Bài 5: VIẾT CÂU LINH HOẠT


VIẾT CÂU LINH HOẠT

Bài văn hay là bài văn vận dụng được tất cả các loại câu viết đúng một cách thật linh hoạt.
Tính linh hoạt trong việc sử dụng câu thể hiện ở chỗ: Tùy từng lúc, từng nơi, tùy vào giọng văn của từng đoạn mà có những loại câu tương ứng để diễn cảm cho phù hợp.

-Thậm chí có khi cùng một đoạn văn mà các câu ngắn dài được viết rất khác nhau.

-Có khi để diễn đạt tình cảm và thái độ của mình, nên trực tiếp dùng câu cảm thán, kiểu như:
Nhưng hỡi ôi! Niềm vui quá ngắn trước vẻ đẹp của tình người và của cảnh đời.
(Văn Tâm)
Trời đất ơi! Tú Bà nói không đầy nửa phút mà nước bọt mép của mụ văng ra mãi tới ngàn năm…
(Xuân Diệu)

-Khi muốn gây chú ý cho người đọc ta có thể dùng câu nghi vấn. Câu nghi vấn ở đây như là đặt ra vấn đề, rồi sau đó lại tự trả lời, tự làm sáng tỏ.
Ví dụ:
Thương thì đã vậy, còn oán? Thực ra, Nguyễn Du không biết oán ai,…  bởi vì theo Nguyễn Du thì bao nhiêu đau thương khác đâu có phải đều do những kẻ “bài binh bố trận”, mà ngay cả những kẻ ấy, Nguyễn Du cũng thấy họ đáng thương.
(Hoài Thanh)

-Đôi lúc câu nghi vấn được đặt ở cuối đoạn, cuối bài. Loại câu này cũng không nhằm mục đích để hỏi ai mà thực chất nó đã được trả lời ngay ở những câu trước đó.
Kềt thúc bằng câu hỏi như thế chỉ có tác dụng lôi cuốn người đọc, buộc họ phải suy nghĩ tiếp.
Ví dụ:
Nguyên Hồng đã sống hơn 60 năm, đã viết hơn 40 năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật. Bây giờ, nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy liệu có bao giờ khô cạn được chăng?
(Nguyễn Đăng Mạnh)

-Loại câu có 2 mệnh đề Hô - Ứng cũng hay được vận dụng để thay đổi giọng văn. Chúng thường theo lối kết cấu:
Tuy… nhưng, Càng… càng, Không những… mà còn, Vì thế… cho nên, …

Loại câu này nhằm nhấn mạnh 1 ý nào đó luôn luôn nằm ở vế thứ 2 như:
Cuối cùng vốn từ càng giàu có ông càng cảm thấy rõ hơn sự bất lực này. Càng cảm thấy bất lực ông càng ra sức vủng vẫy, tìm đủ mọi lối để thoát khỏi cái vòng Kim cô đầy sức mạnh, cũng đầy hạn chế của phương tiện ngôn từ.
(Nguyễn Tuân)

Khi viết những loại câu này cần chú ý viết đủ cả 2 vế rồi mới chấm câu.

-Trong nhiều trường hợp, câu khẳng định được diễn đạt  bằng câu phủ định của phủ định nhằm nhấn mạnh sự khẳng định này.
Hãy so sánh 2 câu sau:
Câu 1.
Nhà văn nhất định phải phản ánh trong sáng tác của mình những sự kiện, những vấn đề nóng bỏng của xã hội.
Câu 2:
Nhà văn không thể không phản ánh trong tác phẩm của mình những sự kiện, những vấn đề nóng bỏng của xã hội.
(Lê Ngọc Trà)

Tuy nhiên bài văn nhiều khi cần tránh sự khẳng định tuyệt đối, tức phải uyển chuyển và có mức độ trong việc đánh giá.
Ví dụ:
Chỉ có văn học mới đem lại nguồn vui và hạnh phúc cho con ngưởi.
Lẽ ra chỉ nên viết:
Văn học đã góp phần đem lại nguồn vui và hạnh phúc cho con ngưởi.

Ở những câu đánh giá mang tính khái quát trên,  để biểu hiện sự thận trọng, chín chắn trong suy nghĩ, người ta thường viết những câu mở đầu với những cụm từ sau:
Nhìn chung, Về cơ bản, Về một phương diện nào đó, Thường thường, Hầu hết, Đại đa số, Phần lớn, Về đại thể…

HANSY
(Biên khảo)
**********************************************************************************************************

Nhận xét

Bài đăng phổ biến