Bài 7: SO SÁNH VĂN HỌC



SO SÁNH VĂN HỌC

So sánh văn học được xem như là một phương pháp, một cách thức trình bày khi viết bài nghị luận văn học.

So sánh là một biện pháp hết sức cần thiết trong văn nghị luận. Một mặt nó làm sáng tỏ ngay vấn đề đang nghị luận, mặt khác nó chứng tỏ người viết có kiến thức rộng rãi, phong phú.

Không chỉ có các nhà phê bình nổi tiếng mới hay “liên hệ so sánh” mà bất kỳ một ai, muốn bài viết của mình sinh động, phong phú và có sức thuyết phục… thì cũng phải vận dụng cách thức này. Nhiều khi chỉ cần so sánh là đã nổi bật vấn đề.

Những liên hệ so sánh hay là những so sánh khiến cho người đọc cảm thấy rất tự nhiên mà vấn đề lại nổi bật được các góc cạnh và màu sắc của nó.

So sánh để thấy chỗ giống nhau, chỗ khác nhau nhằm soi sáng mặt kế thừa truyền thống và mặt đổi mới của tác phẩm, hoặc đánh giá những chuyển biến, hoặc tài năng biến hóa phong phú của một cây bút trong những tác phẩm viết chung một đề tài, một hình ảnh ở nhiều thời điểm khác nhau. Có khi chỉ cốt để làm nổi bật một vài chi tiết nào đó của tác phẩm.

Về nguyên tắc, có thể so sánh văn học trên mọi cấp độ: So sánh 2 nền văn học, 2 giai đoạn văn học, 2 thời kỳ, 2 tác giả, 2 khuynh hướng, 2 tác phẩm, 2 phong cách, 2 chi tiêt nghệ thuật…

Người viết văn nghị luận cần phải vận dụng so sánh văn học thường xuyên như một biện pháp “lợi hại” có tác dụng rất lớn trong việc diễn đạt và làm sáng tỏ vấn đề mình cần “nghị luận”.

Để liên hệ, so sánh văn học, người viết phải có một vốn tri thức rất rộng rãi về văn chương. Tuy vậy, cần luôn luôn nhớ so sánh cốt là để làm nổi bật cái hay, cái đẹp của tác phẩm được phân tích, bình giảng chứ không phải để phô trương kiến thức lan man, mất trọng tâm, bài viết trở nên tản mạn, lạc đề, gây cảm giác rất khó chịu cho người đọc.

*********************
VÍ DỤ MINH HỌA
*********************
-Xuân Diệu bình rất hay niềm vui khỏe khoắn của Huy Cận trong bài Mưa xuân trên biển (1959), đã so sánh tâm sự về mưa trong loạt bài thơ mưa của cùng tác giả như: Điệu buồn, Mưa, Buồn đêm mưa (Lửa thiêng), Mưa mười năm sau (1949). Đây chưa kể ông còn so sánh với mưa trong thơ Đỗ Phủ, Nguyễn Du, trong ca dao, dân ca, trong bài hát Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong.

-Bình giảng Tống biệt hành của Thâm Tâm, có thể liên hệ đến đề tài chia tay - tiễn biệt rất phổ biến trong văn học: chia tay trong ca dao, chia ly trong Truyện Kiều, chia tay trong Chinh phụ ngâm…

-Bình giảng bài Thuật hoài của Đặng Dung, một học sinh đã biết liên hệ so sánh với bài thơ của Ngu Cơ viết về Hạng Vũ:

Hán binh dỉ lược địa
Tứ diện Sở thanh ca
Đại vương chí khí tận
Tiện thiếp hà liêu sinh
(Quân Hán cướp hết đất
Khúc Sở vang bốn bề
Đại vương chí khí cạn
Tiện thiếp sống làm chi)

Hai bài thơ có nét giống nhau, đó là cái nhìn hào hùng và bất lực. Cái đẹp của kẻ sỹ, cái hùng tâm tráng chí của kẻ trượng phu, cái hiên ngang, bất khuất của người anh hùng chỉ còn đọng lại trong hình ảnh cuối cùng “Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma”.

HANSY
(Biên khảo)
**********************************************************************************************************

Nhận xét

Bài đăng phổ biến