TIỀN & TỆ
TIỀN & TỆ
Mỗi thời có cách hiểu khác nhau về "tiền tệ". Cuối thế kỷ 19, "tiền tệ" được giải thích là "tiền xưa, dùng giẻ lụa mà thế, cũng như giấy bạc bây giờ" (Đại Nam Quấc âm tự vị).Ngày nay, khái niệm "tiền tệ" đa dạng hơn nhiều. Song mục đích của bài viết này là đi tìm từ nguyên của tiền và tệ, hai thuật ngữ có gốc từ chữ Hán.
Tiền (錢, qian), một ký tự Trung Quốc lần đầu được nhìn thấy vào thời Chiến Quốc, nghĩa gốc là tên các dụng cụ sử dụng trong nông nghiệp như xẻng, phát âm là jiăn (Thuyết văn giải tự, Thi kinh). Trong tiếng Trung hiện đại, tiền (錢) dùng để chỉ tiền tệ, chi phí, số lượng và họ người, khi đó nó được phát âm là qián.
Thời xa xưa, loại tiền dùng trong giao dịch mua bán thường là vải, vỏ sò, da thú, rùa, tiền xu và vàng. Năm Cảnh Vương thứ 21, vua nhà Chu cho đúc số lượng lớn những đồng tiền mà ông gọi là "bảo hóa" (寶貨) - Quốc ngữ, Chu ngữ hạ. Thời đó tiền là kim loại nên còn gọi là "kim tệ". Ngày xưa, tiền được gọi là tuyền (泉), về sau mới gọi là tiền (錢). Sau thời Hán, tiền có nhiều kích cỡ khác nhau, tên gọi cũng khác nhau. Ví dụ: duyên tiền (鉛錢: tiền kẽm), ngân tiền (銀錢: đồng tiền đúc bằng bạc). Ở nước ta, trong các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần, khá phổ biến những từ Hán Việt liên quan đến tiền như: bổn tiền (tiền vốn làm ăn); chỉ tiền (tiền giả làm bằng giấy để cúng bái, tức tiền vàng mã, tiền âm phủ) - còn gọi là minh tiền và hoàng chỉ; bất danh nhất tiền là thành ngữ ám chỉ không có đồng xu dính túi, nghĩa là rất nghèo.
Tệ (幣, bì) là ký tự lần đầu tiên được nhìn thấy bằng chữ Tiểu Triện (Thuyết văn giải tự). Nghĩa gốc của từ này là vải lụa (người xưa thường dùng làm quà tặng) - Trang Tử, Thuyết Kiếm. Trong sách Nghi lễ có câu: "Ngọc mã bì khuê bạch, giai xưng tệ" nghĩa là "Ngọc, ngựa, da, ngọc khuê, ngọc bích, lụa đều gọi là tệ". Còn bì tệ (皮幣)là tiền làm bằng da. Ngày xưa, người ta sử dụng ngọc khuê để đổi lấy loại tiền này (Lễ Ký, Nguyệt lệnh). Sách Mạnh Tử cho biết: "Sử chi dĩ bì tệ" (Mọi thứ đều trao đổi bằng tiền da). Ngoài ra, "tệ" còn có nghĩa là tặng quà (Quản Tử, Quốc súc). Từ thời nhà Hán, tệ (幣) có nghĩa là tiền (錢) - Quốc ngữ, Lỗ ngữ thượng. Tệ còn có nghĩa là của dùng, ví dụ: thượng tệ (上幣 ) là ngọc; trung tệ (中幣) là vàng; hạ tệ (下幣) là dao vải (Quản Tử). Xin lưu ý: tiền đồng (錢筒) không phải là tiền đúc bằng đồng mà là "ống đựng tiền"; đồng tệ (銅幣 ) mới là tiền đồng; chỉ tệ (紙幣) là tiền giấy.
Riêng về chữ Nôm, tiền được viết là 錢 và 钱 (mượn nguyên chữ tiền trong Hán ngữ phồn thể và giản thể). Ví dụ, trong Đại Nam quốc ngữ (1899) có câu: "Một cân mười sáu lạng. Một lạng mười tiền. Một tiền mười phân". Tuy nhiên, trong Từ điển chữ Nôm dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng không ghi nhận tệ (弊) với nghĩa là tiền, mà có nghĩa là "xấu xa, bạc bẽo, nguy hại": "Lấy của bắt người, quân tệ nhỉ" (Tam nguyên Yên Đổ thi ca); "Sao người nỡ ở tệ làm vậy" (Thạch Sanh diễn hý trò).
Tóm lại, tiền tệ là từ Hán Việt, ngày nay được hiểu là đồng tiền do luật pháp quy định, dùng để trao đổi hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia hay nền kinh tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét