Kỳ 159 -VUA TRẦN THÁI TÔNG CỨNG RẮN VỚI CHIÊM THÀNH


159
VUA TRẦN THÁI TÔNG
VÀ CHÍNH SÁCH CỨNG RẮN VỚI CHIÊM THÀNH

Đầu thế kỷ 13, cả hai nền văn minh trên lãnh thổ Việt Nam đều đang trong giai đoạn khủng hoảng. Ở phía bắc, vương triều Lý suy sụp bởi sự cai trị kém cỏi của vua Lý Cao Tông. Đất nước rơi vào cảnh loạn lạc. Năm 1207, Đoàn Thượng ở xứ Hồng Châu xưng vương, khởi binh chống triều đình. Lý Cao Tông phải phái nhiều tướng đi đánh mà vẫn chưa hạ được.
Năm 1209, Lý Cao Tông nghe lời gièm bắt giam cha con tướng Phạm Bỉnh Di. Bộ tướng của Di là Quách Bốc tức giận đem quân đánh vào kinh thành. Vua Lý Cao Tông và các hoàng tử mỗi người chạy một ngã. Họ Trần ở Hải Ấp lấy danh nghĩa phò tá thái tử Lý Sảm cũng nhân đó nổi lên, cùng các thế lực Quách Bốc, Đoàn Thượng tranh bá.

Năm 1210, Lý Cao Tông chết. Thái tử Lý Sảm lên ngôi, tức vua Lý Huệ Tông. Con gái họ Trần là Trần Thị Dung gả làm vợ vua Lý Huệ Tông, được phong làm Nguyên phi. Các quan tướng họ Trần có Trần Lý, Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần Thủ Độ … cùng thao túng triều chính.

Năm 1220, gia tướng của họ Trần là Nguyễn Nộn khi cầm quân đi xa cũng thừa cơ chiếm cứ châu Nghệ An, xưng là Hoài Đạo vương. Nộn trên danh nghĩa thuần phục triều Lý nhưng chống lại thế lực họ Trần. Cục diện phân tranh liên tiếp, đan xen giữa nhiều thế lực như trên đã khiến sức đề kháng của đất nước suy yếu trầm trọng.

Lúc đó thì phương phía nam, tình hình nước Chiêm Thành có những chuyển biến lớn. Như kỳ trước đã nói, kể từ năm 1203 Chiêm Thành trở thành một tỉnh của Chân Lạp. Trên vùng lãnh thổ mới chiếm được, vua Chân Lạp dùng Dhanapatio Grama làm vua bù nhìn, cùng với hoàng tử người Chiêm là Ansaraja Turaivijaya, con của vua Jaya Harivarman II (1162-1167) làm tướng để thay mặt vua Jayavarman VII cai trị và chỉ huy thổ binh người Chiêm đàn áp các cuộc khởi nghĩa, trong khi quân đội Chân Lạp vẫn đồn trú tại Chiêm Thành để giám sát vua quan người Chiêm. Lúc này, hoàng tộc Chiêm Thành hầu như đã chịu khuất phục nước Chân Lạp để được yên ổn giữ địa vị. Đời sống nhân dân Chiêm quốc cơ cực với hai tầng áp bức của quý tộc bản xứ và quân đội nước ngoài đô hộ.

Trong thời kỳ nội thuộc Chân Lạp, Ansaraja Turaivijaya nhiều lần dẫn quân Chiêm cùng với quân Chân Lạp xâm lấn Đại Việt. Năm 1207, liên quân Chiêm Thành - Chân Lạp tiến vào cướp phá Nghệ An rồi rút về. Đến năm 1216, Ansaraja Turaivijaya lại kéo binh thuyền ra đánh Nghệ An. Dù triều chính bất ổn nhưng phía Đại Việt lúc bấy giờ vẫn có tướng giỏi đóng ngoài biên. Lần cướp phá này, quân Chiêm Thành - Chân Lạp bị Châu bá Lý Bất Nghiễm đánh lui. Năm 1218, một lần nữa Lý Bất Nghiễm đánh bại Ansaraja Turaivijaya. Chiến công này giúp ông được phong tước Hầu và được ban cho Thái ấp.

Thời cơ đến với Chiêm Thành một cách bất ngờ. Sau cuộc chinh phạt Chiêm Thành không lâu, vua Jayavarman VII chết. Con trai ông lên nối ngôi với vương hiệu Indravarman II. Dưới thời trị vì của Jayavarman VII, Chân Lạp đã đổ nhiều tiền của, công sức vào việc xây dựng các đền đài đồ sộ và những cuộc chiến bành trướng lãnh thổ. Việc chiếm đóng Chiêm Thành trên thực tế đã trở thành một gánh nặng lớn cho nước Chân Lạp. Trong bối cảnh đó, tại khu vực đồng bằng sông Mê Nam (miền trung Thái Lan ngày nay), những bộ tộc người Thái nhờ năng lực khai phá đất đai vượt trội của mình đã trở nên đông đúc và hùng mạnh. Sự nổi lên của thế lực mới này đã khiến triều đình Chân Lạp phải lo ngại. Những khó khăn và mối đe dọa trong nước cộng với sự tốn kém khi phải đóng quân ở xa lâu ngày đã dẫn đến một quyết định khó khăn đối với vua Indravarman II là rút quân từ Chiêm Thành về nước vào năm 1220, từ bỏ tham vọng bành trướng lãnh thổ để giữ vững căn cơ của đế chế.

Sau khi quân Chân Lạp rút đi, các quý tộc Chiêm Thành tôn Ansaraja Turaivijaya làm vua, lấy hiệu là Jaya Paramesvaravarman II. Thành Vijaya được chọn làm kinh đô trở lại. Thoát khỏi ách đô hộ của Chân Lạp, nước Chiêm Thành có cơ hội phục hưng. Vị vua mới đã chú trọng khôi phục lại nông nghiệp và thương mại, trùng tu lại những đền đài bị hủy hoại trong chiến tranh. Đời sống của nhân dân Chiêm Thành dần khởi sắc. Jaya Paramesvaravarman II vẫn giữ thái độ thuần phục đối với Chân Lạp và thù địch với Đại Việt. Đến năm 1225, nhà Trần thay thế nhà Lý. Vua Trần Thái Tông nhân dịp mở mang triều đại mới đã sai sứ đến Chiêm Thành để nối lại bang giao, thuyết phục Chiêm Thành trở lại triều cống và xưng thần với Đại Việt như xưa.

Trước vị thế mới của Đại Việt, vua Jaya Paramesvaravarman II đã chấp nhận triều cống trở lại, nhưng thi thoảng vẫn cho quân dùng thuyền nhẹ cướp phá biên giới và bắt cóc cư dân Đại Việt ở các vùng ven biển. Hành động này khiến vua tôi Đại Việt rất bất bình, nhưng vì lúc đầu thời vua Trần Thái Tông thì thế lực của sứ quân Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng vẫn còn hùng mạnh. Triều đình nhà Trần chưa đánh dẹp nổi, phải dùng tước vị để phong cho các sứ quân đổi lấy sự phục tùng. Quân đội chính quy Đại Việt luôn phải đóng giữ gần kinh đô để phòng giữ. Việc ngoài biên thùy vì thế phải tạm gác lại.

Năm 1228, Thái sư Trần Thủ Độ lập mưu cùng Nguyễn Nộn liên kết giết chết được sứ quân Đoàn Thượng. Sang năm sau, Nguyễn Nộn chết vì bệnh. Giang sơn từ đó mới tạm yên. Triều đình nhà Trần sau đó chuyên tâm vào việc khôi phục thủy lợi và nông nghiệp, vốn đã bị tàn phá nghiêm trọng trong cuộc nội chiến cuối thời Lý. Sự hồi sinh về nông nghiệp là nền tảng cho Đại Việt khôi phục lại sức mạnh quân sự. Trong khi đó thì vua Jaya Paramesvaravarman II nước Chiêm vẫn còn khinh nhờn Đại Việt. Năm 1244, nước Chiêm Thành động binh quy mô lớn. Vua Jaya Paramesvaravarman II tung quân chiếm đóng cả ba châu Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình ở cực nam nước Đại Việt. Quân Chiêm còn tiến đánh ra cả Nghệ An, Thanh Hóa trước khi rút lui.

Triều đình nhà Trần rất nóng lòng nam chinh nhưng vẫn chưa thể vội vàng. Lúc thế nước đã vững vàng, vua Trần Thái Tông mới bắt đầu thi hành chính sách đối ngoại cứng rắn. Năm 1252, sau thời gian dài chuẩn bị vua Trần Thái Tông đã cầm quân thân chinh tiến đánh Chiêm Thành, sai Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu giữ chức lưu thủ thành Thăng Long.

Lần tiến quân này khá cam go khi mà Jaya Paramesvaravarman II cũng là một vị tướng giỏi dụng binh. Quân Đại Việt và quân Chiêm Thành giao tranh với nhau hàng tháng trời. Từ lúc tiến quân là mùa xuân, phải đến cuối đông năm 1252 quân Đại Việt mới đánh hạ được thành Vijaya. Vua Jaya Paramesvaravarman II bỏ thành rút lui. Quân Đại Việt vào thành bắt được vương phi Bố Gia La, cùng với nhiều cung phi và dân chúng người Chiêm đem về nước. Thừa thắng, vua Trần Thái Tông sai quân truy kích vua Chiêm trong khi ngài đem một bộ phận rút về nước trước. Đến năm 1254, vua Jaya Paramesvaravarman II tử trận. Các quý tộc Chiêm Thành đưa hoàng tử Sakan Vijaya lên ngôi, lấy hiệu là Jaya Indravarman VI. Không thể chống nổi sức mạnh của quân Đại Việt, vua Jaya Indravarman VI phải chấp nhận đầu hàng và xưng thần. Quân Đại Việt vẫn chiếm đóng Chiêm Thành. Chấp nhận sự tồn tại của nước Chiêm Thành nhưng với điều kiện phải cống nạp và chịu sự kiểm soát của Đại Việt.

Đến năm 1254, tình hình phương bắc xảy ra nhiều biến động. Nước Đại Lý bị nước Mông Cổ diệt vào năm 1253, dẫn đến việc lãnh thổ Đại Việt đã tiếp giáp với đế quốc Mông Cổ đang trên đà bành trướng dữ dội. Cuộc chiến giữa Nam Tống và Mông Cổ được triều đình Đại Việt theo dõi sát sao. Nhà Trần nhận thấy nguy cơ đến gần khi mà quân Mông Cổ đã có ý nhòm ngó nước Đại Việt, nên đã quyết định rút quân từ Chiêm Thành về nước vào năm 1257. Quả nhiên đến năm sau thì quân Mông Cổ đã sang đánh.

Làn sóng xâm lược từ phương bắc đã khiến hai nền văn minh Đại Việt, Chiêm Thành xích lại gần nhau hơn. Kể từ năm 1258 trở đi, hai nước đã cùng chung chiến tuyến ngăn chặn con đường bành trướng xuống Đông Nam Á của đế chế Nguyên Mông.

Quốc Huy


Nhận xét

Bài đăng phổ biến