CÁCH BÌNH GIẢNG THƠ TRỮ TÌNH


CÁCH BÌNH GIẢNG 
THƠ TRỮ TÌNH

a) 
Phải nhận ra được những tín hiệu nghệ thuật độc đáo, khác lạ, đặc sắc mà ta chưa từng gặp trong thơ ca. Trong một câu thơ, chỉ có một tín hiệu, có khi lại có vài ba tín hiệu cùng lúc. Thường là ở những câu thơ hay, xuất hiện nhiều tín hiệu nghệ thuật.

Ví dụ hai câu thơ:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều

Ít nhất phải để ý những tín hiệu nghệ thuật sau: cảm thán từ “ôi”, “cánh đồng quê chảy máu” là hình ảnh nhân hoá, “Dây thép gai đâm nát trời chiều" vừa bao gồm thủ pháp nhân hoá, vừa mang tính tạo hình; sự phối hợp hai câu thơ: mặt đất thì máu đỏ, trời chiều thì bị cào xé rách nát... tạo nên một cảnh tượng bi tráng.

b) 
Sau khi nhận ra những tín hiệu nghệ thuật quan trọng như vậy, phải tiến hành giảng giải (cắt nghĩa, giải thích) cho mạch lạc ý tứ mà câu thơ biểu hiện. Khi giảng giải cần thuyết phục người đọc ở cái nghĩa lí của sự phân tích, làm cho người đọc tin cậy.

Cần tránh diễn nôm đơn giản hoặc thô thiển ý của câu thơ, hình ảnh thơ. Tránh liệt kê các cách hiểu khác nhau về cùng một chi tiết nghệ thuật nào đó, mà không bày tỏ thái độ đồng tình hay không đồng tình với một cách hiểu nào.

Phải đặt các đoạn, khổ, câu thơ vào trong toàn bài; và đến lượt nó, lại phải đặt vào trong toàn bộ sáng tạo của tác giả, có khi đặt vào bối cảnh lịch sử - văn hoá mà bài thơ ra đời để hiểu đúng ý nghĩa của thơ.

c) 
Cùng với thao tác giảng là bình.
Ở đây có rất nhiều cách:
-Bộc lộ cách đánh giá trực tiếp của người viết, mượn lời người khác để đánh giá, nhập vào tác giả mà suy luận, nhập vào nhân vật trữ tình mà tưởng tượng.

-Liên hệ với các câu thơ, bài thơ khác để thấy những nét độc đáo riêng…

Giảng có sâu sắc thì bình mới tâm đắc. Nếu giáng hời hợt, chưa tới thì dù có bình tâm huyết đến mấy cũng sẽ thiếu sức thuyết phục, người đọc sẽ không tin vào những lời bình “rỗng” như thế. Lời bình thể hiện rõ nhất giọng điệu, thái độ, cảm xúc, độ tinh nhạy của mỹ cảm. Cho nên nó mang đậm dấu ấn cá nhân của người viết rất đậm.

Dưới đây là lời bình thật tài hoa và tinh tế của Hoài Thanh về bài thơ Duyên:

“Xuân Diệu có hai câu thơ thiệt hay:

Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang, nắng trở chiều

Chính là hai câu tả cảnh. Nhưng cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng”.

(Sưu tầm)

**************************************************************************************************************************************************************

Nhận xét

Bài đăng phổ biến