TTKH & HAI SẮC HOA TIGON
TTKH & HAI SẮC HOA TIGON
Từ năm 1937 đến nay, mỗi khi nhắc đến bài thơ "Hai sắc hoa Ti-gôn", người ta lại nhớ ngay đến T.T.Kh và rồi tự hỏi “T.T. Kh là ai?”.Chuyện là vào khoảng giữa năm 1937, trên tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản ở Hà Nội có đăng truyện ngắn Hoa Ti-gôn của ký giả Thanh Châu. Truyện nói về một chàng họa sĩ trẻ mới ra trường trong một lần đi vẽ phong cảnh ở ngoại ô Hà Nội. Tình cờ đi qua căn biệt thự cổ đã bắt gặp một cô gái trẻ rất đẹp, mặc áo lụa ngắn tay đang đứng trên ghế cao, tay níu lấy một cành hoa ti gôn màu đỏ.
Hình ảnh nàng thiếu nữ nổi bật trên nền hoa đỏ khiến chàng mê mẩn và... đặt giá vẽ xuống. Cô gái trẻ cũng biết mình ngẫu nhiên trở thành “người mẫu” nên cũng lặng yên chấp nhận. Sau vài lần đứng làm mẫu và đúng lúc bức tranh hoàn thành thì nàng đột nhiên biến mất...
9 năm sau họ tình cờ gặp lại nhau trong một bữa tiệc, nhưng bây giờ nàng đã là phu nhân của một viên chức cao cấp đã luống tuổi mà nàng không hề yêu thương. Thế là đã có một cuộc tình vụng trộm giữa chàng và nàng, họ dự tính trốn ra nước ngoài để được sống bên nhau. Tuy nhiên, đến phút cuối chàng họa sĩ chỉ nhận được một phong thư kèm theo một chùm Tigôn màu đỏ máu. Nàng từ chối ra đi vì không đủ can đảm vượt qua rào cản lễ giáo...
Vài năm sau nhận được tin nàng mất, chàng đã đến viếng mộ nàng với một chùm hoa Ti-gôn. Từ đó cứ đến mùa Ti-gôn nở, chàng lại mua hoa về trang trí trong phòng làm việc của mình để tưởng nhớ đến người yêu bạc mệnh...
Mấy ngày sau khi truyện ngắn trên được đăng, một thiếu phụ trẻ có khuôn mặt thật đẹp nhưng u buồn đến tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy, đưa tận tay chủ bút một phong thư dán kín. Trong đó là bài thơ Hai sắc hoa Ti-gôn của tác giả ký tên tắt: T.T.Kh - bài thơ hay đến não lòng, là tâm sự của một thiếu phụ luyến nhớ người đã cùng mình nhiều lần hẹn hò dưới giàn hoa Ti-gôn nhưng rồi mình phải lấy một người khác, một người mà nàng không hề yêu thương:
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương...
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: “Hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”
...
Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xôi quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...
Từ đó thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ...”
Bài thơ Hai sắc hoa Ti-gôn vừa được đăng lên báo lập tức tạo thành một cơn lốc trên văn đàn. Nhiều nhà phê bình đã cho rằng đây là một kiệt tác. Rồi người ta hỏi nhau: “T.T.Kh là ai?”. Không khí văn đàn đang xôn xao thì Tiểu thuyết thứ bảy lại nhận thêm một bài thơ của T.T.Kh nữa, nhưng lần này được gửi tới qua đường bưu điện, đó là Bài thơ thứ nhất:
“Thuở trước lòng tôi phơi phới quá
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
Êm ái trao tôi một vết thương
...
Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
- Gió hỡi, làm sao lạnh rất nhiều
...
Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên...”.
Người ta cho rằng tác giả đã làm Bài thơ thứ nhất từ lâu rồi nhưng vì một điều nào đó nên không gởi đăng báo. Chỉ đến khi tình cờ đọc được truyện ngắn Hoa Ti-gôn của ký giả Thanh Châu, xúc động bởi thấy cốt truyện có nhiều điều tương đồng với cảnh ngộ hôn nhân ngang trái của mình nên T.T.Kh đã làm ngay bài thơ Hai sắc hoa Ti-gôn (có câu Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết / Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa...) và đưa đến tòa báo, sau đó mới gởi tiếp Bài thơ thứ nhất. Giới văn nghệ lại có dịp xôn xao, bàn tán về T.T.Kh, người ta tha hồ mà tưởng tượng về nhân thân, về cảnh ngộ với nhiều tình tiết lâm ly...
Đang lúc không khí xao động ấy thì tờ Phụ nữ thời đàm (Hà Nội) lại tiếp tục tung ra bài thơ thứ ba cũng ký tên T.T.Kh, đó là Bài thơ Đan áo. Tuy nhiên, bài thơ này được làm theo thể thơ lục bát chứ không phải ngũ ngôn tứ tuyệt như những bài thơ khác của T.T.Kh:
“Biết chăng chị, mỗi mùa đông
Đáng thương những kẻ có chồng như em
Vẫn còn thấy lạnh trong tim
Đan đi đan lại áo len cho chồng...
Như con chim nhốt trong lồng
Tháng ngày mong đợi ánh hồng năm nao
Ngoài trời mưa gió xôn xao
Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm
Ai đem lễ giáo giam em
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời...”.
Bài thơ Đan áo vừa xuất hiện trên Phụ nữ thời đàm thì chỉ ít lâu sau tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy lại nhận được qua đường bưu điện bài thơ thứ tư của T.T.Kh, có tựa là Bài thơ cuối cùng, lời lẽ oán trách cố nhân đã đem chuyện riêng tư giữa hai người cho “khắp người đời thóc mách”, nhưng nghe trong trách oán vẫn có pha lẫn những nỗi niềm yêu thương:
“... Đã lỡ, thôi rồi, chuyện biệt ly
Càng khơi, càng thấy lụy từng khi
Trách ai mang cánh Ti-gôn ấy
Mà viết tình em được ích gì?
...
Chỉ có ba người đã đọc riêng
Bài thơ “Đan áo” của chồng em
Bài thơ “Đan áo” nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem
...
Là giết đời nhau đấy, biết không?
Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung
Giận anh, em viết dòng dư lệ
Là chút dư hương: điệu cuối cùng!...”.
Và, đúng như cái tựa của bài thơ - sau bài thơ thứ tư này, làng thơ Việt Nam không còn nhận được một bài thơ nào của T.T.Kh nữa và tác giả này cũng đã hoàn toàn biến mất trên văn đàn, để lại 4 bài thơ tuyệt bút và một cái tên “bí hiểm”. [...]
Đã có nhiều người tự nhận mình là tác giả hoặc nói bóng gió mình là người yêu của T.T.Kh như các nhà thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính... Sau này các tác giả Thế Phong, Trần Đình Thu cũng đã cất công “giải mã” nghi án văn học này. Họ (Thế Phong, Trần Đình Thu) cho rằng T.T.Kh chính là bà Trần Thị Vân Chung, vào thời điểm năm 1994 là Việt kiều ở Pháp (bà sinh năm 1919, quê Thanh Hóa). Còn người yêu của T.T.Kh (tức bà Vân Chung) chính là ký giả Thanh Châu. [...]
Nhà văn Thanh Châu mất ngày 8/5/2007, mang theo rất nhiều bí ẩn về T.T.Kh, nhưng thiết nghĩ hãy cứ để yên như thế bởi đây là một sự kiện độc đáo (và là một “nghi án văn chương”) đẹp nhất của văn học Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét