“CON CÀ, CON KÊ” LÀ CON GÌ?


“CON CÀ, CON KÊ” LÀ CON GÌ?

“Con cà con kê” là thành ngữ thông dụng, nghĩa bóng hầu như ai cũng hiểu. Tuy nhiên, đúng như nhận xét của một độc giả: “nghĩa đen của “con cà con kê” mới là thứ tốn hao giấy mực, lôi nhiều nhà ngôn ngữ học, xã hội học, dân tộc học, thậm chí cả côn trùng học vào cuộc, để phân tích hai con quái đó, trong hơn nửa thế kỷ, trải dài trên cả 3 miền đất nước. Mà tới nay vẫn chưa ngã ngũ, vì chưa có lời giải thỏa đáng.”[1]

          Sau đây, chúng tôi xin lược thuật lại một số cách hiểu:
1. 
Đều là con gà (nhóm một):
          - “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “con cà con kê (Cà là do từ cổ có nghĩa là gà). Chê người nói dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác”.   
          -“Từ điển tiếng Việt” (New Era): “cà kê 1. Kéo dài lằng nhằng mãi không hết. Chuyện cà kê (cũng nói chuyện con cà con kê). Kê: có nghĩa là gà. Trong từ ngữ trên, tiếng cà do tiếng gà đọc trại ra. 2. (ngb) Chuyện vặt vô tích sự, chuyện mà ai cũng biết, không cần nói tới, nói ra chỉ mất thời giờ vô ích. Chuyện cà kê vô bổ”.
          - “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức” (GS.TS Đỗ Thị Kim Liên chủ biên): “con cà con kê (cà: do từ cổ ka có nghĩa là “gà”; kê: từ Hán có nghĩa là “gà”.

          - Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Con gà âm Hán là kê, tiếng Mường là kha, tiếng Nghệ Tĩnh là ga, cổ âm đồng hóa với ca, cà. “Con cà con kê” là nói đi nói lại cùng một chuyện. dài dòng, luẩn quẩn và trùng lặp, “hết con gà lại quay lại... con gà”[2].

          - GS.TS Vũ
Quang Côn, Hội Côn trùng học Việt Nam lại nhìn nhận, gà là con vật hay lang thang bới móc tìm kiếm thức ăn, đường đi của chúng cũng lòng vòng. Con cà hay con kê đều là con gà sẽ phù hợp với cách nói lòng vòng, nhăng cuội, không có chủ đích, mất thời gian.[3]
2. 
Cây cà và cây kê (nhóm hai):
          - Lê Gia, trong sách “1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” giải thích: Quả cà và bông kê là hai thứ “rất nhiều hột”, khi gieo ương thì mọc rất nhiều cây con và thường gọi là “con cà con kê”, để “chỉ sự sinh sản ra quá nhiều, thường dùng chỉ về sự nhiều việc, nhiều chuyện xảy ra”.

          - PGS TS Phạm Văn Tình trong bài “Con cà con kê: có phải đều là gà?” (báo Lao động cuối tuần) ủng hộ quan điểm “cà” và “kê” chẳng liên quan gì tới “gà qué”, mà là cây cà và cây kê. Phân tích sau đây của PGS.TS Phạm Văn Tình gần như là một bản sao của bài “Con cà con kê” trong sách “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ”[4]:

          “Trăm nghìn cây cà còn nhỏ mọc lên kín luống. Kê cũng gieo thành đám, mọc ken dày như mạ. Cây cà, cây kê đến độ trồng tỉa, người ta nhổ lên, bó thành từng bó nhỏ rồi đưa đi cấy giặm từng cây một. Một luống cây cà hay cây kê non có thể nhổ đem trồng trên một thửa ruộng khá lớn. Công việc trồng cà, trồng kê đòi hỏi phải tỉ mẩn, nhất là vào những ngày mưa, với việc tỉa ra từng cây, rề rà, chậm chạp (vì cây non mềm, dễ gãy và giập nát). Chính từ đó mà hình thành nên nghĩa đen của thành ngữ này là: mất nhiều thời gian, hết cây cà lại sang cây kê, kéo dài mãi như không dứt. Theo chúng tôi, cách giải thích này xem ra thuyết phục hơn, vì nó có cơ sở thực tế (từ nhà nông ta) và phù hợp với ngữ nghĩa biểu trưng của thành ngữ “con cà con kê” như cách dùng phổ biến hiện nay trong dân gian:

Hết kê rồi lại đến cà
Nhổ lên, trồng lại mãi mà không xong.
(Ca dao)”.
          - “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức” (GS.TS Đỗ Thị Kim Liên chủ biên) ngoài chủ trương “đều là gà”, còn đưa ra “giả thiết khác: cà: cây cà; kê: cây kê; đến tháng ba, người dân đi đâu cũng bàn tới chuyện trồng cà, trồng kê, cây cà, cây kê”, bởi vậy, thành ngữ có nghĩa bóng là “Lan man, dông dài, hết chuyện này sang chuyện khác”.

         - “Tục-ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Kể-lể con cà con kê: Kể-lể những việc lặt-vặt nhỏ-nhen như chuyện con cà và con kê. Con cà là cây cà con để làm giống.Con kê là cây con để làm giống. Nói cả chuyện con cà, con kê thì còn chuyện gì là chuyện không nói nữa”.
3. 
Một số ý kiến khác:
          - Cà kê là từ “ca kệ”: Trong số những từ có âm gần giống cà kê thì chữ Hán có từ ca kệ nghĩa là nhà sư tụng bài kệ. Người xưa kính trọng nhà sư. Bài kinh, bài kệ cho dù có dài thì cũng không đến nỗi bị coi là dông dài, tầm phào, làm phiền người nghe như kể lể cà kê.[5]

          - Xuất xứ từ Pháp: Caquet (từ tượng thanh đọc là ca kê) chỉ tiếng gà cục tác, nghĩa bóng là ba hoa. “Caqueter (động từ) nghĩa là nói không ngừng, nói dông dài, nói chuyện tầm phơ khiến người nghe phải khó chịu”. Ta đã “nhập cảng” caquet của Pháp, rồi Việt hoá thành “cà kê”.[6]

          Những người thuộc nhóm một, bác bỏ cách hiểu của nhóm hai, vì cho rằng:
          - “Trong khoa học, không có con gì tên là con cà, và chắc chắn là không ai biết con cà là con gì.” (GS.TS Vũ Quang Côn)[7].

          - “Con cà con kê khác cây cà cây kê (đã nói con thì không thể là cây nữa).” (Blogtinhte.net).

          - “Trong tiếng Việt không có con kê, không có con cà. Chỉ có vài con có tên kép như cà đúi, cà tong, cà cuống, cà kếu, cà niễng... Nếu chỉ nói là con cà thì khó mà đoán biết là con gì”[8]. 

           Tuy nhiên, những người theo nhóm hai lại chỉ ra điểm không ổn của nhóm một, đó là tự điều chỉnh lại nghĩa bóng cho hợp với cách giảng nghĩa đen. PGS.TS Phạm Văn Tình và Nhóm Hoàng Văn Hành đã hoàn toàn đúng khi viết:

          “Nhiều người cho rằng “con cà con kê” là một thành ngữ có sự kết hợp của hai từ cùng ý nghĩa trong tiếng Việt và tiếng Hán, đó là “cà” (trong tiếng Việt cổ “ca” nghĩa là “gà”) và “kê” (tiếng Hán có nghĩa là “gà”). Song nếu vậy thì nghĩa đen của thành ngữ này hiểu một cách nôm na là: dài dòng luẩn quẩn, trùng lặp, “hết con gà lai quay lại con gà”? Mà như thế thì nghĩa đen này không phù hợp với nghĩa biểu trưng của thành ngữ theo cách dùng phổ biến hiện nay”.[9]

          Vậy, “con cà con kê” được hiểu nghĩa đen thế nào?

          Theo chúng tôi, “con cà con kê” (dị bản “cà kê dê ngỗng”) là chuyện lan man, dông dài, hết chuyện này sang chuyện khác, không theo chủ đề nào, giống như từ chuyện “cây cà” chuyển sang chuyện “cây kê”; từ “dê” lại sang chuyện “ngỗng”, dù “cà” với “kê”, “dê” với “ngỗng” là những giống loài hoàn toàn khác nhau, vốn chẳng dính dáng, liên quan gì đến nhau.

          Tuy nhiên, thành ngữ nói “con cà”, chứ đâu nói “cây cà”? Điều này có thể giải thích được, bởi ở Thanh Hoá hiện vẫn còn gọi giống cây trồng là “con”. Ví dụ: “Nghề làm con rau” (tức làm giống rau), “Đi chợ bán con rau”, “Mua vài bó con cải (con đay, con su hào...) về trồng”; “Vụ này trồng được vài trăm con cà”... “Con”, trong “con cải”, “con cà” và “con kê”,... ở đây đơn giản là chỉ cây con, cây giống.

          Dẫn chứng trên đây có thể khó tin với đa số độc giả, vì chúng tôi tra cứu hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt (kể cả từ điển phương ngữ) biên soạn ở cả hai miền Nam, Bắc trước và sau 1975, thấy các nhà biên soạn cho chữ “con” có tới 9 nghĩa, nhưng không có nghĩa nào chỉ về cây cối. Tuy nhiên, một từ không có trong từ điển, không có nghĩa nó chưa từng tồn tại trong thực tế. May thay, và thật thú vị khi “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex) đã thu thập “con” (danh từ) và xếp vào diện “id” (ít dùng) với nghĩa phái sinh chỉ giống cây, cây nhỏ mới mọc: “con [id] cây nhỏ mới mọc, thường dùng để cấy trồng, gây giống: cấy khoảng vài trăm con rau ~ mua mấy trăm con giống về trồng”. Và “Đại Nam quấc âm tự vị” (Huình-Tịnh Paulus Của), mục “con thuốc” cũng giảng là “cây thuốc mới ương, mới mọc”.

          Như vậy, trong tiếng Việt, “cây giống” còn được gọi là “con giống”; giống rau còn gọi là “con rau”: “con giống cà”, “con giống kê”, “con giống cải”, hoặc nói gọn là “con cà”, “con kê”, “con cải”...

          Dị bản “cà kê dê ngỗng” cho chúng ta thêm bằng cứ để khẳng định “con cà con kê” không thể “đều là gà”. Bởi nếu “đều là gà”, thì dị bản “cà kê, dê ngỗng” phải là “cà kê, dê dương” mới đúng với nghĩa nói quanh quẩn, hết chuyện cà (gà) rồi lại quay lại gà, hết chuyện dê rồi lại quay lại chuyện dê (dương).[10]

          Về cách hiểu nghĩa đen “quả cà” và “bông kê” “nhiều hột” của Lê Gia cũng khó thuyết phục, bởi nghĩa bóng thành ngữ không nói về “sự nhiều việc, nhiều chuyện xảy ra”. Và, nếu là tỉ mẩn, chậm chạp, lâu xong, (như ý PGS.TS Phạm Văn Tình và Nhóm Hoàng Văn Hành phân tích) thì công đoạn gieo mạ, nhổ mạ, gánh mạ ra đồng, rồi cấy từng khóm lúa một, với diện tích hàng mẫu ruộng mới đáng gọi là lâu. Trong khi cà và kê là hai loại cây trồng mà xưa kia chủ yếu tự cung tự cấp, mỗi nhà chỉ trồng một vài thước đất, tranh thủ chốc lát là xong, đâu có điển hình cho sự “mất nhiều thời gian”, “kéo dài mãi như không dứt”?

          Với “giả thiết” mà GS.TS Đỗ Thị Kim Liên nêu ra: “cà: cây cà; kê: cây kê;đến tháng ba, người dân đi đâu cũng bàn tới chuyện trồng cà, trồng kê, cây cà, cây kê”, cũng không phù hợp với nghĩa bóng, vì như vậy là bàn chuyện đồng áng, cấy trồng một cách sôi nổi (có chủ đề), chứ đâu phải “lan man, dông dài, hết chuyện này sang chuyện khác” (như chính PGS. TS Đỗ Kim Liên đã giảng nghĩa của “con cà con kê”).

          Như vậy, con cà, con kê; hay con dê, con ngỗng ở đây đều là những sự vật quen thuộc, nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, không có gì lạ, hay đặc sắc; chẳng khác nào những câu chuyện vãn, chuyện phiếm, chuyện vặt, cốt giết thời giờ rảnh rỗi. Vì là chuyện gẫu (gặp đâu nói đó) nên đặc điểm của “con cà con kê” là chuyện không đầu không cuối, từ chủ đề này chuyển sang chủ đề khác lúc nào không hay. Mặt khác, chính bối cảnh nhàn rỗi, chẳng có gì thúc bách về thời gian đã tạo nên tính chất rề rà của chuyện “con cà con kê”, chứ không phải việc trồng cà, trồng kê tỉ mẩn, rề rà, chậm chạp, lâu xong, nên mới thành nghĩa đen.

           Đến đây chúng tôi cũng mạnh dạn loại trừ thuyết cho rằng, cà kê vốn là “ca kệ” trong đạo Phật, hay caquet được “nhập cảng”, rồi chuyển nghĩa ba hoacủa ca-kê trong tiếng Pháp, thành “cà kê”, rồi “con cà con kê” trong tiếng Việt.

Hoàng Tuấn Công
4/2017
Ghi chú:
          [1]- Độc giả này cũng cho rằng: “Con kê còn hiểu được là con gà, chứ con cà thì thật tìm không ra ở đâu có”, và giải thích: “Nghĩa bóng thành ngữ này là cứ lặp đi lặp lại mỗi một chuyện, kiểu nói nhàm, không có thông tin gì mới (...) “Con cà” là nói trại từ con gà; con kê là dùng từ Hán Việt nói trớ, cũng chỉ để trỏ con gà. Nói trại, nói trớ quanh quẩn, rồi cũng chỉ là nói về... con gà mà thôi...” (“Con cà con kê”-FB Vinhhuy Le).
          [2,3,4,5,6,7,8,9]-Dẫn theo bài “Điển tích con cà con kê bắt nguồn từ đâu?” (kienthuc.net.vn).
          [3]-Đa số các cuốn từ điển đều thống nhất cách hiểu nghĩa bóng của “con cà con kê”. Ví dụ: “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “cà kê • t. hay đg. dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác: ngồi cà kê hết cả buổi sáng ~ nói cà kê hết chuyện nọ tới chuyện kia. Đn: cà kê dê ngỗng, con cà con kê”.

          [4]-“Kể chuyện thành ngữ tục ngữ”-Hoàng Văn Hành chủ biên, Viện Ngôn ngữ-NXB Khoa học xã hội, 2002.
          [10]- Dị bản “cà kê dê ngỗng” được nhiều từ điển ghi nhận, trong đó có cuốn “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức xuất bản tại Sài Gòn trước 1975.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến