NHẬP GIA TUỲ TỤC-NHẬP GIANG TUỲ KHÚC

 


NHẬP GIA TUỲ TỤC
NHẬP GIANG TUỲ KHÚC

Mới nghe câu này nhiều người nghĩ rằng đây là câu có nguồn gốc từ Hán ngữ, vì toàn là từ Hán Việt. Xin thưa, đây là câu do chính người Việt xưa nghĩ ra.
"Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc" là cách viết của người đời sau, còn câu gốc là "Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục", một câu ta có thể tìm thấy trong nhiều sách từ thế kỷ 19. Câu này tương ứng với câu chữ Hán "入江隨曲入家随俗", đã được ghi nhận trong quyển Đại Nam Quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của với lời giải thích: "Vào trong sông phải tùy theo đường quanh co nó, vào nhà ai cũng tùy theo thói phép nhà" (tr.505). Câu này cũng xuất hiện trong quyển Dictionarium Anamitico-Latinum (1838) của Jean-Louis Taberd hoặc trong Dictionnaire annamite-français (1874) của Le Grand de La Liraÿe và được giải thích bằng tiếng Pháp: "Se conformer aux coutumes des lieux" (Cư xử phù hợp với phong tục địa phương), tr.172.
 
Hiện nay, ở VN, người ta thường sử dụng độc lập thành ngữ "Nhập gia tùy tục", hiếm khi kết hợp với "nhập giang tùy khúc". Ở Trung Quốc có câu tương tự là Nhập hương tùy tục (乡随俗), một thành ngữ có nguồn gốc từ thiên Sơn mộc trong phần Ngoại Thiên của sách Trang Tử thời Chiến Quốc: "Nhập kì tục, tòng kì lệnh" (入其俗. 从其令), nghĩa là "hãy theo phong tục và mệnh lệnh nơi đó". Về sau, người Trung Quốc đã lấy ý này để tạo ra thành ngữ "Nhập hương tùy tục" nhằm nói rằng khi đến nơi nào thì cần theo phong tục nơi đó.
 
Bên cạnh "Nhập hương tùy tục", người Trung Quốc còn có những câu tương tự như: "Nhập cảnh nhi vấn cấm, nhập quốc nhi vấn tục, nhập môn nhi vấn húy" (Lễ Ký, Khúc Lễ Thượng), nghĩa là "khi đến nước nào, hãy hỏi những điều cấm kỵ và phong tục nơi đó; khi vào nhà người, cần hỏi những điều nên tránh". Điều này đã được giải thích rõ trong quyển Tị húy thú thoại của Lý Tuyên Kỳ (Từ điển tục ngữ Trung Quốc của Ôn Đoan Chính, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2011).
 
Tương tự như vậy, ở Nhật có câu "Gōni itte wa gōni shitaga e" (郷に入っては郷に従え): "Đến nơi nào, cần theo phong tục nơi đó". Đây là câu xuất hiện trong quyển Đồng tử giáo (Dojikyo) - sách dạy học tiểu học ở Nhật Bản, sử dụng từ thời kỳ Liêm Thương thời đại (Kamakura) đến giữa thời Minh Trị (Meiji), có nguồn gốc từ câu "Trác đáo nhập hương tùy phù nhất khoảnh thấp sinh đạo" trong sách lịch sử Thiền tông Ngũ Đăng hội nguyên của Trung Quốc.
 
Nhìn chung, các câu thành ngữ, tục ngữ kể trên tương ứng với câu "iphyangsunsok" (입향순속) trong tiếng Hàn Quốc, viết theo Hanja là "nhập hương tuần tục" (鄉循俗: đến nơi nào tuân theo phong tục nơi đó) hoặc câu tiếng Anh "when in Rome, do as the Romans do" (hay "when in Rome, do like the Romans do"), nghĩa là "Khi ở Roma, hãy làm như người La Mã làm". Câu tiếng Anh này có nguồn gốc từ câu tiếng Latin Trung cổ: "si fueris Rōmae, Rōmānō vīvitō mōre; si fueris alibī, vīvitō sīcut ibī" (nếu ở Rome, hãy sống theo phong cách La Mã; nếu ở nơi khác, hãy sống như người bản xứ nơi đó). Đây là câu được cho là của Thánh Aurelius Ambrosius, đã được giáo sĩ Anh Jeremy Taylor trích dẫn từ quyển Ductor Dubitantium (1660).
Vương Trung Hiếu

Nhận xét

Bài đăng phổ biến