Bài 18-NHỮNG ĐỒNG BẠC MỆNH GIÁ SỐ 3

Bài 18
NHỮNG ĐỒNG BẠC MỆNH GIÁ SỐ 3

Những đồng tiền có mệnh giá bắt đầu bằng số 3 ( đồng bạc mệnh giá số 3) không thể xếp mình nó thành cọc chẵn (100 đồng, 1.000 đồng…) làm rối nguyên tắc đếm và xếp tiền.
Những đồng tiền mệnh giá bắt đầu bằng số 3 không thể xếp mình nó thành cọc chẵn (100 đồng, 1.000 đồng…) làm rối nguyên tắc đếm và xếp tiền. Thú vị là đồng tiền mệnh giá số 3 này không phải chỉ từng có ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đã phát hành.
Tờ 30 đồng phát hành năm 1985 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẠO
Tờ 30 đồng phát hành năm 1985 (mặt sau) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẠO

Tờ 30 đồng phát hành năm 1985 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẠO

Chỉ sau một đêm của năm 1980, thức dậy đọc báo thấy tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành tờ tiền mệnh giá 30 đồng. Thật không thể tin nổi, tôi nghĩ thầm chắc báo in nhầm, nhưng đó là sự thật, báo còn in cả tờ tiền 30 đồng mặt trước và mặt sau, mô tả kích thước và màu sắc.
Muốn làm khác?
Trị giá 30 đồng hồi đó khá lớn, khi lương chính thức của kỹ sư sau hai năm tập sự là 63 đồng, phụ cấp thêm 10 - 15% tùy theo khu vực. Cuối tháng lãnh lương, nếu phát tờ 30 đồng thì chỉ được hai tờ và thêm mớ tiền lẻ.
Tờ 30 đồng phát hành năm 1981 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẠO
Tờ 30 đồng phát hành năm 1981 (mặt sau) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẠO

Tờ 30 đồng phát hành năm 1981 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẠO

Với tờ tiền mệnh giá 30 đồng này, cảm giác đầu tiên của tôi là thấy là lạ, không giải thích được, có một cái gì đó không bình thường với tờ giấy bạc này. Hệ thống tiền tệ của Mỹ, của Việt Nam và hầu như của cả thế giới là hệ thập phân. Con số 3 lẻ loi này không nằm trong cơ số của hệ thập phân mà đơn vị phải là ước số của 10, nôm na là những số cơ bản 1, 2 và 5.
Dần dà, tờ giấy bạc này đã có tác động đến các vị thủ quỹ, kế toán khắp nơi, đặc biệt là ở các ngân hàng nơi phải thu nhận, đếm và xếp khối lượng giấy bạc khổng lồ mỗi ngày. Thử hỏi không điên đầu sao được khi nguyên tắc đếm và xếp tiền được theo từng khối, cọc là 10, 100, 1.000 tờ, bây giờ lòi ra chú 30 nửa mùa, biết xếp sao bây giờ? 100 tờ 30 đồng thành 1 cọc 3.000 đồng, nhưng 3 cọc 3.000 đồng thành 9.000 đồng lẻ loi, phải đệm vào 1.000 đồng giấy bạc khác để trở thành 10.000 đồng cho chẵn chòi!
Tờ tiền 30 đầu tiên của Việt Nam được phát hành năm 1980, cùng lúc với ba loại tiền giấy mệnh giá 2 đồng, 10 đồng và 100 đồng. Tiền giấy 30 đồng này có kích thước 144x71mm, màu tím hồng.
Đây không phải đợt phát hành do đổi tiền, mà là phát hành bổ sung sau đợt đổi tiền hai năm trước đó vào năm 1978. Theo giá sinh hoạt và mức lương thời đó, nếu cuối tháng được phát tờ 100 thì "khổ chủ" phải thối lại tiền. Điều này trong thực tế ít xảy ra.
Trong đợt lockdown vì COVID-19 vừa qua, nỗi ám ảnh tờ tiền 30 bỗng trỗi lại, tôi bỏ thời giờ tìm hiểu trên net xem có những quốc gia nào có cùng "tư tưởng lớn" như thế chưa. Và tôi choáng thêm lần nữa, khi thấy Việt Nam không hề "cô đơn" với loại tiền có con số 3 này.
Việt Nam không phải là nước đầu tiên
Đất nước nàng tiên cá Đan Mạch cũng có tờ giấy bạc mệnh giá 3 mark, phát hành năm 1713, bỏ xa Việt Nam 267 năm.
Những nước có mặt trong "liên minh 3 đồng" trước Việt Nam, ngoài Đan Mạch, còn có Nga/Liên Xô (USSR) từ những năm 1904 và Bulgaria (phát hành năm 1951).
Tờ 3 pesos của Cuba phát hành năm 2005. Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẠO
Tờ 3 pesos của Cuba phát hành năm 2005 (mặt sau). Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẠO
Tờ 3 pesos của Cuba phát hành năm 2005. Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐẠO

Trong số giấy bạc có mệnh giá mang số 3 "huyền thoại" đó, nếu tìm một mẫu số chung cho các nước phát hành giấy bạc có số 3, sẽ dễ dàng thấy đa số các nước này có quan hệ mật thiết với Liên Xô/Nga. Nga là nước có lịch sử phát hành tờ 3 rúp từ thế kỷ 19 cùng với các nước khác ở châu Âu, nhưng vẫn tiếp tục truyền thống này qua đến thế kỷ 20 và chấm dứt với tờ 3 rúp. Đây cũng là một trong những tờ giấy bạc mệnh giá số 3 cuối cùng của Liên Xô trước khi "tan hàng" tháng 12-1991.
Cũng không phải là nước sau cùng
Sau đợt phát hành đầu tiên năm 1980, Việt Nam còn một đợt phát hành tờ tiền mệnh giá 30 đồng nữa vào năm 1985. Lần này phát hành cùng lúc với đợt đổi tiền, 10 đồng tiền cũ đổi 1 đồng tiền mới, đồng thời phát hành thêm tờ tiền mệnh giá 500 đồng. Lạm phát hỏa tiễn!
Tờ 3 Rúp do Nga (đế quốc Nga - thời Nga Hoàng) phát hành năm 1905
Tờ 3 Rúp do Nga (đế quốc Nga - thời Nga Hoàng) phát hành năm 1905
Tờ 3 Rúp do Nga (đế quốc Nga - thời Nga Hoàng) phát hành năm 1905

Tờ tiền mệnh giá 30 đồng lần này có kích thước 150x75 mm, màu xanh - hồng. So với tờ phát hành năm 1980 thì to hơn một chút, có màu xanh - hồng thay vì tím - hồng của đợt 1980. Mặt trước in mệnh giá 30 đồng, mặt sau in hình ảnh chợ Bến Thành.
Sau đợt phát hành năm 1985, tờ tiền mệnh giá 30 đồng của Việt Nam được thu hồi dần và chấm dứt hồi nào không ai nhớ. Đó cũng là lần phát hành cuối cùng.
Còn tờ 3 rúp của Nga phát hành năm 1903 thì đến năm 1991 không còn được phát hành nữa, có lẽ không phải vì con số 3 mà vì lạm phát làm cho 3 rúp không còn giá trị thực tế. Những nước phát hành "tờ tiền số 3" sau Việt Nam cũng đa số thuộc khối Liên Xô cũ gồm: Mongolia (1983), Georgia (1993, 1994), Kazakhstan (1993), Lithuania (1991), Cuba (1983 - 1989, 1995, 2004), Ukraine (1991), Uzbekistan (1992, 1994).
Trong đó cá biệt có Georgia, một quốc gia Tây Á, trong hai năm 1993 và 1994 (lúc này đã độc lập, tách rời khỏi Liên Xô), ngoài tờ 3 Laris còn phát hành thêm hai loại giấy bạc khác là 3.000 Laris và 30.000 Laris!
Trường hợp Cuba cũng khá đặc sắc, tờ 3 pesos được phát hành nhiều lần, và lần gần nhất là năm 2004. Tất cả các tờ giấy bạc 3 pesos đều chỉ in hình Che Guevara (và những đồng coin 3 pesos cũng vậy).
Giả dối như tờ 3 đô la
Thành ngữ Mỹ có câu "Giả dối như tờ 3 đô la" (As phony as a three dollar bill), ý nói giả dối tới mức nhìn là biết ngay, như tờ 3 đô la, vì nước Mỹ chưa bao giờ có tờ 3 đô la. Đồng tiền có mệnh giá số 3, như đã nói ở trên, quá bất tiện để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Ngay cả nước Anh bảo thủ với hệ thống đồng bảng và shilling rối rắm ngày xưa (1 bảng ăn 20 shilling, 1 shilling ăn 12 pence) cuối cùng cũng phải chuyển qua hệ thập phân vào năm 1971 cho nhẹ cái đầu.
Tờ 3 đô la do đảo quốc Cook Islands vừa phát hành năm 2021
Tờ 3 đô la do đảo quốc Cook Islands vừa phát hành năm 2021
Tờ 3 đô la do đảo quốc Cook Islands vừa phát hành năm 2021

Ngoài những nước có quan hệ mật thiết với Liên Xô/Nga, có hai trường hợp lạ lùng khác là Bahamas (1965, 1968, 1984, 2019) và Cook Islands (1987, 1992, 2021), với tờ 3 đô la (có lẽ dành cho giới sưu tập), làm cho thành ngữ "As phony as a three dollar bill" ít nhiều bị mất giá trị.
Tờ tiền 30 đồng của Việt Nam đã lùi vào dĩ vãng, ngày nay giới trẻ ít ai biết đến. Nay muốn tìm tờ 30 đồng ấy để sưu tập tiền xưa cũng khó. ■






Nhận xét

Bài đăng phổ biến