“BƠI CHẢI” HAY “BƠI TRẢI”?


“BƠI CHẢI” HAY “BƠI TRẢI”?

Quả tình, hiện nay đang tồn tại song song hai cách viết “bơi trải” và “bơi chải”. Ví dụ, nếu nhập mấy từ “lễ hội bơi chải” vào google, theo link bài “Những màn rượt đuổi thót tim trong lễ hội Bơi chải Bạch Hạc” trên báo Lao Động, chúng ta sẽ thấy hàng loạt bài viết có liên quan sử dụng “bơi chải”, như: “Chung kết giải bơi chải mừng Đảng, mừng Xuân”; “Lễ hội bơi chải bến Tam Giang - Bạch Hạc - Việt Trì”; “Đặc sắc lễ hội bơi chải Bạch Hạc”; “Hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng năm 2017”... Nhưng, nếu nhập các từ “lễ hội bơi trải”, ta lại cũng tìm được hàng loạt bài trên các  báo “Thể thao Văn hoá”, báo “Thái Bình”,...viết là “bơi trải”, chứ không phải “bơi chải”.

          Tuy nhiên, (đúng như bác Nguyễn Cử viết), hầu như các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay (xuất bản trước và sau năm 1975, ở cả hai miền Nam, Bắc) đều thu thập và giải nghĩa từ “bơi trải”, chứ không có cuốn nào thu thập “bơi chải”. Ví dụ:

          - “Từ điển tiếng Việt” (Vielex): “bơi trải • đg. đua thuyền theo kiểu truyền thống [một trò chơi dân gian cổ truyền] mở hội thi bơi trải”. [Bắc]
          - “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên): “bơi trải • đg. Bơi thuyền thi”. [Bắc].
          - “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập):  bơi trải • Bơi thuyền (ghe) thi (đua).
          - “Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “bơi-trải • pt. Bơi đua bằng chiếc trải, cuộc thi bơi trải”.
          Vậy, “bơi chải” đúng, hay “bơi trải” đúng? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta thử xem “trải”, hay “chải” có nghĩa là gì:

          -“Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “trải • d. thuyền nhỏ và dài, dùng trong các cuộc thi bơi thuyền : hội bơi trải”.[Bắc]
          -“Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân):  trải • d. Thứ thuyền nhỏ và dài dùng trong các cuộc bơi thi <> Bơi trải”.[Bắc]

        - “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức)” trải • Thuyền nhỏ và dài, thường dùng để bơi đua <>Bơi trải”[Bắc].
          -  “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) • dt. Thuyền hẹp và dài, dùng bơi đua : Bơi trải, chiếc trải”. 
          - Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập):  • Một thứ thuyền (ghe) nhỏ và dài, dùng để bơi đua <> bơi trải”.
          
          - “Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “trải • dt. Thuyền nhỏ và dài <> Bơi trải”.

          Trong khi từ điển tiếng Việt đều ghi nhận “trải” với nghĩa là “một loại thuyền nhỏ và dài dùng để bơi đua”, thì “chải” chỉ được giảng với một nghĩa duy nhất trong “chải tóc".

          Theo đây, viết “chèo trải” là đúng. Vậy tại sao lại lầm lẫn “trải” thành “chải”? Có thể là một trong mấy khả năng sau đây:

          - Phát âm lẫn lộn giữa TR và CH, đọc là “bơi chải”, nên viết cũng là “bơi chải”.

          - Không hiểu “trải”, trong “bơi trải”, nghĩa là một loại thuyền nhỏ, nên đoán “chải” ở đây chỉ động tác bơi thuyền, “bơi chải” là khi bơi thuyền, các tay chèo đều tăm tắp, liên tục như “chải” vào nước.

           - Phóng viên, báo chí đã căn cứ vào cách viết của Ban tổ chức Hội thi là “bơi chải”, nên cũng viết theo. Bởi vậy, cách viết "bơi chải" trên báo chí trở nên thông dụng hơn "bơi trải".

          Như vậy, căn cứ theo từ điển và theo nghĩa hiện thời, thì “trải”, là một loại thuyền nhỏ, dùng để bơi đua, nên viết đúng là “bơi trải” (đua bằng thuyền trải), chứ không phải “bơi chải”. Tuy nhiên, nếu xét về mặt từ nguyên, thì câu chuyện có thể không đơn giản như vậy. Bởi ở Thanh Hoá, có một trò diễn dân gian là “chèo chải”, hát múa, kèm động tác biểu diễn chèo, đua thuyền trên cạn (lứu ý: khi nói và viết người Thanh Hoá phân biệt rõ ràng giữa âm Ch và Tr).

            Vậy “trải” trong “bơi trải”, và “chải” trong “chèo chải” có mối quan hệ gì với nhau không? Tại sao lại gọi loại thuyền nhỏ dùng để đua bơi là “trải”, và gọi một trò diễn đua thuyền trên cạn là “chèo chải”? 

          Câu chuyện tiếp theo thuộc phần việc của các nhà từ nguyên học.

HOÀNG TUẤN CÔNG
4/2017      
Ghi chú: 
Từ điển có chú chữ [Bắc] được biên soạn và xuất bản ở miền Bắc.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến