ĐIỀU KIỆN BÌNH THƠ – Phạm Quang Trung



ĐIỀU KIỆN BÌNH THƠ
Vậy điều kiện để có những lời bình thơ hay ra sao? Sáng tạo nên những vần thơ hay được nhiều người thừa nhận thật không mấy dễ dàng. Ngay những bậc danh nho đầu óc thông thái hơn người cũng không dám xem thường người làm thơ. Phẩm bình cố nhiên phải có khen có chê. Khen, chê cũng đặt ra cả với thưởng ngoạn. Có những sản phẩm nào hoàn thiện tới mức không còn những sơ sót, khuyết tật? Song khen chê thì dễ, làm mới khó. Lê Hữu Trác và Bùi Huy Bích cùng xác nhận sự thật này. Lê Hữu Trác viết: “Nói thì d64 nh7ng làm lại khó” [41, 101]. Còn Bùi Huy Bích thì nói: “Hay làm đâu dễ hơn hay nói”. Ở phương diện khác, ý kiến sau của Trần Cao Đệ không phải không có cơ sở: “Người viết đã khó người đọc lại càng khó... Phương chi kẻ vừa đọc lại vừa bình. Liệu có đúng như vậy chăng?” [17, 222]. Trần Cao Đệ luôn nói tới sự đọc đúng, sự bình hay. Đòi hỏi đâu ít và thấp. Cái khó của bình duyệt thơ là thế.

Để có những lời bình thuyết phục, người xưa cho rằng cần lấy lòng để cảm hiểu lòng. Đọc thơ là chuyện “ý hợp tâm đầu” (Lương Khê), là duyên “bèo nước gặp nhau” (Đỗ Tuấn Đại). Cần có “con mắt xanh” giao cảm giữa người viết và người bình. Cả Bùi Dương Lịch lẫn Trúc đào Chủ nhân Tôn Hành Thị đều dùng hình ảnh sát thực này khi bàn về điều kiện của việc thưởng thơ, bình thơ. Hết thảy đều chì một mong mỏi “hiểu lòng nhau”, “thương tài nhau”, bởi lẽ “kẻ sĩ quý ở chỗ hiểu lòng nhau mà thôi”. Không cảm thông được với nhau sẽ không cảm hiểu được thi ca. Đó là lẽ cơ bản, bất di bất dịch. “Tôi – Trần Cao Đệ viết – ý niệm thiết tha nên hiểu được Hàn, tâm tư nồng cháy nên trông chờ ở Lý” [17, 234]. Ông còn nói phê bình là “bình duyệt” nhưng quan trọng là “tâm cùng nhau gặp gỡ... chứ nói gì tới duyệt và không duyệt” [17, 223].

Cái lẽ cơ bản này của đạo bàn luận gắn liền với điển cố quen thuộc về Bá Nha với Tử Kỳ. “Tri âm” có từ đấy và luôn được nhắc đến khi bàn về mối quan hệ giữa sáng tác và cảm thụ, phê bình. Thời trước và thời nay cũng vậy, người sáng tác rất khó tìm được kẽ “tri âm”. Đường Tăng đời Đường có câu: An năng đắc hoàng kim/ Chú tác Chung Tử Kỳ (Sao có được vàng/ Mà đúc làm Chung Tử Kỳ).
Dựa vào ý thơ này, trong bài thơ “Đề Bá Nha cổ cầm đồ” (Đề bức họa Bá Nha đánh đàn cầm), Nguyễn Trãi viết: “Chung Kỳ bất tác chú kim nan” (Không làm được Chung Tử Kỳ vì đúc vàng khó). Vì vậy, nói đến “tri âm”, Ngô Thì Sỹ cho là điều “may mắn”, “còn như nhắc chi ly đối với cái nhỏ nhoi của chữ nghĩa, cũng là tìm quẩn dẫn quanh... đó không phải là điều mong muốn của tôi” [17, 20]. Cũng có thể nói, đấy không chỉ là mong muốn của riêng Ngô Thì Sỹ đối với việc bình thơ. Ngô Thì Nhậm viết rất tâm đắc rằng: “Chỗ thần diệu (của thơ) là cốt ở tấm lòng để hiểu lòng mà thôi. Bởi vậy nếu tâm hồn và tâm hồn gần nhau, thì tất có cơ sở để nương tựa”. Có nơi “nương tựa”, lời bình sẽ dễ thấu lý đạt tình.
Sự cảm thông giúp người đọc “tưởng như chính mình bước chân đến tận nơi ấy” để rồi “các bậc Thánh Hiền hào kiệt cùng đi lại với ta và trở thành bạn tri kỷ cả” (Cao Bá Quát). Đấy là đối với cảnh và người trong thơ. Còn với cái tình của thi nhân? Một tác giả vô danh viết: “Đặt mình vào hoàn cảnh của họ... thì như đích thân nghe thấy tiếng dặng ho của họ”. Đấy là cái mà ngày nay ta gọi là “nhập thân”. Để tạo nên những trang sống động, người viết phải “hóa thân”, còn để tạo nên những trang bình sát thực, người đọc phải “nhập thân”. Tương tự, không chỉ nhà thơ mới cần “hứng” để sáng tạo. Hứng cần cho cả người bàn luận thơ. Miên Thẩm viết: Khi hứng tới một mình dạo bước ngoài cửa Nam thành/ Cùng tôi bàn thơ như duyên xưa hò hẹn.

Đó là chỗ khác biệt chính yếu của phê bình thi ca – một sản phẩm tinh thần đặc thù, với việc đánh giá các sản vật khác. Đã có nhiều bài học phản diện. Phạm Nguyễn Du từng giận Hoàng Phác “lượng hẹp hòi” mà “tình đơn độc”. Kết cục thật đáng trách: “Tình đơn độc cho nên không thể dung nổi người xưa; lượng hẹp hòi nên gặp ai là “mục hạ vô nhân”” (Tạp chí Văn học, Số 1/1980, tr. 152). Đây là căn bệnh trầm kha của không ít kẻ làm thơ làm văn. “Văn nhân coi rẻ lẫn nhau, từ xưa vẫn thế” (Trần Cao Đệ). Bên cạnh tâm lý “trọng mình rẻ người” là tâm lý “quý xưa rẻ nay”. Miên Thẩm thẳng thắn phê phán: “Thơ của người đời nay không bằng xưa, việc làm của người đời nay lại càng chẳng bằng xưa, phải chăng đấy là trọng xa khinh gần... Tại sao lại cho rằng thơ nay không bằng thơ xưa”.

Cần thoát ra khỏi lối mòn chật hẹp từng ngáng trở người đọc đến với  những vẩn thơ bay bổng, để rồi có thể sống tràn ngập trong cảm xúc buồn vui do tác phẩm văn chương đem lại. Một tác giả vô danh yêu cầu: “Đọc thơ nên có một phép tắc nhất định” [17, 53]. Phép tắc của đọc thơ phải phù hợp với phép tắc của làm thơ. Mà sáng tạo là “khạc máu làm câu, xé lòng làm chữ” (Phạm Nguyễn Du), “hoặc kêu hoặc gào, hoặc ca hoặc khóc” (Ngô Thì Sỹ). Do vậy, tác giả vô danh nọ kết luận: “Thơ làm rung động con người là như vậy đó. Người xưa sành đọc thơ cũng như vậy đó”. “Sành đọc thơ” cần như Quân Bác: Vỗ án khen tài bởi những câu làm kinh động lòng người [17, 105].

Cũng như Nguyễn Văn Lý đọc xong “Cao Chu Thần thi tập” thì “ngồi như ngây dại” và như Phạm Nguyễn Du đọc “Tập thơ nỗi nhớ buồn đằng đẵng” “như thấy ông (chỉ tác giả) đang khóc gào nức nở, vỗ ngực dậm chân, như thấy ông đang cười nói miên man, ôn tồn âu yếm, như thấy ông đang trải qua cái ngày gương vỡ” (Tạp chí Văn học, Số 1/1981, tr. 151).

Quy luật cảm thụ văn chương là thế: Từ cảm thông đến rung động, càng rung động càng tăng cảm thông. Tuy nhiên, bình thơ không đơn thuần là hoạt động cảm tính. Nguyễn Văn Siêu viết: “Học vấn còn nông cạn nên những lời thu thập không được xác đáng. Thu thập không được xác đáng thì sự nắm vững không được chuyên nhất. Sự nắm vững không được chuyên nhất thì lời người luận không tinh” (Tạp chí Văn học, Số 1/1976, tr. 146). Với Nguyễn Văn Siêu, “nghị luận” thi ca cũng là một nghề đòi hỏi sự “chuyên nhất”. Đã là một nghề thì phải trau dồi học hỏi. Mà thi pháp lại là một lĩnh vực nan giải. Một đầu óc uyên thâm như Bùi Huy Bích, với thơ, vẫn luôn cảm thấy “mờ mịt” do “chưa từng đi vào nghiền ngẫm dùi mài”. Rèn luyện có khi không đến đích, nhưng muốn tới đích lại không thể không rèn luyện.

Một khi đã có sở trường nhờ sở học thì cái quyết định lại là ý thức và thái độ của người nghị luận. Trước hết cần đọc cho kỹ, nghĩ cho sâu. Không thể “gãi ngứa qua giày”, “cưỡi ngựa xem đèn”, vì theo Trần Cao Đệ, “như vậy là chuốc lấy cái cười của người học rộng” [17, 223]. Ông còn nhắc lại câu nói của cổ nhân để củng cố lại quan niệm của bản thân: “Kẻ đọc sách của người xưa, xem một lượt là xong, tức là phủ nhận áng văn hay”. Với thơ người xưa thi kẻ bình duyệt dễ sơ sài, còn với thơ đương thời thì lại dễ tán tụng vô căn cứ.          Nguyễn Văn Siêu đã cảnh tỉnh: “Được nửa vế, một câu nghe được, đã đề cao nhau, lại tâng bốc rằng: “Tiếc cho đời nay không có thấy!”. Dù thấy Khổng, thầy Mạnh bây giờ có sống lại đi nữa, phỏng có ích gì cho bọn ấy?” (Tạp chí Văn học, Số 4/1976, tr. 146). Nên nhớ, những người cầm bút có lương tri cũng sẽ cảm thấy hổ thẹn khi đọc những lời tán tụng quá đáng thơ mình. Ví như Miên Trinh. Ông đã “bất giác thẹn thùng” khi đọc lời bình “hết ý khen ngợi” từ khúc của mình do Tử Dụ viết. Ông “đoán là Tử Dụ quá yêu... nên tạm thêm lời bình luận” [17, 220-221]. Những lời bàn luận kiểu ấy không có lợi, chỉ có hại. May là người   làm thơ đã không đến mức tự mãn. Gặp những nhà thơ ưa nghe những lời phỉnh nịnh thì cái hại của những lời bình kiểu đó thật không lường. Nhưng muốn cho lời nghị luận có chừng có mực thì lòng người phải sáng. Bùi Huy Bích rất có lý khi viết rằng: Chưa bàn tới sự chê khen đúng đắn sau tấm thân này/ Hãy hỏi xem sự phải trái rõ ràng ngay nơi trong dạ [17, 66].

Cuối cùng rồi lại trở về với cái “tâm” của người viết phê bình. Lòng phải sáng, tâm phải thuần nhất – đó là bí quyết của những lời phẩm bình thấm thía xưa nay.

PHẠM QUANG TRUNG



Nhận xét

Bài đăng phổ biến