BÀN VỀ TỨ THƠ – TS Nguyễn Thái Hòa


BÀN VỀ TỨ THƠ 

Vì thế, dù mới, dù lạ đến đâu thì trong thơ cũng rất cần sự vận động và chuyển hóa tự nhiên giữa ý và tứ.


*
Tứ thơ còn gọi là thi tứ, một từ khá quen thuộc với tao nhân mặc khách ngày trước và có lúc đã được dùng để dịch từ "inspiratio". từ "inspirato" còn được dịch là "cảm hứng", "thi hứng", nhưng không hoàn toàn tương ứng với khái niệm tứ thơ (thi tứ), một khái niệm hết sức hàm súc, phong phú mà nên văn hoá Á Đông lâu đời của chúng ta đã kết đúc được.
Tứ thơ hết sức quan trọng đối với người làm thơ. Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Lao động thơ, trước hết là kiếm tứ, làm thơ khó nhất là tìm tứ”, “ thường thường người làm thơ gặp phải bí, là bí tứ, chứ không phải bí ý hay bí lời” (N.T.H nhấn mạnh). Nhưng tứ là gì, tứ khác ý ở chỗ nào?

Theo Xuân Diệu, ý là “…suy nghĩ, khái quát nhận định”, cái này thì ai cũng có thể có, không riêng gí nhà thơ. Nhưng “khi ý “đầu thai” thành cảm xúc, tình cảm, ý ấy trở thành tứ, đó là tứ thơ”, “ý là chung của mọi người, tứ mới là riêng của mỗi thi sĩ” (Trích “Công việc làm thơ”, NXB Văn Học, tr. 117-118-120). Có thể phát triển cụ thể hơn ý kiến của Xuân Diệu là: Ý có thể chưa thành tứ, nhưng tứ bao giờ cũng có ý cộng thêm cảm xúc, nhạc điệu, hình tượng thơ từ cái nhìn riêng của nhà thơ.

Bằng kinh nghiệm của người làm thơ, Xuân Diệu chỉ nói đến cái ý, cái tứ thơ của toàn bài. Nhà thơ thường lấy cái ý, cái tứ trung tâm mà tỏa ra toàn bài, còn từ (lời) là “cái quan trọng thứ hai”. Thế nhưng người đọc thơ thì bao giờ cũng đi ngược lại với quá trình làm thơ: bắt đầu là từ rồi đến ý và tứ. Vậy là ngược chiều với nhà thơ đi từ đầu đến chân, còn người đọc lại men từ chân lên đầu. Và như vậy, ở mỗi dòng thơ, câu thơ, người đọc có thể lĩnh hội được những ý nhỏ, tứ nhỏ, tiến dần đến ý trung tâm của toàn bài thơ. Có lẽ ai đọc thơ cũng phải theo con đường độc đạo ấy. Có điều trong lộ trình này, ta khám phá ra sự chuyển động từ ý sang tứ, rồi tứ nâng lên thành ý và ý lại triển khai thành tứ mới lạ hơn, đẹp đẽ hơn. Cứ như vậy cho đến khi kết thúc. “ Thơ là hình thái nghệ thuật ngôn từ vận động trong thời gian”, một nhà nghiên cứu đã nói như vậy. Và quả đúng như vậy!

Xin lấy một bài thơ ngắn gọn, bài
thơ “Đợi’ của nhà thơ Vũ Quần Phương làm minh chứng, để thay cho nhiều minh chứng khác. Chỉ là minh chứng thôi, chứ không dám bình, vì bài này đã có nhiều người bình rồi.

Tòan bài thơ Đợi như sau:

Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, nay còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em.

Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy, lại bên này
Đợi em. Em đến? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi nơi đây.

Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em quen thành lạ.
Nước chảy . . .Kìa em, anh đợi em.

Mở đầu bài thơ bằng:
Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, nay còn chảy

Với ba dòng đó, thơ phác họa khung cảnh, nhân vật, nhưng cũng chỉ mới là ý, ai cũng biết và ai cũng có thể nghĩ được như thế. Nhưng tiếp theo là: Nước chảy bên lòng, anh đợi em, thì “tứ” đã xuất hiện: “ Nước chảy bên lòng”, chứ không phải nước chảy xuôi dòng nữa. Một nỗi niềm, một tâm trạng, một cái nhìn, một sự so sánh đánh giá riêng của một người, trong một tâm thế đặc biệt! Nước thì cứ chảy, chảy bên lòng anh, còn anh cứ đứng đợi.

Tứ đó được triển khai mở rộng thêm:
Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy, lại bên này

Thơ chẳng cần nói nắng nóng như thế nào, cũng chẳng cần nói ánh nắng gay gắt như thế nào. Vì cái tứ ấy cũng chính là cái ý muốn nói: nước chảy một chiều, còn nắng thì đủ cả hai phía cho đến khi tắt, nó cùng là dòng thời gian thêm vào dòng không gian nước chảy ở khổ thơ trên. “Cái nắng bên ấy, cái nắng bên này”cốt để dọn đường cho một tâm trạng băn khoăn, khắc khoải, đăm chiêu bên này, bên nọ trong lòng người đứng đợi:

Đợi em. Em đến? Em không đến?
Và rồi:
Nắng tắt, còn anh đứng mãi nơi đây.

Lúc này, chờ đợi đã mòn mỏi theo thời gian, lòng nặng trĩu, lời thơ chùng xuống với tứ thơ:còn anh đứng mãi nơi đây.

Đến đây, dường như ý và tứ đã cạn. Thơ dường như phải nghỉ hơi lấy sức, nên đã lặp lại câu mở đầu:
Anh đứng trên cầu đợi em

Nhưng lặp lại để tạo đà cho tứ thơ bay lên cao hơn nữa:
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em quen thành lạ.

Mới đợi một ngày thì còn yêu, rất yêu “lạ thành quen”, nhưng đợi cả đời thì “quen thành lạ”. TỨ thơ ấy có gì mới đâu? Ca dao đã có “Khi yêu, yêu cả đường đi/ Hết yêu, ghét cả tông chi họ hàng”. Nguyễn Du còn dữ dội hơn: “Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi” (Truyện Kiều). Có chăng cái mới ở Vũ Quần Phương là dẫu có phải đợi chờ mãi cũng không trách móc gì người yêu, không đến mức đổi tình yêu thành thù hận, mà nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng “em quen thành lạ”. Từ “em” được đặt ở giữa câu mới yêu thương da diết làm sao! Đến mức có người ngắt câu “Đứng một đời em” rồi chuyển luôn cả chủ thể bài thơ “anh” thành “em”. “Em đứng trên cầu đợi anh” và như thế sẽ trở thành một bài thơ khác mà ý trung tâm lại là sự thủy chung của Em chứ không phải của Anh.

Thất vọng, nhưng chưa đến mức tuyệt vọng như tiếng khóc “Diêu bông, hời! Ới Diêu bông!” trong thơ Hoàng Cầm. Giọng thơ nhẹ nhàng mà da diết trong “Đứng một đời em quen thành lạ” chính là chuẩn bị cho cái kết thúc chưa kết thúc ở một chút lé loi, phập phồng hy vọng:
Nước chảy . . .Kìa em, anh đợi em.

Cũng vẫn là ý, nhưng ý ấy chuyển thành một tứ lạ. Một sự ngạc nhiên, một viễn ảnh, một lời mời mọc: Kìa em, anh đợi em. Tứ thơ mở rộng đến mức như muốn nói rằng: dù bao nhiêu nước chảy dưới cầu, thời gian lặng lẽ trôi đi, dù em đã đổi thay chăng nữa, nhưng anh vẫn cứ đợi em, chờ em!

Đến đây bài thơ khép lại vì ý và tứ đã tràn đầy không cần thêm ( hay không thể thêm) một lời nào nữa. Bông hoa thủy chung đã nở tràn đầy, viên mãn! Ý chuyển thành tứ, tứ nâng ý lên, quyện vào nhau để tỏa hương dịu êm mà đằm thắm kì lạ.
***
Qua minh chứng trên, ta cũng thấy: Do cảm xúc và cái nhìn riêng tư với cách biểu đạt của nhà thơ, tứ thơ thường là “tiêu điểm nghệ thuật” (artist focus) của câu thơ, bài thơ. Về hình thức, có thể nhận ra đó là nơi hội tụ của những biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, giảm nhẹ, phóng đại. . .Còn ý thì được diễn đạt trực tiếp, “trần trụi”, không màu sắc như thế. . .Ý chuyển thành tứ và tứ chuyển thành ý mới, đó là sự chuyển đổi chức năng trong ngữ cảnh thích hợp, có khi không thể hiện ở hình thức diễn đạt trực tiếp. Trong một bài thơ, ý là cái khai mào cho tứ nảy sinh ( cũng có thể tứ xuất hiện trước). Đến lượt nó, tứ nâng cao thành ý mới và ý ấy chuyển hóa vận động thành tứ mới . . .Ý và tứ cứ vận động xoắn xuýt theo hình làn song: song cảm xúc, song nhạc điệu và hình tượng thơ quanh một trục tâm, hướng tới cái đích và làm thành một “kiến trúc nghệ thuật đầy âm vang” của ngôn ngữ. Có thể nhận ra làn song ấy ở bất cứ đoạn và bài thơ toàn bích nào, chứ không riêng bài này.

Nhà thơ tài năng là nhà thơ dồi dào ý, tứ và ưu việt trong chọn lời. Có điều không phải lúc nào ý và tứ cũng lộ rõ, có thể ở mạch nổi ( từ ngữ, cú pháp, hình tượng) mà nhiều khi nằm ở chỗ không lời, ở mạch chìm, ẩn khuất sâu.

Hiện nay, thơ của các nhà thơ trẻ đang rất ưa thích tạo ra chiều sâu đó bằng hình ảnh và ngôn từ mới lạ, bằng những tứ thơ tân kỳ (đôi khi kỳ quái) để gây ấn tượng. Cũng có thể đó là một cái mốt thời thượng của một số người ưa chạy theo mốt mới. Và cũng có thể là khát khao tìm cái mới, khát khao giải phóng mình khỏi những ràng buộc. Thơ phải mới, phải lạ! Lạ thì cũng lạ, nhưng nếu bài thơ không vận động thì giống như cái xác chữ không hồn, yểu mệnh mà thôi.

Vì thế, dù mới, dù lạ đến đâu thì trong thơ cũng rất cần sự vận động và chuyển hóa tự nhiên giữa ý và tứ. Sự vận động chuyển hóa ấy là nguồn mạch nuôi sống thơ, là hồn thơ khiến thơ trở thành một “sinh thể” nhạy cảm, biến hóa khôn lường, chứ không chỉ là bông hoa khoe sắc, hay một rô bốt biết nói năng, khóc cười theo một lập trình định sẵn.

Cái diệu kỳ, đẹp đẽ của thơ chính là ở chỗ luôn vận động theo một hướng nhằm một cái đích nhất định: ý và tứ trung tâm bài thơ. Nói như thế, tức là không tính đến những quan niệm coi thơ là “phi văn bản” và nhiều thứ “phi” khác.


NGUYỄN THÁI HÒA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến