2-Cơ ngơi của HÙM THIÊNG YÊN THẾ

 
2
Cơ ngơi của
HÙM THIÊNG YÊN THẾ
“Bởi vì nhà của chúng tôi ở cheo leo trên một quả đồi nên bọn Pháp vẫn gọi một cách châm biếm đấy là thành quách của Đề Thám”, bà Hoàng Thị Thế kể trong cuốn hồi ký.
Tôi vẫn còn nhớ ngôi nhà rộng lớn của chúng tôi. Nhà có năm buồng, trông ra đằng trước là một cái sân rộng mênh mông. Lại có ba buồng ở bên trái bao bọc lấy cái sân kia. Ba buồng ở bên phải thì có buồng cuối cùng kéo dài thêm bằng một cái sân con.
 
Bên cạnh cái sân con này, có dựng một ngôi nhà nhỏ, lính canh suốt ngày đêm lối cổng vào nhà chúng tôi. Buồng cuối cùng dùng làm nơi tiếp khách lạ, khách không tin cậy gì lắm. Ấy là một căn buồng vuông, tường là tường kép. Những ai núp khuất trong tường kép sẽ nghe và nhìn thấy hết mọi sự xảy ra trong buồng.
 
Buồng thứ hai tiếp luôn vào đấy thì để tiếp họ hàng thân thích. Còn buồng thứ ba để gia đình ăn cơm. Giữa buồng này có kê một cái sập lớn bằng gỗ gụ, phía sau sập có một cái giá bằng gỗ dài để những đồ quý, nào đồng hồ điểm giờ, nào voi ngà tượng ngọc, lại có một cái cơi trầu bằng vàng và một thanh gươm bạc.
Bức bưu ảnh thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám cùng các cháu tại Yên Thế. Ảnh: Trần Ngọc Linh (chụp lại từ bưu ảnh).

Gươm này là của bà Cai Vàng khi chết để lại cho mẹ tôi, do một nhà sư đưa đến. Đâu như bà Cai Vàng chết ở một ngôi chùa to. Tôi thường hay vuốt ve thanh gươm, nghĩ thầm rằng về sau tôi sẽ dùng nó để đánh kẻ thù. Cha mẹ tôi tỏ vẻ sung sướng khi nghe tôi nói vậy.
 
Ba buồng phía bên trái thì có người vú em coi sóc tôi, một em bé gái chơi với tôi và một bà chừng 40 tuổi gì đó trông nom cai quản các việc trong nhà. Buồng nữa, có hai người mang võ khí, hơi có gì động người ta đã báo tin ngay bởi một mảnh vườn đằng sau nhà; ở đó có một cái hầm ngầm để họ có thể tới tận buồng chúng tôi.
 
Còn buồng thứ ba, có Ba Biều với gia đình. Còn năm gian nhà nữa, là nơi gia đình tôi ở, và dùng để tiếp bà con ở Thanh Hóa ra chơi, hoặc giả có những khách Trung Hoa vẫn giúp đỡ chúng tôi về súng đạn. Cha tôi ở một buồng, mẹ tôi một buồng, tôi một buồng. Còn hai buồng kia, một dành cho người em họ rất giống cha tôi và một buồng dành riêng cho khách quý.
 
Ở cuối sân, có một ngôi nhà 6 buồng, ở đấy là anh Cả Trọng với vợ cả và con gái rồi đến các buồng của vợ hai, vợ ba của anh. Trong 6 buồng kia, một buồng dành để treo chân dung tổ tiên. Buồng này ở giữa. Còn hai buồng nữa dành cho khách lạ. Rồi cứ thế, mỗi phía lại kéo thêm 5 buồng, bên phải để diễn chèo tuồng, bên trái để bày cỗ bàn vào các dịp hội hè. Đằng trước có một cái sân to.
 
Bao quanh nhà chúng tôi có những tường lũy rất dày và cao. Đằng sau lại có một khu vườn lớn: một chiều 30 thước, chiều kia 50 thước. Bên phải là chuồng ngựa. Bên trái là bãi tập bắn, tháng nào mọi người cũng tập bắn ở đó.
 
Cha mẹ tôi thì tập nhảy qua các mái nhà con. Cuối cùng là khu nhà ở của tướng lĩnh và nghĩa quân. Các ngôi nhà này được ngăn cách với rừng bởi một bức tường lớn vì tiếp đó là rừng sâu mà cha tôi đã cho đào hào hố để phòng bọn do thám mò tới ban đêm. Vả chăng, nhiều lần người ta đã thấy những tên do thám ấy mang theo mìn, bị chết ngay cạnh quả mìn của chúng.
 
Trước cơ ngơi của chúng tôi có một cái ao, còn con đường dẫn đến nhà tôi thì cứ thoai thoải lên dốc mãi, ít cũng là một cây số, rồi đột nhiên nó dựng đứng ngược lên tựa như tới một lâu đài hết sức cổ xưa ở Pháp vào thế kỷ XIII hoặc XIV.
 
Bởi vì nhà của chúng tôi ở cheo leo trên một quả đồi nên bọn Pháp vẫn gọi một cách châm biếm đấy là thành quách của Đề Thám. Ôtô không tới được cổng. Ngựa leo lên dốc thì cũng vất vả.

Đội trưởng nghĩa quân và những người lính luyện tập bắn súng. Ảnh: Trần Ngọc Linh (chụp lại từ bưu ảnh).

Thông thường xe, ngựa đều phải dừng lại trước một ngôi chùa mà cha tôi cho xây năm 1907. Mặt khác, trước khi tới nhà chúng tôi ở cách 50 thước có một cái ao ở phía dưới nữa. Ao ở giữa. Một bên là chùa, một bên là cơ ngơi của chúng tôi. Người ta phải đi vòng một chút qua bên bờ ao, trước khi tới cổng nhà chúng tôi.
 
Tôi chẳng phải là nữ văn sĩ, học lực lại có hạn nên việc mô tả ngôi nhà yêu quý của tôi cho các bạn thấy hạn chế biết bao. Nhưng tôi đã thuộc lòng nó, bởi từ 50 năm nay, đã bao lần tôi vẫn mơ mình đang sống ở nước nhà, bên cạnh những người thân đã mất.
 
Ôi, luyến nhớ biết bao, dưới nếp nhà ấm cúng ấy, những lần tôi đau ốm, cha mẹ tôi vẫn lo lắng cúi người xuống, lấy tay sờ cái trán nóng hầm hập của tôi. Rồi để dỗ tôi uống thuốc cha tôi buộc phải uống nửa chỗ thuốc, mặt vờ nhăn nhó để làm tôi cười. Còn mẹ tôi khéo léo nhẹ nhàng đổ thuốc vào miệng tôi. Rồi nữa, dưới nếp nhà thân quen ấy, sáng nào cha tôi cũng dậy sớm hơn mọi người, rồi nằm suy nghĩ lao lung trên chiếc sập kê bên cạnh buồng chúng tôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến