LỰA LỜI ĐỂ NÓI - LỰA CHỮ ĐỂ VIẾT


LỰA LỜI ĐỂ NÓI
LỰA CHỮ ĐỂ VIẾT

Ngày nọ, tôi đang trò chuyện xã giao với một ông sếp, thì một anh đi tới. Chào hỏi xong, anh hỏi sếp đến Pháp lần nào chưa. Sếp bảo có ở Pháp một thời gian. Anh cười, rồi nhận xét với vẻ tinh tường: “Thảo nào, nhìn sếp biết ngay là người có phong cách Pháp”. Sếp có chiều phấn khởi. Tôi cố nhịn cười, vì thấy ông cũng bình thường giống mọi người, mà anh lại phát hiện ông có phong cách Pháp! Quan sát tình trạng càng cười càng nhạt của anh, tôi chán quá, băn khoăn không biết anh nịnh sếp hay đang thực hành câu tục ngữ “Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”?

Kể ra dễ bị coi là soi mói, chứ thực tình thì vì tiếp xúc nhiều mà tôi thường được nghe những lời như vậy. Tỷ như, có anh vừa hồ hởi bắt tay vừa nhận xét dạo này “nhìn sếp vượng quá”, mà như tôi biết thì lâu rồi, hình thức của sếp không mấy thay đổi. Rồi anh khen sếp trẻ ra. Anh nhận xét sơ mi của sếp đẹp, quần của sếp hợp thời trang. Anh ồ lên ngạc nhiên vì sếp có đồng hồ sành điệu. Anh khen tóc của sếp dạo này đen hơn (mà chỉ liếc qua là biết tóc “đảo ngói”, đen đến bất thường!). Anh trầm trồ mới đọc bài của sếp, quá hay. Anh xuýt xoa hôm nọ nghe sếp phát biểu “em phải ghi lại ngay”. Anh thấy sếp rút smartphone ra bấm bấm, vội thốt lên: “Công nhận sếp là người của thời đại, nhiều người tuổi như sếp mà không biết dùng loại này đâu”. Lại có anh sau khi sếp phát biểu trong cuộc họp, giờ giải lao gặp sếp ngoài hành lang là nhanh nhảu nhận xét: “Em chịu trí tuệ của sếp, vấn đề phức tạp như thế mà sếp đưa ra ý kiến giải quyết ngon ơ”...!

Trong ứng xử hằng ngày, điều tiền nhân đã nhắn nhủ “Lời nói không mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” được coi là một yêu cầu về ngôn từ trong giao tiếp. Nhưng có lẽ nói “cho vừa lòng nhau” đã bị lạm dụng, làm cho lối nói đãi môi, không thật lòng,... trở nên bình thường với nhiều người nói lẫn người nghe; giúp người nói thể hiện tấm lòng chưa có gì bảo đảm là chân thành, còn người nghe thì hỉ hả sướng tai. Rồi lối nói ấy xuất hiện trong một số cuộc họp hành, thay thế cho lời nói thẳng thắn. Hẳn không ngẫu nhiên trong dân gian lưu truyền giai thoại kể rằng, trong một cuộc họp về phê bình và tự phê bình, có người đã nhận xét: “Khuyết điểm lớn nhất của sếp là làm việc nhiều quá, không chú ý giữ sức khỏe”! Mỗi lần nghe ai đó nói kiểu như vậy tôi rất kính nể, tò mò muốn biết vì sao họ có thể nói những lời mà theo tôi là cực kỳ khó nói. Đến giờ giải lao các cuộc họp, tôi thường đứng hay ngồi góc phòng uống nước, hoặc ra hành lang, tiền sảnh chứ không lân la bên các sếp để phải nghe một số người ráo hoảnh thứ ngôn từ tôi rất dị ứng.

Đến nay, chỉ một sếp mỗi khi phát biểu ở đâu thấy tôi ngồi dưới là sau đó gọi điện, hoặc nhắn tôi đến phòng làm việc để trả lời câu hỏi: “Hôm nay chú thấy anh nói ra sao?”. Lần nào tôi cũng nói hết các nhận xét của mình, không hề giấu giếm. Ông lắng nghe và trao đổi. Tôi biết đôi điều thẳng thắn của tôi có thể làm ông không vừa ý song tôi trân trọng, vì ông đã lắng nghe.

Còn khi chính tôi là đối tượng để ai đó nói cho vừa lòng thì tôi lập tức xua tay, đính chính, hoặc biến thành chuyện bông phèng, quyết không nhận. Vài lần thấy ánh mắt người khen vẻ không thực tâm, dù biết là sỗ sàng tôi vẫn nói thẳng: “Ông khen đểu tôi đấy à?”, hoặc “Anh không khoái tai về điều chú vừa nói đâu nhé!”.

Vì thế theo tôi, khi lối nói tâng bốc cho vừa lòng nhau thành ngôn từ phổ biến với nhiều người, thì “trung ngôn” tất nhiên sẽ bị coi là “nghịch nhĩ”. Để rồi người được khen dần dà tự thấy mình tài ba, thông thái, có trình độ hơn người. Để rồi họ có thể đưa ra những ý kiến nằm ngoài khả năng của mình, hoặc đưa ra quyết định mà Để kết quả tiêu cực là khó có thể lường hết! Nhưng ngôn ngữ giao tiếp, ứng xử của con người không chỉ liên quan đến nịnh bợ, mà còn được sử dụng trong vô vàn tình huống giao tiếp của nhiều loại quan hệ. Từ đó lựa lời mà nói luôn có ý nghĩa riêng và đặc biệt, thậm chí rất ghê gớm như tiền nhân bảo: “Lời nói đọi máu”, hay Đức Phật dạy: “Cái lưỡi giống như con dao sắc có thể giết người mà không cần làm đổ máu”, hoặc một tác giả viết: “Có một sức mạnh sống và chết nơi miệng lưỡi chúng ta. Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc có thể vực người ấy dậy và giúp anh ta vượt qua khó khăn. Nhưng cũng lời nói có thể giết chết một người trong cơn tuyệt vọng. Do đó, hãy cẩn thận với những gì chúng ta nói ra”. Nói một cách nghiêm túc, từ góc nhìn này có thể thấy lựa lời mà nói là yêu cầu hết sức cần thiết trong cuộc sống hằng ngày; nhiều khi, nếu không cẩn trọng trong quan hệ cụ thể với người cụ thể, thì điều bản thân mình thấy là bình thường nhưng lại là xúc phạm, làm tổn thương người khác. Dù ý thức rất rõ về điều này mà đôi lần bức xúc, tôi đã nói đôi câu, viết đôi dòng về người khác sau nghĩ lại thấy ân hận, phải gặp gỡ hoặc gọi điện thoại xin lỗi.

Lại nhớ sau khi nhà văn A xin lỗi nhà văn B vì mấy chục năm trước đã viết không đúng về tác phẩm của nhà văn B, góp phần làm nhà văn B bị lâm hoạn nạn. Gặp nhà văn B, tôi hồ hởi chia sẻ. Thấy ông vẫn bức xúc, tôi phải giãi bày: “Em nói như thế không phải để kích động anh. Em vui vì các anh đã ứng xử để bọn em học hỏi. Anh A 70 tuổi rồi, tuổi ấy không dễ công khai xin lỗi trước đồng nghiệp đâu anh ơi!”. Nghe tôi nói, nhà văn B cười, tỏ ý đồng tình, và có vẻ nguôi ngoai.

Và từ ngày mạng xã hội phát triển, xem ra với nhiều người, việc lựa lời để nói, lựa chữ để viết như đã giảm thiểu ý nghĩa. Vì họ đã vứt bỏ yêu cầu tối thiểu ấy để thoải mái xúc phạm, mắng mỏ, chửi bới người khác như không còn có giới hạn. Họ chửi bới lẫn nhau, họ chửi người lớn tuổi, họ chửi từ vợ chồng, con cái, nghề nghiệp, giới tính, đến quê quán, học vấn, áo quần, đầu tóc… Nghĩa là họ chửi bới bất cứ điều gì họ không vừa ý, thậm chí chửi bới cả những điều không liên quan đến họ. Từ đó, “ném đá trên mạng” đã ra đời như một khái niệm bao chứa các thái độ, ngôn từ nhiều khi rất thô bỉ, tệ hại được nhiều người thể hiện, sử dụng khi muốn nhận xét, thảo luận vấn đề, sự kiện, hiện tượng mà công dân mạng đề cập. Dường như đối với họ, văn hóa và văn minh là các khái niệm xa xỉ, từ đó việc xúc phạm người khác vốn là điều thường rất e dè trong cuộc sống đã tìm ra môi trường để sinh sôi nảy nở là internet; và khi xúc phạm trở nên bình thường trên mạng thì cũng nhanh chóng trở lại với cuộc sống, làm cho việc xúc phạm người khác không còn là điều cần e dè.

Theo tôi, đó là một cơ sở lý giải vì sao trong sinh hoạt xã hội, càng gần đây chúng ta lại phải tiếp xúc, chứng kiến nhiều người thản nhiên xúc phạm người khác, hoặc họ sử dụng bạo lực theo xu hướng không cần kiềm chế! Đáng tiếc là một số tờ báo, một số nhà báo như đã tham gia vào quá trình nói trên, để không chỉ thản nhiên xúc phạm người khác mà còn thản nhiên xúc phạm cả quốc gia khác, nhất là khi họ đề cập thể thao, cụ thể như với bóng đá. Ngoài những ví von lặp đi lặp lại đến nhàm chán như đội Đức thì gọi là “cỗ xe tăng”, đội Anh thì gọi là “tam sư”, đội Ba Lan thì gọi là “đại bàng trắng”, đội Brazil thì gọi là “vũ công Samba”, đội Nhật Bản thì gọi là “chiến binh Samurai”, đội Nga thì gọi là “gấu Nga”, đội Hàn Quốc thì gọi là “chàng trai đến từ xứ sở Kim Chi”, đội Pháp thì gọi là “gà trống Gaulois”,… thì chỉ vì một sai lầm, sơ sẩy nào đó, lập tức một cầu thủ sẽ được một số tờ báo ở Việt Nam gọi là “chú hề”, “kẻ tội đồ”. Không chỉ vậy, sau một trận thua trên sân cỏ thì cả quốc gia có đội bóng cũng bị một số tờ báo lôi ra xỉ vả là “nỗi ô nhục quốc gia”, “thất bại ô nhục lịch sử”.

Như với đội tuyển Đức ở World Cup 2018 chẳng hạn, trên một trang mạng liên quan bóng đá, một tác giả đã nhận xét: “Tràn ngập trên truyền thông hai hôm nay là từ “nhục”, “ô nhục”, “nhục nhã”,… dành cho đội tuyển Đức sau thất bại 0-2 trước đội tuyển Hàn Quốc? Đấy thật là một điều đáng buồn cười”; sau khi phân tích vì sao đáng buồn cười, tác giả viết: “trừ khi người Đức bị thất bại bởi dính líu đến nạn dàn xếp tỉ số, bán độ hay các scandal tương tự thì hãy dùng từ Nhục đối với họ. Còn không, hãy tự cảm thấy “humiliate - bẽ mặt” khi dùng này để mô tả thất bại của Die Mannschaft”! Đồng cảm với ý kiến trên, tôi muốn đặt câu hỏi: Bóng đá có phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá uy tín một quốc gia?

Tại sao vì đội bóng thua trận mà lại xúc phạm danh dự của quốc gia khác, phải chăng đó là thái độ có văn hóa? Cho dù báo chí nước sở tại đánh giá như vậy, thì báo chí Việt Nam có nên hùa theo “chửi hôi” hay không?

Sẽ không là quá lời nếu cho rằng tình trạng tùy tiện trong phán xét đang tồn tại một cách thiếu văn hóa trên internet đã lây nhiễm vào “bàn phím” của một số nhà báo, khiến họ không quan tâm đến việc cần lựa chữ trước khi viết. Lại nghĩ, nếu báo chí nước ngoài gọi đội tuyển Việt Nam là “các chàng trai đến từ xứ sở của phở” còn ra một nhẽ, nếu họ gọi là “các chàng trai đến từ xứ sở thịt chó, mắm tôm” thì mấy nhà báo đó sẽ phản ứng như thế nào? Lại giả dụ rồi đây, sau một thất bại của đội tuyển Việt Nam, báo chí nước ngoài coi đó là “nỗi ô nhục quốc gia” thì họ có nhảy dựng lên, rồi chửi lấy được hay không! 

Rốt cuộc thì lựa lời để nói, lựa chữ để viết có thể đưa tới hệ quả là sự ra đời loại ngôn từ xu nịnh, song quan trọng hơn, đó là điều khuyến cáo mọi người trước khi lên tiếng, trước khi viết về bất cứ điều gì cũng cần cẩn trọng để lời nói ra, chữ viết ra có ý nghĩa tích cực, không xúc phạm hoặc làm tổn thương người khác. Và như thế, sự cẩn trọng luôn luôn không bao giờ là điều thừa thãi. 

NGUYỄN HÒA
Nguồn: Đại Đoàn Kết

Nhận xét

Bài đăng phổ biến