4-TIỂU CHIÊU


4
TIỂU CHIÊU
Nàng Iphigenia của Kim Dung
Phái mày râu thường chê phụ nữ là hẹp hòi, nông cạn: “Đàn ông nông nổi giếng khơi. Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Nhưng lịch sử nhân loại, và ngay trong cuộc sống đời thường, cho chúng ta thấy những khi đại cuộc gặp cơn khốn quẫn hay gia đình gặp cảnh ba đào cần đến sự hy sinh để cứu vãn tình thế bế tắc, thì chính người phụ nữ mới là người tiên phong tự nguyện. Dường như Thượng đế đã ban cho họ lòng vị tha nhẫn nhục để hướng đến hy sinh, nếu điều đó đem lại bình yên cho người mà họ yêu thương. Phái nam cứ bốc phét huênh hoang về phận mày râu, mà không bao giờ lường hết được tầm mênh mông trong những sự hy sinh thầm lặng đó.

Nguyễn Du đã vì Thúy Kiều mà đem hết tài hoa để dựng lên một tòa tân thanh lặng lẽ giữa bể dâu. Và mười lăm năm luân lạc của nàng đã đem lại cho đời hằng sa ẩn ngữ. Hơn hai ngàn năm trước, nàng Chiêu Quân Trung Hoa ôm tâm sự hận sầu ngược về phương Bắc để gá nghĩa với Hung Nô, và hơn một ngàn năm sau công chúa Huyền Trân nước Việt lại âm thầm giọt lệ để xuôi về phương Nam ngàn dặm. Hai phương trời, hai tâm sự và cách biệt nhau hơn cả ngàn năm, nhưng cái thê lương đau xót chỉ là một.

Đâu phương cố hương? Nào trời cố quận? Quay đầu nhìn lại chỉ thấy mênh mông mây trắng, và ở chốn xa xôi kia là quê hương vĩnh viễn không thể quay về. Mây nước mịt mùng, ngàn dặm tha hương, kẻ anh hùng còn chết điếng cả ruột gan, huống chi phận đào tơ liễu yếu? Rượu có thể tạm đốt cháy đi nổi sầu cô lữ, nhưng lấy gì để an ủi khách má hồng?

Thần thoại Hy Lạp kể rằng, vua Agamemnon đem đại binh tham gia cuộc viễn chinh đánh thành Troie, đoàn chiến thuyền bị gió bắc đánh dạt vào một bến cảng. Nghe lời một nhà tiên tri, nhà vua buộc lòng phải hiến đứa con gái yêu của mình là Iphigenia cho nữ thần Artemis, làm người hầu hòng cứu vãn tình thế. 

Thần lại cho gió nổi lên, đoàn quân lại hân hoan giương buồm thẳng tiến, nàng Iphigenia kiều diễm đành một mình ở lại vùng Aulis xa lạ để làm trinh nữ thờ phượng thần linh.

Vì đại cuộc, vâng lại vì đại cuộc (!), phận nữ nhi lại phải hy sinh. Chiến binh các người hay cứ huênh hoang cùng máu lửa nơi chiến trận, và không bao giờ nghĩ đến nỗi se sắt lạnh của lòng ta. Từ đây, ngày ngày ta sẽ là nữ tư tế để chăm sóc đền thờ của Nữ Thần bất tử. Được bao người kính trọng, được gần gũi với cõi bất tử, nhưng đó là cõi bất tử không có tình yêu đôi lứa và sẽ cực hình cho người con gái đang sống với những “reo ái tình trong nhịp máu phân vân" (Xuân Diệu). 

Cho nên Nguyễn Triệu, Lưu Thần phải bỏ cảnh thần tiên để quay về với trần giới. Cõi trần gian bụi bặm không thể sánh bằng chốn Bồng Lai, nhưng giữa cõi tam thiên đại thiên thế giới, đây là nơi duy nhất ta được sống trọn vẹn với bi hoan ly hợp của tình yêu, trong tủi nhục ta tìm thấy vinh quang và trong đau khổ ta tìm ra hạnh phúc.

Cái tâm sự hận sầu đau đớn đó của một trinh nữ của trời xưa Hy Lạp lại hiện ra một lần nữa trong tâm sự của Tiểu Chiêu. Hồn Hy Lạp xưa lại về vây phủ Ỷ Thiên Đồ Long Ký! Nếu có ai hỏi trong tất cả các tác phẩm của Kim Dung, người con gái nào xuất hiện ít nhất nhưng mang tâm sự thê lương nhiều nhất, thì chúng ta có thể trả lời không ngần ngại rằng đó là Tiểu Chiêu.

Mẹ nàng – Kim Hoa bà bà – là trinh nữ được Minh giáo Ba Tư cử sang Trung Quốc để tìm cho ra bí cấp trấn giáo là Càn khôn đại nã di tâm pháp. Người đàn bà được giang hồ tôn xưng là đệ nhất mỹ nhân đó đã nửa đường vướng lụy, nhiệm vụ lớn chưa thành thì đứa con gái là Tiểu Chiêu đã ra đời. Và như thế là phạm tội chết đối với luật lệ nghiêm khắc của Minh giáo Ba Tư. Đứa con gái xinh đẹp kia vừa lớn lên đã phải thay mẹ nối tiếp nhiệm vụ thiêng liêng, để mong chuộc lỗi lầm (?) cho mẹ, chỉ có thế mới mong tìm được một con đường quay về cố quốc.

Nàng phải hóa trang gương mặt xấu xí và vờ lạc giữa vùng hoang mạc để cho Quang Minh tả sứ của Minh giáo là Dương Tiêu đem về làm người hầu cho con ông. Chỉ có thế nàng mới đặt chân vào được Quang Minh đỉnh – vùng thánh địa của Minh giáo – để âm thầm dò xét chỗ giấu bí cấp.

Một cô gái xinh đẹp, giòng dõi quyền quý mà phải đóng vai một con hầu để người ta sai khiến mắng chửi nghĩ cũng não lòng lắm thay. Cơ duyên run rủi cho nàng và Trương Vô Kỵ tìm được bí cấp Càn khôn đại nã di viết trên một tấm da dê, trong một đường hầm. Nàng phải dùng máu mình thấm vào tấm da dê cho chữ hiện ra và dịch bản tâm pháp đó ra tiếng Trung Quốc để giúp Vô Kỵ, phối hợp với Cửu dương thần công, luyện thành bản lĩnh vô địch.

Người con trai chân chất vô tâm về từ Băng Hỏa đảo đó đã gieo vào lòng nàng bao ước mơ thầm kín, sau những tháng ngày chỉ biết chịu tủi nhục vì trách nhiệm và bổn phận. Mang tâm pháp về cố quốc Ba Tư để được tôn vinh là nữ thần giữ gìn Lửa Thiêng, hay để tâm pháp lại nơi Trung thổ? Xưa kia, mẹ đã nửa đường đứt gánh, thì giờ đây con cũng xin đứt gánh nửa đường cho trọn nghiệp chữ yêu.

Người con gái đã cúi đầu quy phục tiếng nói của trái tim, và dĩ vãng lại bắt đầu! Quê hương Ba Tư đành xem như đã ngàn trùng sương khói. Thôi thì ta xin chọn quê hương là đây, là nơi có người mà ta yêu đang sống. Làm thê thiếp không được thì làm người hầu cũng tốt, làm tôi tớ cũng xong, miễn sao được trọn vẹn gần gũi chàng để sửa túi nâng khăn.

Cho dù nước chảy có vô tình, nhưng hoa rơi lại hữu ý, cho nên hoa cứ hân hoan đợi chờ đến ngày nước cảm nhận được lòng hoa.




“Thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần, làm tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng không thành… Đường về quê xa lắc lê thê trót nghe theo lời u mê” (Tình khúc thứ nhất – Nguyễn Đình Toàn). Đúng là đường về quê xa lắc lê thê, nhưng không có lời nào khiến ta u mê cả, mà ta chỉ u mê bởi tiếng lòng đang say đắm mà thôi. Làm thần tiên mà chi nếu như người yêu còn ở nơi hạ giới? Tấm lòng đó trong thiên hạ có được bao người, và đã tô điểm thêm cho cõi đời biết bao là hương sắc?

Minh giáo Ba Tư lại phái sứ giả đi tìm người trinh nữ ngày xưa, giờ đây đã là Tỷ sam Long Vương, một trong tứ đại hộ pháp của Minh giáo Trung Quốc. Người con gái phải thay mẹ để chuộc lại lỗi lầm (?) xưa với bản giáo, với quê hương và chính là để giải cứu nhóm Trương Vô Kỵ đang bị đoàn tàu của sứ giả Ba Tư vây khốn giữa đại dương. Nàng quyết tâm hy sinh mối tình đầu vừa chớm nở để theo đoàn sứ giả quay về quê cũ làm thánh nữ của Bái hỏa giáo Ba Tư. Nếu được chết để giải cứu chàng ư? Điều đó quá dễ và hạnh phúc biết ngần nào. Người sẽ vì người yêu mà hân hoan chịu chết, để mộng đầu thành tựu trong kiếp lai sinh. Nếu như có chút ích kỷ thì nàng sẽ cùng Trương Vô Kỵ chống cự quyết liệt đến cùng để đại dương sẽ là nấm mồ cho tất cả. Như vậy là thành toàn tâm nguyện: được chết chung bên cạnh người yêu.

Nhưng không, tình chân chính đầu đời luôn khiến con người hướng thượng. Vì sao Thúy Kiều sẵn sàng hy sinh trong khi Thúy Vân vẫn hồn nhiên đến mức ù lì vô cảm? Đặt ra câu hỏi là đã tự tìm được lời giải đáp. Cho nên nàng Iphigenia của Kim Dung đã quyết định hy sinh là phải sống để cứu bạn tình chung. Sống, nhưng còn thê lương hơn cả chết. Bước lên ngôi thánh nữ là bước vào cõi địa ngục của thanh xuân. Về lại chính quê hương nhưng lại mang nặng nỗi sầu viễn xứ! Quay về cố quốc lại chính là cuộc ra đi biền biệt trong đời. Biển sóng mênh mông có chứng minh được tấm lòng kiều nữ?

Đi là đi mãi không em?
Ước nguyện mai sau có vẹn tuyền?
Nước có ngân lời hoài vọng cũ?
Gởi về cây bóng lá sơ nguyên?

Bùi Giáng

Vâng, kể từ đây là đi mãi, Nàng không được hạnh phúc như A Châu là gục chết trong tay người yêu để hình ảnh trở thành bất tử. Kể từ đây, nơi phương trời Ba Tư xa xôi ấy, suốt đời nàng, lửa sẽ bừng reo trong nghi lễ trang nghiêm. Và sẽ có vạn ngàn tín đồ cúi đầu trước nàng để tôn vinh vị nữ thần của Lửa. 

Thần Lửa cần đến trinh nữ để giữ gìn cho ngọn lửa được thánh khiết đến thiên thu. Lửa muôn kiếp bừng reo. Lửa ngàn đời bùng cháy. Nàng phải đốt cháy cả tuổi xuân say đắm bên ngọn lửa thiêng, trong khi chỉ muốn làm một nữ tỳ thấp hèn để được trọn đời sống một đời bình dị.

Ngọn lửa thiêng thanh khiết kia có làm mờ nỗi hình ảnh ngậm ngùi của buổi chia ly trên sóng nước? Nước có ngân lời hoài vọng cũ? Hỏi phương nào còn xanh mãi bóng lá nguyên sơ? Thôi thì xin gởi lời ca vào trong mây nước để dư âm còn đồng vọng ngàn đời trên sóng gió trùng khơi. Gió sẽ mang lời ca lên Quang Minh đỉnh để “gởi về cây bóng lá nguyên sơ”. Dẫu nơi đó không còn màu nguyên sơ của bóng lá, thì nơi đó màu xanh của thời gian đã ngưng kết trong tâm tưởng. Dường như tiếng hát là lời kinh siêu độ cho những người phụ nữ chết trong sầu hận. Cho nên trước khi chết vì lưỡi gươm tàn nhẫn của Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San vẫn hát bài Phúc Kiến sơn ca, trước khi chết dưới đôi tay oan nghiệt của Othello, Desdemona của Shakespeare vẫn cất tiếng hát bài ca thủy liễu. Lời ca thay cho tiếng lòng nên quá đỗi thiết tha:

The poor soul sat sighing by a sycamore tree
Sing all a green willow
Her hand on her bossom, her head on her knee
Sing willow, willow, willow
The fresh streams ran by her, and murmur’d her moans
Sing willow, willow, willow
Her salt tear fell from her and softn’ed the stones
Sing willow, willow, willow

(Shakespeare, Othello, Act 4, Scence 3)

(Mảnh linh hồn đau khổ ngồi thở than bên gốc tiêu huyền. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, ngàn liễu rũ xanh reo. Tay ôm ngực, nàng gục đầu trên gối. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, liễu rũ xanh reo. Những giòng suối mát chảy bên cạnh nàng, và thì thầm lời than van. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, liễu rũ xanh reo. Giòng nước mắt mặn đắng kia đã làm mềm sỏi đá. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, liễu rũ xanh reo)

Đó chẳng phải là nỗi lòng Tiểu Chiêu đấy ư? Không liễu rũ xanh reo mà là lửa hồng reo rực cháy, không là tử biệt nhưng phải sinh ly. Chia tay để vĩnh viễn đi vào cõi cô đơn giá buốt. Những giọt nước mắt nàng rơi giữa đại dương có làm mềm sỏi đá?

Và thử hỏi cái nào mặn hơn: nước đại dương hay nước mắt Tiểu Chiêu?


HUỲNH NGỌC CHIẾN





Nhận xét

Bài đăng phổ biến