NỖI LO CHÍNH TẢ

NỖI LO CHÍNH TẢ

Sự lẫn lộn trong phát âm và thói quen nói sao viết vậy, dẫn đến chuyện thường xuyên viết sai chính tả, làm đau đớn, xót xa biết bao cho chuyện “chữ nghĩa”!
1
Tuần báo Thể Thao Và Văn Hóa Cuối Tuần (Chuyện vỉa hè: Này thì chữ!) đã đăng bức ảnh làm bằng chứng về chuyện có bức thư pháp xuất hiện trong “chợ chữ” xuân Nhâm Thìn 2012 tại Hà Nội, rao bán đôi chữ Hán “Nỗ lực” bằng mực tàu, kèm theo chú thích bằng tiếng Anh là “The Word: Effort” và bằng tiếng Việt là ... “Lỗ Lực”! Hóa ra “ông đồ” nhà ta có thể viết đúng (khoan bàn đến khoản viết đẹp, càng khoan bàn đến chuyện thư pháp) chữ Hán nhưng lại viết không đúng tiếng ta!

Có giai thoại tại một trường nọ: mượn ý người xưa từng chép “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu. Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, một anh cán bộ viết bài thu hoạch, khi bàn về phẩm chất người công bộc của nhân dân thời nay, đã hạ bút viết liền mấy chữ “no trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”! Có thể do tình ngay lý gian nhưng giấy trắng mực đen làm sao tránh khỏi chuyện bị điểm 0 vì cái nội dung “phản động” này!

Còn đây là giai thoại của tuổi nhỏ: một em học sinh mếu máo lúc cầm bài tập làm văn bị một cặp trứng ngỗng, hóa ra khi ca ngợi nghề dạy học, em lại viết ra câu văn “gây chết người” như sau: “Cô giáo em say mê chồng người”! Ðồng bào ta, nhiều người thường viết sai câu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Không phải là xử như một lời tuyên buộc phải thi hành mà chính là sử, tức sai bảo: Vua bảo bầy tôi phải chết, nếu không chết là bầy tôi bất trung, cha bảo con cái phải chết, nếu không chết thì con cái bất hiếu!
Ngoài Hà Nội, trên phố Hai Bà Trưng có bảng quảng cáo: “Chất Lượng Tạo Lên Sức Mạnh”. Tại TP.HCM, đường Nguyễn Trãi, có biển hiệu nơi phòng mạch một bác sĩ, dưới cái tên riêng là mấy dòng định danh: “Tiến sĩ y học - thầy thuốc u tú”. Cư dân mạng đã cất công chụp ảnh và công bố biết bao bảng hiệu, biển báo “cười ra nước mắt” như: Tẩm quất thư dãn/ thư rãn (giãn), Lấy dáy (ráy) tai, Cấm kinh doanh, dịch vụ, bày bán hàng dong (rong) trên vỉa hè, Sin (Xin) đừng đốt (rác), Sôi (Xôi) thịt bánh bao, Nước ép trái cây - hoa quả rầm (dầm)... Một du khách đã chụp được bức ảnh ở đền Ðô (Bắc Ninh) ghi lại tấm bia khắc bản dịch Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ (được tiến cúng vào năm 2009) trong đó có câu: “Trẫm rất lấy làm đau sót về việc đó, không thể không dời đổi”. Còn bạn đọc một tờ báo điện tử đã phải lên tiếng khi bắt gặp tại lễ hội đền Hùng tháng 4-2010, người ta đã cho treo một băngrôn nơi tổ chức hội thi với dòng chữ “Nấu Bánh Trưng, Giã Bánh Giày”... Ngay cả báo chí cũng không ngoài cuộc chơi: nọ là bài báo in có tít “Doanh nghiệp công nghệ thông tin TP.HCM: Nóng nòng (lòng) chờ hỗ trợ”, kia là trang báo mạng với tựa đề: “Xăm hình con rao (dao) hai lưỡi!”...
3
Nhưng đáng lo hơn cả là chuyện chính tả ngay trong nhà trường, vốn là nơi tôn nghiêm về chuẩn mực. Ngày 1-10-2007, Sở Giáo dục - đào tạo Kon Tum xác nhận đã để xảy ra một số sai sót trong việc kiểm tra, đánh giá và khảo sát chất lượng học sinh đầu năm học 2007-2008, trong việc ra đề thi và đáp án môn ngữ văn lớp 6 và 7. Trong đó có sự cố tại đề 472, phần tự luận yêu cầu học sinh viết thuộc lòng hai khổ thơ cuối của bài thơ Lượm (Tố Hữu), đáp án và hướng dẫn chấm môn ngữ văn lớp 7 lại viết là “Chú bé loắc choắc” trong khi sự thật là “Chú bé loắt choắt” (xem Tuổi Trẻ số ra ngày 2-10-2007).

Một phụ huynh đau đớn kể lại câu chuyện đứa con gái học lớp 5 khi viết văn, bị cô giáo sửa hết mấy chữ vầng (trăng) thành vần, và dĩ nhiên kèm theo là điểm trừ. Người mẹ chỉ còn một nước đi “méc” ban giám hiệu nhưng xin được “bảo mật thông tin” vì sợ con bị... hành hạ!

Những năm 1990, Trường Huấn luyện cán bộ Ðội (Thành đoàn TP.HCM) khi phối hợp hằng năm với Trường trung học Sư phạm TP.HCM để đào tạo tổng phụ trách Ðội, đã phát hiện không ít giáo sinh trúng tuyển vào sư phạm nhưng vẫn không thể viết đúng chính tả một số vần có âm đệm, có nguyên âm phức như loanh quanh, khúc khuỷu, ngoằn ngoèo... Vấn đề là một năm sau, nhiều người trong số đó đã trở thành thầy cô đứng lớp dạy cho trẻ đánh vần, ghép chữ!
Vậy thì làm sao để tránh không còn xảy ra những “Ðơn xin ra (gia) nhập Ðoàn”, “Hội thi thanh niên giỏi nghề lông (nông)”, “Em sinh (xinh) em đứng một mình cũng sinh (xinh)”...? Thiên hạ bày nhau ngoài thói quen sử dụng từ điển, cần phải chăm đọc sách. Chỉ có điều nhớ phải “chọn mặt... gửi nhà xuất bản” vì cũng không thiếu những quyển sách đầy lỗi chính tả. Nên có bậc phụ huynh “vì tương lai con em chúng ta” đã cất công sửa lỗi morát tất cả các cuốn sách trước khi chuyển cho con cái đọc! Thật đáng khâm phục!


DUYÊN TRƯỜNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến