2-TRÌNH LINH TỐ

 
2.
TRÌNH LINH TỐ
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ (1)
 
Trên đống đổ nát, bụi mù cuốn đi những dấu vết cuối cùng của thành Troy kiêu ngạo sừng sững phương Đông, vì người con gái đẹp nhất cõi đời Hélène mà tan thành cát bụi sau cuộc chiến vô nghĩa suốt mười năm ròng rã. Cô Tô đài trong đống tro tàn vẫn luyến lưu gót ngọc Tây Thi, những bước đi tha thướt tưởng chừng vô lực lại kéo theo sự sụp đổ của một vương triều. Giang sơn Đại Đường nghiêng ngã, Mã Ngôi pha chôn vùi cành hoa tươi thắm, sương móc đọng mùi hương “Nhất chi hồng diễm lệ ngưng hương”(2) Dương Quý Phi để Trường hận ca vang vọng mãi chốn nhân gian.
 
Hóa công ưu ái tặng thêm linh khí cho những đóa hoa tươi thắm tạo ra tuyệt sắc mỹ nhân để làm công cụ đắc lực cho cuộc bày phá của mình hay để cười nhạo sự si mê của con người?
 
Dù thế nhân có lạnh lùng gán cho mỹ nhân tiếng chua cay “Hồng nhan họa thủy", cái đẹp muôn đời vẫn được phụng hiến và tôn thờ trong nhạc họa thi ca.
 
Dòng lịch sử tiếp tục tuôn chảy, cuốn theo nó bao nhiêu định kiến, thị phi của con người để lấy lại công bằng cho giai nhân, để tội lỗi trả về cho những kẻ say hương đắm sắc. Dáng kiều thấp thoáng dệt nên màn sương khói lung linh, tô thêm muôn phần diễm lệ cho bao tác phẩm bất hủ xưa nay.
 
Tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình cuốn hút người đọc bởi bên những chén rượu nồng say khướt không thôi, võ công quán tuyệt thiên thu, hào khí ngất trời, còn bao bóng hồng kiều mỵ.
 
Sự xuất hiện của mỗi giai nhân trong tác phẩm Kim Dung đều khiến ta phải xao xuyến ngẩn ngơ. Vương Ngữ Yên diễm lệ vô song như ngọc tượng cho anh đồ gàn Đoàn Dự hồn xiêu phách tán. Hoàng Dung cởi bỏ lớp áo ăn mày, xinh tươi khôn tả khiến chàng khờ Quách Tĩnh chấn động tâm thần. Nhan sắc mỹ miều của Triệu Mẫn, tú lệ của Chu Chỉ Nhược, rạng rỡ của Tiểu Chiêu đẩy Trương Vô Kỵ khốn quẫn trong vòng vây tình ái. Tiểu Long Nữ thanh thoát lướt đi với tà áo trắng tung bay trong gió, đóa hoa thiên giới hương thơm vượt lên mọi cỏ cây trần tục ấy đã xóa nhòa hết thảy khái niệm giai nhân trong kim cổ…
 
Ôi, rừng hoa sắc nước hương trời mới muôn màu muôn vẻ biết chừng nào!
 
 
Chỉ đến “Phi hồ ngoại truyện”, ta mới bắt gặp một nhân vật nữ không có dung nhan xinh đẹp. Ấn tượng đầu tiên của bạn đọc về Trình Linh Tố chỉ là một cô bé da dẻ vàng vọt, còm cõi, ốm yếu, mãi mê chăm sóc vườn hoa. Hẳn Kim Dung cảm thấy như vậy thật bất công nên dù không tặng nàng nụ cười hàm tiếu, chân dung của Trình Linh Tố vẫn được đểm tô bởi khóe mắt thu ba.
 
Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng!
Ly tao – Bùi Giáng
 
Nàng tựa hồ đóa cúc dại hương thơm nhẹ nhàng tỏa khắp Động Đình Hồ. Dù màu trắng thơ ngây có bị sắc màu rực rỡ của bao loài hoa đẹp khác lấn át, đóa cúc vẫn hài lòng với những gì tạo hóa ban cho, mãn nguyện xòe tung bộ áo như vầng thái dương thu nhỏ quanh mình.
 
Tại vườn hoa, gánh nước giúp nàng thôn nữ, Hồ Phỉ không biết mình vô tình khiến trái tim Trình Linh Tố rung lên những cung bậc đầu tiên của ái tình kỳ diệu. Ngay khi trao cho chàng đóa hoa Thất tâm hải đường, sợi tơ mỏng manh nhưng bền chắc của Nguyệt lão vĩnh viễn cột chặt Trình Linh Tố vào mối tình vô vọng đơn phương.
 
Phải đâu Hồ Phỉ vì dung nhan Trình Linh Tố không sánh được với Viên Tử Y mà không yêu nàng. Hồ Phỉ chẳng là hạng phàm phu tục tử chỉ biết đánh giá con người qua nhan sắc, huống chi chàng đã nghiêng mình thán phục trước sự thông minh tinh tế của nàng đệ tử Độc thủ dược vương. Nếu đem mấy chữ “trọng sắc khinh hương” gói trọn tâm linh Hồ Phỉ há chẳng phải quá bất công? Trái tim chàng không thể chứa thêm ai bởi vì trước mắt chỉ phất phơ bóng hình tà áo tím. Con ngọc phụng Viên Yên Tử để lại có khác chi vết sẹo Ân Ly mang theo từ thuở thiếu thời?
 
Vết thương đã liền da mà trong trái tim dạt dào một biển yêu thương, phụng hoàng tưởng vô tri lại chở theo đôi cánh ngọc một trời thương nhớ. Bên cạnh Nhậm Doanh Doanh dung nhan tuyệt tục, hết lòng yêu thương, Lệnh Hồ Xung vẫn quay quắt đớn đau, nhất dạ chung tình với Nhạc Linh San sư muội. Ân Ly ngoảnh mặt đi với Tăng A Ngưu Trương Vô Kỵ để tìm kiếm vô vọng bóng hình cậu bé bướng bĩnh ngày xưa.
 
Mối tình đầu tuyệt đích đã khiến con tim si mê, cố chấp đến nhường thế sao nỡ trách Hồ Phỉ không đáp lại tình yêu của Trình Linh Tố?
 
Sau này, Hồ Phỉ một lần nữa trái tim rung động trước người con gái của kẻ thù không đội trời chung Miêu Nhân Phương. Khác với mối tình đầu ngọt ngào nhưng kết thúc trong dang dở dành cho Tử Y, cảm xúc của Hồ Phỉ đối với Miêu Nhược Lan hẳn giống như một con thuyền bôn ba qua bao sóng to gió lớn chợt nhìn thấy một bến đỗ bình yên và muốn ngừng lại nương náu.
 
Ngọn khói bốc lên từ mái nhà thấp thoáng, sưởi ấm cõi lòng người lữ khách dày dặn phong sương, mỏi mắt ngóng trông nơi cố quận. Giọng hát thắm thiết ân tình của Miêu Nhược Lan khiến trái tim của kẻ hành tẩu giang hồ độc vãng độc lai ngân lên những giai điệu hạnh phúc tưởng đã xa vời.
 
Trước người con gái mỏng mai như khói, dịu dàng như cành liễu nương mình theo gió, có người đàn ông nào lại không động lòng, lại không muốn che chở yêu thương?
 
Trong ba tri kỷ bên cạnh Hồ Phỉ, Trình Linh Tố chưa bao giờ hưởng được mật ngọt tình yêu bởi chàng vĩnh viễn dành cho nàng tình thương trọn vẹn của người anh đối với cô em gái bé bỏng.Trình Linh Tố vẫn lặng lẽ chấp nhận đóng trọn vai “Nhị muội”, giấu đi tiếng lòng thổn thức không nguôi để kề cận người yêu dấu, hoan hỉ chấp nhận tất cả để ngày ngày cùng chàng hành tẩu giang hồ.
 
Nếu anh là chân trời xa xôi,
em sẽ là một cánh chim rong ruổi.
Nếu anh là mặt trời,
em sẽ là muôn đời làm một kiếp hướng dương”(3).
 
Trình Linh Tố không xinh đẹp nhưng tính cách tựa hồ không tỳ vết, khí chất cao nhã ấy trên đời liệu đã có mấy ai? Thông minh, cơ trí nhưng không kiêu ngạo, tính toán. Dụng độc thuần thục mà chẳng tàn ác nhẫn tâm. Sắc sảo, khôn ngoan vẫn mềm yếu, dịu dàng. Nếu người đọc chỉ vì dung mạo không cuốn hút mà quay lưng lại với nhân vật Trình Linh Tố há chẳng phài vô tình lắm ru?
 
Suy nghĩ của Trình Linh Tố như chiếc hộp khóa chặt, mọi hành động đều lặng lẽ, không khoa trương, nhưng sắp đặt vô cùng chu đáo, nghiêm mật. Cả khu vườn Thất tâm hải đường bị sói lang phá hỏng, Trình Linh Tố vẫn thản nhiên. Ba vị sư huynh sư tỷ hèn hạ ích kỷ, chỉ nghĩ đến pho Dược vương thần biên mà không quan hoài đến cái chết của sư phụ, nàng khôn ngoan giáo huấn. Nàng vừa trị độc cho Tiểu Thiết bằng phương pháp lạ kỳ vừa giúp tên thợ rèn Vương Thiết Trương trả được mối thâm thù. Mọi việc tưởng chừng như nắm gọn trong lòng bàn tay, mặc ý nàng sắp đặt, đùa bỡn, đưa người đọc đi hết bất ngờ này sang thú vị khác. Tư chất thông minh, Trình Linh Tố kế thừa toàn bộ kiến thức của Độc Thủ dược vương Tăng Vô Sân chữa bệnh cứu người.
 
Dụng độc tài tình, nàng nghĩ ra bao thủ pháp độc khéo léo khiến không ai đoán trước được mà đề phòng hay né tránh. Kề vai sát cánh bên Hồ Phỉ, nhiều phen ra tử vào sinh, không biết bao lần cứu chàng ra khỏi tử huyệt. Sự hiện diện của Trình Linh Tố tạo cho ta một sự an tâm kỳ lạ, có sự cơ trí của nàng hẳn Hồ Phỉ sẽ chẳng lúc nào bị dồn vào ngõ cụt.
 
Trong trang phục mới, đỏ mặt khi nghe Hồ Phỉ trêu mình giống như nương từ, trông thấy ngọc phụng sinh ra mối ghen tuông, hờn giận vu vơ… Trình Linh Tố giữ vẹn nguyên tính cách ngây thơ của người thiếu nữ.
 
Phải chăng Kim Dung sợ rằng nếu ưu ái thêm nhan sắc diễm tuyệt, Trình Linh Tố sẽ trở thành con người quá hoàn hảo?
 
Bánh xe số phận vẫn vô tình lăn những vòng quay nghiệt ngã nghiến nát hạnh phúc nhỏ nhoi của con người. Người con gái đáng yêu dù thông minh đến mấy cũng đành cúi đầu khuất phục trước số mệnh tàn nhẫn. Đứng trước mọi sự lựa chọn, kiều nữ đành phải dành lấy phần thiệt về bản thân mình, như A Châu ra đi tức tưởi, như Tiểu Chiêu ngậm ngùi gạt lệ đến xứ sở Ba Tư, như Kỷ Hiểu Phù chấp nhận cái chết, bất phục mệnh lệnh tôn sư, như Công Tôn Lục Ngạc đỡ cho Dương Quá nhát dao trí mạng…
 
Hồ Phỉ vì muốn cứu mạng của Trình Linh Tố khỏi bàn tay tàn ác của Thạch Vạn Sân không ngại lãnh lấy ba thứ độc dược đầu thiên hạ, nàng sao đành đoạn nhìn người mình yêu thương nhất ra đi? Chất độc các lang y trên thế gian lắc đầu bất lực nay đã tìm ra thuốc chữa bởi cuối cùng đã có một người dám hy sinh tính mệnh cho bệnh nhân. Hành động của Trình Linh Tố bí hiểm khiến người ta khó đoán cũng như tình yêu của nàng hệt dòng sông ít ai hiểu nông sâu.
 
Chỉ đến khi nàng kề môi hút độc trên tay Hồ Phỉ, người ta mới vỡ lẽ dòng sông ấy hóa ra mênh mông như biển. Chất độc ngấm vào cơ thể cũng chính là lúc nàng đặt chân lên bến bờ tình yêu đích thực sau cuộc lữ hành ngắn ngủi chốn trần gian.
 
Thanh Thạch Kiều ra tay ngộ sát, Tiêu Phong ôm xác A Châu gào khóc trong trận mưa phủ nhòa thân thể, nỗi khổ đau vô hạn tưởng ta tác đất trời. Trong miếu hoang, thuốc giải chưa tan, Hồ Phỉ bất lực bên xác Trình Linh Tố giữa màn đêm u tối, niềm thê lương cực điểm đến tái tê cây cỏ.
 
Thời gian chậm rãi rơi từng giọt thánh thót, ngọn nến Thất tâm hải đường leo lắt cháy, dường nhỏ lệ khôn nguôi xót thương người thiếu nữ đốt cháy sinh mệnh hiến dâng cho mối tình đầu. Trình Linh Tố thanh thản ra đi nhưng vẫn lo lắng chu toàn cho ý trung nhân, một lần nữa cứu chàng thoát khỏi bàn tay hung dữ của Độc thủ thần kiêu. Mối tình đằm thắm của nàng có khác chi con tằm đến chết mà tơ tình vẫn còn vương vấn, ngọn nến kia tàn rồi lệ đã hẳn khô chưa?
 
Xuân tâm đáo tử ti phương tận
Lạp chúc thành hôi lệ thủy can.
Vô đề - Lý Thương Ẩn
 
(Mùa xuân con tằm rút mãi đường tơ đến khi ruột tằm khô héo, ngọn nến cứ rỏ mãi bao nhiêu hàng lệ đến bao giờ nến cạn thành tro thì dòng lệ mới khô)
 
Viên Tử Y nhúng chân vào vũng bùn tục lụy, vì lời trọng thệ đành dứt bỏ tơ tình. Hóa công thật khéo trêu người, đẩy những người trong cõi thanh tu vào mê cung lẩn quẩn của tình duyên luyến ái. Mối tình của Viên Tử Y thiết tha, da diết chứ không man mác “hồn bướm mơ tiên” như Nghi Lâm, cô tiểu ni đáng yêu ngày ngày ở phái Hằng Sơn cầu nguyện cho Lệnh Hồ đại ca và người chàng yêu hạnh phúc.
 
Nàng và Hồ Phỉ trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào cùng cay đắng, trái tim nàng đã giương cờ trắng nhưng lý trí không dám quy hàng. Tử Y không đủ can đảm vì chàng mà rũ bỏ lớp áo ni cô dù một khi vướng vào lớp bụi trần ai, áo kia khó lòng thanh sạch như ngày trước. Đến khi biết sự hy sinh không oán than của Trình Linh Tố, Tử Y chỉ biết ngậm ngùi thương cảm và tự trách mình không thể bằng nàng.
 
Vẻ đẹp sáng trong thanh nhã của Miêu Nhược Lan làm mọi người choáng ngợp nhưng dần dần tính cách mờ nhạt khiến ta nhàm chán, và sinh lòng hoài cảm Trình Linh Tố. Thế giới nội tâm của Trình Linh Tố đến lúc ra đi không ai hiểu hết, độc giả thán phục sự thông minh, dũng cảm, thích thú trước mưu mẹo khôn ngoan để bảo vệ ý trung nhân, thương cảm cho tình yêu đơn phương tuyệt vọng và xót xa cùng cực vì cái chết nhẹ tựa lông hồng.
 
Một chiếc áo thêu rồng đính ngọc, ai nhìn cũng thích nhưng có làm ấm áp lòng người, có giúp người ta qua được cái giá rét của mùa đông như áo bông giản dị đơn sơ?
 
Sự hy sinh của Trình Linh Tố gần với Công Tôn Lục Ngạn biết mấy! Một đóa cúc trắng trong, một đài hoa xanh biếc, hỡi ôi, hy sinh cho người yêu dấu mà nhụy nát hương tàn, Lục Ngạn lớn lên trong thế giới khắc nghiệt chốn Tuyệt Tình cốc, chịu đựng sự nhẫn tâm, độc ác của người cha, trái tim vĩnh viễn trong suốt như pha lê, vì Dương Quá hân hoan rời xa cõi thế. Trình Linh Tố từ bé sống giữa muôn vàn chất độc nơi Dược Vương trang, chấp nhận sự ích kỷ, hẹp hòi của các sư huynh sư tỷ, tấm lòng vẫn là “nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” vì Hồ Phỉ bước vào cõi vĩnh hằng.
 
Người đời khi mê mãi ngắm dòng sông mênh mông sông nước sẽ quên đi con suối nhỏ âm thầm chảy dưới chân, khi say sưa với hoa hồng, hoa huệ xinh tươi khoe sắc sẽ quên đi những bông hoa dại ngát hương nơi vệ đường, có vầng trăng vằng vặc chiếu soi sẽ quên mất những ngôi sao nhạt nhòa ánh sáng…
 
Ôi, trước sự vô tình của con người, sao tinh tú vẫn cố sức tỏa ánh sáng lung linh, suối lặng lẽ tuôn dòng nước mát, hoa dại miệt mài tỏa hương cho đời? Đâu phải sao muốn đua cùng nhật nguyệt, suối muốn tranh với giang hà, hoa sẽ mong mỏi có kẻ đoái thương?
 
Chúng vì thiên tính mà tự nguyện hiến dâng.
 
Và hy sinh vì người yêu không hề nuối tiếc phải chăng chính là thiên tính của bao kẻ si tình tự thiên cổ?
______
(1) Một tấm lòng băng tại hồ ngọc (Phù Dung lâu tống Tân Tiệm – Vương Xương Linh)
(2) Thanh bình điệu – Lý Bạch
(2) Muợn ý bài “Gọi em” của Nguyên Sa
“Nếu em là chân trời xa,
tôi sẽ là một cánh chim bằng rong ruổi.
Nếu em là mặt trời thì trên đường xích đạo,
tôi sẽ muôn đời làm một kiếp hướng dương”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến