Bài 2: KẾT BÀI HAY

KẾT BÀI HAY

I. NGUYÊN TẮC KẾT BÀI ĐÚNG

Nguyên tắc kết bài đúng là: Thể hiện đúng quan điểm đã trình bày ở phần thân bài, chỉ nêu những ý khái quát, có tính tổng kết, đánh giá. Không lan man hay lập lại cụ thể  những gi đã trình bày ở thân bài hoặc lập nguyên văn lời lẽ ở mở bài. 

Có 4 cách kết bài đúng sau:
1. TÓM LƯỢC
(Tóm tắt quan điểm, nội dung ở thân bài)
2. PHÁT TRIỂN
(Mở rộng thêm vấn đề đặt ra trong đề bài)
3. VẬN DỤNG
(Nêu phương hướng, bài học áp dụng phát huy hay khắc phục vấn đề nêu trong bài văn)
4. LIÊN TƯỞNG
(Mượn ý kiến tương tự – những ý kiến có uy tín – để thay cho lời tóm tắt của bạn)

II. CÁCH KẾT BÀI HAY

Một kết bài hay trước hết phải là một kết bài đúng. Đúng nguyên tắc, đúng cách. Vì thế, để có một kết bài hay bạn phải từ cái nền cơ bản “đúng” đó đi lên.

Kết bài hay cũng đa dạng và nhiều thú vị nhưng đều chung nhau một điểm nhất định: 
Đúng nhưng phải sáng tạo, gây được ấn tượng và để lại dư vị trong người đọc. 
Kết bài hay vừa phải đóng lại, chốt lại, vừa phải mở ra, nâng cao và cứ ngân nga mãi trong lòng người.

1. KẾT THEO LỐI “ĐIỂM NHÃN”

Đây là câu chuyện “điểm nhãn” cho rồng trong nguyên tắc hội họa phương Đông. Người họa sỹ vẽ đúng, người xem vẫn nhận ra được đây là con rồng, song khi ông ta “điểm nhãn” (vẽ mắt) thì con rồng sống động hẳn lên.
Ví dụ: 
Kết bài thơ ÔNG ĐỒ của Vũ Đình Liên
ÔNG ĐỒ của Vũ Đình Liên quả là một giọt nước trong biển cả, là một nét đơn sơ nhỏ bé trước bao nhiêu thành tựu lớn lao của văn học thế giới và nước nhà. Nhưng dẫu hòa trong một biển, “Giọt nước” của nhà thơ Vũ Đình Liên vẫn mặn mà nồng thắm, vẫn âm vang nhịp đập thủy triều… Bài thơ nói về số phận con người, nhắc nhở ta trong công cuộc đổi thay to lớn ngày nay hãy gìn giữ con người, giữ gìn tình thương và những giá trị đẹp đẽ của con người để không bao giờ phải xót xa và luyến tiếc.
(Một học sinh)

2. KẾT THEO LỐI BÌNH LUẬN VÀ NÂNG CAO
Ví dụ:
Kết bài thơ NGẮM TRĂNG
Xưa nay nói về trăng, có biết bao lời đẹp. Trong cuộc sống lao động trong sạch, nếu có nắng lửa mưa dầm thì lại có trăng thanh gió mát. Hình như nhân loại muốn dành cho trăng phần hạnh phúc, ước mơ, lãng mạn của cuộc đời. Thế nên trăng đến với con người như một bạn tri âm, một vẻ đẹp để làm vui, làm mát chí ít là làm dịu bớt cái cháy da, rỗ gót của cuộc đời: chân treo ngược lên mui thuyền mà lòng vẫn hân hoan với xóm làng đông đúc, vẫn lâng lâng với chiếc thuyền câu nhẹ tênh như mây; chân tay mang xiềng xích mà tai vẫn rộn tiếng chim rừng, và mũi vẫn đượm hương hoa dại. Và ở đây, ở bài thơ này, mắt vẫn ngắm, vẫn nhìn, vẫn chuyện trò với trăng bằng im lặng. Hơn thế không có gì cả, không có điều kiện, nhưng vẫn thưởng trăng đầy đủ. Đầy đủ ở trong lòng.
Cái lạ, cái hay của bài thơ ở chỗ đó. Sức mạnh của con người, cái đẹp của tâm hồn, là ở đó.
(Lê Trí Viễn)

3. KẾT BÀI THEO LỐI “ĐẦU CUỐI TƯƠNG ỨNG”
Ví dụ: Bài thơ LÁ ĐỎ
-Mở bài:
Từ hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh đã qua, vẫn còn lưu lại đậm trong tâm trí người đọc những dòng thơ của một thời lửa cháy, của những năm tháng không thể nào quên.
Làm sao không nhớ, không yêu một bài thơ như thế này:
Lá đỏ (dẫn cả bài thơ)
-Kết bài:
Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta nghĩ đến tình người, nghĩ đến sự sống. Thơ nói riêng, cũng như văn học nói chung, trở thành cần thiết cho con người là vì vậy. Làm sao không nhớ, không yêu một bài thơ như bài Lá đỏ.
(Ninh Thị Hoàng Anh)

4. KẾT MÀ NHƯ KHÔNG KẾT
Kết bài kiểu này của bài viết không sai lý thuyết tuy hoàn toàn không giống với lý thuyết. Không những thế, nó giản dị mà lại hay.
Ví dụ: 
Kết thúc lời giới thiệu tập thơ MƯA THUẬN THÀNH của Hoàng Cầm:
Xin có lời mừng ông nhân dịp được ra mắt một tập thơ mà ông khắc khoải chờ mong lâu đến thế này.
(Quang Huy)

HANSY
(Biên khảo)
**********************************************************************************************************

Nhận xét

Bài đăng phổ biến