GỪNG & GỪNG CÀNG GIÀ CÀNG CAY
GỪNG
& GỪNG CÀNG GIÀ CÀNG CAY
Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale, thuộc họ Zingiberaceae (họ gừng). Đây là một trong những loại gia vị đầu tiên ở châu Á xuất khẩu sang châu Âu, được người Hy Lạp và La Mã cổ đại sử dụng.Trong tiếng Việt, từ "gừng" xuất hiện khoảng 5 - 6 thế kỷ trước, được viết bằng những chữ Nôm khác nhau: 薑, 𦹱, 𣕞, 姜, 羌, trong đó có 2 chữ thuần Nôm là 𦹱 và 𣕞, 3 chữ còn lại mượn từ Hán ngữ (薑,姜, 羌), có âm Hán Việt là "khương". Đến nửa cuối thế kỷ 17, từ gừng được viết bằng chữ Quốc ngữ là "gờng" trong từ ghép "ánh gờng", tạm hiểu là "nhánh gừng" theo chính tả hiện nay khi so sánh với tiếng Bồ Đào Nha trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của Alexandre de Rhodes: "ánh gờng: dente de gingibre (vần A, tr.9-10).
Theo nhà sinh học Anh Barbara Pickersgill, vào năm 406, nhà sư Pháp Hiển (法顯) cho rằng "gừng được trồng trong chậu và chở trên tàu Trung Quốc để ngăn ngừa bệnh Scurvy" (bệnh thiếu vitamin C) - The Cultural History of Plants, tr.163-164. Trong thế kỷ 14, ở nước Anh, "một pound (khoảng 453 g) gừng có giá ngang một con cừu" (Barbara Pickersgill).
Có 2 quan điểm về nguồn gốc của gừng: Thứ nhất, gừng xuất phát từ Đông Nam Á hải đảo (Maritime Southeast Asia), do người dân Nam Đảo thuần hóa đầu tiên. Thứ hai, gừng có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, nơi mà người ta dùng gừng làm thực phẩm và dược liệu khoảng từ năm 300 - 500 trước Công nguyên. Quan điểm này được nhiều người đồng tình hơn.
Trong tiếng Anh, từ ginger (gừng) xuất hiện từ giữa thế kỷ 14, tiếng Anh cổ là gingifer - một từ vay mượn từ gingiber trong tiếng Latin Trung cổ. Người ta cho rằng cái tên gingiber trong tiếng Latin xuất phát từ địa danh Gingi, nơi trồng gừng gần bang Pondicherry của Ấn Độ. Song ngày nay giới nghiên cứu tin rằng nguồn gốc của chữ ginger là từ tiếng Ba Tư (dzungebir) dịch từ chữ zrggavera (शृङ्गवेर: gừng) trong Phạn ngữ. Hiện nay, trong tiếng Phạn có khoảng 50 từ chỉ các loại gừng khác nhau, phổ biến nhất là ardraka (आर्द्रक: gừng tươi) và zunthl (शुण्ठी: gừng khô).
Ở Trung Quốc, ghi chép đầu tiên về gừng có trong sách Luận ngữ, do Khổng Tử và các đệ tử biên soạn vào thời Chiến Quốc (475-221). Người Trung Quốc chia gừng thành 3 loại chính: a. nộn khương (嫩薑), cay ít, thường dùng làm nước chấm hoặc nước xốt; b. phấn khương (粉薑), cay vừa phải, độ cay nằm giữa nộn khương và sinh khương (生薑: gừng tươi, gừng sống); c. lão khương (老薑) là gừng già, thịt gừng bắt đầu trở nên xơ và có vị cay nhiều hơn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người Trung Quốc có câu: "Sáng ăn gừng tốt hơn ăn canh nhân sâm, buổi tối ăn gừng tương đương với ăn thạch tín."
Câu Gừng càng già càng cay xuất hiện trong Việt-Nam tự-điển của Hội Khai Trí Tiến Đức - 1931, tr.69, tương ứng với câu Khương hoàn thị lão đích lạt (薑還是老的辣) trong Hán ngữ, một câu có nghĩa đen là gừng già thì cay hơn gừng non, thường được sử dụng bằng ẩn dụ, nói về người có trình độ và kinh nghiệm sẽ xử lý công việc tốt hơn người mới tập sự.
Người Nhật gọi gừng là shōga (ショウガ), viết theo Kanji là sinh khương (生姜) cũng giống như Trung Quốc, do từ thế kỷ thứ 2-3 nước Nhật đã du nhập gừng từ Trung Quốc, song đến thời kỳ Nara mới trồng nhiều - theo Kojiki (古事記: Cổ sự ký), một biên niên sử bao gồm thần thoại, do Thái An Mặc Lữ (Ō no yasumaro) biên soạn vào năm Hòa Đồng (わどう) thứ 5 (năm 712).
VƯƠNG TRUNG HIẾU
Nhận xét
Đăng nhận xét