“HOA THỊ” TRONG “DẤU HOA THỊ”

 

“HOA THỊ” TRONG “DẤU HOA THỊ”


Hình hoa thị dán trên khay gỗ
Tạo tác: HTC
           HOÀNG TUẤN CÔNG

“Hoa thị”, hay “dấu hoa thị”, là chỉ dấu sao [*] (Anh: asterisk; Hán: tinh hình-星形tinh hiệu-星號, hay tinh hiệu phù hiệu-星號符號).

Tất cả các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay chỉ ghi nhận hoa thị/dấu hoa thị, mà không thấy ghi nhận sao/dấu sao, cho dù trong thực tế, cách gọi dấu sao thông dụng hơn dấu hoa thị.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Vietlex) và nhiều cuốn từ điển khác đều chỉ giảng: hoa thị • d. hình giống như bông hoa nhiều cánh [*], dùng để đánh dấu hoặc trang trí”, mà không cho biết nghĩa gốc của “hoa thị” là gì?

Vậy, “hoa thị” trong dấu hoa thị, hoạt tiết hoa thị, hình hoa thị,…là gì?

1-“Hoa thị” là bông hoa của cây thị?

Hầu hết mọi người đều không biết, không nhớ hoa thị trông như thế nào, cho dù trong làng xóm, thậm chí là ngay nhà mình có trồng thị (lí do chúng tôi sẽ nói ở đoạn sau). Tuy nhiên, theo suy luận, câu trả lời sẽ là: “Hoa thị” là cách đặt tên theo hình dáng của bông hoa thị. Bởi cách gọi “hoa thị” cũng như hoa sen/hoạ tiết hoa sen; hoa cúc/hoạ tiết hoa cúc; hoa chanh/hoạ tiết hoa chanh,…là dựa trên chính hình dáng của các loài hoa này vậy. Tuy nhiên, khi làm phép so sánh trực quan, thì vấn đề lại không hề đơn giản. Bởi vì:

Bông hoa thị không giống dấu hoa thị,…

Hoa của cây thị bé li ti, khi nở thì 4 cánh chỉ xoè ra một nửa, rồi cuộn phần đầu cánh hoa xuống phía dưới, trông giống như vỏ quả chuối khi bóc ra. Trong khi dấu hoa thị, (đặc biệt là hoạ tiết hoa thị, hình hoa thị), thì cánh hoa có hình thoi (hai đầu cánh hoa thon nhọn, ở giữa phình ra), phẳng như hoa ép, gần giống như hình lá trúc.



Không có sự tương đồng nào về hình dáng giữa hoa của cây thị và hình hoa thị.

Hoa của cây thị không tạo được ấn tượng, liên tưởng, so sánh  

Về mặt tạo hình, hoa thị bé nhỏ và không có hình khối rõ ràng. Sắc hoa thị màu vàng nhàn nhạt, ẩn hiện trong vòm lá xanh, và nở tít trên cao (rất khó quan sát). Khi rụng xuống đất, 4 cánh hoa thị vẫn dính lại với nhau thành hình vòng tròn (có thể dùng dây xâu lại được), và nhanh chóng héo tàn. Đây chính là lí do khiến nhiều người nếu không quan sát với chủ ý thu nhận hình ảnh đặc tả, sẽ không biết hoa thị hình gì, trông như thế nào. Trong khi tất cả những sự vật hiện tượng được dân gian đem ra so sánh, ví von, bao giờ cũng điển hình và rất dễ nhận diện, liên tưởng.

Hai lí do ở trên đây khiến cho “hoa thị” trong “dấu hoa thị” không thể là hoa của cây thị.

2-Hoa thị là …vỏ quả thị!

Câu trả lời này có thể gây “sốc” với nhiều người. Tuy nhiên, đây lại là một thực tế khó bác bỏ.

Cây thị thơm của Việt Nam gắn với truyện cổ tích Tấm Cám và câu “thần chú” nổi tiếng “Thị ơi thị rơi bị bà/Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Phong tục một số nơi chỉ dùng thị để cúng, hoặc bày cho thơm. Nhiều nơi thu hoạch thị để ăn như mọi loại hoa quả khác. Cách ăn là nắn cho quả thị chín nẫu ra, sau đó cắn, hoặc dùng dao khoét một lỗ nhỏ rồi mút lấy phần thịt bên trong. Với những quả thị to, tròn, chín vàng đều, người ta dùng dao khía vỏ ra thành 4, 6 hoặc 8 cánh, sau đó bóc nhẹ để tách phần vỏ ra khỏi thịt quả, rồi dán lên cột nhà, phên vách, cánh tủ… Thịt vỏ quả thị còn bám một lớp mỏng ở phần trong của vỏ trở thành chất keo rất dính, giúp “bông hoa thị” dính đét vào cột nhà. Vỏ thị hình bông hoa khô dần, chuyển sang mầu vàng sẫm rồi nâu vàng rất đẹp. Bởi vậy, “hoa thị” là hình ảnh quen thuộc, dễ quan sát, và đã nhìn thấy một lần là nhớ ngay.   

     

Hoa thị cắt từ vỏ quả thị
Tạo tác: HTC

Hình hoa thị
Ảnh: ST

Những cánh của bông hoa cắt từ vỏ quả thị có hình thoi, hai đầu cánh thon nhọn, ở giữa phình ra, được liên kết với nhau ở phần cuống quả. Khi so sánh, liên tưởng với dấu hoa thị, đặc biệt là hình hoa thị, hoạ tiết hoa thị, thì chúng ta thấy “hoa thị” này hoàn toàn trùng khớp về mặt tạo hình.

3- Cắt vỏ quả thị thành nhiều cánh để làm gì?

Nhiều người sẽ nghĩ ngay đến câu trả lời là “để trang trí cho đẹp”. Điều này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng.

Thị là một từ Việt gốc Hán, có tự hình và âm đọc hiện thời là thị  (chữ hình thanhmộc  biểu nghĩa, thị 巿 biểu âm). Tuy nhiên, trong tiếng Hán, thị  hay thị tử 柿子 lại chỉ cây hồng, quả hồng, chứ không phải là quả thị vỏ vàng mùi thơm (phân bố nhiều ở Việt Nam, Thái Lan; Trung Quốc không có). Còn cây hồng/quả hồng (cùng họ Thị) trong tiếng Việt, là cách gọi dựa theo màu sắc của quả.

Cây thị rất nhiều dược tính. Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (GS Đỗ Tất Lợi), và kinh nghiệm dân gian, lá thị, quả thị, vỏ thị, rễ thị,…đều là những vị thuốc quý. Trong đó, vỏ của quả thị phơi khô dùng để giải độc, chữa đau bụng do ngộ độc thức ăn và chữa bệnh giời leo.

Hoa thị trên cánh tủ cá nhân
Tạo tác: HTC

Mỗi năm, thị chỉ cho quả một lần vào mùa thu, nên người ta phải phơi khô vỏ và cất đi, khi cần mới đem dùng. Tuy nhiên, việc cất giữ vỏ thị với lượng không nhiều, không thường xuyên dùng, khiến lúc cần đến có khi lại tìm không ra. Bởi vậy, dân gian đã nghĩ ra một cách bảo quản, lưu giữ rất hay, là cắt vỏ quả thị thành nhiều múi, bóc ra rồi dán lên cây cột để vỏ thị khô dần. Quả thị tròn, nên chỉ bằng cách cắt vỏ ra làm nhiều múi thì khi bóc dán, vỏ thị mới bám chắc vào cột gỗ, hay phên ván. Đây là phương pháp sơ chế, gọi là “âm can”, tức phơi khô vị thuốc trong bóng râm, để giữ được tinh dầu nhiều hơn trong vỏ thị. Đặc biệt là khi cần dùng là tìm thấy ngay, lại cũng là một cách trang trí cho đẹp.

Hoạ tiết hoa thị trong kiến trúc Cung đình Huế
Ảnh: ST

Theo kinh nghiệm dân gian, chữa bệnh giời leo (herpes - một loại bệnh ngoài da, khác với zona thần kinh), thì lấy vỏ quả thị đã phơi khô, đốt thành than, hòa với phụ gia là dầu vừng hoặc mỡ lợn, bôi lên những vết phồng rộp.

Trường hợp đau bụng la trời do ngộ độc thức ăn (đồ ăn nguội, hoặc bị thạch sùng nhấm vào), thì dùng vỏ quả thị bóc trên cột nhà, rang vàng, sắc lấy nước uống.  

4-Dấu tích còn lưu

Có thể nói, mục đích ban đầu của việc cắt vỏ quả thị thành bông hoa nhiều cánh là để làm thuốc. Tuy nhiên, lâu dần về sau, ở nhiều nơi, việc làm này có khi không còn với mục đích chính là cất trữ để làm thuốc nữa, mà là để chơi, để trang trí.

Ngày nay, nhiều loại thuốc trị bệnh bằng Tây dược hiệu nghiệm hơn; nhà gỗ được thay thế bằng nhà xây; nhiều loại tranh ảnh, đồ bài trí đẹp hơn. Các loại hoa quả cũng vô cùng phong phú, nên quả thị cũng không còn được ưa dùng như xưa. Bởi vậy, hình ảnh vỏ quả thị khô hình bông hoa hầu như không còn. Tuy nhiên, “hoa thị” với nghĩa là hình hoa làm từ vỏ quả thị hãy còn được lưu giữ qua ngôn ngữ và trở thành thuật ngữ khá lâu đời trong hội hoạ, kiến trúc, toán học: dấu hoa thị, hoạ tiết hoa thị, hình hoa thị,v.v… (*)

Hoàng Tuấn Công/28/11/2023

 (*)- Vì mùa thị đã qua, nên tôi (HTC) tạm cắt vỏ một quả cam ra làm hình minh hoạ thay cho vỏ quả thị. Việc này không ảnh hưởng đến sự so sánh đối chiếu, vì hình dáng quả cam và quả thị giống nhau, chỉ khác chút ít ở phần cuống quả. Cuống quả cam nhỏ, trong khi cuống thị có thêm phần viền của tai thị.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến