13-VIÊN TÍNH

 
13
Vài suy nghĩ về
VIÊN TÍNH
Câu chuyện trong Phi Hồ ngoại truyện của Kim Dung xoay quanh bi kịch gia đình không hấp dẫn lắm, nhưng số phận của các nhân vật Trình Linh Tố cùng ni cô Viên Tính và các câu kệ trong kinh Pháp Cú ở cuối tác phẩm đã để lại trong lòng người một ấn tượng sâu sắc.
Trình Linh Tố mang trái tim đôn hậu về bên kia thế giới với nỗi ngậm ngùi của một A Tử với Tiêu Phong. Yêu một người mà trái tim người đó đã hoàn toàn về một kẻ khác, có lẽ không một nhân vật nữ nào đáng tội nghiệp hơn Trình Linh Tố.
Kim Dung đã viết về cô bằng những lời tha thiết ngậm ngùi, chắc là để an ủi linh hồn của cô thôn nữ thông minh tuyệt đỉnh, thấu hiểu hết mọi độc vật trong thiên hạ kia. Sự thông minh của cô hàm chứa sự chất phác đơn giản, khiến người đọc sinh lòng cảm mến. Nó khác hẳn lối thông minh ma mãnh, thủ đoạn và nặng phần trình diễn của Hoàng Dung.
Nhưng ở đây, chỉ xin ghi lại một vài cảm nhận từ nhân vật Viên Tính.
Viên Tính là một ni cô, nhưng cũng như Nghi Lâm trong Tiếu ngạo giang hồ, vị ni cô này đi tu chỉ vì sự nghiệt ngã của hoàn cảnh. Cả hai nhân vật nữ xinh đẹp này xuất gia bởi một lý do đơn giản là khi vừa lớn lên, họ thấy mình sống trong một ngôi chùa!
Mẹ Viên Tính là Ngân Cô, một cô gái làng chài xinh đẹp, bị tên cường hào Phụng Thiên Nam hãm hiếp mà mang thai. Cha Ngân Cô đến nhà tên cường hào phân trần thì bị đánh đập tàn nhẫn, về nhà uất ức buồn phiền mà chết. Gia tộc lại cho rằng Ngân Cô là nguyên nhân gây nên cái chết của cha, nên không cho cô mặc hiếu phục, không cho lạy quan tài và đòi bắt cô bỏ rọ thả sông!
Chi tiết này chỉ có một hai dòng trong nguyên tác, nhưng đối với người đọc lại có tác động mãnh liệt như một bản cáo trạng về thân phân nghiệt ngã của người phụ nữ Á Đông ngày trước.
Ngân Cô trốn khỏi thị trấn, sinh con xong, lang thang ăn mày và lần mò về lại quê nhà. Một thanh niên bán cá thương hại muốn dang tay bảo bọc hai mẹ con thì bị tên cường hào giết chết, ngay trong ngày cưới. Ngân Cô phải chạy đến nương nhờ nhà Thương Bái. Vị “ngụy đại hiệp” này thấy Ngân Cô xinh đẹp nên động lòng dục. Ngân Cô bị làm nhục phải treo cổ tự vẫn.
Một vị sư thái là cao nhân tiền bối của võ lâm xuất hiện, cứu Viên Tính mang về Hồi Cương, nuôi dạy nên người.
Đến tuổi trưởng thành, Viên Tính, với một thân võ công, bèn từ Hồi Cương tìm về Trung Nguyên để trả thù cho mẹ. Nhưng làm sao tìm ra một giải pháp báo thù trọn vẹn, khi mà kẻ thù của mẹ lại chính là cha mình, dù đó là một người cha đầy tội lỗi?
Đạo lý phương Đông không bao giờ cho phép người con trực tiếp lên án cha mẹ, đừng nói chi đến chuyện giết, cho dẫu đó là những người mang trọng tội. Đạo lý, nếu cần phải duy trì để giữ giềng mối cho sự vận động của guống máy xã hội, sẽ được thực hiện bởi trời, bởi phép nước hoặc bởi một người nào khác.
Trong sách Mạnh Tử, Đào Ứng đã đặt vấn đề cùng Mạnh Tử:
Ông Cổ Tẩu – cha vua Thuấn – là người cực ác giết người phải tội chết. Ông Cao Dao là người chấp pháp muốn bắt ông Cổ Tẩu thì vua Thuấn phải xử lý thế nào?
Đây là vấn nạn thường đặt ra trong nền văn hóa nhân loại để con người phải tìm sự điều hòa giữa đạo trời và đạo người, để làm sao cho xã hội vẫn tốt đẹp mà lương tâm con người vẫn thanh thản.
Vua Thuấn là con thì phải bảo vệ cho cha là đạo trời. Nhưng vua Thuấn lại là vua nên theo luật phải xử tội cha để duy trì trật tự xã hội là đạo người. Làm thế nào để điều hòa sự tương xung bất khả vãn hồi?
Giải pháp mà Mạnh Tử đưa ra là sự điều hòa mang ý nghĩa sâu xa đượm đầy tính nhân văn cao viễn trong bầu không khí cổ đại phương Đông, mà mãi đến ngày nay vẫn còn là bài học kinh điển về đạo lý làm người.
“Thuấn sẽ xem việc bỏ thiên hạ như bỏ một đôi dép rách, lén cõng cha đi trốn, lần theo bờ biển mà ở, suốt đời vui vẻ, vui mà quên đi thiên hạ”. (Thuấn thị khí thiên hạ do khí tệ sỉ dã, thiết phụ nhi đào, tuân hải tân nhi xử, chung thân hãn nhiên, lạc nhi vong thiên hạ) (Mạnh Tử, Tận Tâm thượng).
Nếu vua Thuấn cứ căn cứ theo phép nước để ông Cao Dao chiếu theo luật xử tử cha mình, cho đúng với nghĩa “minh quân” hay “thiết diện vô tư” thì trước mắt có thể duy trì được giềng mối xã hội đấy, nhưng chắc chắn sẽ để lại một vết thương trầm trọng không gì cứu vãn được trong đạo lý làm người cho thế hệ mai sau.
Thần thoại Hy Lạp cũng có một câu chuyện tương tự. Agamemnon, vua xứ Mycenae, khi dẫn đoàn quân viễn chinh Hy Lạp quay về sau chiến thắng thành Troy, thì bị hoàng hậu Clytemnestra cùng người tình là Aegisthus lập mưu giết chết.
Con trai Agamemnon và Clytemnestra là Orestes, với sự trợ giúp của chị là Electra, đã giết chết mẹ và Aegisthus để trả thù cho cha.
Tưởng rằng như thế là công bằng, vì nợ máu phải trả bằng máu. Nhưng ngay sau đó Orestes bị các nữ thần Eumenides trừng phạt, mãi cho đến khi có sự can thiệp của nữ thần Athena.
Đông hay Tây đều cho rằng việc giết cha hay mẹ để đòi lại sự công bằng cho người đã khuất phải là nhiệm vụ của thần linh, của trời, chứ không phải của con người.
Theo lời sư phụ dặn, Viên Tính phải ba lần cứu Phụng Thiên Nam thoát chết dưới tay Hồ Phỉ, như để trả món nợ tình phụ tử, dù nàng chỉ là cái bào thai nghiệt oan của một tên dâm ác, và đến khi trưởng thành vẫn không biết đến cha.
Kim Dung quả thực sâu sắc khi để Phụng Thiên Nam chết thật đột ngột bởi những lưỡi “vô ảnh ngân châm” của một tên gian ác khác là Thang Bái. Rồi ông lại bố trí cho Viên Tính hạ sát Thang Bái. Thật không có giải pháp nào hoàn hảo hơn được nữa.
Nếu như Kim Dung để Phụng Thiên Nam giao đấu rồi chết dưới tay Thang Bái hoặc Hồ Phỉ, trước sự chứng kiến của Viên Tính, thì người đọc vẫn không lấy làm thỏa mãn. Mà có thể cả Viên Tính cũng cảm thấy ray rứt trong lòng, dù nàng đã lập thệ chỉ cứu Phụng Thiên Nam đúng ba lần.
Giải pháp của Kim Dung là sự điều hòa mang tính đạo lý rất sâu xa.
Và cũng chính trong bước đường tầm thù, khi gặp Hồ Phỉ, Viên Tính lại vướng vào chữ tình. Đối với Viên Tính là sự oan nghiệt, vì nàng đã lập lời trọng thệ sẽ kế thừa y bát của sư phụ, sẽ suốt đời làm bạn với thanh đăng cổ Phật, như để đền đáp ơn trùng sinh tái tạo.
Ở đoạn cuối tác phẩm, những lời bộc bạch tâm sự của nàng trước nấm mộ song thân Hồ Phỉ thật cảm động:
“Giá như ngày trước ta không lập lời trọng thệ trước sư phụ, thì có thể trọn đời theo y đến tận chân trời, hành hiệp trượng nghĩa, há chẳng hay ư? Hỡi ơi, Hồ đại ca! Đại ca đau khổ, nhưng có biết chăng tiểu muội còn thương tâm gấp mười?”.
“Giá như…”. “Phải chi…” vẫn luôn là câu nói tiếc nuối của con người, để hoài thương quá khứ hoặc nguôi đi một chút hận lòng. Cuộc sống là một cuộc thi mà mỗi thí sinh chỉ có một tờ giấy duy nhất để làm bài, không cho ai làm nháp!
Nếu như các chữ “Giá như…”. “Phải chi…” không còn trong tự điển của cuộc sống thì Nguyễn Du lấy đâu ra chỗ để viết “Đoạn trường tân thanh”?
Nỗi lòng Viên Tính là vậy, nhưng thái độ kiên quyết và dứt khoát của nàng trước lời tHỉnh cầu của Hồ Phỉ lại khiến người đọc bao xiết cảm thông. Cuộc đời nàng vốn đã đầy trầm luân khổ hạnh, mang ơn tái tạo của sư phụ thì làm sao nàng có thể phản bội lời thề để tìm hạnh phúc riêng tư? Đó cũng chính là tâm trạng phân vân của Thúy Kiều khi gặp lại gia đình ở chốn thảo am.
Trùng sinh ơn nặng bể trời
Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi.
Mười lăm năm lưu lạc bị đày đọa trong chốn phong trần, gặp lại gia đình và người yêu cũ có còn niềm vui mừng nào hơn nữa? Nhưng ơn trùng sinh tái tạo của sư Giác Duyên lấy gì để đền đáp? Nhiều nhà phê bình cho đó là thái độ không thực lòng của Thúy Kiều, thì nghĩ cũng thực lòng không hiểu họ đọc Kiều theo kiểu nào, và đọc để làm gì?
Một người đã mười lăm năm trầm luân lưu lạc, đã bị đẩy đến tận cùng nỗi thống khổ của nhân gian, phải nhờ dòng nước dìm sâu hết mọi tủi nhục của đời người, lại được một sư thái cứu lên và nương thân nơi cửa Phật, thì người đó có thể nhìn đời bằng đôi mắt hồn nhiên của ngày cùng hai em dạo chơi trong ngày lễ đạp thanh, hay đôi mắt đau buồn nhưng vẫn còn hy vọng của ngày phải lìa nhà theo Mã Giám Sinh?
Trùng lai quả là điều người đã mòn mỏi chờ đợi, nhưng còn ơn trùng sinh, lòng người sao nỡ?
Tìm mối điều hòa cho xuôi chéo mát mái giữa những xung đột, giữa hiếu và tình, giữa hạnh phúc và trách nhiệm… vẫn là những vấn đề muôn thuở của con người. Lắm khi thoát được ra khỏi vòng tranh chấp, con người đã thấy đời đổ tan hoang với những nổi lòng thê thiết.
Thúy Kiều theo cha mẹ về đoàn tụ với gia đình là một ách điều hòa, Viên Tính quay về lại Hồi Cương để vĩnh viễn chai tay Hồ Phỉ phải chăng cũng là một cách điều hòa? Bài kệ của nàng trước lúc chIA tay là để cảnh tỉnh Hồ Phỉ hay để nhắc nhở chính mình?
Nhất thiết ân oán hội
Vô thường nan đắc cửu.
Sinh thế đa ưu sự
Mệnh nguy ư thần lộ.
Do ái cố sinh ưu
Do ái cố sinh bố.
Nhược ly ư ái giả
Vô ưu hựu vô bố.
(Mọi ân oán đời này
Đều vô thường chóng phai
Cõi thế nhiều khổ não
Đời người như sương mai
Do ái sinh sợ hãi
Do ái sinh ưu phiền
Kẻ nào lìa chữ ái
Tâm mới được an nhiên)
Không có tác phẩm nào của Kim Dung để lại cho người đọc một cảm giác bâng khuâng như trong đoạn cuối của Phi Hồ ngoại truyện. Không vui tươi như Tiếu ngạo giang hồ, không thê thảm như Thiên long bát bộ. Người đọc không buồn đau mà chỉ có một cảm giác hụt hẫng và trống rỗng. Như tâm trạng Hồ Phỉ đứng bên nấm mộ song thân cùng bình cốt hôi của Trình Linh Tố, nhìn theo bóng Viên Tính xa dần.
“Viên Tính lắc đầu, cứ thúc ngựa đi. Hồ Phỉ nhìn theo bóng nàng. Tám câu Phật kệ vẫn còn văng vẳng bên tai.
Con bạch mã đứng bên cạnh chàng nhìn theo bóng Viên Tính đi mỗi lúc một xa, bỗng nhiên hý lên một tiếng bi thương. Nó không hiểu vì sao vị chủ nhân cũ của nó không hề ngoảnh đầu nhìn lại”.
Chi tiết Viên Tính “Thúc ngựa lặng lẽ bỏ đi mà không hề ngoảnh đầu nhìn lại” quả thật cảm động.
Đạo Phật chủ trương “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn” (biển khổ mênh mông, quay đầu là bến). Nhưng trong trường hợp này lại khác. Nếu Viên Tính quay đầu nhìn lại thì nàng sợ rằng sẽ không thấy bến, mà chỉ thấy một biển tình, biển khổ, và nàng sợ những con sóng trong biển đó sẽ kéo nàng trôi dạt, không biết đến những bờ bến nơi đâu.
HUỲNH NGỌC CHIẾN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến