CÁCH BÌNH MỘT BÀI THƠ - Vũ Nho



CÁCH BÌNH MỘT BÀI THƠ

Cái duyên bình thơ cũng giống như sự duyên dáng ở người phụ nữ. Có người năm mươi vẫn trẻ trung, có người chưa ba mươi tuổi đã “toan về già”.

Trong các hoạt động văn học yêu thích của mình, tôi bắt đầu bình thơ từ khi ở Liên xô về lại khoa Văn ĐHSP Việt Bắc. Bài thơ đầu tiên tôi bình là bài ca dao chỉ có hai câu:

Con dao vàng rọc lá trầu vàng
Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa

Bài bình được trình bày tại buổi dạ hội văn học của sinh viên và được hoan nghênh. Thế là tôi bắt đầu lao vào bình thơ. Với người khác thế nào không rõ, còn tôi, vì là nhà giáo nên rất chú ý đến phương pháp. Để bình thơ, tôi tìm đọc các bài bình của Hoài Thanh, Xuân Diệu, Lê Trí Viễn, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Quyền,… Đọc, nghiền ngẫm, tôi tự rút ra kết luận là mỗi người bình một cách riêng, một phương pháp riêng và một giọng điệu riêng không thể bắt chước nổi. Nhưng hầu như ở mỗi một người bình thơ, ở mỗi bài thơ, tôi đều học được một điều gì đó. Ví như ở Hoài Thanh là sự nhạy cảm, ở Xuân Diệu là sự uyên bác, sâu sắc, ở Lê Trí Viễn là sự tinh tế, tài hoa, ở Vũ Quần Phương là sự duyên dáng mặn mà,… Cứ vừa học lỏm vừa làm việc, dần dần tôi in được hai tập sách bình thơ với 65 bài và một số bài lẻ chưa đưa vào sách. Ngẫm lại việc làm, tôi nêu lên một số điều kiện để có thể bình một bài thơ (cũng có nghĩa là làm một bài văn bình giảng thơ). Những kinh nghiệm này có tính chất cá nhân, nhưng chắc là cũng có điểm nào đấy tìm được sự đồng điệu, đồng tình.

Muốn bình một bài thơ trước hết cần phải thấu hiểu bài thơ. Cũng giống như một cuộc nói chuyện, người nói phải hiểu được, nắm chắc được nội dung điều mình nói thì mới mong được người nghe đồng tình. Hiểu thấu bài thơ cần các việc làm sau đây:

- Đọc và hiểu tất cả từ ngữ của bài.
- Nắm chắc cảm xúc chính và “nỗi niềm” mà tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ.

Để tạo điều kiện cho hai việc đó, phải làm hai việc khác rất cần thiết là:

- Tìm hiểu tác giả bài thơ, những sự kiện về cuộc đời, về tâm trạng, những kỉ niệm riêng dẫn đến thành thơ.

- Sau khi nắm chắc được nội dung thơ, tôi bắt đầu chú ý đến các biện pháp tu từ, cách sử dụng âm thanh, nhịp điệu… Đây là một bước cực kì quan trọng vì suy cho cùng, bình giá một bài thơ (được coi là thơ hay) chính là tìm ra và biểu dương những cái mới, những nét độc đáo về nội dung tư tưởng và hình thức diễn tả của tác giả bài thơ đó.

Mỗi bài thơ được bình phải đọc đi đọc lại không dưới mười lần để thấm và khám phá những nét riêng của nó. Chỉ khi đã tương đối “chín” mới bắt đầu viết ra.

Khi viết thường là viết liền một mạch tất cả những gì đã suy nghĩ và nghiền ngẫm. Viết xong, bao giờ cũng phải đọc lại. Vì những bài bình không bị hạn chế và thúc bách về thời gian nộp bài nên một ngày sau đọc lại, vài ngày sau đọc lại, một tuần sau đọc lại. Mỗi lần đọc đều cân nhắc, sửa chữa, bổ sung các ý và nhất là làm cho lời văn thanh thoát, trau chuốt. Câu văn bình thơ cũng cần phải có nhạc, phải tao nhã và có chất thơ.

Điều quan trọng khi bình thơ là phải trân trọng, yêu mến, cảm thông với tác giả. Nói như kinh nghiệm của Hoài Thanh là “ lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Bất cứ tác giả nào, khi bình thơ của họ, cũng cố gắng để khám phá “tấc lòng” trong đó. E.Eptusenko có viết rằng mỗi con người là một vũ trụ riêng không lặp lại bao giờ. Cũng có thể lấy đó để áp dụng cho mỗi bài thơ hay.

Một điểm khó luôn luôn thách thức người bình thơ – đó là tìm cho ra giọng bình thích hợp với nội dung của bài thơ mình bình. Việc mở đề do đó rất công phu và khó khăn. Cả việc viết kết thúc cũng thế. Khi đã viết khoảng vài chục bài bình thì việc vào đề và kết thúc ấn tượng sẽ là một công việc cực kì khó khăn. Có được một mở đề phù hợp và hấp dẫn là đã đảm bảo được một nửa sự thành công. Có được một kết thúc như ý sẽ nâng cao giá trị của bài viết. Điều cuối cùng là muốn bình được thơ của người khác thì người viết lời bình cũng phải là một thi sĩ, ít nhất cũng là thi sĩ trong suy nghĩ, trong xúc cảm. Nếu như người bình có làm thơ (dù chỉ là thơ để ở sổ tay) thì càng tốt.

Sự thành công của bài viết phụ thuộc vào sự lịch lãm và kinh nghiệm cá nhân. Có những bài thơ khi ta càng nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm thì bình sẽ thâm thúy, sâu sắc hơn. Nhưng có thể sự tươi tắn, sống động trong lời bình cũng sẽ không còn nữa.Cái duyên bình thơ cũng giống như sự duyên dáng ở người phụ nữ. Có người năm mươi vẫn trẻ trung, có người chưa ba mươi tuổi đã “toan về già”.

Kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm cá nhân, chỉ là một cái gì để tham khảo mà thôi.

VŨ NHO

*******************************************************************************************************************************************************

Nhận xét

Bài đăng phổ biến