MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC BÌNH THƠ – Phạm Quang Trung



MỤC ĐÍCH 
CỦA VIỆC BÌNH THƠ 
Có sáng tác tất có thưởng thức, hơn thế có những ý kiến bàn bạc, trao đổi về sáng tác. Cho nên, dầu phê bình văn chương như một bộ môn tương đối độc lập trong khoa nghiên cứu văn chương mãi sau này mới ra đời, nhưng cảm thụ và thẩm định tác phẩm như một bộ phận hợp thành của đời sống văn chương thì có thể nói được nảy sinh cùng với bản thân văn chương.
Trước hết, phê bình tức là tuyển chọn. Tuyển chọn các bài thơ hay đưa vào tuyển tập là một động tác phê bình. Lê Quý Đôn nói rõ 5 “lệ” mà ông tuân thủ khi biên soạn “Toàn Việt thi lục”. Chỉ qua một tuyển thơ “Trích diễm thi tập”, Lê Quý Đôn đã coi tác giả của nó Hoàng Đức Lương, một người sự nghiệp không còn truyền lại đầy đủ là một “danh sĩ”. Vậy nên, có thể xem những nhà làm tuyển lớn như Phan Phu Tiên, Dương Đức Nhan, Hoàng Đức Lương, Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích... là những nhà phê bình lớn. Trong lời Tựa “Hoàng Việt thi tuyển”, Bùi Huy Bích viết: “Tố thi nan, tuyển thi vưu nan” (Làm thơ khó, tuyển thơ càng khó). “Khó” chính là ở chỗ xem xét, đánh giá. Lưu Hiệp viết trong “Văn tâm điêu long”: “Thư tịch văn học là tinh hoa của đất nước, phải hiểu một cách sâu sắc, cẩn thận mới thấy hết sự huyền diệu của nó” (Báo Văn nghệ, Số 46/1989). Không phải ai cũng có thể hiểu “sâu sắc, cẩn thận”. Lỗ Tấn sau này từng chế giễu các nhà làm tuyển có “con mắt chỉ to bằng hạt đỗ xanh”, bỏ sót biết bao nhiêu tác phẩm hay. Trong quá khứ, hàng loạt những tuyển tập như “Việt Âm thi tập”, “Tinh tuyển chư gia luật thi”, “Trích diễm thi tập”, “Toàn Việt thi lục”, “Hoàng Việt thi tuyển”... đã ra đời, truyền đến chúng ta ngày nay những gia tài văn chương quý giá của ông cha.

Sau đó là công việc phẩm bình. Người xưa ý thức rất rõ về vai trò của công việc “bình duyệt” thơ. Nhiều ý kiến khẳng định trực tiếp. Lời Ngô Thế Vinh trong “Trúc Đường thi văn tập” là một dẫn chứng điển hình. Nghĩ về mối quan hệ giữa sáng tác và phê bình, Ngô Thế Vinh liên tưởng tới mối liên hệ giữa Bào và Chúc. Đó là hai chức quan thời xưa “cùng ở nơi lang miếu, củng cảm cách quỷ thần” nhưng mỗi người đảm trách một việc. “Bào trông coi việc bếp núc, Chúc trông coi việc tế tự”. Mỗi người một phận sự, không ai thay thế ai được, tất cả vì công việc chung. Khi một người trong số họ không làm, hoặc làm không đến nới đến chốn thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của người kia. “Chúc không làm việc của mình, Bào yên tâm được chăng? Bào không làm việc của mình, Chúc yên tâm được chăng?” [17, 217]. Lối so sánh sát hợp, có cơ sở vững vàng từ thực tế.

Việc phẩm bình một tác phẩm có ý nghĩa định hướng đối với thưởng thức rộng rãi của người đọc. Cao Bá Quát từng chỉ trích cái lối “không xét kỹ” cảu cầm bút khi vội cho “Hoa tiên” là “lối văn dâm đãng, khúc hát lẳng lơ” là cái thứ phê bình “đáng buồn cười biết mấy” [41, 150]. Vậy mà không ít người đã tin và nghe theo. Nếu ai cũng theo lối thưởng thức “khinh bạc” ấy thì giá trị của “hoa tiên” sẽ ra sao? Không thể tùy tiện phóng bút trog bàn luận văn chương. Khi ấy, tác hại sẽ khôn lường.

Do vậy, sự cẩn trọng, đức khiêm tốn không bao giờ thừa đối với người thưởng thơ, bình thơ. Đọc “Quy điền thi tập”, Nguyễn Thứ Phủ đã hơn một lần bày tỏ sự “kính cẩn” của mình khi đặt bút viết bài “Bạt”. Với ông, đây chỉ là một dịp may để “trộm” thể hiện lòng “ngưỡng mộ” của mình. Người làm thơ cũng với một thái độ tương tự. Một tài thơ như Ngô Thì Nhậm mà khi gửi những sáng tác mới của mình tới kẻ tri âm bao giờ cũng kèm theo những lời thật mềm mỏng, nhún nhường: “Mong anh phủ chính” và “bình điểm giúp” [17, 237-241]. Tự thâm tâm ông nghĩ thế, đâu phải lời nói đãi bôi.

Vậy người xưa xác định mục đích của việc bình thơ ra sao? Các danh nho thời trước thường là những bậc đại khoa, đọc nhiều hiểu rộng. Nhưng với thơ, họ đều chung một tâm sự: Thật khó đi đến tận cùng nghãi lý của thơ. Cao Bá Quát thú nhận: “Thơ thật là khó nói” [41, 151]. Ngay và những người tài trí được người cùng thời đề cao như Phạm Nguyễn Du cũng không mấy cả quyết khi bình phẩm thơ. Ông nói: “Hay và dở (của thơ) là điều tôi chưa thể tự tin” (Tạp chí Văn học, Số 5/1981, tr. 158). Thật ra, không riêng gì thơ, văn chương nhìn chung đều vậy. Những người có trách nhiệm luận bàn sức nặng càng đè nặng lên vai. Trần Cao Đệ viết: “Người viết đã khó, người đọc lại càng khó... Phương chi vừa đọc lại vừa bình”. Đúng như nhận thức của Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long”: “Tri âm thật là khó thay! Cái âm thực là khó biết, người biết thật là khó gặp. Gặp được người tri âm nghìn năm mới có một lần”.

Điều này cũng phù hợp với lý luận hiện đại về thơ và phê bình thơ. Nguyễn Phan Cảnh nói đến tính “nhòe về nghĩa” của ngôn từ thi ca [42]. Còn với R. Jakobson, thì coi “tính nhập nhằng” là “một đặc tính nội tại”, là “một hệ quả bắt buộc” của thông điệp thi ca [25, 28]. Do vậy ông tán thành với W. Empson: “Những phép bộc lộ về tính nước đôi là nằm từ bản căn của thi ca”. Với W. Empson, ngôn ngữ thi ca mang tính đa nghĩa. Đó là ưu thế nội tại của nó. Do đó, không thể phát hiện thông điệp thi ca được ngay mà cần phải tái phát hiện liên tục [33, 37]. Richards – Một nhà phê bình mới của Mỹ thì cho rằng: thơ hay nhất phải chứa những xung đột trái ngược và dung hòa chúng ở một “độ căng” nào đó [33, 39]. Trong tính cực đoan của những ý kiến này không phải không hàm chứa những điều đúng đắn.

Cái khó của bình thơ vậy là có nguyên do đồng thời từ hai phía, từ tính đa dạng của thơ và cả từ tính khác biệt của người thưởng thơ. Cùng hướng tới thơ Huyền Quang nhưng hai học giả Ngô Thì Sỹ và Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII lại có những đánh giá có phần ngược nhau. Ngô Thì Sỹ lấy thơ để minh chứng cho tư cách thiền giả của Huyền Quang. Trong khi Lê Quý Đôn lại cho thơ Huyền Quang “không có khẩu khí của người tu hành”.

Nhưng khó không có nghĩa là “bất khả tri”. Với thơ củng thời và thơ thời trước đều vậy. Cái quyết định là đem lòng để cảm hiểu lòng. Nói như Vũ Duy Thanh: “Nếu đem một điểm tâm linh soi rọi, thì tinh thần ngàn xưa xuất hiện ngay đây” [17, 75]. Ông còn nói: “Nghìn xưa nguyện đem lòng chiếu rọi”. Ở phương Tây thường coi việc thưởng thức văn chương là một loại hoạt động nhận thức. Ở Trung Quốc và Việt Nam, trái lại, xem việc đọc tác phẩm trước tiên là sự trải nghiệm tình cảm của người sáng tạo.

Trước hết, phải hiểu “tinh thần” của thời gian bộc lộ qua trang thơ. Hiểu đúng và hiểu rõ. Từ đó mới có cơ sở xem xét, đánh giá. Một tác giả vô danh viết rất đúng rằng: “Nỗi lòng ủy khúc của người xưa vào mọi lúc thích đáng đều ẩn ở bên trong thơ sách, chỉ nhờ ta tụng đọc mà thôi” [41. Nên đọc thơ đọc văn là cuộc tìm kiếm, phát hiện lâu dài. Mà đích là cái “tâm” của người viết. Đỗ Tuấn Đại tự hỏi: “Tìm thư văn ông (Lý Văn Phức) sao không đi tìm cái tâm của ông?”. Do đó, đọc thơ, Nguyễn Thứ Phủ gắng “thấy lòng”, gắng phát hiện ra “cái tinh thần” của người viết ở dưới ngôn từ, ở trong vần điệu.

Không phải người xưa không chú tâm tới cái hay, cái đẹp về mặt hình thức. Thi ca khác lời nói thông thường ở hiệu quả cao, ở sức chấn động sâu của lời thơ được gia công chọn lọc. Tuy nhiên, như lời Nguyễn Tư Giản xác định: “Không nắm được tinh thần của tác giả, thì khó mà phân biệt được thể cách của tác giả”.

Cái quyết định trong thơ là dụng tâm của người viết. Hãy bắt đầu từ đây, rồi mọi giá trị nghệ thuật sẽ dần dần được soi tỏ. Còn nếu bắt đầu từ giá trị hình thức thì con đường đi tới tác phẩm của người bình thơ, thưởng thơ sẽ gặp thuận ít mà nghịch nhiều. Thậm chí ngay cả việc luận bàn thơ cũng có thể trở thành vô nghĩa. Lê Hy Thường cầm tập thơ “đoạn mở ra xem, thấy như khua ngọc gõ vàng, lời lời đáng yêu, phong lưu uyển chuyển, có thừa cái chí hướng của thi nhân. Há chẳng phải ông đã tiến bộ về mặt kỹ xảo? Nếu chỉ vậy e chẳng cần tôi nói nữa” [17, 124]. Cái hay của lời thơ đâu phải dễ nói. Ngay khi nói được cái hay của lời, nói đúng nói đủ, cũng chưa phải đã đạt tới cái đích chính của việc bình duyệt. Đỗ Hạ Xuyên phân tích rõ hơn điều Lê Hy Thường mới gợi ra bằng sự phê phán nhẹ nhàng mà sâu sắc: “Tựu trung bỏ ngắn tìm dài, khen nhiều chê ít, mượn bút viết lời, cốt được lâm ly diễm lệ, chứ chưa rỏ được bản ý của tác giả”. Phải tập trung tâm trí làm “rõ được bản ý của tác giả” nếu không, “chỉ là sự lội qua văn mà thôi”. Đó cũng là yêu cầu đầu tiên đối với người dịch thơ. Phan Huy Ích khi dịch “Chinh phụ ngâm” đã không khỏi băn khoăn: “Vận luật của văn dịch không sao lột hết tinh túy của nguồn văn”. Các dịch giả có thể chia sẽ nỗi băn khoăn này của ông. Nhưng Phan Huy Ích đồng thời “tự tin mình đã suy diễn được rõ ràng ý của tác giả”.

Như vậy, cơ sở ban đầu để có thể “lột hết tinh túy của nguồn văn” đã có. Song nhận đúng ra bản ý của thi nhân quả còn nan giải. Nguyễn Cư Trinh giải bày: “Lòng người là vật khó lường, phát ra làm thơ, thành ra lời nói, đến nỗi có một chữ mà nghĩ ba năm mới được, giảng ngàn năm chưa xong, vì thế, tôi cho là khó”. Ẩn trong ngôn từ thi ca là tiếng lòng uẩn súc. Nhà thơ muốn tâm sự cùng người tri âm tri kỷ đương thời và hậu thế. Hạnh phúc của người làm thơ tùy thuộc vào việc cảm thông nỗi lòng của họ nơi người đọc nhiều hay ít. Trước kia, có nhà thơ sống suốt đời vẫn không được hưởng dẫu chỉ là chút ít nguồn hạnh phúc quý giá ấy. Họ đành hướng tới bạn đọc mai hậu. Nguyễn Du chẳng hạn. Đã có mấy người cùng thời cảm hiểu được lòng ông? Ba trăm năm sau liệu có ai nhỏ những giọt nước mắt cảm thông lên tác phẩm của ông? Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Vậy thì lời nói trên của Nguyễn Cư Trinh không có gì là quá đáng. Đó là nỗi buồn của những tấn bi kịch giàu ý nghĩa xã hội. Ngay cả niềm vui cũng không hoàn toàn dễ dàng cảm thông được hết. Đọc thơ, Hà Tông Quyền thành tâm bộc bạch: “Tôi không đủ phát hiện cái vui của hai ông” . Dẫu là thơ vui hay thơ buồn, sự xét đoán bao giờ cũng cần tinh tường, thích đáng. Hết sức tránh những lời bàn bạc mơ hồ, dông dài. Một tác giả vô danh xác định dứt khoát: “Đối với sách, thơ mà không tìm chứng cớ của nó, thì khó thông với ánh sáng huyền diệu của tấc lòng” . Đó là bởi, cũng theo lời tác giả, “lập ngôn” có khi “bất hủ” lại có khi “vô căn cứ”, cũng như “trước thuật” có khi “mở mang cho kẻ sau” lại có khi “lừa dối người đọc”. Đó là chưa nói lắm khi lời bình chưa tới là do sức học chưa đủ. Vì vậy câu thơ sau của Nguyễn Thượng Hiền vẫn luôn nhắc nhủ người đọc chúng ta: Xin đem tập thơ cũ đốt trước làn gió/ Dâng lên trời xanh hỏi ai người làm chủ thơ văn?/ Và đọc tác phẩm của anh ra sao thế nhỉ?

Đủ và đúng trong bình duyệt thơ còn bao hàm sự phát hiện ra những nét riêng biệt của tác phẩm và của nhà thơ. Vì “văn tự sau trước không giống nhau” (Ngô Thế Vinh). Ở những đầu óc thông thái của thời trước, bản sắc riêng của thi ca còn được xem là dấu hiệu của sự thành đạt, dấu hiệu của văn phong Đại gia. Đọc “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm sảng khoái đưa ra nhận xét: “Tiếng vàng tiếng ngọc, thực có thể gọi là nước thơ”. Rồi ông lưu ý: “Tựu trung, tìm ra khuôn mẫu văn chương to lớn, đáng gọi là thi gia, thì chỉ có các ông Thái Lã Đường (tức Thái Thuận, 1440 - ?), Bạch Vân Am (tức Nguyễn Bỉnh Khiêm, 1491 - 1585). Ngoài ra thật xa với vắng lặng” [23, 232]. Tài năng phải chín đến độ nào đó mới tạo lập nên phong cách. “Luận thi giả” không thể nào không chấp thuận mọi phong cách trong lúc dụng bút.
Có người nghĩ, cuộc đời vốn muôn vẻ, hãy gắng ghi nhận cho thật sát thực, ngòi bút ắt sẽ độc đáo. Ngô Thì Sỹ không tán đồng với cách nghĩ đơn giản ấy: “Giống như người thợ vẽ truyền thần, thần vốn có thể truyền, nhưng người vẽ nó thì lại càng nắm bắt hết được cái hình dung của nó”. Bản sắc riêng có được là do từ cả hai phía, bên trong và bên ngoài; trong đó cái bên trong mới quyết định.
Thấy được vai trò của bút pháp, người xưa rất có ý thức phát hiện ra những nét riêng khi thưởng thơ, bình thơ. Thế gian có phương châm “Tựu sự luận sự” (đến sự xét sự), thì với người phê bình cần phải “Tựu thi luận thi” (lấy thơ xét thơ). Thơ hay là ở vẻ độc đáo, mới lạ. Đọc thơ của các bậc nổi danh bên Trung Quốc, Phạm Nguyễn Du viết: “Đào tạm gần với sự đúng đắn, Khuất hơi quá về bi phẫn, Đỗ hơi thừa về cùng sầu, Lý phóng đãng mà buông thả, Bạch thất chí mà cao ngạo, Nguyên thì thấp hơn thế” (Tạp chí Văn học, Số 5/1981, tr. 158). Cái “thần” của thơ Đào Tiềm, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn trong quan niệm của Phạm Nguyễn Du toát lên từ toàn bộ những phẩm chất của nội dung được biểu lộ qua hình thức. Phạm Nguyễn Du đã tránh được cái nhìn duy mỹ, phiến diện khi bàn về phong cách. Nguyễn Dư, bậc tiền bối của ông, cũng đã phôi thai một cách xem xét tương tự: “Thơ ông Chuyết Am (Lý Tử Tấn) kỳ lạ mà tiêu dao; thơ ông Vu Liêu (Nguyễn Trực) mạnh mẽ mà kích động; thơ ông Tùng Xuyên (có lẽ là Nguyễn Tử Thành) như chàng trai xung trận, có vẻ sấn sồ; thơ ông Cúc Pha (Nguyễn Mộng Tân) như cô gái chơi xuân, có vẻ mềm yếu”.

Việc chú trọng tới cá tính của thi nhân trong bình thơ ở các nhà nho nước ta thật đáng được đề cao nếu có dịp đối chiếu với lịch sử phê bình Trung Hoa thời phong kiến. Thêm I. S. Lisêvich thì nhìn chung những lời bình phẩm văn chương ở Trung Hoa xưa kia “mang tính đưa đẩy... nhằm phục vụ mục đích chung là bàn qua về văn”. Tới nhà phê bình Chung Vinh “cá tính sáng tạo mới được ở vào trung tâm chú ý của tác giả và sự miêu tả cá tính đó mới được mở rộng và gồm nhiều bình diện”. Rồi nhà nghiên cứu cho rằng, có thể xem “Thi phẩm” là một trường hợp hiếm hoi “không điển hình cho tư tưởng văn học Trung Quốc”.

Tìm hiểu về đạo bàn luận thơ thời trước, ta thấy có nhiều điểm gần gũi đồng thời có nhiều điểm khác biệt thậm chí xa lạ với lối bình thơ thời nay. Cái chính là do quan niệm về chức phận của phê bình cơ bản không giống nhau.

PHẠM QUANG TRUNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến