PHÊ BÌNH THEO LỐI KHEN, CHÊ HAY NHẬN DIỆN? - Văn Giá



PHÊ BÌNH THEO LỐI 
KHEN, CHÊ HAY NHẬN DIỆN? 

Còn nhớ trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh công khai nói về công việc phê bình của mình với 2 ý quan trọng:

1. Khi phê bình chỉ biết đến thơ chứ không bị lệ thuộc vào việc yêu hay ghét nhà thơ (tác giả), mặc dù ngoài đời có thể có yêu ghét thật.
2, Khi phê bình chỉ phát hiện và tôn vinh cái hay trong thơ chứ không chê cái dở.

Bởi vì, theo ý Hoài Thanh, cái dở không tiêu biểu cho cái gì hết. Vì thế, nên cả đời làm phê bình, Hoài Thanh chỉ đi tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh thơ hay, chứ không thấy ông chê thơ ai dở bao giờ. Cũng là một cách.

Nhưng có người cho rằng phê bình văn học (PBVH) liên quan đến các giá trị hay /dở, đúng /sai, đẹp /xấu, đặc sắc/ tẻ nhạt...Vì thế, khi thấy dở mà anh không dám chỉ ra để cho tác giả / độc giả cùng thấy mà khắc phục thì còn gọi gì là PBVH nữa. Cho nên phê bình khen đã đành, nhưng phê bình chê cũng là cần thiết.

Cho đến ngày hôm nay, những cách phê bình này vẫn còn phổ biến. Có người chỉ khen, nếu cái gì không đáng khen thì im lặng, chứ quyết không chê. Có người lại chỉ có chê, chứ không biết hoặc không có lòng khen ai bao giờ. Còn đại đa số thì lại chọn cái cách khen một tí chê một tí theo công thức "rất được... tuy nhiên". Đại loại vậy. Việc khen/ chê thế nào thì tùy nhưng chắc chắc phải khen chê cho đúng. Nếu chê sai thì không có gì để mà bàn rồi, nhưng nếu khen sai thì cũng xem chừng "bằng mười phụ nhau", thậm chí còn có vẻ thớ lợ nữa. Cái quan trọng nhất khen chê phải cần có con mắt xanh, cần phải đích đáng (chữ dùng của nhà NCPB Hoàng Ngọc Hiến).

Tuy nhiên, PBVH hướng đến sự khen/ chê cũng chỉ là một lối thôi. Còn một lối khác không coi trọng cái sự khen chê mà coi trọng cái sự nhận diện, tức là gọi tên và định danh đối tượng phê bình (các tác phẩm, tác giả, vấn đề văn học). Mục đích của cách làm này cốt tập trung chỉ ra cho bằng được nó là cái gì và nó khác biệt như thế nào. Câu hỏi thứ nhất nhằm gọi tên đối tượng. Khi Xuân Diệu viết về Hồ Xuân Hương, ông định danh luôn là "Bà Chúa thơ Nôm". Hoặc khi Nguyễn Đăng Mạnh viết về Xuân Diệu, toàn bộ cốt cách thơ ca Xuân Diệu được nhà phê bình tóm gọn vào trong một định ngữ: "Nhà thơ của niềm khát khao giao cảm với đời". Chu Văn Sơn cũng rất giỏi khi định danh Nguyễn Duy là "thi sĩ thảo dân", Thanh Thảo là nhà thơ "nghĩa khí và cách tân"... Sau khi định danh được như vậy cũng có nghĩa là đã chỉ ra được cái riêng độc đáo của đối tượng, việc còn lại là so sánh, phân tích để chứng minh xem nó khác biệt như thế nào mà thôi. Nhất thiết phải so sánh với truyền thống và với đương thời. Nhưng ở những cái riêng độc đáo lớn còn cần được khẳng định chắc chắn hơn sau khi xem xét trong mối liên hệ với bối cảnh khu vực và quốc tế, với thời đại sau đó.... Như vậy, cách làm này không coi trọng lắm về chuyện khen/ chê, mà tập trung vào việc nhận diện cái đặc sắc khác biệt. Ở lĩnh vực nào không biết, chứ riêng trong nghệ thuật, cái đặc sắc khác biệt đã được xem là những đóng góp cho nền nghệ thuật dân tộc.

Việc lựa chọn lối phê bình nào trong số các lối kể trên không chỉ do quan niệm, mà phần nào còn do cái tạng của mỗi người viết phê bình. Có người thần kinh khỏe, họ không ngại cọ xát. Có người lại thích hiếu sự, thích cà khịa. Có người lại tâm tính nhu thuận, hiền hòa. Có người thích húc vào những đối tượng phức tạp...

Nhưng dù chọn lối phê bình nào đi chăng nữa thì yêu cầu quan trọng đầu tiên đối với các bài phê bình là không được phép nhạt (nhẽo). Mà chẳng cứ gì lĩnh vực phê bình người ta mới nhắc nhau như vậy...

VĂN GIÁ
*******************************************************************************************************

Nhận xét

Bài đăng phổ biến