“HOÀNG TRÙNG” LÀ CON GÌ?
“HOÀNG TRÙNG” LÀ CON GÌ?
Siêu
nhân châu chấu -Minh hoạ: Sưu tầm
Trong bài phú “Hoàng trùng trập
khởi” (tạm hiểu là “Dịch hại hoàng trùng”, tác giả (Khuyết danh), có viết:
“Ăn muốn ăn cho tiệt, của ông
cha gì sắm để mà nghĩ tình dãi nắng dầm mưa;
Phá muốn phá cho tiêu, vật mồ tổ
chi sẵn dành mà đoái sức cày sâu cuốc cạn.
Trăm họ ai ai đều kết oán, giết
mỏi tay, rượt mỏi cẳng, giống bây sinh quá lẹ, một đêm rồi coi thế cũng như;
Nghìn người kẻ kẻ chẳng bị hư,
xô hết sức, đuổi hết hơi, loài bây ở vô nghì, giây phút lại càng thấy y lệ”[1].
“Hoàng trùng” là giống gì mà phá hại mùa màng ghê gớm đến vậy? Các sách từ điển
tiếng Việt giảng rất khác nhau:
-“Hán Việt từ điển” (Đào Duy
Anh): “hoàng trùng 蝗蟲 Con
sâu keo”.
-“Việt Nam tự điển” (Hội khai
trí Tiến đức) và “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên), đều giảng
“hoàng-trùng” là “sâu ăn lúa”.
-“Từ điển từ và ngữ Việt Nam”
(GS Nguyễn Lân), sau khi giảng “hoàng trùng” là “sâu cắn lúa”, còn chú thêm
nghĩa yếu tố Hán Việt: “hoàng: màu vàng; trùng:sâu”.
-“Từ điển tiếng Việt” (Vietlex):
“hoàng trùng • 蝗蟲 d.
[cũ] châu chấu, về mặt làm hại mùa màng: lúa bị hoàng trùng ăn hại”.
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức):
“hoàng trùng • dt. (động): X. Châu-chấu: Giặc hoàng-trùng”.
-“Việt Hán từ điển” (GS Đinh Gia
Khánh hiệu đính-NXB Giáo dục, 2003) mục “châu chấu”, cho nghĩa Hán là “蝗蟲”[hoàng trùng-châu chấu]; 蚱蜢 [trách
mãnh-châu chấu], nhưng đến mục “sâu keo”, sách này lại cũng chú nghĩa Hán
tương ứng là “蝗蟲” [hoàng
trùng-châu chấu]. Như vậy, “Việt Hán từ điển” đã tiền hậu bất nhất, hoặc đồng
nhất “hoàng trùng”, “châu chấu” với “sâu keo”.
Theo chúng tôi, trong trường hợp
này, từ điển tiếng Việt của Vietlex và Lê Văn Đức đã giảng đúng. “Hoàng
trùng” 蝗蟲 (“Từ
điển Hán Anh” [cdict.info]: 蝗蟲 -
grasshopper) là con “châu chấu” (côn trùng thuộc họ châu chấu Acrididae), chứ
không phải là “sâu ăn lúa” nói chung; càng không phải là “con sâu keo” (tên
khoa học: Spodoptera mauritia), như Học giả Đào Duy Anh nhầm lẫn[2]. Mặt khác,
“hoàng” trong “hoàng trùng” không phải là “hoàng” có tự hình là 黃 (nghĩa là “màu vàng” như GS
Nguyễn Lân giảng), mà là “hoàng” có tự hình 蝗, tên gọi tắt (“giản xưng” 簡稱) của con “châu chấu”.
Phi
hoàng 飛蝗
(Châu chấu đá, [bộ "áo giáp" rất cứng])
“Từ nguyên” và “Từ hải” đều
ghi nhận và mô tả "hoàng" 蝗, “hoàng trùng” 蝗蟲 (tên gọi khác “trách mãnh” 蚱蜢;
“hoạnh trùng” 橫蟲) với
đặc điểm của con châu chấu. “Hán tự đồ giải tự điển” (Trung Quốc xuất bản
xã tập đoàn, 2012) giảng chữ “hoàng” 蝗 trong “hoàng trùng” 蝗蟲, rõ ràng như sau: “hoàng 蝗: Chữ Hình thanh. Trùng 虫 biểu ý, triện thư hình giống một con sâu, biểu thị
“hoàng trùng” (châu chấu) là một loại sâu. Hoàng 皇 (huáng) biểu thanh; hoàng 皇 còn có nghĩa là to lớn, biểu thị
hoàng trùng bay thành từng đám, từng đám lớn phá hại mùa màng. Nghĩa gốc là
“hoàng trùng” 蝗蟲 (châu
chấu). Hoàng trùng là một loại sâu phá hại mùa màng, thường bay thành từng bầy,
còn gọi là “mã trách” 螞蚱.
Mồm của nó rất cứng và sắc, bay nhảy giỏi, gồm nhiều giống, như: “phi hoàng” 飛蝗 (châu chấu đá), “đạo
hoàng” 稻蝗 (châu
chấu lúa), “miên hoàng” 棉蝗 (châu
chấu bông)”. [Nguyên văn: “蝗 huáng 形聲字蟲表意篆書之形像條蟲, 表是蝗蟲;皇(huáng)表聲,皇有大義,表示蝗蟲大片大片地危害農作物的害庄稼. 本義 是蝗蟲. 蝗蟲一種吃庄稼的害蟲常常成群飛, 又叫螞蚱. 口器堅硬, 善于飛行 和跳躍, 種類很多, 飛蝗, 稻蝗, 棉蝗等].
Đạo
hoàng 稻蝗
(Châu chấu lúa)
Trong khi đó, con “sâu keo”
(Spodoptera mauritia), Tàu gọi là “thuỷ đạo diệp dạ nga” 水稻叶夜蛾 (sâu đêm ăn lá lúa). Hai chữ
“dạ nga” 夜蛾 (sâu
đêm) là gọi theo tập tính của sâu keo, ban ngày ẩn nấp, ban đêm ra gây hại;
trong khi “châu chấu” thì ngược lại, phá hại ban ngày là chính. “Sâu keo” thuộc
côn trùng “biến thái hoàn toàn” (tức trong vòng đời có lúc là sâu, có lúc hoá
thành bướm), không chân, không cánh; còn “châu chấu” thuộc loại “biến thái
không hoàn toàn” (tức không hoá bướm, mà chỉ phát triển từ trứng, đến con non,
rồi trưởng thành, có sáu chân khớp và có cánh bay nhảy). Con “sâu keo”, nếu
phát sinh thành dịch, thì cũng chỉ gây hại trong phạm vi hẹp; còn châu chấu với
khả năng bay nhảy giỏi, phạm vi gây hại rất rộng lớn.
Miên
hoàng 棉蝗
(Châu chấu bông)
Xưa kia có những năm, châu chấu
phát sinh thành đại dịch, bay từng đám vần vũ như mây giông đen nghịt bầu trời.
Châu chấu tới đâu, mùa màng, cây cỏ, các loài thực vật trọc trụi tới đó. Bởi vậy,
“hoàng trùng” được xem là một thứ “giặc” nguy hiểm.
Dịch
châu chấu
Trong “Việt Nam phong tục”, mục
“Thuật trừ hoàng trùng”, Phan Kế Bính viết: “Khi có sâu hoàng trùng (châu chấu)
ăn hại lúa, làm lễ cúng tiễn cho nó đi, rồi cắm một cái cờ giấy ở đầu địa giới
thì nó không dám vào nữa”. Trong bài phú “Hoàng trùng trập khởi”, tác giả dùng
“hoàng trùng” với nghĩa là con “cào cào”: “Cào cào là giống độc hằng niên…” (Ở
đây xin chưa bàn tới chuyện “cào cào” hay “châu chấu”).
Sâu
keo và bướm sâu keo -(Ảnh minh hoạ côn trùng trong bài: Sưu tầm)
Như vậy, “hoàng trùng” 蝗蟲 là tên riêng của con “châu
chấu”, chứ không phải “sâu keo”, hay “con sâu keo”; cũng không phải là tên gọi
các loại “sâu hại lúa”, “sâu cắn lúa” nói chung; “hoàng trùng” càng không phải
vừa có nghĩa là “châu chấu”, vừa có nghĩa là “sâu keo” như “Việt Hán từ điển”
đã nhầm lẫn.
Hoàng Tuấn Công
5/2017
Chú thích:
1.Bài “Hoàng trùng trập khởi” in
trong “Nguyễn Đình Chiểu (thân thế và thơ văn)”, Nguyễn Bá Thế, NXB Tân Việt,
Sài Gòn, 1957 (dẫn theo thivien.net). Tuy nhiên, trong “Nguyễn Đình Chiểu toàn
tập” (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp tập 2, 1982) không có bài này. Lý
do, theo nhóm tuyển chọn, thì bài “Hoàng trùng trập khởi” “không có trong tập
nôm chép tay thơ, văn tế của Nguyễn Đình Chiểu”; lời văn và tư tưởng cũng không
giống. Nhóm tác giả cũng cho rằng, bài “Hoàng trùng trập khởi” sáng tác sau nạn
cào cào năm ẤT Tị 1905) (tức thời điểm Nguyễn Đình Chiểu đã mất [1888]). Bởi vậy,
ở đây chúng tôi tạm xếp “Hoàng trùng trập khởi” vào diện Khuyết danh.
2.Trong thực tế, “sâu keo” có khi
được dùng với nghĩa như “sâu bọ” nói chung. Ví dụ “Cấy xong gặp rét, lúa đã chết
quá nửa, còn ít nào, lại bị sâu keo ăn hết”. Tuy nhiên, trong “Hán Việt từ điển”,
Đào Duy Anh giảng “hoàng trùng” là “CON sâu keo”, nghĩa là chỉ đích danh “con
sâu keo”, chứ không phải là “sâu keo” với nghĩa sâu bọ nói chung.
Nhận xét
Đăng nhận xét