Bài 3: GIỌNG VĂN và SỰ THAY ĐỔI GIỌNG VĂN


GIỌNG VĂN
 
SỰ THAY ĐỔI GIỌNG VĂN

Trong một bài nghị luận bạn bao giờ cũng thể hiện thái độ tình cảm, tư tưởng của mình trước một vấn đề mà mình đang thảo luận. Giọng văn là sự thể hiện màu sắc biểu cảm đó. Qua bài văn mà nhận biết bạn tán thành hay phản đối, ngợi ca hay châm biếm, kính cẩn hay suồng sã…

I. TỪ NHÂN XƯNG

Hơn nữa, để tránh nhàm chán “buồn ngủ”, để bài viết sinh động, phong phú, bạn cần phải rất linh hoạt trong việc hành văn. Tránh kiểu viết một giọng đều đều từ đầu chí cuối, tạo cảm giác đơn điệu. Muốn thế trước hết phải sử dụng thật linh hoạt hệ thống từ nhân xưng. Khác với ngôn ngữ một số nước, từ nhân xưng trong tiếng Việt rất giàu màu sắc biểu cảm và hết sức phong phú.

Trong bài nghị luận, để diễn đạt ấn tượng chủ quan của riêng mình, bạn thường xưng tôi.
Ví dụ:
”Đọc những câu thơ trên không hiểu sao tôi lại hình dung đến một dòng sông đang lặng lẽ chảy, mặt nước phẳng lặng sáng ngời lên giữa không gian cô quạnh đơn sơ”
Khi biểu thị ý kiến của riêng mình, bạn thường viết:
Tôi cho rằng…, tôi nghĩ rằng…, theo chỗ tôi được biết…

Nhưng để lôi kéo sự đồng tình, đồng cảm, để vấn đề đang bàn bạc trở nên khách quan hơn, bạn nên xưng:
chúng tôi, chúng ta, như mọi người đều biết, như mọi người đã thấy, ai cũng thừa nhận rằng, không ai nghĩ được rằng…

Khi viết về ngôi thứ ba (vắng mặt) như phân tích một nhân vật, gọi tên một tác giả nào đó, cần xác định một đại từ cho phù hợp và tránh sự đơn điệu, lặp lại. Trong trường hợp này vốn từ đồng nghĩa phải phong phú để diễn đạt thật linh hoạt.
Trong trường hợp, để tăng sự trân trọng và thân tình, bạn có thể gọi họ hay tên của tác giả.
Khi chưa xác định được lứa tuổi của tác giả thì tốt nhất dùng danh từ để gọi như: nhà văn, nhà thơ, tác giả

Phân tích Chí Phèo chẳng hạn:
y, gã, hắn, Chí Phèo, nó, con quỷ làng Vũ Đại, thằng chuyên rạch mặt ăn vạ, thằng cùng nhất trong đám cùng đinh

Nhưng khi nói đến một Chí Phèo lương thiện thì cũng có thể dùng đại từ anh hay anh ta

Nhiều bài viết từ đầu chí cuối chỗ nào cũng thấy độc một chữ nhà thơ nhà thơ… hoặc tác giả tác giả

II. DÙNG TỪ VÀ THAO TÁC TƯ DUY LINH HOẠT

Không phải chỉ ở cách dùng từ xưng hô, giọng văn linh hoạt còn thể hiện ở cách dùng các tiểu từ như:

vâng, đúng thế, không, điều ấy đã rõ, như vậy, như thế, chẳng lẽ…

Giúp tạo ấn tượng như bạn đang tranh luận và đối thoại trực tiếp với người đọc.

Có khi dùng những từ phủ định như:
“Phải chăng là khiên cưỡng khi ta đi tìm gạch nối hữu cơ giữa tiếng cười trong sáng tác Vũ Trọng Phụng với tiếng cười văn hóa dân gian Việt? Không! Hoàn toàn không!”
(Văn Tâm)

Không nên dùng chỉ một loại thao tác tư duy mà nên thay đổi. Khi dùng diễn dịch, khi dùng quy nạp, khi  dùng phân tích trước dẫn chứng sau, khi thì ngược lại, khi liên hệ, khi so sánh…

Giọng văn còn được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau như dùng từ, đặt câu, nêu ý, lập luận, cách dùng hình ảnh, so sánh, cách sử dụng dấu câu, từ cảm thán…

Như vậy, giọng văn là một cái gì đó bao trùm lên tất cả bài viết, thể hiện ở mọi câu, mọi chữ, mọi yếu tố của bài viết. Trong văn chương nói chung, người ta gọi đó là giọng điệu.

HANSY
(Biên khảo)
**********************************************************************************************************

Nhận xét

Bài đăng phổ biến