Bài 8: VIẾT CÂU ĐOẠN CHUYỂN TIẾP


VIẾT CÂU ĐOẠN CHUYỂN TIẾP

Câu đoạn chuyển tiếp giúp tăng cường sự kết dính các đoạn phần bài viết với nhau được chặt chẽ hơn.

I. VỊ TRÍ CHUYỂN TIẾP
1.
Giữa các phần bố cục chính: Mở bài – Thân bài, Thân bài – Kết bài.
2.
Giữa các phần trong nội dung bài, nếu nội dung bài đó có các phần:
Phần phân tích – Phần liên hệ, vận dụng.
Phần chính thức theo logic nội tại của vấn đề đó, nội dung đó – Phần phát triển, mở rộng…
3.
Giữa đoạn ý với đoạn ý
4.
Giữa trình bày luận điểm, lập luận với luận cứ

II. CÁCH CHUYỂN TIẾP
1.
CÁCH NỐI
Dùng kết từ hoặc ngữ tương đương với kết từ và dùng câu chuyển đoạn.
Tức dùng từ nối, câu nối, đoạn nối để nối ý này với ý kia; phần, đoạn này với phần, đoạn kia nhằm chuyển tiếp chúng qua “cái cầu” này.
Ví dụ:
-Qua các phần trên kia, chúng ta đã thấy những ý nghĩa của thơ Hồ Xuân Hương, những ý nghĩa đó luôn có một điểm này đi kèm: Là thơ Hồ Xuân Hương rất sống. Chính cái “rất sống” đó làm cho thơ Hồ Xuân Hương ở mãi trong lòng nhân dân.
(Xuân Diệu)
Sau đoạn nối này XD chuyển sang trình bày cái “rất sống” trong thơ HXH.

-Trở lên, tôi đã đứng vế phía người đọc, người nghe mà nhìn nhận tác dụng của phê bình. Cũng có thể đứng về phía người sáng tác mà nhìn nhận vấn đề.
(Hoài Thanh)
2.
CÁCH ĐẶT CÂU HỎI
Ví dụ:
-Nhưng số mệnh ở đây lại hiện ra dưới hình thức những con người. Bọn người ấy khá đông? Đầy đọa Kiều không chỉ có một người như trường hợp Thạch Sanh hay Ngọc Hoa, Phạm Tài. Đầy đạo Kiều là cả một xã hội.
Ta thấy gì trong xã hội ấy?
(Hoài Thanh)
Phần sau HT chuyển sang nói về “Bộ mặt xã hội phong kiến trong Truyện Kiều”.

-Cũng trong bài viết này, trong phần phân tích “Bộ mặt xã hội phong kiến trong Truyện Kiều” sau khi trình bày bộ mặt ấy,HT muốn trình bày, lý giải một ý nữa để khoan sâu vấn đề đặt ra, ông lại dùng tiếp một loạt các câu hỏi để chuyển tiếp.

Cái xã hội Nguyễn Du tố cáo là xã hội nào? Là xã hội Trung Quốc thời Gia Tĩnh triều Minh? Hay xã hội Việt Nam cuối Lê đầu Nguyễn?
(Hoài Thanh)
Tiếp theo HT đã luận giải để khẳng định “hiện thực mà Nguyễn Du tố cáo chính là cái hiện thực đương thời ở Việt Nam.
3.
DÙNG PHÉP LẶP
Ví dụ:
Nhớ Nguyễn Trãi chúng ta nhớ người anh hùng cứu nước, người cùng Lê Lợi làm nên sự nghiệp bình Ngô, người thảo “Bình Ngô đại cáo”.
Nhớ Nguyễn Trãi là nhớ người anh hùng cứu nước, đồng thời là nhớ nhà văn lớn, nhà thơ lớn của nước ta.
(Phan Văn Đồng)
Với cách này, bạn cần có sự “nhắc lại” chủ đề đã giải quyết ở phần trên. Bởi nếu không “nhắc lại” thì sự chuyển tiếp vẫn được thực hiện nhưng sự liên kết có thể không chặt, vì ghép lặp chuyển tiếp được thực hiện ở khoảng cách quá xa (khoảng cách gần trong chuyển tiếp không cần làm như thế).
4.
TIỂU KẾT
Khẳng định ngắn gọn nội dung đã trình bày: Đưa ra luận cứ, luận điểm đáng tin cậy, hoặc luận giải một khía cạnh có liên quan giữa 2 luận điểm (đã trình bày và sẽ trình bày) để chuyển tiếp.
Ví dụ:
-Bọn quan lại, bọn lưu manh đều là hiện thân của của số mệnh, cái số mệnh cay nghiệt nó dày vò Thúy Kiều. Nhưng nói đến lực lượng bạo tàn của số mệnh không thể không nói đến thế lực của đồng tiền.
(Hoài Thanh)

-Nhà văn Tô Hoài còn gọi Đôi mắt là một thứi tuyên ngôn nghệ thuật chung của lớp nghệ sỹ các anh hồi ấy.
(Nguyễn Đăng Mạnh)
5.
TẠO THẾ TƯƠNG ỨNG
Chẳng hạn thế đối ngược, thế hô ứng, so sánh.
Ví dụ:
-Tôi vẫn nghĩ rằng, không phải đến Đôi mắt, Nam Cao mới đặt vấn đề “đôi mắt…”
(Nguyễn Đăng Mạnh)

-Nếu như các nhà văn hiện thực phê phán muốn tiểu thuyết (văn học) là sự thực ở đời,như Vũ Trọng Phụng từng tuyên ngôn, thì các nhà văn lãng mạn chủ trương thoát ra khỏi hiện tại…”
(Một học sinh)
6.
BẰNG TRỮ TÌNH NGOẠI ĐỀ
Ví dụ:
Tôi nghĩ rằng, nếu cần cho thêm một cái nhan đề thứ hai cho Tắt đèn, thì riêng tôi, tôi sẽ gọi nó là cuốn Cái thẻ sưu.
(Nguyễn Tuân)

HANSY
(Biên khảo)
***********************************************************************************************************




Nhận xét

Bài đăng phổ biến