“LÁ CÀ” TRONG “GIÁP LÁ CÀ” LÀ GÌ?


“LÁ CÀ” TRONG “GIÁP LÁ CÀ” LÀ GÌ?


Lá cà của hai bên luôn ở tư thế áp sát vào nhau trong khi vũ khí ngắn được sử dụng
linh hoạt để đâm chém -Minh hoạ: St
Thành ngữ “Giáp lá cà” được các nhà biên soạn từ điển giải  thích như sau:
          -“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “giáp lá cà • trt. C/g. Xáp lá-cà, ráp đánh nhau bằng võ-khí ngắn”.

          -“Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập): “giáp lá cà • (h. Sát lá cà) Nói quân hai bên xông vào nhau mà đâm chém nhau”.

          -“Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “giáp-lá-cà • trt. Nói cách đánh sát nhau, xông vào đâm chém nhau <> Vì có nhiều trận giáp lá-cà nên máy bay địch không thể thả bom được. // Trận giáp-lá-cà”.

          Tuy nhiên, nghĩa đen của “giáp lá cà” là sao?  

          Sách “1575 Thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia-NXB Văn Nghệ, 2009) giải thích: “Đánh giáp (sáp) lá cà Có một hiện tượng khá đặc biệt là: Hai cây cà trồng gần nhau nếu lá của cây này mà sát vào nhau thì chỗ đụng nhau ấy sẽ tự nhiên dần dần ủng thối và hư luôn. Do đó mà trong vườn cà người ta không trồng dầy. Nhựa của cà rất độc cho nên có câu “Một quả cà là ba chén thuốc”. Vậy nên, trong chiến trận, khi quân sĩ hai bên đã tiến sát vào nhau mà đánh cận chiến thì hễ hai người đụng nhau là phải có người bị ngã, người ta gọi đánh nhau như vậy là “Đánh giáp (sát) lá cà”.

          Bài “Tại sao gọi là giáp lá cà”, tác giả Nguyễn Việt Khoa cho rằng “Giáp lá cà”, “Sáp lá cà” hay “Đánh giáp lá cà” không phải là thành ngữ quá khó hiểu trong Tiếng Việt", và giải thích:

           “Lá cà” là một từ dân gian để chỉ bộ phận che ngực, bụng và hạ bộ của áo giáp võ quan ngày xưa. Như vậy, theo nghĩa đen thì “đánh giáp lá cà” là cận chiến, đánh mặt đối mặt, “lá cà” của các võ quan kề sát hẳn vào nhau (...) Cách gọi này mô phỏng trực tiếp sự giống nhau của bộ phận giáp phục này với hình dánh chiếc lá cây cà. Còn “đánh giáp lá cà” là đánh nhau gần tới mức lá cà của áo giáp kề sát vào nhau.” (nguyenvietkhoa.edu.vn).


Hình minh hoạ bộ phận gọi là "lá cà" trên áo giáp, trong bài viết của tác giả Nguyễn Việt Khoa
Trên trang hoidap.vinhphuc.net, mục “Kiến thức quanh ta” đưa ra cách giải thích tương tự: “Theo nhà giáo Trịnh Mạnh thì Lá cà là một bộ phận làm bằng đồng nhằm che ngực, che bụng, che hạ bộ được gắn vào áo của các võ quan ngày xưa. Đánh giáp lá cà đánh mặt đối mặt, lá cà của các võ quan sát hẳn vào với nhau”.

          Theo chúng tôi, cách lý giải của Lê Gia thiếu cơ sở. Bởi trong thế giới thực vật cũng có hiện tượng “kị nhau”, loài này trồng gần loài kia thì gây hại, loại trừ nhau. Nhưng với những cây cùng loài, cùng giống, khi trồng dày, cành lá giao nhau, cùng lắm cũng chỉ cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, dẫn đến kém sinh trưởng, dễ phát sinh sâu bệnh, chứ không có chuyện cùng giống cà, mà “lá của cây này mà sát vào nhau thì chỗ đụng nhau ấy sẽ tự nhiên dần dần ủng thối và hư luôn”. Thực tế cho thấy, vườn cà khi giao tán nhau vẫn sinh trưởng tươi tốt, cho thu hoạch bình thường.

Cà trồng giao tán vẫn sinh trưởng bình thường -Ảnh: ST
Lê Gia dẫn chứng “Nhựa của cà rất độc cho nên có câu “Một quả cà là ba chén thuốc”. Tuy nhiên, dân gian cho rằng, cà tính độc, hạt cứng khó tiêu (ăn cà muối xổi có khi còn bị “tích độc” [tắc ruột]). Nên câu “Một quả cà là (bằng) ba chén (thang) thuốc”, được hiểu: đang ốm yếu mà ăn cà vào thì bệnh càng nặng thêm, cứ một quả cà phải uống thêm 3 thang thuốc, mới khỏi bệnh. Theo đây, “nhựa cà” có thể độc đối với người ăn, chứ không độc với chính các cây cà khi “đụng nhau”. Mặt khác, “giáp lá cà” là hai bên xông vào đâm chém nhau một mất một còn, chứ đâu phải “đụng nhau”, khiến “có người bị ngã”?

          Tác giả Nguyễn Việt Khoa và Nhà giáo Trịnh Mạnh có hướng tiếp cận khá hay. Tuy nhiên, xét cụ thể thì các giải thích này lại chưa thoả mãn được thực tế những trận chiến giáp lá cà. Vì nếu “lá cà” là “bộ phận che ngực, bụng và hạ bộ”[1], khi “cận chiến”, “lá cà” của các võ quan kề sát hẳn vào nhau”, phải hiểu các “võ quan” xông vào “vật nhau” mới đúng. Chỉ khi vật nhau, ôm nhau, thì bụng mới áp với bụng, “lá cà” của các võ quan” mới “kề sát hẳn vào nhau”.[2] Trong khi “đánh giáp lá cà” (Hán-Anh: 直接交手的白刃戰的肉搏的 ­- hand-to-hand) là đánh nhau trực diện bằng tay, hoặc võ khí ngắn, giữa hai đối thủ vẫn giữ một khoảng cách linh hoạt.

          Theo một hướng tiếp cận khác, chúng tôi cho rằng, “lá cà” trong “giáp lá cà”, chính là cách dân gian gọi cái thuẫn, hay khiên, mộc, (còn gọi “lá chắn”) của “kiếm thuẫn binh”-劍盾兵 (binh lính được trang bị kiếm và thuẫn khi xung trận), mà “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giảng: “lá chắn: tên gọi chung vật dùng để che đỡ cho tên, gươm, giáo khỏi trúng người trong chiến trận thời xưa, như khiên, mộc, v.v”.


Hình dáng tấm lá chắn rất giống với cái "lá cà" -Minh hoạ: St
 Xét hình dáng tấm “lá chắn” (thuẫn, khiên, mộc...) rất giống cái “lá cà”. Từ điển tiếng Việt (Vietlex), giảng về cái “thuẫn” như sau: ““thuẫn -  d vật dùng để cầm che đỡ cho gươm, giáo khỏi đâm trúng người khi đánh trận thời xưa, hình thon dần về một đầu, như nửa hình cái thoi: tấm thuẫn”.


Các loại thuẫn mang hình dáng của "lá cà" -Ảnh: ST
Lá cây cà (đặc biệt là giống cà dại) phần đầu lá bằng, tựa như phần trên của cái thuẫn; thân phình ra, rồi hóp dần về phía đuôi lá, gân và gai trên lá nổi lên giống những chiếc đanh thép ghép các mảnh gỗ của “lá chắn” lại với nhau[3]. Khi cận chiến, tay trái chiến binh cầm “lá cà”, luôn giơ ra phía trước, tay phải cầm võ khí ngắn, vừa đánh vừa che đỡ, tấn công đi đôi với phòng thủ. Đao, kiếm bên này xỉa, chém, bị “lá cà” bên kia chống đỡ. Lúc “vờn nhau”, “giữ miếng” thì cả hai bên đều giơ lá “lá cà” ra phía trước. Lá cà của của bên nọ “sát”, “giáp”, “chập” vào “lá cà” của bên kia. Chỉ đợi đối phương sơ hở là đưa ra cú đâm, chém chí mạng. Bởi vậy, dân gian có câu “Rình nhau như miếng mộc”. Miếng mộc ở đây chính là “lá chắn”, “lá cà”. Khi “lá cà” của hai bên “giáp”, “sát” vào nhau, chính là khoảng cách hợp lý, vừa đủ để sử dụng võ khí ngắn tiêu diệt đối phương.
Giáp lá cà -Minh hoạ: ST
Đánh giáp là cà -Minh hoạ: ST
Theo đó, chúng tôi cho rằng, “lá cà” là cách gọi hình tượng của dân gian chỉ tấm “lá chắn” của chiến binh xưa. “Đánh giáp lá cà” theo nghĩa gốc là cách đánh gần, khiến “lá cà” (thuẫn, khiên, mộc) và võ khí hai bên “sát”, “giáp”, đâm vào nhau (khác với tấn công bằng cung tên, súng đạn,..). Về sau “giáp lá cà” được hiểu theo nghĩa rộng mà từ điển Vietlex giảng là: “đánh gần bằng báng súng, lưỡi lê, dao găm, gươm giáo, gậy gộc, v.v., hoặc bằng tay không...”[4].

Hoàng Tuấn Công
4/2017
Ghi chú:
        (1)- Theo mô tả của tác giả Nguyễn Việt Khoa và Nhà giáo Trịnh Mạnh, “Lá cà là một bộ phận làm bằng đồng nhằm che ngực, che bụng, che hạ bộ”, thì hẳn “lá cà” này phải chia (ít nhất) thành hai mảnh. Bởi nếu kéo dài từ ngực qua bụng xuống hạ bộ”, thì người mặc áo giáp có “lá cà” nó sẽ không cử động được. Mà một khi đã chia làm hai mảnh, thì nó sẽ là hai bộ phận khác nhau, làm sao có thể gọi là “lá cà” được.
        (2)-Trong tình huống giáp lá cà, có khi hai bên cũng xông vào nhau cắn xé, vật lộn. Nhưng đó không phải là hình ảnh tiêu biểu cho “đánh giáp lá cà”. 
      (3)-Ngoài hình "lá cà", thì lá chắn có nhiều kiểu dáng khá phong phú, như: hình tròn, bầu dục, hình chữ nhật...Nếu dân gian gọi chung tất cả các loại khiên, mộc, thuẫn ấy là "lá cà", thì cũng là điều bình thường trong ngôn ngữ.
      (4)-"Giáp lá cà" là một trong những thành ngữ khá khó hiểu. Bài viết của chúng tôi cũng chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận. Mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc và các nhà nghiên cứu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến