5-ĐỊCH VÂN


5
ĐỊCH VÂN
Kẻ lữ hành cô độc
Chịu đựng sự khổ đau, trong tâm hồn lẫn thân xác, là điều chúng ta không thể nào tránh khỏi giữa cõi đời. Nhưng nếu thân tâm đều mang bệnh mà được sống trong sự thương yêu và thông cảm của người thân thì con người vẫn tìm thấy được niềm an ủi. Điều đó sẽ giúp họ chịu đựng để chiến đấu và chiến thắng. Điều kinh khủng nhất là thân xác bị tàn phế, lại phải chịu đựng nhiều nỗi oan ức không thể biện bạch, bị vu hãm vào chốn lao tù, người thân nghi ngờ, xã hội khinh bỉ, không bạn bè, không người thân thích, không nhà không cửa, trơ trọi một mình.
 
Đó là cảnh ngộ thê thảm của Địch Vân trong Liên thành quyết.
 
Kim Dung quả đã có một bước đi táo bạo khi xây dựng nhân vật Địch Vân. Đó là một anh nông dân khù khờ chân chất, cục mịch thô lỗ, phải chịu bao thảm cảnh trần gian, hoàn toàn không có một chút ưu điểm gì để người đọc có thể trông đợi từ “người hùng” trong tiểu thuyết võ hiệp, cho dẫu là bản chất quỷ quyệt lưu manh của một Vi Tiểu Bảo!
 
Đó thực sự là hình ảnh thuần túy của một “Hai Lúa võ lâm”.
 
Địch Vân mồ côi từ bé, được sư phụ là Thích Trường Phát nuôi dưỡng. Anh chàng nông dân khù khờ này sống hồn nhiên bên cạnh một cô sư muội xinh đẹp Thích Phương. Cuộc sống êm ả trôi bên bờ tre đồng lúa, nếu như không có chuyện một ngày kia Địch Vân phải theo sư phụ và sư muội đến thăm sư bá Vạn Chấn Sơn, một đại gia chốn kinh sư.
 
Từ đó, thảm họa liên tục đổ xuống đời anh ta.
 
Chốn phồn hoa đô hội vẫn luôn tiềm ẩn vô vàn hiểm họa đối với biết bao con người chân chất một lần bước ra khỏi lũy tre xanh. Nếu như cô thôn nữ của Nguyễn Bính: “Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, thì Thích Phương lại khác, cô vẫn hồn nhiên chân chất, nhưng lại là nguyên nhân gây thảm họa cho sư huynh mình.
 
Làm một anh nông dân cục mịch xấu xí lại dẫn một cô sư muội xinh đẹp thuở thanh mai trúc mã vào chốn kinh đô, thì có khác gì một đứa trẻ cầm vàng ròng đi vào giữa chợ. Không bị đánh cắp ắt sẽ bị trấn lột. Cũng không thể trách được cuộc đời. Cái cảnh cô thôn nữ xinh như đóa hoa đồng nội cứ xoắn tít bên anh “Hai Lúa” đã gây chướng mắt cho nhóm để tử của Vạn Chấn Sơn. Khi thấy một cô gái xinh đẹp sánh đôi với một anh chàng cục mịch, trong thâm tâm mọi người lại thấy uổng phí (!).
 
Đó là một suy nghĩ rất đỗi quái dị nhưng lại được xem là bình thường ở con người. Sao lại “uổng” nếu như họ thực sự tìm ra “một nửa” của nhau? Làm như chỉ có những kẻ lắm tiền nhiều của và có thế lực mới “xứng đáng” với các cô gái đẹp kia.
 
Đó cũng là suy nghĩ của gia đình Vạn Chấn Sơn. Sau khi ám toán Thích Trường Phát, bọn chúng bày ra một màn kịch vu cáo cho Địch Vân tội hiếp dâm và ăn cắp. Chú cừu non sụp bẫy một cách dễ dàng, bởi lẽ tâm hồn chất phát của anh ta không bao giờ hình dung nỗi trên đời lại có người tìm cách hãm hại nhau!
 
Địch Vân bị chặt một bàn tay để “cảnh cáo” và bị tống giam vào nhà lao. Chưa hết bàng hoàng thì anh ta lại thường xuyên bị một bạn tù tên Đinh Điển vô cớ đánh đập tàn nhẫn. Đúng là bỗng dưng gánh chịu thảm cảnh bởi hồng nhan.
 
Không hiểu tự bao giờ, trên trái đất này, từ đông sang tây, nhân loại bỗng dưng đồng loạt thi nhau lên án phụ nữ, xem như đó là nguồn gốc của mọi tai ương. Ở Hy Lạp, là câu chuyện về cái hộp Pandora(*). Trong Kinh Thánh là chuyện bà Eva. Ở Trung Quốc là quan niệm “hồng nhan họa thủy” (đàn bà đem lại tai họa như nước làm chìm đắm con người)! Có “đức” để có người đẹp, nhưng không có “tài” để giữ người đẹp đến nỗi phải mang họa vào thân. Người phương đông quả là khắt khe với khách má hồng.
 
Nguyễn Du có câu thơ vịnh Dương Quý Phi chan chứa sự cảm thông:
 
Tự thị cử triều không lập trượng
Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.
(Do cả triều đình đều đứng như phỗng.
Ngàn năm nhan sắc chịu oan khiên)
 
Đó là sự cảm thông của một tâm hồn lớn đối với một dung nhan khuynh quốc.
 
Dù sống trong cảnh đọa đày, Địch Vân vẫn tin rằng vị sư muội mình sẽ hiểu và cảm thông. Niềm hy vọng lớn của “cái hộp Pandora” dù hư ảo đi nữa thì vẫn có tác dụng giúp con người chịu đựng trong cảnh khổ đau. Cho đến khi nhận được bánh cưới của Thích Phương với con trai Vạn Chấn Sơn thì Địch Vân mới thực sự tuyệt vọng.
 
Dường như Shakespreare có nói: “Kẻ đau khổ nhất là kẻ hạnh phúc nhất, bởi vì trên đời này không còn gì có thể làm cho y đau khổ nữa”. Nhưng đó chỉ có thể là cách nhìn của những bậc đạt ngộ hiểu thấu chân tướng của trần gian,còn đối với hầu hết những ai mang bản chất yếu đuối của con người, khi cuộc sống là cơn bệnh nan y vô phương cứu chữa thì cái chết vẫn là vị lương y đem lại liều thuốc giải thoát tốt nhất!
 
Địch Vân cũng vậy, trong cơn khốn quẫn, anh ta đã tự tử, nhưng Đinh Điển đã cứu thoát vì nhận ra được bản chất chân thật của Địch Vân. Cũng chính nhờ Đinh Điển mà Địch Vân hiểu ra âm mưu của Vạn Chấn Sơn và mặt trái nhan hiểm của Thích Trường Phát, vị sư phụ mà anh hằng tôn kính.
 
Cuộc sống với “lắm nỗi lạ lùng khắt khe” bắt đầu mở ra trước mắt anh ta những hang hố đen ngòm, khác biết bao với cảnh đời êm đềm bình dị với làng quê, đồng lúa ngày xưa.
 
Đinh Điển bị ám toán chết sau khi cùng Địch Vân vượt ngục. Cái chết của người thân cuối cùng trên cõi đời, mà anh ta coi như kim chỉ nam của đời mình, đã khiến cho Địch Vân thực sự mất tất cả, hoàn toàn không còn một điểm tựa nào, “sans everything” (Shakespeare – As You Like It, II, Scence VII, 165)
 
Ôm xác Đinh Điển đi trốn, Địch Vân lại rơi vào tay tên ác tăng Bảo Trượng của Huyết Đao môn – một tông phái Tây Tạng bị giang hồ nguyền rủa vì những hành vi tàn ác và đồi bại. Bảo Trượng chết, anh mặc áo choàng của Bảo Trượng để che thân thì bị nhận lầm là tên “tiểu dâm tăng”. Lúc sắp bị đánh chết thì chưởng môn phái Huyết Đao là Huyết Đao lão tổ, lại tưởng anh ta môn đồ của bản phái, cứu thoát và bắt cóc luôn cô nàng Thủy Sinh xinh đẹp của nhóm Linh Kiếm song hiệp đem đi.
 
Đi theo Huyết Đao lão tổ thì mặc nhiên xác nhận mình là môn đồ của Huyết Đao môn, còn ở lại thì bị giết chết. Bản năng sinh tồn vẫn thắng, nên Địch Vân đi theo Huyết Đao lão tổ. Thế là tự nhiên Địch Vân trở thành một tên “tiểu dâm tăng” mà không còn cách gì biện bạch được.
 
Đôi khi, chúng ta cũng gặp những hoàn cảnh ngộ nhận trớ trêu như thế trong đời. Mở miệng giải bày thì không được, mà để trong lòng lại ray rức khổ đau. Nên đôi khi cứ phó mặc cho dòng đời, để thời gian đem lại lời giải đáp.
 
Nhưng gẫm ra thì đối với Địch Vân sự ngộ nhận của những người lạ kia nào có nghĩa lý gì so với sự ngộ nhận của Thích Phương? Người ta ngộ nhận ta, ta chỉ tức tối bực mình; còn người thân ngộ nhận mới là nỗi khổ.
 
Khi cùng Huyết Đao lão tổ và Thủy Sinh bị bao vây trong núi tuyết, Địch Vân lại càng mất niềm tin vào cuộc sống khi chứng kiến sự đê hèn của Hoa Thiết Can. Một kẻ mang thân phận danh sĩ trên giang hồ, đứng hàng thứ hai trong nhóm “Lục Hoa Lưu Thủy” được nhiều người ngưỡng mộ, vậy mà khi đối diện với cái chết lại bộc lộ hết bản chất thô bỉ của một nhân vật đầy danh vọng.
 
Kim Dung vẫn thường có những khám phá bất ngờ khi mở ra, trong những ngóc ngách u tối của chiều sâu tâm lý nhân vật, những điều mà ta chỉ thường gặp khi đọc Dostoieski hoặc Shakespeare.
 
Càng ngày, Thủy Sinh lại phát hiện tên “tiểu dâm tăng” cục mịch kia là một người thuần hậu, còn Hoa Thiết Can - người anh kết nghĩa của cha nàng – chỉ là một kẻ bỉ ổi táng tận lương tâm.
 
Khi tuyết tan, Hoa Thiết Can đã nhanh chóng dẫn quần hùng vào hang đá tìm giết hai kẻ “gian phu dâm phụ” kia, hòng che giấu những việc làm ti bỉ của mình. Y đã đánh một đòn tâm lý sâu sắc là bịa đặt những điều nhơ bẩn để vu cáo Thủy Sinh trước khi nàng kịp mở miệng.
 
Khi người ta đã có định kiến về một người rồi thì tiếng nói của người ấy sẽ không còn giá trị nữa. Đây cũng là một chiến thuật mà các luật sư trong Dostoievski hay dùng để “khóa miệng” các nhân chứng trước tòa.
 
Ai còn thèm nghe anh nữa khi nhân cách anh đã “có vấn đề”?
 
Tên lưu manh Hoa Thiết Can trở thành người hùng. Thủy Sinh lại bị mọi người khinh bỉ, người yêu ngờ vực. Thị phi trong cuộc sống lắm khi bị đảo lộn, trắng đen bị đánh tráo mà con người, do ngu dốt hoặc bị bưng bít, vẫn cứ vô tình chấp nhận.
 
Khi quay về nhà, Địch Vân lại có dịp hiểu thêm bao sự thật phủ phàng nữa về sư phụ và các vị sư bá. Cả ba đều là những tên học trò tham lam bất nghĩa, vì hám lợi đã âm mưu giết thầy để đoạt Liên thành quyết. Anh muốn giết Vạn Khuê để trả thù nhưng không nỡ. Thích Phương lại bị Vạn Khuê giết chết, bỏ lại cô bé Không Tâm Thái. Địch Vân càng kinh hoàng hơn khi chứng kiến cảnh từ khách giang hồ đến tri thức, từ bọn phú hào đến quan lại đều điên cuống cấu xé, chém giết nhau để tranh giành pho tượng Phật bằng vàng.
 
Thich Trường Phát ám toán Địch Vân nhưng không thành, vì y không tin rằng trên cõi đời lại có người không cuồng điên vì châu báu, để rồi y cũng chết theo những người khác vì chất độc trong pho tượng Phật. Vàng và Máu. Ở cái thế giới điên đảo này thì hai từ đó sẽ mãi mãi đi chung.
 
Sống trong một xã hội mà tri thức thì thô bỉ, kẻ có tiền của thì lưu manh, quan lại thì tham lam, thầy tu thì dâm đãng, sư phụ thì lọc lừa thủ đoạn, anh chàng “Hai Lúa” Địch Vân chỉ là một kẻ lữ hành cô độc. Anh không thể hiểu nổi và hòa nhập nổi vào cái thế giới đó, cũng như anh chàng Charlot đôn hậu cứ mãi mãi đứng bên lề của xã hội công nghiệp tất bật chỉ biết tôn vinh vật chất.
 
Tâm hồn chất phác của Địch Vân sẽ mãi mãi ngỡ ngàng trước những tấn tuống nhơ bẩn của cuộc đời. Người nông dân phương Đông vẫn luôn mang tâm hồn đôn hậu chất phác mà sống giữa cõi tự nhiên. Điều đáng buồn cười là nền đạo lý – mà chúng ta thường dùng ngôn ngữ bác học để nghiên cứu, và trịnh trọng tranh biện nhau hòng khoe khoang kiến thức – lại chỉ được gìn giữ bởi những người dân quê hiền lành ít học.
 
Nếu không có những người mà chúng ta gọi là “Hai Lúa” đó, thì nền đạo lý con người sẽ có nguy cơ bị đổ vỡ bởi thói ma mảnh trong cuộc sống “văn minh”.
 
Tất cả đều đổ vỡ tan hoang trong tâm hồn anh “Hai Lúa” Địch Vân. Sau khi hợp táng nắm tro của Đinh Điển vào nấm mộ của Lăng Sương Hoa để hoàn thành tâm nguyện của một cặp Romeo và Juiliette phương Đông, Địch Vân quyết định dẫn bé Không Tâm Thái quay về hang núi cũ để làm lại cuộc đời mới, như anh nông dân Jean Valjean dẫn cô bé Cosette đi trốn, trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của Victor Hugo. Trái tim thuần lương của anh không tìm ra chỗ trú giữa một xã hội đê tiện và bẩn thỉu.
 
Giữa những cảnh lọc lừa thủ đoạn được che đậy dưới lớp áo phù hoa, sự ngây ngô chân chất của Địch Vân nổi bật lên như sự tương phản gay gắt trong một bức tranh biếm họa. Điều bất ngờ và cảm động nhất là khi quay về chỗ cũ, Địch Vân được bỗng gặp lại Thủy Sinh đang đứng chờ ngoài cửa động, cười mà nói “Muội chờ đại ca ở đây đã lâu rồi! Muội biết thế nào đại ca cũng trở lại mà”. (Ngã đẳng liễu nễ giá ma cửu! Ngã tri đạo nễ chung vu hội hồi lai đích).
 
Ắt hẳn khi cùng đoàn người quay về, Thủy Sinh cũng đã phải đối đầu với bao sự ngộ nhận, và ắt hẳn sự thô bỉ từ những người mà nàng tôn kính đã đẩy nàng vào sự cô độc. Chính trong tâm trạng đó Thủy Sinh mới thông cảm thêm sự cô độc của Địch Vân.
 
Những con người biết tự trọng như nàng hoặc đôn hậu như Địch Vân sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc trong một xã hội tồn tại trên sự lọc lừa và man trá. Cái hang đá cũ là chỗ quay về tất yếu cho cả hai người. Những lời nói đơn giản mà thắm thiết của Thủy Sinh đã kết thúc tác phẩm, nhưng nó lại mở ra một chân trời bao la cho những kẻ lữ hành cô độc…
 
HUỲNH NGỌC CHIẾN
 
(*) Chiếc hộp Pandora
 
Ngày xưa không có thần thánh chỉ có Trời và Đất thôi. Trời và Đất là bậc phụ mẫu đầu tiên sinh ra giống người khổng lồ Titans. Giống người này cai trị thế giới hằng bao nhiêu thời đại. Sau cùng các vị thần, con của giống khổng lồ Titans này nổi loạn và lật đổ họ. Thần Zeus làm chúa tể toàn vũ trụ, vợ và cũng là em của thần tên Hera trở thành hoàng hậu.
 
Vẫn chưa có người trên trái đất và cũng chưa có loài thú vật nào. Một người khổng lồ tên Prometheus được chọn để cai quản trái đất. Thế là Prometheus xuống hạ giới. Chàng lấy đất sét trộn với nước rồi nặn thành một hình người đứng thẳng vì chàng muốn loài người nhìn lên các vì sao chứ không nhìn xuống đất như loài vật vậy. Rồi Prometheus nghĩ:
 
“Ta sẽ cho sinh vật này đủ các tài năng để vượt được muôn loài”.
 
Nhưng không may, người em chàng tên Epimentheus, đã đem tất cả những tài năng đó ban cho loài vật: sức mạnh, lòng can đảm, sự khôn ngoan, lanh lẹ, lại cho tất cả cánh, móng, vuốt, sừng, vẩy… Chẳng còn giữ lại gì.
 
Chàng Prometheus nhanh trí bèn nghĩ tới lửa. Ồ một món quà vĩ đại và huyền diệu !
 
Prometheus nghĩ: với lửa con người có thể làm vũ khí áp chế được súc vật, làm các dụng cụ cày đất và thực hiện nghệ thuật. Con người không lông, không vẩy ư ? Lửa sẽ sưởi ấm chỗ ở, con người không còn cảnh phải lo sợ mưa, tuyết cùng gió bấc.”
 
Prometheus trở lại trời, châm ngọn đuốc ở xe mặt trời rồi đem lửa xuống cho loài người. Chàng cảm thấy thật sung sướng.
 
Nhưng trên trời cao ở Olympus, thần Zeus thấy vậy chau mày ghen tỵ với quyền lực của Prometheus. Thần Zeus nghĩ: “Sinh vật này đã biết cậy vào trời thì quả là nó hơn loài vật. Còn phải nói nó là địch thủ xứng đáng của chư thần, nhưng ta sẽ có cách kiểm soát quyền lực bất chính của nó.”
 
Chiếc hộp Pandora
 
Thế là thần Zeus dựng lên một người đàn bà đẹp như một nữ thần. Tất cả những vị thần khác đều ban cho nàng những tài năng. Tên nàng là Pandora, có nghĩa là tài hoa nhất bậc. Đích thân thần Zeus đem xuống tặng. Prometheus thấy vậy bèn lưu ý Epimetheus ngay: “Hãy coi chừng, tôi ngại quà của thần Zeus xảo quyệt này! Thần giận tôi lắm, vì tôi cả gan ăn cắp lửa đem xuống cho loài người.”
 
Nhưng Epimetheus đã say mê nàng Pandora và đem nàng về nhà.
 
Chàng Epimetheus còn giữ trong nhà một cái hộp đựng ít quà mà chàng chưa phân phát cho loài vật khi chàng tạo lên chúng. Chàng hết lời dặn Pandora đừng đụng đến chiếc hộp đó. Nhưng Pandora tính nết tò mò, vừa khi ở nhà một mình nàng bèn tới gần chiếc hộp, tự nhủ : “Ta chỉ ghé mắt nhìn vào xem có gì bên trong chắc chả sao đâu.” Rồi nàng mở nắp hộp, thế là một đàn bệnh dịch bay ra, Cùng là lòng đố kỵ hận thù, báo oán... tức khắc lan tràn khắp nơi. Pandora vội đậy nắp hộp lại, nhưng muộn mất rồi. Bình rỗng, chỉ còn sót lại một ít hy vọng. Và hy vọng không bao giờ rời bỏ loài người kể từ đó.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến