CÂN NHẮC KHI DÙNG TỪ HÁN VIỆT


CÂN NHẮC KHI DÙNG
TỪ HÁN VIỆT
Mới đây, người viết bài này nhận được tấm thiệp cưới, ở mục hôn chủ đứng tên mời cưới ghi hai bên ông bà thông gia: "Ông góa vợ - Bà quả phụ".

Nhiều người cảm thấy buồn cười, bàn luận sôi nổi, cho rằng dùng cụm từ "bà quả phụ" ghi trên thiệp cưới trang trọng như vậy là chuẩn rồi, nhưng dùng cụm từ "ông góa vợ" nôm na quá, chưa phù hợp, chưa đăng đối. Nhưng khi được hỏi: thế phải dùng từ gì cho tương xứng thì tất thảy mọi người có mặt đều lúng túng, không biết chọn từ nào để thay thế.

Thực ra, trong tiếng Việt thì từ "quả phụ" là một từ Hán Việt khá thông dụng, quen thuộc, hầu hết mọi người đều hiểu nghĩa và sử dụng trong trường hợp trang trọng với nghĩa là: "người đàn bà góa"; trong đó, từ "góa" nhằm chỉ người chưa được nhiều tuổi hoặc hãy còn trẻ mà "có chồng hay vợ đã chết". Nhưng chắc vì tìm trong vốn từ tiếng Việt không có từ Hán Việt nào chỉ người đàn ông mất vợ, tương ứng với từ "quả phụ", nên người viết đành phải dùng từ "góa vợ" để ghi lên thiệp cưới như trên.

Trong từ vựng tiếng Hán, có từ "quan phu" nghĩa là "người góa vợ", tương ứng với từ "quả phụ", khá phù hợp khi dùng trong trường hợp trang trọng. Nhưng có lẽ từ này ít thông dụng trong tiếng Việt, không phổ biến nên ít người biết để sử dụng.

Tương tự, có lần anh trưởng phòng hành chính trường tôi viết thông báo tin buồn trên bảng tin: "Cha chồng cô X. đã mất..." mà lúng túng không tìm ra từ tương ứng với từ "nhạc phụ" (cha vợ), "nhạc mẫu" (mẹ vợ) trong trường hợp cần phải thể hiện sắc thái trang trọng này.

Rõ ràng, vì nhiều lý do (sẽ bàn trong một dịp khác) mà những từ Hán Việt "nhạc phụ", "quả phụ" trở nên thông dụng, còn những từ tương ứng chỉ cha chồng, người góa vợ lại không phổ dụng trong tiếng Việt.

Cũng về trường hợp dùng từ Hán Việt, mấy hôm nay dư luận dậy sóng phản ứng khi biên tập viên bản tin tài chính - kinh doanh phát trên VTV1 (ngày 17-8) gọi những người bán hàng rong là "sống ký sinh trùng".

Từ Hán Việt "ký sinh trùng" vốn đơn thuần chỉ những động vật bậc thấp, sống trong cơ thể các sinh vật khác, hút chất dinh dưỡng từ cơ thể các sinh vật ấy, như "ký sinh trùng sốt rét"... Chỉ dùng riêng từ "ký sinh" để chỉ những người bán hàng rong đường phố vốn đã là không phù hợp vì "ký sinh" có hàm nghĩa tiêu cực là "ăn bám" vào cơ thể các sinh vật khác, như kiểu nói mang sắc thái nghĩa âm tính: "giun sán ký sinh trong ruột động vật".

Chưa bàn đến việc mắc lỗi cơ bản sai ngữ pháp khi sử dụng tổ hợp "sống ký sinh trùng", mà chỉ riêng việc biên tập viên dùng từ "ký sinh", "ký sinh trùng" để chỉ những người bán hàng rong trên đường phố không những phạm lỗi dùng từ không đúng phong cách, sai về ngữ nghĩa, mà còn mang nội dung hạ thấp một cộng đồng dân cư mưu sinh lương thiện.

Thực ra, xét về nghĩa gốc, yếu tố Hán Việt "ký" trong các từ trên vốn mang nhiều nghĩa, trong đó có nét nghĩa là "nhờ": "sinh ký" là sống nhờ, sống gửi, "ký thác" là "gửi nhờ trông nom, giữ gìn"... nhưng nét nghĩa âm tính "ăn bám" đã vượt trội hơn, lấn át các nghĩa khác gây nên phản ứng ngoài mong muốn một cách ầm ĩ từ dư luận mấy hôm nay.

Trong trường hợp trên, thận trọng hơn thì không dùng từ Hán Việt "ký sinh" mà nên dùng cụm từ có sắc thái trung hòa "mưu sinh trên đường phố" sẽ phù hợp hơn.

Cho nên, cần cân nhắc dùng từ thuần Việt hay Hán Việt trong từng ngữ cảnh cụ thể; sử dụng từ Hán Việt sao cho đúng chỗ, đúng lúc, đúng sắc thái, có hiệu quả là điều cần thiết để giữ gìn và tôn vinh sự tinh tế, trong sáng của tiếng Việt. Không nên lạm dụng từ Hán Việt hoặc theo phong trào, hoặc cho ra vẻ "thời thượng", mà cần cẩn trọng, câu chữ cặn kẽ, thấu đáo để đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất, tránh vô tình gây nên những hiệu ứng ngược từ dư luận không đáng có như trường hợp trên.

ĐỖ THÀNH DƯƠNG


Nhận xét

Bài đăng phổ biến