NHỮNG CÁCH BÌNH THƠ – Lữ Vân



NHỮNG CÁCH BÌNH THƠ 

Người xưa bình thơ là thưởng thức thơ một cách trang trọng và nhận ra nỗi lòng của nhà thơ gửi vào tác phẩm.

Có người làm xong một bài thơ, phải khăn gói lên đường tìm đến bạn tri kỷ, tri âm để nhờ đọc và bình.Người bạn tri kỷ ấy nhã nhặn mời bạn mình vào thư phòng, pha ấm trà ngon, uống chung rượu quý, xông chút trầm hương, chuyện vãn đôi câu rồi mang bài thơ của bạn rung đùi ngồi ngâm lên, để mắt xem,miệng đọc, tai nghe ngấm vào lục phủ ngũ tạng từng chữ, từng câu.Sau khi thưởng thức rồi mới trầm ngâm, lấy bút son khuyên tròn vào một chữ thơ đắc địa gọi là 'thi nhãn' hay 'con mắt thơ'. Chính cái chữ ấy là tâm điểm bài thơ, như tâm điểm của vũ trụ, vốn vắng lặng chân không mà điều hành cả ba ngàn thế giới.Xong mới khe khẽ nói vài câu về nỗi lòng của bạn mình đã gửi vào thơ.

Lưu Hiệp đời Lương- Trung Hoa đã có câu nói được các thế hệ làm thơ trước thường nhắc:" Làm thơ không phải là sự phấn đấu nhất thời mà là tấc lòng gửi vào thiên cổ".

Nhà thơ Tô Đông Pha, một danh sĩ đời Tống, đã từng ngậm ngùi:" Thơ từ tạng phủ mà ra rồi trở lại làm sầu tạng phủ".

Như thế, đối với lớp người xưa, thơ chính là tiếng lòng của thi nhân.Người đọc thơ nhận ra tiếng lòng ấy, người ta gọi là người Mắt Xanh; không nhận ra, được cho là người Mắt Trắng, có đôi mắt trắng dã như vôi.

Mộng Liên Đường Chủ Nhân, trong bài Tựa viết cho Truyện Kiều của Nguyễn Du có đoạn:

" Trong trời đất đã có người tài tình tuyệt thế, tất thế nào cũng có việc khảm kha bất bình.Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê, đó là cái căn nguyên của hai chữ đoạn trường vậy"
"... Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ đến ngàn đời, thì tài nào có bút lực ấy..."

Trong lúc những nhà nho đời Tự Đức, Minh Mạng triều Nguyễn cho Truyện Kiều là một tác phẩm 'dâm tình' khuyên phụ nữ không nên đọc, thì cái nhìn của Mộng Liên Đường quả là cái nhìn của người có con mắt xanh.

¤

Mỗi quốc gia, mỗi thời đại đều có tiếng thơ riêng.Ở Việt Nam, từ thơ cổ điển sang thơ mới, thơ tự do, thơ tân hình thức rồi thơ hậu hiện đại.Trong lúc ấy, ở phương Tây, sau thơ hậu hiện đại đã phát sinh ra một loại 'thơ-chống-thơ'.Bài thơ đôi khi chỉ có mũi tên hay trang giấy trắng.Thơ không còn dùng từ ngữ mà chỉ là những ký hiệu, biểu tượng, ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Thơ thay đổi nên việc bình thơ cũng khác. Với những bài thơ 'tương tác', người đọc có quyền thay đổi ký hiệu, mẫu tự, sắp xếp lại để trở thành một bài thơ mới, người chế tác và người đọc là đồng tác gỉa.( Xem thêm Làm Mới Thơ- Đỗ Hồng Ngọc- Nguồn xunau.org).

Cũng may, lối thơ xếp đặt ấy chưa hợp với tâm thức Việt Nam.Trên các trang web, người đọc vẫn yêu thích các bài thơ cổ điển lẫn hiện đại.Mỗi trang web có một số độc giả yêu thơ khác nhau và những cách góp ý, phản hồi, bình thơ cũng khác nhau.Có trang bình thơ nghiêm túc, có trang thượng vàng hạ cám.

Tựu trung, có những cách bình như sau:

- Khen ngợi, chia sẻ hoặc đồng cảm:
" NĐH cũng thích hai câu này:
Hai tay ôm xíu xìu xiu
Gió nồm em gửi theo diều bay đi

Một cách viết hồn nhiên, giản dị nhưng lại mang chở rất nhiều tình cảm của người viết, lối dùng chữ rất riêng mà lại dễ thương, cứ giữ lấy những điều này.Bữa nay tạm gọi là thơ "made by Thu Trang" nhe (hihihi)"
( Bình bài thơ 'Thơ Gửi Tặng Người Anh Đồng Hương' của Thu Trang- Nguồn: nthqn.org).

- Nửa khen, nửa đùa, có tính hài hước:
" Hai câu đùa rất NĐH " sáu mươi mười sáu khác gì nhau" hèn chi lốc cốc tiên sinh chỉ ngửi là biết thơ ai liền.

Hai câu cuối rất cảm động "cũng may còn có em bên cạnh, nhổ cho sợi tóc bạc trên đầu" chỉ không biết nhân vật "em" là ai, nghi là một mũi tên giết hai ba con chim quá!"
( Bình bài thơ "Sáu Mươi" của Ngô Đình Hải- Nguồn: nthqn.org)

- Cốt chọc cho vui:
" Tội cho anh lỡ vội yêu
Hình hài thân xác ít nhiều hư hao
Trái tim còn mãi nao nao
Cho nên thân xác hư hao ít nhiều

Híc... híc...Tậu cho nhà thơ tình iu quá hà!"
( Bình bài thơ "Đêm" của Trần Dzạ Lữ- Nguồn: xunau.org)

- Áp đặt, cố ý nói ngược ý thơ tác giả:
" Đọc qua bài thơ, T... thấy anh HNN viết như ri "dịu dàng như con trai Huế". T thấy hơi lạ vì chữ "dịu dàng" để chỉ con gái.

Dĩ nhiên T không nói đúng hay sai chỉ nghe hơi là lạ! Theo T dịu dàng có thể là sweet, nice, harmonious...

T thường nghe: he's a nice guy, he's so sweet...nhưng mà trong văn chương VN, chữ dịu dàng dành cho con trai thì T ít nghe, mong được chỉ điểm.

Nói về joke thinking thì khi đọc bài này T đã ngĩ anh HNN chê trai Huế lại cái ( dịu dàng) trai Hà thành thì lưng dài tốn vải... thôi thì trai BĐ là tuyệt!

Nhưng khi đọc lời bàn, anh đã viết là nghĩ đến Thầy NM Giác thì T càng cười hơn... Thầy Giác như rứa (ngoại hình) mà lấy cô Diệu Chi như rứa (ngoại hình) thì trai BĐ ghê gớm thật đấy...

Nói là nói vậy cho vui, chứ vợ chồng là chuyện duyên nợ trời cho.
Ngày xưa các cụ dạy rằng trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy...Chắc BĐ không có cỏ nên trâu BĐ gặm cỏ Huế đấy thôi!"
(Bình bài thơ " Con Trai Bình Định" của Hồ Ngạc Ngữ- Nguồn: cuongde.org)

Còn nhiều cách bình thơ khác nhau, nhưng đa số là những lời trao đổi vui đùa là chính. Dù sao sự góp ý, phản hồi hay bình thơ của một người đều biểu lộ góc nhìn, tính cách, trình độ thẩm mỹ thơ và trình độ văn hóa, giao tiếp của người ấy.

Đâu đó ở những trang web, thỉnh thoảng ta vẫn gặp những lời bình ẩn chứa ác ý, đố kỵ, làm tổn thương người khác, thay vì bình thơ lại đi bình... người. Có lẽ, những đôi mắt trắng dã mới đọc thơ như vậy.



Nếu yêu thơ, có lẽ nên tránh 'xả rác', để sân chơi tươi đẹp hơn.

Lữ Vân

Nhận xét

Bài đăng phổ biến