Chuyển đến nội dung chính
CƠM CHIM
CƠM CHIM
Tục ngữ Việt Nam có câu “Ai nỡ ăn cướp
cơm chim” (Dị bản Ai nỡ ăn cướp cơm chim mắm vét). Ngoài ra còn có thành ngữ
“Ăn cướp cơm chim”, được nhiều sách thu thập và xếp vào diện tục ngữ.
Vậy “cơm chim” là cơm gì?
-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức)
giảng: “cơm chim • Cơm của chim ăn. Nghĩa bóng nói cái mồi nhỏ, cái lợi nhỏ: Ăn
cướp cơm chim (hà-hiếp kẻ cô-cùng mà cướp giật lấy của cải không đáng là bao)”.
-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “cơm
chim • dt. Cơm cho chim ăn. • Mối lợi nhỏ bị giành-giựt, bị chận lấy: Ăn cướp
cơm chim”.
-Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập
chủ biên): “cơm chim • Cơm của chim ăn. Ăn cướp cơm chim: cướp cả phần của người
nghèo khó”.
-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ
biên): “cơm chim • dt. Cái (thường là lợi lộc) quá ít ỏi, chẳng đáng là bao ví
như cơm để cho chim ăn vậy: ăn cướp cơm chim (tng.)”.
-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên
– Vietlex): “cơm chim • d. [cũ] cơm rất ít ỏi, tựa như để cho chim ăn; thường
dùng để ví cái tuy quá ít ỏi, chẳng đáng là bao nhưng lại rất cần thiết để nuôi
sống”. “Suốt một tháng trời đầu tắt mặt tối mới lĩnh được năm đồng bạc mà nó lại
ăn cướp cơm chim như thế, lương tâm của nó đâu nào?” (Vũ Trọng Phụng).
-Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương)
thu thập “Ai nỡ ăn cướp cơm chim”, và chú thích “cơm chim” là “thứ cơm được rắc
ra sân cho chim ăn”, rồi giảng: “Ai nỡ ăn tranh với chim vài hạt cơm cơm (ít ỏi)
được vãi ra để nuôi sống nó. Hay dùng để khuyên mọi người là chớ có làm điều đê
tiện với những ai yếu thể hơn kẻo dễ bị mang tiếng xấu với đời”.
Như vậy, đa số các cuốn từ điển đều thống
nhất cách hiểu “cơm chim” là “cơm cho chim ăn” hoặc “cơm rất ít ỏi, tựa như để
cho chim ăn”.
Tuy nhiên, “cơm chim” không phải là “cơm
cho chim ăn” (khái niệm này không tồn tại trong cuộc sống hàng ngày), mà là nắm
cơm nhỏ, vừa lòng bàn tay, gọi là “cơm nắm chim chim”.
“Chim chim” vốn chỉ động tác của bàn tay
nắm vào mở ra của trẻ con ở lứa tuổi chập chững. Chúng hiếu động, thích khám
phá, nên khi nhìn thấy các loài gia cầm như chim bồ câu, gà vịt trong sân nhà
thì hai bàn tay liên tục mở ra, nắm vào miệng gọi “chim chim”, như muốn bắt để
chơi đùa. Khi bồng bế hay chơi với trẻ, người lớn cũng thường tập cho chúng vận
động tay chân và tập nói bằng cách giơ bàn tay mở ra nắm vào, miệng nói “chim
chim” hoặc nói “xôi xôi; nắm xôi nắm xôi”.
Một số cuốn từ điển ghi nhận:
-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức):
“chim-chim • Tiếng gọi đùa với trẻ con (bàn tay nắm vào mở ra để làm hiệu)”.
-Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên):
“chim chim • ph. Nói bàn tay nắm vào mở ra để đùa với trẻ em”.
Kiểu bàn tay nắm vào mở ra còn là một chứng
bệnh, xưa kia gọi là bệnh “bắt chim chim”, mà “Đại Nam quấc âm tự vị” (Huình Tịnh
Paulus Của) giảng là “Chứng bệnh đau mê, hai bàn tay hay co vô mở ra, dường như
khi muốn bắt con chim”.
Cách gọi “bắt chim chim” để chỉ một chứng
bệnh, cũng giống như “bắt chuồn chuồn”. Nguyên uỷ, trẻ con khi bắt chuồn chuồn
để chơi thường dùng các ngón tay (thường là ngón trỏ và ngón cái) nhấp vào mở
ra liên tục trong lúc tiến lại gần con chuồn chuồn, rồi bất ngờ ngắp lấy cái
đuôi của nó. Về sau, “bắt chuồn chuồn” được dùng để chỉ dấu hiệu của người bệnh
hoặc già yếu sắt mất, tay thường run rẩy, các ngón tay xoè ra, úp vào như muốn
bấu víu vào cái gì đó.
Đáng chú ý, mục “nắm chim chim”, cuốn Từ
điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) giảng là: “Nắm cơm trong lòng bàn tay cho trẻ
con ăn”. Còn sách Tục ngữ lược giải (Lê Văn Hoè) giảng “Cơm chim tức là cơm nắm
chim-chim trong lòng bàn tay để cho trẻ con ăn. Ăn cướp cơm chim là ăn cướp nắm
cơm chim-chim, tức ăn cướp cơm phần cho trẻ con ăn; ý nói ăn cướp cái ăn của
con cái người ta, nhẫn tâm, chẳng thương gì lũ trẻ”.
Thông thường khi nắm cơm, người ta phải
lấy cả hai bàn tay úp lại, dùng đôi lòng bàn tay cùng mười ngón để nắm và nén
cho thật chắc, tạo ra nắm cơm to tròn. Còn với “nắm chim chim”, thì chỉ nắm bằng
một tay, số lượng cơm chỉ vừa lọt thỏm trong lòng bàn tay mở ra nắm vào, để tạo
thành nắm cơm nhỏ, thuôn dài như củ khoai nhỏ. Cơm nắm chim chim có khi cho trẻ
tập ăn, có khi là nắm vừa miệng cắn để chấm muối vừng, hoặc là nắm cơm “chao
vía”.
Bài “Cơm nắm” (Trần Giang Nam – Báo Quảng
Ninh) viết: “Đến khi tôi có con, đứa con gái tôi còn nhỏ, đôi khi nó tỏ ra biếng
ăn, vợ tôi liền lấy cơm nắm lại thành từng nắm “chim chim”. Thế là con bé cứ thế
nhẩn nha ăn hết mọi nắm cơm mà mẹ nnó xếp dàn ra trên mặt mâm”.
Bài “Cơm nắm” (Băng Sơn) viết: “Vào khoảng
trước năm lên mười tuổi, có lần tôi suýt chết đuối ở ao làng. May mà các anh
tôi vớt kịp. Tối hôm đó, mẹ dắt tôi đi cùng, đến cái ao ấy. Mẹ bưng một cái rá
đựng bảy nắm cơm chim chim và mấy nén nhang. Đến bờ ao, mẹ thắp nhang rồi chao
rá cơm trên mặt nước và khấn khứa […]. Những nắm cơm chim chim ấy chắc là
thiêng lắm nên tôi khỏe mạnh lớn khôn dần, và vẫn sống cho đến khi viết những
dòng này […]. Từ những nắm cơm chim chim “chao vía” […], hoặc để cho trẻ ăn cho
vui, tôi đã bao lần được ăn những nắm cơm khác nhau trong những hoàn cảnh khác
nhau”.
Như vậy, “cơm chim” là cách gọi tắt của
“cơm nắm chim chim”, ám chỉ phần cơm, phần ăn rất ít ỏi, bé nhỏ tựa như nắm cơm
trong lòng bàn tay vậy.
Ăn cướp cơm chim không hẳn chỉ nói riêng
việc “ăn cướp cơm phần cho trẻ con ăn; ý nói ăn cướp cái ăn của con cái người
ta, nhẫn tâm, chẳng thương gì lũ trẻ”, như cụ Lê Văn Hoè giảng, mà còn được hiểu
rộng hơn là cướp đi nguồn sống tuy ít ỏi nhưng vô cùng thiết yếu. Đó có thể là
khẩu phần lương thực nuôi sống hàng ngày, hoặc phần cơm nắm ít ỏi dùng để đi đường.
Khi bị cướp đi thì người ta sẽ không còn biết trông chờ vào đâu. Đúng như trong
ngữ cảnh câu văn của Vũ Trọng Phụng: “Suốt một tháng trời đầu tắt mặt tối mới
lĩnh được năm đồng bạc mà nó lại ăn cướp cơm chim như thế, lương tâm của nó đâu
nào?”.
Hoàng Tuấn Công
Nhận xét
Đăng nhận xét