Bình 5-MỘNG MỊ-Hansy

 

Bình thơ 5.
MỘNG MỊ
 
Mộng mị trùm bao giữa nguyệt hà
Ơi tình ngan ngát cõi mù xa
Buồn chăn gối chập chùng cơn huyễn
Lặng lẽ giấc uyên vọng tiếng gà
Vẫn muốn ôm choàng câu ước phụng
Nhưng nào có được khúc dìu hoa
Vàng trăng ới hỡi vàng trăng nguyện
Rải xuống lòng tê khoảnh ấm nhoà
 
Khoảnh ấm trần gian đượm ái hoà
Cho nguyền bớt tủi buổi tình xa
Mà sao ngúng nguẩy hoài như thế
Lại nữa chênh chao mãi vậy cà
Ngất ngưởng bên đời say cốc tửu
Chòng chành giữa thế ngọng lời ca
Và mây với gió tìm đâu nhỉ
Trống trải niềm thương xót lạnh oà
 
HANSY

*
Những mong nhớ, khát khao trong cuộc sống chất chồng không nói hết được, dần len vào trong giấc mơ để Nhà thơ HANSY viết lên bài thơ MỘNG MỊ.
 
Bài thơ Đường luật gồm 2 thức viết theo thể Ô thước kiều (tức lấy 1 vài chữ ở câu cuối thức 1 để bắt đầu câu 1 của thức 2), lối viết này khiến 2 đoạn của bài thơ vừa gắn kết với nhau nhưng lại vừa đổi sang một nhịp điệu mới khi không dùng lại bộ vận của đoạn 1.
 
Bốn câu đầu của thức 1, tác giả liên tục dùng các từ láy "mộng mị, ngan ngát, chập chùng, lặng lẽ" khiến người đọc có cảm giác say dần vào giấc mộng êm đềm. Hai cặp đối ở thức 1 được tác giả sử dụng rất khéo khi dùng Giao cổ đối, rồi tiếp đến Lưu thuỷ đối. Các bạn đã am tường về thơ Đường luật chắc hẳn biết rõ tác dụng của 2 thể thức đối này, còn với độc giả thơ thuần tuý khi đọc bốn câu thơ đó sẽ thấy như một làn sóng hoà quyện, nối tiếp nhau:
 
Buồn chăn gối chập chùng cơn huyễn
Lặng lẽ giấc uyên vọng tiếng gà
 
Vẫn muốn ôm choàng câu ước phụng
Nhưng nào có được khúc dìu hoa
 
Đối nhau chan chát mà không tạo cảm giác lặp lại, khiên cưỡng vì phải gò câu thơ vào đối cho đúng với luật của thơ Đường luật.
 
Sang thức 2, bắt đầu bằng hai từ lấy ở câu cuối thức 1 "Khoảng ấm" nhưng lại kết thúc thức 2 bằng hai từ "xót lạnh", mong lắm những ấm áp trong tình yêu nhưng nào đâu mấy ai được vậy, vì trong yêu thương có hờn giận, ghen tuông, ích kỷ...
 
Mà sao ngúng nguẩy hoài như vậy
Lại nữa chênh chao mãi vậy cà
 
Nàng rất nữ tính, kiêu sa, nhưng có lẽ tính đỏng đảnh đã làm chàng mệt mỏi:
 
Ngất ngưởng bên đời say cốc tửu
Chòng chành giữa thế ngọng lời ca
 
Thương hoa, tiếc ngọc lắm, yêu nhiều lắm mà cuối cùng vẫn phải xa nhau, chỉ còn lại những niềm thương tiếc mà cả hai đều cảm thấy trống trải trong tâm hồn.
 
Suốt cả bài thơ, khiến ta thấy một nỗi buồn man mác mà sâu lắng, sầu đó mà không bi luỵ, yêu đắm đuối mà không quỵ luỵ... Mong sao tình yêu luôn ngọt ngào không có những đớn đau như trong giấc mộng.
 
*********************************************
Đôi nét về xuất xứ bài thơ MỘNG MỊ:
 
Minh Hien có quen biết và được tác giả Hansy kể về mối tình lãng mạn của anh với một kiều nữ xinh đẹp, kiêu sa nhưng vì tính nàng hơi đỏng đảnh nên chàng chiều theo rất mệt. Bữa đó hai người giận nhau chẳng có lý do gì lớn cả, mà chàng dỗ mãi không được, biết nàng thích thơ nên chàng làm bài thơ MỘNG MỊ để tặng nàng. Nàng thích bài thơ lắm nhưng cứ dỗi hoài không chịu hoạ...
 
Đồng cảm với mối tình của họ, Minh Hien đã hoạ bài thơ CHIÊM BAO dùng đúng thể thức, cách đối cũng như một số cách tu từ của xướng, xin được giới thiệu cùng các bạn.
 
CHIÊM BAO
[Bài hoạ]
 
Chiêm bao gặp gỡ cuối Ngân hà
Chỉ có đôi mình thoả nhớ xa
Đã biết tình trao chìm suối ngọc
Mà sao mộng ước trải canh gà
Mờ sương khói hão huyền môi ấm
Huyễn hoặc tay mềm ảo cánh hoa
Trở nguyệt tan tành ôi nguyệt trở
Màn đêm sóng sánh lệ rơi nhoà
 
Màn đêm phủ xuống cảnh giao hoà
Cũng bởi yêu thầm nhớ trộm xa
Ví phỏng trời thương cho phận nhé
Nào đâu ái nhận kết duyên cà
Lòng ghen trỗi dậy mờ tâm tưởng
Nỗi tủi ôm choàng lịm tiếng ca
Hẹn kiếp này thôi đành lỡ dở
Đời như giọt nước vỡ tan oà
 
Minh Hien


Nhận xét

Bài đăng phổ biến