NGÔN NGỮ THỜI MỞ CỪA, HỘI NHẬP: NÊN CÓ VÀ NÊN KHÔNG?

NGÔN NGỮ THỜI MỞ CỪA, HỘI NHẬP:
NÊN CÓ VÀ NÊN KHÔNG?
Mở rộng hành trang ngôn ngữ

Không cần phải nói, chúng ta cũng thấy rất rõ xã hội hiện đại đã có những sự chuyển biến hết sức mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hoá. Điều đập rõ vào mắt ta là sự thay đổi ở cơ sở hạ tầng và các tiện ích trong cuộc sống. Vào bất cứ gia đình Việt Nam nào hiện nay, chúng ta cũng thấy “không khí” của các nền văn minh Đông-Tây hiển hiện: tivi, tủ lạnh, điều hoà, bếp ga, máy giặt, nồi cơm điện… Đến công sở thì công chức ta cũng tỏ ra “công nghiệp” hơn xưa nhiều: trang phục nghiêm chỉnh (nam complet cravate, nữ áo dài hay váy đầm công sở) rất đẹp mắt, máy fax, máy photocopy, PC nối mạng, mobile… không còn là những thứ xa lạ và xa xỉ nữa. Đó là lẽ đương nhiên. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển của nền kinh tế tri thức, chúng ta không thể sống khép kín thu mình lại thành “ốc đảo”. Nếu vậy, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ rơi vào tụt hậu và bị người khác vượt lên.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Ngàn năm xưa đã thế và ngàn năm sau vẫn thế. Ngôn ngữ “đánh dấu” các sự kiện, hiện tượng và tường minh hoá các sự tình. Trong mấy chục năm qua, tiếng Việt đã nhập ngoại, bổ sung vào vốn từ vựng của mình hàng triệu thuật ngữ (của tất cả các chuyên ngành khoa học), hàng ngàn từ ngữ của cuộc sống đời thường. Trong số đó, có từ chúng ta để nguyên dạng, có từ chúng ta dịch nghĩa. Ngay cả những người dân bình thường bây giờ cũng có thể viết nhiều từ hay tổ hợp từ ngoại lai và phát âm một cách “ngon lành”: World Cup, SEA Games, hat-trick, Fair Play (thể thao), Internet, mail, website (mạng thông tin toàn cầu), video clip, gala, festival, album, rock & roll (âm nhạc, thời trang), Future, Wave, Mondeo, BMW (xe máy, ôtô)…

Ngay hàng loạt các tổ hợp từ, các lối nói thông dụng cũng đã xuất hiện “hồn nhiên” như của chính tiếng Việt sinh ra: Chào buổi sáng (Dobroe utro, Good morning, mô phỏng chương trình của Nga và các nước phương Tây); Vấn đề là ở chỗ (sostoit v tom, chto, trước tiên nhập vào từ tiếng Nga); Chúng ta nhiệt liệt chào đón thí sinh A đã đến với cuộc thi từ (from… to…, cấu trúc rất thông dụng của tiếng Anh ). Có rất nhiều từ, chúng ta phải chấp nhận nguyên dạng, bởi dịch nghĩa khó lột tả nội hàm chính xác và đầy đủ. Chẳng hạn, từ marketing (Việc nghiên cứu có hệ thống những điều kiện tốt nhất để tiêu thụ hàng hoá (thị trường, quảng cáo, tâm lí thị hiếu khách hàng,…), nếu dịch là tiếp thị e chưa nêu được hết bản chất ngữ nghĩa.

Từ lobby cũng là một từ rất hay được sử dụng hiện nay, nhưng dịch là “vận động hành lang” cũng chưa thật ổn. Bởi lobby là một chiến thuật vận động, gây sức ép, mua chuộc đối tác ở ngoài diễn đàn chính thức (ngoài cuộc họp, gặp gỡ riêng, thông qua trung gian, tặng quà hay hứa hẹn ưu đãi nào đó…) của cá nhân hay tập thể nào đấy nhằm ý đồ đạt được mục đích qua những sức mạnh “ngoại viện”. Ngôn từ tiếng ta đã được “trộn mã” cùng tiếng Tây. Ngay cả các bài diễn văn bây giờ cũng ít nhiều đượm vẻ ngôn ngữ ngoại quốc. Người ta không còn nói “xin hết” như xưa mà nhất loạt “xin cảm ơn! (thank you!) - Vâng, xin cảm ơn, xin cảm ơn và xin cảm ơn (!)”.

Trên các sản phẩm, hàng hoá thì ngôn ngữ Anh - Mỹ đang chiếm thế thượng phong trong việc quảng bá thương hiệu. Lác đác cũng có tên Việt (Vĩnh Hảo, Thạch Bích, Kinh Đô, Hừng Sáng, Vina Giầy…) nhưng các tên khác thì nhiều vô kể: La Vie, Aquafina, Vinabico, Vinataba, New World, First News, Saigontourism, Halida, Nada, Huda và rất nhiều “co”, nhiều “da”, nhiều “im”, nhiều “ex” khác nữa. Vân vân và… vân vân.

Trong một chừng mực nào đó, giao thoa sẽ dẫn đến chuyển di hội nhập. Đây cũng là một nhu cầu và rát cần sự đồng tình, chia sẻ của toàn xã hội. Nhưng…

Ngôn ngữ thời @ 

Nhưng, mặt trái của vấn đề này thì cũng có. Mà nó xuất hiện tới mức nhiều khi làm chúng ta hoặc bỡ ngỡ lạc hướng, hoặc không kiểm soát nổi rồi “tặc lưỡi” cho qua. Quay trở lại với việc quảng bá thương hiệu, chuyện lạm dụng chữ Tây, chữ Tàu đã quá rõ. Đời thuở nhà ai hàng Việt chính hiệu 100% nhưng nhãn mác bao bì thì “ngoại hoá” tới 400% (Anh, Pháp, Nga, Trung, bốn thứ chữ chen nhau khoe mình trên một hộp bánh chocolate). Buồn một nỗi, chữ nhiều nhưng có những thông tin rất cần (như ngày SX) lại quên hoặc không có. Thuốc Tây mang tên Tây đã đành, thuốc ta cũng mang tên Tây nốt. Vào siêu thị mà nhìn lên, ngay cả những người có trình độ khá cao mà nhiều khi cũng hoa mắt như “chim chích lạc rừng”.

Nhưng lạ lùng hơn là ngôn từ của giới trẻ bây giờ. Các công dân thời @ thuộc thế hệ 8X (và cả 9X nữa) trí tuệ quả thật có trác tuyệt thật, làm ăn giỏi giang tới mức siêu việt thật. Nhưng khá nhiều trong số họ đã có một cách thể hiện ngôn từ rát độc chiêu (theo phong cách xì-tin!). Đây là một đoạn đối thoại trên mạng:

-
thứ thế nào rùi? OK ko?
- Cũng phình phường. Chuyện ý có lẽ phải đe-lit (delete) thôi.
- Ng. ta iu đằng ấy từ lớp 11 đến h. Sao ân-đu (undo) kì dzậy?
- Phụ huynh chuối lắm. Nói mãi cũng không nghe. “Thổi còi” mấy lần rùi. Người ta “ca-mê-run” lắm rùi dzùi. Hồng lâu mộng để mà chết à?
- Quên, quên, quên đi… Cứ thoải con gà mái đi! Ngại gì. Tình cho không biếu không kia còn chẳng sao mà!

Mơ mộng thì nói là Hồng Lâu Mộng. Tưởng nhớ thì nói là Tưởng Giới Thạch. Vô lí thì nói là Vô Lý Thường Kiệt. Đôla thì nói là tiền âm phủ. Bạn gái thì gọi là gà tóc nâu. Bạn trai thì gọi là cửu vạn tân thời. Lôi thôi, luộm thuộm thì nói là Bô-nhếch (Bonek, cầu thủ Ba Lan)… Đó là những lời nói tuỳ hứng, tếu táo mà nhiều người cho rằng đó là ngôn từ công nghiệp: ngắn gọn, đủ ý và mang chất “sành điệu”. Ai góp ý thì họ bĩu môi chê là hâm đơ, khó tính “tinh vi sờ ti con gà ri”, “Chuyện nhỏ! Nâu (No) vấn đề!”. Bây giờ là lúc lo làm ăn sao cho giỏi chư lúc nào cũng săm soi, xét nét lời lẽ người khác để phê phán thì quả là “tẩm”, là “khốt-ta-bít làm ít nói nhiều”. Ngôn từ trên mạng đã tràn vào ngôn từ của đời thường lúc nào không hay và lan toả nhanh chóng như hiệu ứng domino vậy (Có những lúc, nó bùng phát và tác oai tác quái chẳng khác gì cơn bão Xangsane vừa tràn qua miền Trung nước ta).

Viện Hàn lâm Pháp, một cơ quan nghiên cứu và giữ gìn tiếng Pháp một cách mạnh mẽ nhất trên thế giới gần đây cũng phải kêu trời bởi nạn “Anh hoá”, “Mỹ hoá” tiếng Pháp lan tràn như một bệnh dịch. Thanh niên Paris thời nay không muốn đọc báo nước mình. Họ bỏ về khi ca sĩ lên sân khấu hát tiếng Pháp. Họ dùng một thứ tiếng Pháp “bồi” nhập từ Mỹ. Họ thích mặc kiểu Madona, Kournikova hay Sabatini… Đấy là ở Pháp. Còn ở nhiều nước Mỹ Latinh và cả châu Á ta nữa thì lai căng ngôn ngữ đang là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hoá ra chuyện toàn cầu hoá ngôn ngữ không phải là chuyện riêng chỉ có ở nước Việt.

Đáng tiếc là nhiều khi một số tờ báo của ta lại chưa có thái độ nghiêm chỉnh, thậm chí lại vô tình “tiếp tay” cho những hiện tượng như vậy. Thực tế thì, cũng đôi khi, chúng ta nghe người ta nói năng bông phèng tếu táo ngoài phòng trà, quán nước hay một nơi tụ tập đông người mà có thể bỏ qua. Nó cũng tạo ra được một chút vui vẻ, thư giãn. Nhưng viết thành văn, đưa lên mặt báo thì nên thận trọng. Có khá nhiều chuyên mục dành cho hot boy, hot girl (lên cao tới 100ºC) được các báo đăng tải dài dài và lôi cuốn được nhiều bạn đọc tán thưởng. Những tờ báo này lại dành cho giới trẻ (Nước ta có tới hơn 24 triệu học sinh từ cấp tiểu học đến lớp 12). Học đọc say sưa và cũng từ đó mà say sưa sáng tạo.

Why no? Tại sao không? - Đó là một cái tít tiếng Anh giờ đây đã khá phổ biến và trở thành một chương trình của VTV1 rất đắc dụng. Đó là có lúc, chúng ta tự hỏi: Tại sao chúng ta lại không coi chuyện tiếp nhận ngôn ngữ là bình thường và chấp nhận nó như một lẽ đương nhiên (để làm phong phú cho mình) nhỉ. Cái gì hay thì ta học chứ tại sao lại cố chấp bảo thủ vậy? Đúng như thế. Có lã ít ai phản đối quan điểm đó. Nhưng có nhiều trường hợp, chúng ta phải cẩn thận khi tiếp nhận. Bởi ngôn từ là một mặt làm nên bản sắc văn hoá. Chúng ta cần xác lập một thái độ, một bản lĩnh, một nét riêng của ta. Trúc xinh thì trúc đứng một mình vẫn cứ xinh. Có nhiều cái sai, ta có thể sửa được. Chứ những cái lệch lạc mang tính văn hoá thì hãy coi chừng. Nó sẽ tồn tại âm ỉ trong cơ thể ta và “di căn” từ thế hệ này sang thế hệ khác.

TS PHẠM VĂN TÌNH


Nhận xét

Bài đăng phổ biến