KHÔNG ĐÂU BẰNG NHÀ MÌNH!


KHÔNG ĐÂU

BẰNG NHÀ MÌNH!

Năm tôi học lớp 10, trong gia đình tôi có cuộc va chạm trực diện đầu tiên giữa ba tôi và đứa con trai trưởng là tôi. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi tôi phải rời bỏ gia đình, lên trú tại nhà một thầy giáo mà tôi rất mến. May mắn làm sao, “cuộc chiến ruột thịt” đó đã sớm chấm dứt, nhờ đó tôi đã trở lại đúng vị trí trong gia đình mình!

Gia đình tôi có một số nét đặc thù so với mọi nhà khác. Mẹ tôi mất khi tôi chưa vào lớp Một, còn em gái út mới có 8 tháng tuổi (chưa bỏ sữa mẹ). Ba tôi một mình làm thuê cuốc mướn, gà trống nuôi 2 gà con bé bỏng. Cuộc sống gia đình tôi lúc đó khó khăn vạn bề. Nuôi dạy và chăm sóc cho 2 đứa con từ chưa tới 1 tuổi đến 5 tuổi có vẻ quá sức đối với một người đàn ông vừa góa vợ. Với lại, ba tôi là người nhỏ con, sức khỏe chỉ ở dạng trung bình nên không chịu đựng lâu cường độ làm thuê dày đặc hàng tháng. Thêm nữa, đồng tiền kiếm được như muối bỏ biển so với nhu cầu sống của 3 cha con, nhất là những lúc chúng tôi ốm đau. Tất cả những điều này cộng với nỗi buồn cô đơn, cô độc khiến ba tôi kiếm rượu giải sầu. Nhưng “tửu phá thành sầu, sầu càng sầu”, sau những cuộc chè chén ba tôi đem bực dọc về nhà, chửi mắng chúng tôi thậm tệ trong cơn say – và cả sau cơn say nữa! Một trong những lần như thế, tôi đã tranh cãi trực diện với ba lần đầu tiên trong đời. Ba tôi ngạc nhiên với phản ứng của tôi. Trong cơn nóng giận được hơi men thêm sức, ba tôi đã thôt lên tiếng đuổi tôi ra khỏi nhà. Lúc đó, tôi cũng thấy quá chán ngán không khí ngột ngạt của gia đình nên đồng ý ra đi, không cần suy nghĩ nhiều. Trước khi đi, để nắm “tay thước” tôi cẩn thận viết mấy dòng, đại ý là ba đuổi nên con mới đi, rồi đưa cho ba tôi ký vào. Ba tôi ký xong, tôi gom một số áo quần, vật dụng thiết yếu rồi nhanh chóng ra khỏi nhà mình mà thấy lòng… “phơi phới”(?!).

Khi đến nhà thầy giáo mà tôi chọn ở tạm trong thời gian “đi giang hồ” tôi mới thấy hết những bất tiện khi ở chung nhà với ai đó ngoài gia đình mình. Ngày trước, khi thường đến nhà thầy chơi (có khi ở lại qua đêm) tôi thấy thật thoải mái, đơn giản vì thầy đang độc thân, một mình một nhà! Nhưng khi khăn gói đến ở (luôn) thì dần dà sự đụng chạm bắt đầu diễn ra. Tôi xin phép không kể lể chi tiết vì chẳng hay ho gì. Chỉ biết rằng, mới ở chẳng bao lâu nhưng tôi lại muốn “bay” khỏi nhà thầy, như đã từng muốn thoát khỏi nhà tôi dạo nào. Nhưng đi đâu bây giờ với một chú chim non đang học lớp 10? Thật là tiến thoái lưỡng nan!

Trong khi đang lay hoay cho “kế hoạch vượt ngục” của mình thì em gái tôi tìm đến, báo tin ba tôi bị bệnh nặng phải chở đi cấp cứu rồi. Em tôi còn nói: “Trước khi nhập viện, ba dặn phải đi tìm anh về để coi nhà”. Khi nên trời cũng chiều người, đây đúng là cơ hội tốt nhất để tôi trở về nhà một cách “danh chính ngôn thuận”!

Đến nhà, em gái liền đưa lá thư rất dài ba viết cho tôi một ngày trước khi nhập viện. Đọc xong, tôi ứa nước mắt, hiểu được lòng ba đối với con cái cùng sự bất hạnh mà ba đã và đang mang trong suốt cuộc đời mình. Tôi nhanh chóng sắp xếp để lên thăm ba đang điều trị ở bệnh viện ST. Tiếng kêu: “Ba!” của tôi và nụ cười héo hon của ba đã xóa tan tất cả những mâu thuẫn giữa hai cha con trước đây. Tôi ngồi bên giường bệnh, nghe ba dặn dò công việc cần làm khi ba không có mặt ở nhà. Công việc đó thật bình thường đối với một gia đình nghèo khó như gia đình tôi, nhưng nghe ba truyền đạt, tôi thấy mình trở nên quan trọng như thế nào! Cứ như đang được bàn giao chức “chưởng môn” vậy!

Sau này, khi sự việc đã lắng xuống, tôi được biết ba tôi đã tự làm cho bệnh ba nặng thêm để được nhập viện. Chỉ có làm như vậy thì ba mới có thể đưa tôi trở về nhà “hợp pháp” mà không làm “mất mặt” tôi (vì ngày ra đi tôi tuyên bố với mọi người là sẽ không bao giờ bước chân vào căn nhà mình một lần nào nữa!). Phương án này cũng giúp cho hai cha con tôi khỏi đối mặt căng thẳng khi gặp lại nhau (vì ba đã cho tôi có nhiều chọn lựa về thời điểm và không gian để gặp lại ba sau “sự cố”nọ). Đặc biệt, lá thư ba viết cho tôi trong những ngày “giông bão” đó, ẩn chứa sau những con chữ vô hồn là cả một tấm lòng thương con bao la, nỗi niềm khắc khoải của một người cha nhiều bất hạnh. Làm sao chúng ta cảm nhận được sự hy sinh to lớn của cha mẹ vì cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta, biết được những tâm tư sâu kín của mẹ cha khi chúng ta cứ thờ ơ, không mấy quan tâm – thậm chí luôn gây gổ để thỏa mãn tự ái của mình – với những người thân thiết ruột thịt nhất của đời mình?

Khi hiểu ra ba đã dụng công rất nhiều – nhất là việc ba tự làm bệnh mình nặng thêm – để lôi kéo đứa con đang “đi hoang” trở về dưới mái ấm gia đình, tôi thấy lòng mình thắt lại, thương ba đã vì đứa con hư mà nhọc nhằn, tự hại cả bản thân. Bài học này tôi ghi khắc trong lòng, để không bao giờ dám rời tổ ấm gia đình đi giang hồ vặt một lần nào nữa! Bởi theo kinh nghiệm bản thân mình tôi thấy rằng, chẳng có chỗ nào an toàn, tiện dụng và mang lại hạnh phúc đích thực cho mình bằng chính gia đình mình cả!

HANSY



Nhận xét

Bài đăng phổ biến