Bài 9: LẬP LUẬN SẮC SẢO CHẶT CHẼ



LẬP LUẬN 
SẮC SẢO CHẶT CHẼ

Lập luận là dùng những lý lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề, để người đọc hiểu, tin và đồng tình với mình.
Lập luận có một ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn trong văn nghị luận.

Để có được lý lẽ, cần vận dụng các thao tác tư duy như phân tích tổng hợp, tam đoạn luận, loại suy, tương phản, so sánh…

Muốn cho lập luận chặt chẽ, kín cạnh, người viết cần đặt mình vào vị trí người đọc, nhận người đọc không cùng một ý với mình, rồi giả định những lời phản bác có thể có từ độc giả ấy để lập luận cho hết ý và kín kẽ.

Vì thế,  lập luận trong một bài văn nghị luận thường chứa đựng một nội dung đối thoại ngầm về một vấn để nào đó.

Để làm nổi bật ý nghĩa và giá trị của chi tiết  trong thơ, người viết “lật đi lật lại”, “rào trước đón sau”, tạo nên sự chặt chẽ trong lập luận và làm sáng tỏ vấn đề đã nêu.

Do đặc điểm và tính chất của nó, văn nghị luận ít dùng câu mô tả, trần thuật “kể lể” sự việc mà chủ yếu dùng loại câu khẳng định và phủ định với nội dung hầu hết là các phán đoán hoặc những nhận xét, phán đoán sâu sắc.

Làm nên cái hay của văn nghị luận chủ yếu là đưa ra được một chuỗi phán đoán sắc sảo diễn đạt bằng một loạt câu khẳng định có góc cạnh.

Do nhu cầu lập luận, văn nghị luận thường phỉa dùng đến những từ như:
Thật vậy, Tuy thế, Cho nên, Vì vậy, Không chỉ… mà còn, Có nghĩa là, Giả sử, Nếu như, Trước hết, Sau cùng, Một mặt, Mặt khác, Nói chung, Tóm lại, Tuy nhiên, Bên cạnh đó…
có thể gọi chung là hệ thống Từ lập luận.

Cố gắng tránh một số lỗi thường mắc:
Lập luận thiếu lôgíc, Luận điểm không rõ ràng, Không hệ thống, Luận cứ thiếu chính xác, không đáng tin cậy…

*********************
VÍ DỤ MINH HỌA
*********************
-Thơ là tình cảm, là cảm xúc. Thơ không lấy việc tả làm chính, không cạnh tranh với văn xuôi về lượng chi tiết, nhưng thơ không thể không cần đến chi tiết, có điều chi tiết trong thơ phải là những chi tiết chọn lọc ở mức nghiệt ngã nhất. Nó cần cái tính chất của cuộc sống.
Sự chọn lọc này, chủ yếu là sự chọn lọc của trái tim. Chi tiết trong thơ phải là những chi tiết giàu sức biểu hiện nhất, có khả năng rung động được lòng người, gợi được những liên tưởng sâu xa…
(Ninh Thị Hoàng Anh)

-Cuộc sống với những hiện thực phong phú, phức tạp vừa là đối tượng hướng tới, vừa là nguồn mạch nuôi dưỡng văn học. Quay lưng lại với cuộc sống, mải mê chuyện đúc chữ luyện câu, mọi giá trị văn chương chỉ là một thứ kỷ xảo, vờn vẽ.
Lục Du, người đã viết hàng ngàn câu thơ, lúc sắp mất trối lại cho con, lời trăng   trối mang sức nặng chiêm nghiệm của một hồn thơ tài năng, đi trọn cuộc đời mới thấu hiểu nổi cái lẽ: “CÔNG PHU CỦA THƠ LÀ Ở NGOÀI THƠ”.
Thì ra, sức nặng của trang thơ, của những con chữ lại chính là ở cuộc đời đầy nắng gió ngoài kia. Nhà thơ phải đến đó, phải tìm đến đó để ngòi bút viết lên từ thứ mực chưng cất từ chính cuộc đời đầy phức tạp, bộn bề bao âm thanh của mọi số phận. Văn học ra đời từ cuộc sống một cách tự nhiên như đã trở thành quy luật, thông lệ, nó quay trở về để khám phá, thể hiện lại cuộc sống.
(Trần Văn Toàn)

-Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết cứ cựa quậy, phập phồng. Một thứ văn bám riết lấy cuộc đời, quấn quýt lấy con người. Người ta thường nói nhà thơ, nhà văn cần có ba yếu tố chủ quan: Tài, Trí và Tâm. Có cây bút chỉ mạnh về tài và trí. Đọc Nguyên Hồng thấy tài và tâm, nhất là tâm nổi lên hàng đầu. Mà “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Ở những nhà văn chân chính xưa nay, tâm bao giờ cũng là cái gốc.
Tài và trí chỉ là cành, là ngọn. Nguyên Hồng viết văn như là đặt luôn cái tâm nóng hổi của mình lên trang sách. Nếu cần nói thật khái quát nhất một cái gì chung nhất chomoi5 chủ đề của tác phẩm của Nguyên Hồng, thì đó chính là lòng nhân đạo, một chủ nghĩa nhân đạo bao giờ cũng thống thiết mãnh liệt.
(Nguyễn Đăng Mạnh)

HANSY
(Biên khảo)
**********************************************************************************************************

Nhận xét

Bài đăng phổ biến