà nước đề ra một chuẩn chính tả thống nhất.
Theo
tinh thần đó, TS Nguyễn Minh Thuyết kiến nghị Chính phủ “cần sớm ban hành quyết
định chính thức về bảng chữ cái tiếng Việt và tiếng các dân tộc đã có chữ viết,
về một số quy tắc chính tả còn thiếu hoặc chưa thống nhất”. Ông cũng lưu ý về
trường hợp đưa hay không đưa các ký tự f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt rằng:
việc bổ sung chữ cái vào bảng chữ cái không thuộc thẩm quyền cấp cục hay cấp bộ
(...) mà ít ra phải do Chính phủ quy định.
Bà
Đinh Xuân Hảo nhắc lại “trong vòng 20 năm qua, các cơ quan có thẩm quyền đã
liên tiếp ban hành các quy định khác nhau về văn bản tiếng Việt”, và nhấn mạnh:
cần sự ra đời của Luật ngôn ngữ để định hướng cho mọi hoạt động ngôn ngữ thống
nhất theo đúng chuẩn.
TS
Võ Văn Sen cũng cho rằng sau 400 năm hình thành và phát triển, một số vấn đề về
chính tả tiếng Việt cần xem xét lại dưới góc độ khoa học và xã hội, tránh việc
trong một quốc gia thống nhất lại có hai, ba hình thức chính tả khác nhau.
Ủng
hộ quan điểm này, nhà nghiên cứu Trần Chút trong phần phát biểu kết luận hội thảo
đã cho rằng: “Luật ngôn ngữ chắc chắn là một công cụ quan trọng để bảo vệ và
phát huy “linh hồn dân tộc” của cộng đồng các dân tộc anh em trong đại gia đình
Tổ quốc VN”.
Tên riêng Trung Quốc, Nhật, Hàn nên viết thế nào?
Rất
nhiều vấn đề từ thực tế chính tả được các đại biểu nêu ra đã góp vào bức
tranh sử dụng ngôn ngữ và thể hiện chính tả còn đang rất ngổn ngang.
TS
Đoàn Lê Giang đề xuất cách viết tên riêng các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật
Bản không theo cách phiên âm Hán Việt. Theo đó, đối với trường hợp Trung Quốc,
tên người, tên đất trong thời kỳ từ đầu thế kỷ 20 trở đi thì không nên đọc/viết
theo phiên âm Hán - Việt, như thế khiến cách nói và cách viết của chúng ta có
vẻ dị biệt, không giống với thông lệ quốc tế, không thể hiện đúng tên người,
tên đất Trung Quốc và tạo ra cảm giác gần gũi không cần thiết.
Ông
nói: “Nhân danh địa danh ở thời kỳ “đồng văn” (từ thế kỷ 19) nên nhất loạt
dùng phiên âm Hán - Việt. Chúng ta sẽ đọc/viết là Khổng Tử, Giả Nghị, Đào
Uyên Minh, Đỗ Phủ, Tương Giang...Như vậy chúng ta vẫn đọc thơ Nguyễn Trãi
theo âm ấy: “Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ/Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh” mà
không cần đọc là “Đầu tiếc đội mòn khăn Du Fu/ Tay còn lựa hái cúc Yuan
Ming”!...Nhưng tên riêng Trung Quốc thời kỳ tình trạng “đồng văn” chấm dứt (từ
đầu thế kỷ 20 trở đi), chúng ta nên đọc/viết theo đúng âm Bắc Kinh (bính âm).
Nếu chưa thực hiện được ngay thì tên riêng Trung Quốc đương đại (từ sau 1979)
nhất thiết phải đọc/viết theo quy tắc ấy”.
Còn
trường hợp Nhật Bản và Hàn Quốc thì ông đề xuất nên đọc/viết theo chữ phiên
âm Latin/Romaji của tiếng Nhật, Romaja của tiếng Hàn.
|
LAM
ĐIỀN
Nhận xét
Đăng nhận xét