Bài 1: MỞ BÀI HAY


MỞ BÀI HAY

Mục đích mở bài ai cũng biết rõ là nhằm giới thiệu vấn đề mà mình sẽ viết, sẽ trao đổi bàn bạc trong bài. Vì thế, khi viết mở bài thực chất là trả lời câu hỏi: Bạn định viết, định bàn bạc vấn đề gì?

Trả lời thẳng vào câu hỏi ấy người ta gọi là MỞ BÀI TRỰC TIẾP (Trực khởi).
Hoặc nêu  vấn đề sẽ bàn trong bài, sau khi dẫn ra một ý khác có liên quan gần gũi với vấn đề ấy, gọi là MỞ BÀI GIÁN TIẾP (Lung khởi).

Để bài viết có không khí tự nhiên, có chất văn, người ta thường mở bài theo kiểu gián tiếp. Có nhiều cách vào bài theo kiểu gián tiếp, nhưng tựu trung có 4 cách cơ bản sau:
-Diễn dịch (suy diễn)
-Quy nạp
-Tương liên (tương đồng)
-Tương phản (đối lập)

I. ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ CHO MỘT MỞ BÀI

Mở bài là một đoạn văn hoàn chỉnh (đoạn mở bài) gồm 3 phần: 

1. MỞ ĐẦU ĐOẠN:
Viết những câu dẫn dắt là những câu liên quan gần gũi với vấn đề chính sẽ nêu. Tùy nội dung vấn để chính mà bạn có thể lựa chọn câu dẫn dắt có thể là một câu thơ, một câu danh ngôn, hay một câu chuyện kể
2. PHẦN GIỮA ĐOẠN
Nêu vấn đề chính sẽ bàn trong thân bài, tức luận đề. Vấn đề chính có thể đã chỉ rõ, có thể bạn tự rút ra, tự khái quát. Đối với thơ thì thường nêu ấn tượng bao trùm mang tư tưởng chủ đề mà người đọc cảm nhận được.
3. PHẦN KẾT ĐOẠN
Nêu phương thức nghị luận và phạm vi tư liệu sẽ trình bày.

Tóm tắt mô hình:
Mở bài =
-Dẫn dắt
-Nêu vấn đề (luận đề)
-Giới hạn phạm vi vấn đề

II. ĐỂ CÓ MỘT MỞ BÀI HAY

1. NGẮN GỌN
Dẫn dắt vài ba câu, nêu vấn đề một vài câu và giới hạn vấn đề 1 câu.
2. ĐẦY ĐỦ
Đọc xong mở bài, người đọc biết được bài viết bàn về vấn đề gì? Trong nội dung tư liệu nào? Thao tác chính vận dụng ở đây là gì?
3. ĐỘC ĐÁO
Mở bài phải gây được sự chú ý của người đọc về vấn đề mình sẽ viết. Muốn thế phải có cách nêu vấn đề khác lạ. Đề tạo nên sự khác lạ “độc đáo” cần suy nghĩ dẫn dắt: giữa câu dẫn dắt và câu nêu vấn đề phải tạo được sự bất ngờ.
4. TỰ NHIÊN
Viết văn nói chung cần giản dị tự nhiên. Mở bài và nhất là câu đầu chi phối giọng văn toàn bài. Vì thế, vào bài cần độc đáo, khác lạ nhưng phải tự nhiên. Tránh vụng về, gượng ép gây cảm giác khó chịu bởi sự giả tạo.

III. NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH KHI MỞ BÀI

1.
Tránh dẫn dắt vòng vo quá xa mãi mới gắn được vào việc nêu vấn đề.
2.
Tránh dẫn dắt không liên quan đến vấn đề sẽ nêu.
3.
Tránh nêu vấn đề quá dài dòng, chi tiết, có gì nói hết luôn rồi thân bài lập lại những điều đã nói ở mở bài.

IV. VÍ DỤ MINH HỌA

Về nguyên tắc, có rất nhiều cách mở bài cho cùng một đề. Nhưng sự khác nhau chủ yếu là do phần dẫn dắt, còn nêu vấn đề và giới hạn phạm vi bàn bạc nói chung là giống nhau.
Ví dụ 2 cách mở bài sau tuy khác nhau ở câu dẫn dắt nhưng đều liên quan gần gũi với vấn đề mối quan hệ giữa văn học và đời sống.
-Mở bài 1:
Có ai đó đã ví sáng tạo nghệ thuật như việc thả diều. Con diều dù có bay bổng bao nhiêu vẫn phải gắn với mặt đất bằng một sợi dây vững chắc. Ý tưởng ấy gợi cho ta nhiều suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Nhìn vào một số tác phẩm văn học lớn chúng ta thấy rõ mối quan hệ máu thịt này.
-Mở bài 2:
Thần thoại Hy Lạp còn để lại một câu chuyện cảm động về chàng lực sỹ Angte và đất mẹ. Thần Angte sẽ bất khả chiến bại khi chân chàng gắn chặt vào đất mẹ Gaia. Có thể ví mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống hệt như quan hệ giữa thần Angte và đất mẹ vậy.  Chưa tin ư, bạn cứ giở những tác phẩm văn học lớn mà xem.

HANSY
(Biên khảo)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến