12-HOÀNG DƯỢC SƯ
12
HOÀNG DƯỢC SƯ
Một cõi trời riêng
Chính tà nguồn cội là
đâu?Độc tôn duy ngã chốn Đào Hoa chơi
Mênh mông tiếng sáo trùng khơi.
Cây dừa và cây thông là hai loại cây mà ai cũng biết. Cây dừa bình dị và dân dả quá, còn cây thông thì tự ngàn xưa đã được đưa vào văn học như là biểu tượng của người quân tử. Nhiều khi ngắm chúng, lại liên tưởng đến hai hình ảnh trái ngược nhau trong cuộc đời.
Cây dừa ở dưới gốc trơ trụi, nhưng khi đã lên cao thì rất nhiều cành lá và trái xúm xít bám vào, trong khi suốt từ gốc đến hết phần thân không hề có một lá nào.
Nó giống như hình ảnh của lợi danh và quyền lực. Con người thuở hàn vi chẳng ai ngó ngàng đến, nhưng hễ đã nắm được quyền lực hay tiền bạc thì lập tức có hàng trăm ngàn người vây quanh. Càng lên cao càng nhiều người xu phụ. Lắm kẻ lưu manh giảo hoạt như chiếc lá dừa vươn ra rất rộng, thường làm ra vẻ sẵn sàng liều mình che chở cho thân cây. Để rồi khi cái ngọn dừa cao ngất kia bị ngã xuống thì cành lá tua tủa đang xúm xít vây quanh lập tức tan tác hết, chỉ còn trơ lại cái gốc xù xì.
Con cóc sẽ phải trở về với chân tướng con cóc, dù có thể cuộc đời đã có lúc dùng tiền bạc và quyền lực để biến nó thành con thiên nga trong hoang tưởng.
Hình ảnh đó có lẽ không được nên thơ lắm, nhưng lại thấy nó phản ánh rất đúng một khía cảnh của cuộc sống. Đó có thể là trường hợp của Tinh túc lão quái Đinh Xuân Thu. Khi chiến thắng thì được đệ tử tung hô như thần linh, nào là “thần thông quảng đại, sánh ngang nhật nguyệt, uy vũ trùm đời”…, nhưng khi thất bại thì đệ tử trở mặt ngay để mạt sát như loài chó lợn!
Trái lại, cây thông thì phía dưới um tùm xanh tươi nhưng càng lên cao thì cành lá càng thóp lại dần. Cái xúm xít ở dưới thưa dần đi. Khi đến đỉnh chỉ còn trơ ngọn lá cô đơn, một mình đâm vút lên cao. Và nó vẫn kiêu ngạo đứng trơ vơ để chống chọi với cái giá buốt của mùa đông. Mặc cho gió thổi và tuyết phủ, cây thông vẫn sừng sửng để đắm chìm trong nỗi cô liêu trầm mặc. Đó là hình ảnh của nghệ thuật và phong cách tài hoa thực sự (đương nhiên là có những cái tài hoa nửa mùa!).
Ở mức độ càng thấp thì càng đông người phụ họa, càng lên cao thì số lượng người chia sẻ được càng vơi dần. Đến chỗ cao chót vót thì người nghệ sỹ sẽ phải đối diện với cô đơn, dù cái tâm của họ có thể ôm trùm cả thên hạ. Truyện Kiều đã đi vào lòng người cả mấy trăm năm, làm say mê mọi người là thế, nhưng tâm sự của Nguyễn Du vẫn là một ẩn ngữ thiên thu. Nó mãi mãi cô đơn, như ngọn thông lẻ loi đứng giữa trời.
Đọc Kim Dung, nhân vật Hoàng Dược Sư luôn làm liên tưởng đến hình ảnh cây thông, dù nhân vật cổ quái này chưa gợi lên trong lòng nhiều người những tình cảm mặn mà thật sự.
Không có nhân vật nào có kiến thức bách khoa và văn võ toàn tài như Hoàng Dược Sư, kể cả Tạ Tốn và Nhậm Ngũ Hành – hai tay quái kiệt võ lâm. Cầm kỳ thi họa, dịch lý, bát quái ngũ hành, trận pháp, võ công… tất cả đều đạt đến chỗ tột đỉnh của tinh hoa. Vậy mà không rơi vào chỗ tạp học như Tô Tinh Hà. Tô Tinh Hà vì ham mê tạp học mà võ công sa sút, bị sư đệ Đinh Xuân Thu làm tan vỡ cả môn phái.
Hoàng Dược Sư thì khác hẳn. Trấn pháp trên đảo Đào Hoa sẵn sàng vây khổn những kẻ nào liều lĩnh dám dặt chân lên đảo. Cây ngọc tiêu réo rắt trên sóng biển sẽ là vũ khí cực kỳ lợi hại để giao đấu nội lực với các đại cao thủ võ lâm. Võ công đủ trấn áp một phương với ngoại hiệu Đông Tà. Kiến thức uyên bác trùm đời đủ để “cưỡng từ đoạt lý”. Dung mạo đẹp đẽ uy nghi đủ để mọi người kính nễ kiêng dè.
Còn gì đáng thêm vào nữa cho nhân vật mang chứa trong mình hầu như toàn bộ tinh hoa của nhân loại?
Nhưng Hoàng Dược Sư gây được ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với người đọc không bởi chỉ tại cái tài hoa mà chính ở chỗ tính tình cổ quái cao ngạo. Ông cao ngạo không phải chỉ vì giỏi, mà vì ông muốn đạp đổ thị phi, xóa nhòa mọi ranh giới chính tà trong cõi giang hồ để đẩy tự do và suy tưởng cá nhân đến chỗ tuyệt đối.
Chữ “tà” trong ngoại hiệu Đông Tà của ông không có nghĩa đơn giản là đối lập với “chính” trong phạm trù “tà chính”, mà nó có nghĩa rằng dưới mắt ông, mọi nỗ lực muốn kiến tạo một ranh giới rạch ròi giữa chính và tà chỉ là điều ngu xuẩn. Chính tà, thiện ác chỉ là sản phẩm được nhào nặn theo cái nhìn và ý muốn của những con người có ý chí hùng bá, như Hoàng Dược Sư hay Nhậm Ngũ Hành.
Nếu như Nhậm Ngũ Hành, sau khi cướp lại ngôi giáo chủ từ tay Đông Phương Bất Bại, muốn vạch lại dòng chảy của lịch sử theo ý chí của mình, thì Hoàng Dược Sư lại kiêu hãnh đứng một bên, hoặc đứng trên cái dòng chảy ấy, vì nó không thể hòa hợp được với tâm hồn của kẻ tài hoa tuyệt đỉnh như ông. Có lẽ chính trong những suy tưởng đó ông mới thực sự là kẻ cô đơn vì không có kẻ đồng thời nào chia sẻ được. Chỉ sau này ông mới gặp được một người bạn vong niên là Dương Quá, chỉ vì anh chàng này dám yêu và cưới sư phụ - một điều đại cấm kỵ của võ lâm.
Nhưng sự chia sẻ đó cũng chỉ mới ở một phần nhỏ: Vượt qua được định kiến của xã hội.
Cũng như Nguyễn Du làm quan cho triều Nguyễn luôn giữ thái độ buồn rầu mà hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng đó là tâm sự hoài Lê! Thật ra, đó chỉ là tâm sự cô đơn của những kẻ tài hoa tuyệt đỉnh không muốn để mình bị cuốn trôi theo dòng chảy của lịch sử mà không tìm được người đồng điệu.
Nếu Hoàng Dược Sư thiết kế một đảo Đào Hoa thơ mộng giữa đại dương để kiêu ngạo một mình rong chơi một cõi, thì Nguyễn Du lại đạm nhiên lễ nhượng xây nên một tòa Tân thanh lặng lẽ giữa cõi bể dâu để mở ra những trận du hí thần thông. Trong khi đảo Đào Hoa như thiên la địa võng vây hãm con người thì tòa Tân thanh lại lãng đãng sương mù để mở rộng vòng tay ôm lấy toàn nhân loại, nhưng cả hai đều là những “một cõi trời riêng” làm nơi trú ẩn của những cây thông xanh cô độc!
Hoàng Dược Sư cho cắt lưỡi và đâm thủng tai những kẻ nô bộc để biến chúng thành những người câm điếc, không muốn chúng đóng vai trò của những sứ giả thông tin vì ông gần như muốn cắt đứt mọi quan hệ với xã hội bên ngoài, không muốn cho những kẻ không xứng đáng đặt chân đến cõi riêng đó.
Dẫu những kẻ nô bộc kia toàn là những tên lưu manh đầu trộm đuôi cướp, giết người không gớm tay, đáng để giết đi. Nhưng việc làm đó của ông, dưới quan điểm đạo lý bình thường ta sẽ cho là man rợ. Ông trừng phạt bọn người gian ác kia có lẽ vì muốn “Thế thiên hành đạo”, muốn thay trời để xử lý tội ác, theo kiểu của riêng ông, vì rõ ràng ông không tin gì vào cái gọi là “đạo lý trần gian”. Nói theo ngôn ngữ của các nhà hiện sinh thì có thể Hoàng Dược Sư muốn làm điều ác vì điều thiện đã được con người từ thuở xa xưa tranh nhau làm cả rồi!
Nhưng nếu đạo lý “dĩ bạo dịch bạo” (dùng điều bạo ngược để thay cho điều bạo ngược) vẫn tràn lan trong cõi thế. Và bạo lực cùng thù hận vẫn là động cơ góp phần thúc đẩy dòng chảy của lịch sử nhân loại thì ngẫm ra, vị chúa đảo Đào Hoa kia chắc gì đã “tà”? Khi bị nghi oan là đã tàn sát những người trong đám Giang Nam lục quái, ông cũng chẳng thèm đính chính, vì cho rằng đó không xứng đáng với mình.
Như cây thông xanh hiên ngang reo trong ngàn cơn gió giá buốt mùa đông, Hoàng Dược Sư vẫn luôn lạnh lùng kiêu ngạo với cõi trời riêng.
Hoàng Dược Sư cực kỳ kiêu ngạo và có đôi phần tà quái thì đó cũng là lẽ đường nhiên, nếu quả như trên cõi đời có thể tồn tại một nhân vật tổng hợp được ngần thứ ấy nơi một con người.
Hình tượng Hoàng Dược Sư như muốn vượt cả những thiên tài khổng lồ thời Trung cổ Tây phương: Leonardo da Vinci hay Mitchelangelo Buonarroti. Nếu Leonardo vừa là họa sỹ, kỹ sư vừa là nhà soạn nhạc và nhà khoa học hay Mitchelangelo Buonarroti vừa là họa sỹ, nhà điêu khắc, vừa là nhà kiến trúc và nhà thơ, thì Hoàng Dược Sư còn hơn thế nữa: ấy là sở đắc về võ công!
Nhưng tự xưa đấng tạo hóa luôn “đồ toàn”, nên khi Ngài đem những chất liệu ưu mỹ nhất để tạo nên những con người tài hoa đủ điệu như Hoàng Dược Sư, thì Ngài lại bắt họ phải gánh chịu một bi kịch nào đó trong cuộc sống, để cho những tạo vật khác khỏi so bì.
Tưởng chừng như với bản lĩnh nghiêng trời như Hoàng Dược Sư, thì trên đời này không có gì lại không bị khuất phục dưới ý chí của ông. Và hai chữ “bất khả” có lẽ không thể tồn tại trong cuốn tự điển sống của vị đảo chúa Đào Hoa. Với Hoàng Dược Sư thì muốn là được, như lời nói của Caesar là luật lệ. Nhưng nếu đối với giang hồ, cái bóng khổng lồ của chúa đảo Đào Hoa bao trùm lên mọi cao thủ võ lâm như một tượng đài bất khả xâm phạm, thì nỗi khổ của ông lại bắt nguồn từ một chỗ tưởng chừng êm ấm nhất: gia đình.
Trong các tác phẩm võ hiệp, bi kịch gia đình của các nhân vật giang hồ thường là cảnh toàn gia bị thảm sát như Tạ Tốn, Lưu Chính Phương để đẩy những nhân vật đó vào chỗ tận cùng khổ lụy, thì đối với Hoàng Dược Sư lại khác. Người vợ hiền của ông vì vắt kiệt cả sức lực để ghi nhớ Cửu âm chân kinh nên phải sớm qua đời, để lại đứa con gái thông minh tuyệt đỉnh là Hoàng Dung.
Cô “con gái rượu” này làm ông phải bao phen lao đao vất vả vì cô mãi chạy theo Quách Tĩnh, một kẻ mà dướí mắt ông chỉ là một tên thô lậu ngu xuẩn, không đáng giá một xu.
Đó mới thực sự là nỗi thống khổ của bọn tài tử cổ kim!
Cuộc đời vẫn thường đem những thứ vớ vẩn như thế để chơi khăm khách tài hoa, bắt con kình ngư phải ngắc ngoải trong vũng nước bùn, như một lời răn đe giễu cợt. Cha tài hoa tuyệt đỉnh, con gái thuộc hàng cực phẩm nhân gian, thì chàng rễ lại lù đù như một anh “Hai Lúa”.
Khi Tây độc Âu Dương Phong đem cháu là Âu Dương Khắc, còn Hồng Thất Công dẫn đồ đệ là Quách Tĩnh đến đảo Đào Hoa cầu hôn, ông thấy thà chấp nhận Âu Dương Khắc còn hơn để Hoàng Dung kết thân cùng Quách Tĩnh, dù ông thừa biết Âu Dương Khắc là loại người bạc hạnh, bởi một lý do đơn giản là anh chàng công tử Bạch đà sơn dù sao cũng phong lưu nho nhã và có chút tài hoa. Có lẽ với ông, nhân cách còn có thể giũa mài chứ tục cốt thì khó lòng hoán cải, như bài thơ vịnh trúc của Tô Đông Pha:
Nhân khả thực vô nhục
Bất khả cư vô trúc
Vô nhục linh nhân sấu
Vô trúc linh nhân trúc
Nhân sấu thượng khả phi
Tục sỹ bất khả y
(Có thể ăn không thịt. Không thể sống không trúc. Không thịt khiến người gầy. Không trúc khiến người tục. Người gầy mập có ngày. Kẻ tục đành bó tay).
Tục cốt quả là hết thuốc chữa. Dù một kẻ kiến thức bác cổ thông kim hay tiền của trùm đời nhưng nếu bản chất là tục cốt thì vẫn là tục cốt, vì những kiến thức vay mượn hay ngọc ngà châu báu vẫn không thể che giấu nỗi cái cốt lõi của con người.
Dưới mắt những kẻ tài hoa thì đúng là “Tục sỹ bất khả y”.
Chính nổi cô đơn trong suy tưởng cùng với nỗi buồn về gia đình đã khiến cho con người tài hoa như Hoàng Dược Sư lắm phen phải ngớ ngẩn như một kẻ tâm thần.
Ông bố tài hoa tung hoành khắp thiên hạ, dưới mắt xem không có người, vậy mà đành lòng chấp nhận một chàng rễ lù đù lậu đậu. Tấm lòng của người cha đã đánh bạt sự kiêu ngạo ngất trởi. Hình ảnh Hoàng Dược Sư cuống cuồng tìm con trên biển là hình ảnh đáng yêu nhất của nhân vật này, chứ không phải sự kiêu ngạo lạnh lùng đôi khi vớ vẫn như bắt bọn cao thủ Hầu Thông Hải chui qua đáy quần mình mà đi. Hành động đó khiến Hoàng Dược Sư trở nên rẻ tiền như tên bán thịt bắt Hàn Tín lòn trôn giữa chợ.
Ở điểm này Hoàng Dược Sư thua xa Nhậm Ngã Hành, chưa nói gì đến Tạ Tốn. Nhưng chính hình ảnh dung tục đó, trong một sát na, đã kéo Hoàng Dược Sư ra khỏi “một cõi trởi riêng” mà về với “cõi người ta” vốn đầy những cái tầm thường dung tục.
Hình ảnh vị thanh y quái khách ẩn hiện thất thường với mặt nạ da người trơ lỳ vô cảm và cây ngọc tiêu vẫn là biểu tượng hấp dẫn người đọc vì sự lạnh lùng cao ngạo, vì tài hoa tột đỉnh và trên hết là sự cô đơn.
Và đảo Đào Hoa giữa đại dương mênh mông sóng nước kia sẽ không chỉ là của riêng của Hoàng Dược sư mà là một đảo Đào Hoa mang nghĩa tượng trưng trong tâm tưởng mỗi chúng ta, để những khi bị cuộc đời đẩy vào nỗi cô đơn cùng tột, ta sẽ quay về tìm lại chính mình trong “một cõi trời riêng”.
HUỲNH NGỌC CHIẾN
Nhận xét
Đăng nhận xét