NÓI VỚI MẤY TIẾN SỸ LÒ ẤP


NÓI VỚI MẤY TIẾN SỸ LÒ ẤP

Bài viết trước của tôi phê bình sách giáo khoa một cách đàng hoàng trên nền lý luận và thực tiễn tiếng Việt. Các ngài khoa bảng muốn tranh luận thì nên vào trang FB của tôi tranh luận trực tiếp, không nên cho đám học trò vào gây nhiễu, càng lộ cái đuôi lò ấp ra. Dám làm dám chịu mới đáng gọi là có học thức.

Bài tôi nói về sách giáo khoa, về “nghĩa gốc” và “nghĩa chuyển” thuộc tu từ học, không mang “tri nhận luận” giả cầy vào đây khoe khoang. Mà khoe theo cách học trò Nguyễn Vượng nào đó nói: “đầu người – đầu súng” cũng giống như hiện tượng “bác sĩ – thằng bán thịt” thì tôi chào thua. Bởi vì trong “bác sĩ – thằng bán thịt” thì có từ nào là chuyển nghĩa? May ra vào trại tâm thần mới tìm ra được cái từ nào chuyển nghĩa giữa “bác sĩ” với “thằng bán thịt”.

Nguyễn Vượng còn cho rằng, theo “tri nhận luận”, từ ngữ chỉ người có trước rồi mới gán cho các loài vật, đồ vật sau, dẫn đến hiện tượng chuyển nghĩa? Ơ hay, hóa ra con người đã đẻ ra vạn vật nên mới có chuyện dùng từ chỉ con người đặt cho vạn vật? “Thân cây” là do “thân người” đẻ ra? “Đầu núi”, “chân núi”, “hang động” là do “đầu người”, “chân người”, “hang người” đẻ ra? Vậy “bướm sâu” là do “bướm người” đẻ ra, “chim rừng” là do “chim người” gán cho sao?

Ngôn ngữ học tri nhận vừa du nhập vào Việt Nam, nhưng những cái đầu lò ấp đang biến nó thành món giả cầy, hãy khoan mang ra đây khoe vì chưa đến lượt nó phải giơ đầu chịu báng.

Học trò Lê Thanh Sơn đưa ra thêm từ “mũi” để biện bạch cho các sư phụ rằng, “mũi” nghĩa gốc là phần nhọn hay nhô ra và dùng để ngửi, vậy “mũi người” là nghĩa gốc, còn “mũi dao” là nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ. Bằng chứng chuyển nghĩa ở đây là, thay bằng mũi dùng để ngửi thì “mũi dao” dùng để đâm? Như vậy, sách giáo khoa nói “đầu súng” là một ẩn dụ cho “đầu người” là đúng!

Khóc cho học trò lò ấp. Thảo nào Nguyễn Đức Tồn “không có sách nào không đạo văn” (Hoàng Dũng) vẫn là giáo sư tiến sĩ!

Thì ra, học trò lò ấp không phân biệt nổi điều tối thiểu: 1) Từ với cụm từ; 2) Từ khi kết hợp với từ sẽ thêm nghĩa, từ chung chung đến xác định, khác với hiện tượng chuyển nghĩa.

“Đầu” là một từ, nghĩa gốc là phần trên cùng nói chung. Khi thành cụm từ “đầu người”, “đầu núi”, “đầu sông”,… thậm chí “đầu gậy”, “đầu súng”, các từ đứng sau “người”, “núi”, “sông”, “gậy”, “súng” có chức năng xác định đầu của cái gì, hiển nhiên thêm nghĩa chức năng cho “đầu”, còn bản thân từ “đầu” vẫn giữ nguyên nghĩa gốc. Cũng như vậy, “mũi” nghĩa gốc là phần nhọn hay nhô ra. Khi thành cụm từ “mũi người”, “mũi chó”, “mũi dao”, “mũi dùi”, “mũi Cà Mau”…, các từ đứng sau “người”, “chó”, “dao”, “dùi”, “Cà Mau” có chức năng xác định mũi gì, hiển nhiên thêm nghĩa chức năng cho mũi: ngửi, hôn, đâm, dùi, lấn ra,… còn bản thân từ “mũi” vẫn giữ nguyên nghĩa gốc chứ chuyển cái gì? Tôi tưởng tri thức này đã hoàn thành ở tiểu học, nào ngờ giáo sư, tiến sĩ cũng chưa vượt qua!

Một cách khái quát, “đầu người”, “đầu chó”, “đầu heo”, “đầu sông”, “đầu núi”, “đầu gậy”, “đầu súng”…; “mũi người”, “mũi chó”, “mũi dao”, “mũi dùi”… là quá trình kiến tạo từ cái gốc là “đầu” và “mũi”; trong quá trình kiến tạo đó, tất cả đều tồn tại bình đẳng, vừa có tương quan trong liên tưởng qua lại, vừa có khuynh hướng phát tán những khác biệt mà J.Derrida khái quát thành thuật ngữ differance, không có cái gọi là từ “người” chuyển nghĩa sang cho vạn vật.

Hiện tượng chuyển nghĩa phải là hoạt động liên tưởng hay thay thế làm cho nghĩa gốc bị mờ nhạt và biến thành nghĩa mới, khác biệt. Chẳng hạn, “đầu trộm đuôi cướp”, “đầu bò đầu bướu”, “đầu” với nghĩa gốc là “phần trên cùng” bị mờ nhạt để thay bằng bản chất trộm cướp, côn đồ. Hay “Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người”, “tay” nghĩa gốc là “bộ phận chi trên của con người” bị mờ nghĩa để thay thế cho sự lừa lọc chuyên nghiệp của Mã Giám Sinh.

Đó là chuyển gần. Còn chuyển xa thì có thể nghĩa sau đè hẳn lên nghĩa trước và làm mất hẳn nghĩa trước. Rõ nhất là trong nghệ thuật khi từ được dùng ở dạng kí hiệu văn hóa hay biểu trưng trong trò chơi của nó.

Tiếng Việt ở phổ thông lẽ ra phải là luyện từ, đặt câu, tổ chức và viết các loại văn bản cho thành thục thì người soạn sách không quan tâm, đến mức học lên đến tiến sĩ viết một cái đơn hay một biên bản cũng chưa xong, nhiều giáo sư diễn đạt câu cú tối nghĩa và ý tứ rối tùng phèo. Trong khi các giáo sư tiến sĩ lò ấp hoang tưởng mình siêu việt nên tha hồ nhồi vào sách giáo khoa phổ thông đủ các loại hàn lâm nhưng loại này đá loại kia chan chát: tu từ học và ngôn ngữ học tri nhận, ngữ pháp cấu trúc và ngữ pháp chức năng, ngữ pháp văn bản và ngữ dụng học… Có những bài tập bắt học sinh xử lý một hiện tượng ngôn ngữ vừa theo ngữ pháp cấu trúc vừa theo ngữ pháp chức năng và ngữ dụng học đến loạn não mà tôi sẽ dẫn ra trong một bài khác.

Người ta chỉ trích đó là lối dạy học theo chính sách ngu dân. Nhưng tôi nghĩ, thực ra đó không phải đứa khôn thực hiện chính sách ngu dân mà chính đứa ngu làm cho dân ngu thêm mà không hề biết. Thế mới khổ cho trẻ em và tương lai của dân tộc!

Chu Mộng Long

Nhận xét

Bài đăng phổ biến