"TRAI KHÔNG VỢ", CÓ "DÙNG VÀO VIỆC GÌ" ĐƯỢC KHÔNG?


"TRAI KHÔNG VỢ",
CÓ "DÙNG VÀO VIỆC GÌ" ĐƯỢC KHÔNG?

Tục ngữ Việt Nam có câu đưa ra nhận xét, so sánh khá thú vị: "Voi không nài như trai không vợ". 

"Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TPHCM-2013) giải thích: "Voi mà thiếu mất nài (thường cũng chẳng thể dùng vào việc gì) như là các chàng trai không có vợ vậy".

"Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân-NXB Văn hoá-1989) đưa ra cách hiểu khác: "(Nài là người quản tượng) Nói lên sự gắn bó giữa con voi và người quản tượng". Hơn mười năm sau, khi biên soạn "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" (NXB Tổng hợp TP HCM-2000), GS Nguyễn Lân giải thích rõ hơn: "(Nài là người quản tượng chăm nom voi) Nói lên sự gắn bó giữa người quản tượng và con voi mà người ấy được giao chăm sóc •  Con voi này rất thông minh, nó không muốn rời ông quản tượng một bước, đúng như câu nói: "Voi không nài như trai không vợ".

Theo chúng tôi:
-Cách giải  thích của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương hẳn sẽ khiến nhiều chàng trai tự ái, vì đâu phải cứ "không có vợ", thì họ "chẳng thể dùng vào việc gì"?

-Với cách của GS Nguyễn Lân, có lẽ soạn giả cho rằng: "voi không nài", thì nó sẽ "nhớ nài" không chịu nổi, cũng như chàng trai "không vợ" kia? Tuy nhiên, đã gọi là "voi không nài", thì có "nài" đâu mà "gắn bó", cũng như "trai không vợ" thì"gắn bó" với ai? Mặt khác, voi đâu phải "chó cưng", mà chủ đi đâu cũng lẽo đẽo theo sau, "không muốn rời ông quản tượng một bước"? Thực tế, voi dù "thông minh" đến đâu cũng không hề có chuyện "luyến nài" tới mức "nài" đi đâu, voi theo đó. Ngược lại, khi "không nài" chính là lúc voi được tự do thoải mái nhất.

Voi là con vật khổng lồ, sống hoang dã. Bình thường, voi phá phách, hung dữ, chẳng ai dám lại gần. Tuy nhiên, khi bị thuần phục, thì nó trở nên hiền lành, ngoan ngoãn lạ kỳ dưới sự điều khiển của nài voi. Dù đã chịu thuần phục, nhưng bản năng hoang dã của voi vẫn rất mạnh. Nghĩa là ngoài quản tượng-người nắm được khẩu lệnh, hiệu lệnh và những điểm yếu của nó-thì không ai quản lý, điều khiển được. Về cách hiểu này, "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (Nhóm Vũ Dung) đã giải thích đúng: "Voi không có quản tượng tự do tung hoành, không thể quản lý, điều khiển được"; "Từ điển tiếng Việt" (New Era): "Voi không có quản tượng tự do tung hoành, không thể quản lý, điều khiển được". Tiếc rằng, hai cuốn từ điển này chỉ giải thích vế đầu, nghĩa quan trọng của vế sau không được nhắc đến.

Vậy, vế thứ hai "như trai không vợ" được hiểu như thế nào?

Con cái (đặc biệt là con trai), khi còn nhỏ thì chịu sự giáo dục, quản lý của gia đình, cha mẹ. Tuy nhiên, đến tuổi trưởng thành, tự lập, thì tính khí, sở thích thay đổi nhiều. Thanh niên, trai tráng thường thích sống tự do, phóng túng, có khi ngang tàng, đàn đúm bạn bè; ông bà, cha mẹ khó bề quản lý; cũng không hiểu hết tâm lý, sở thích của con cái nữa. Bởi vậy, kinh nghiệm thực tế dân gian cho thấy, chỉ có người vợ (hiểu rộng hơn là gia đình riêng) mới khiến người trai "dừng bước giang hồ". Lúc này, "vợ" chính là người duy nhất hiểu được tính tình, sở thích, thậm chí là những "yếu huyệt chết người" của chàng trai, để rồi tuỳ cách mềm mỏng, hay cứng rắn mà "trị lại".

Trong thực tế thời trẻ trai, có "chàng" lông bông đây đó, thậm chí chơi bời quá trớn, nhưng sau khi xây dựng gia đình thì thay đổi hẳn. Phần vì đã tìm thấy "một nửa" của mình, tự nguyện chịu sự ràng buộc, kiềm chế của người vợ, phần vì bản năng làm cha, sức ép lo toan cho cuộc sống gia đình, khiến họ trở nên "ngoan ngoãn", tu chí, ổn định cuộc sống. Tác động của người vợ và cuộc sống gia đình đối với chàng trai chẳng khác nào con voi hung dữ phá phách, nhưng cuối cùng cũng phải chịu thuần phục ông quản tượng. Thế nên dân gian còn có câu đồng nghĩa: "Trai không vợ như ngựa không cương". Sự "khắc chế" sau khi kết hôn không chỉ đối với phía chàng trai, mà còn là sự "ràng buộc" giữa đôi bên vợ chồng:"Gái có chồng như gông đeo cổ"; "Trai có vợ như rợ buộc chân"....

"Voi không nài như trai không vợ" là vậy.

HOÀNG TUẤN CÔNG
7/2016


Nhận xét

Bài đăng phổ biến