Trịnh Công Sơn:-1-Từ 'dư chấn' Ca khúc Da vàng

Trịnh Công Sơn: 
1-Từ 'dư chấn' Ca khúc Da vàng
LTS: Năm 1969 có thể xem là điểm mốc thời gian đỉnh cao trong sự nghiệp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn . Sức ảnh hưởng của tên tuổi Trịnh Công Sơn qua các bản tình ca, nhạc phản chiến không chỉ ở phạm vi trong nước, mà còn trên các diễn đàn văn hóa, báo chí quốc tế.
Với sức ảnh hưởng đó, đầu năm 1969, GS Tăng Kim Đông, Tổng trưởng Văn hóa - Giáo dục của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, có khẩu lệnh thực hiện một cuộc điều tra về Trịnh Công Sơn. Sau hai tuần “móc nối và lôi cuốn”, Bộ Thông tin Sài Gòn có một phiếu trình đóng dấu “Mật” báo cáo về “lý lịch, thân thế sự nghiệp, quá trình hoạt động trong quá khứ, hiện tại cùng xu hướng chính trị của đương sự”.
Tác giả biên khảo Nguyễn Vĩnh Nguyên mới tìm thấy bộ tài liệu này tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP.HCM (Phông Phủ Tổng thống, Hồ sơ 16689), đã xử lý và khai thác độc quyền cho Thanh Niên; cung cấp một góc nhìn mới, thú vị về Trịnh Công Sơn trong thời điểm bộ phim Em và Trịnh đang gây tranh cãi.

Bìa hai tập nhạc phản chiến gây tiếng vang của Trịnh Công Sơn vào cuối thập niên 1960

T.L

 “Bob Dylan của Việt Nam”?
Có những tương đồng đáng chú ý khi Trịnh Công Sơn và Bob Dylan cùng viết những bản nhạc phản chiến, dù cho hai nhạc sĩ này sống ở hai nền văn hóa, bối cảnh và sự liên đới với cuộc chiến tranh khác nhau. Đó là lý do báo chí tại Việt Nam cuối thập niên 1960 đều dùng cách nói “Bob Dylan của Việt Nam” khi nhắc về Trịnh Công Sơn.
Nhà nghiên cứu John C.Schafer trong cuốn Trịnh Công Sơn và Bob Dylan (Cao Thị Như Quỳnh dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2019) có nhắc tới lối ví von này dù chưa thể xác định ai là người phát ngôn đầu tiên. Nhưng dù là ai thì cách so sánh tương đồng cũng khẳng định tiếng vang quốc tế của dòng nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn vào khoảng nửa cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Luận án tiến sĩ về nhạc Trịnh Công Sơn của Michiko Yoshi tại Đại học Paris đã chỉ ra rằng trong 136 bài hát Trịnh Công Sơn viết từ 1959 - 1972 thì có đến 69 bài là phản chiến.
Năm 1969 là thời điểm mà tập nhạc Ca khúc Da vàng(Nhân Bản, 1967) được tái bản. Ngoài những ca khúc như: Gia tài của mẹ, Ngày dài trên quê hương, Đại bác ru đêm hay Người con gái Việt Nam... tập nhạc này được bổ sung thêm hai ca khúc phản chiến còn nóng hổi từ trải nghiệm biến cố tàn khốc vừa đi qua (trận Mậu Thân, 1968): Hát trên những xác người, Bài ca dành cho những xác người.
Cũng phải nhắc tới ảnh hưởng của tập Kinh Việt Nam (Nhân Bản, 1968). Kinh Việt Nam là tiếng cầu kinh mang tình tự của một dân tộc khát khao hòa bình, là viễn cảnh tốt đẹp của sự chung lòng tái thiết đất nước và chữa lành nhân tâm, của dự cảm “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay” khi sự phân chia giới tuyến còn khốc liệt. Những ca khúc trong tập “kinh ca” này: Nối vòng tay lớn, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Ta thấy gì đêm nay hay Dựng lại người dựng lại nhà... củng cố, dưỡng nuôi niềm tin rằng những trải nghiệm xót xa trong Ca khúc Da vàng rồi đây sẽ kết thúc, vết thương chiến tranh sẽ khép lại. Kinh Việt Nam nối tiếp liền lạc và nhất quán tinh thần phản-chiến-độc-lập, không phải bằng việc xoáy sâu vào vết thương hay hô hào chọn bên, mà người viết nêu ra một viễn tượng phản đề của chiến tranh: Hòa bình!
Nhưng cũng chính ở thế phản chiến độc lập và tinh thần nhân bản, nên Trịnh Công Sơn vô tình tự đặt mình vào giữa những chiến tuyến; ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) nghi ngờ về “quá trình hoạt động”. Ngay trong nội bộ chính quyền VNCH cũng có những tranh cãi về hiện tượng “tác giả Ca khúc Da vàng”.
Thân thế
Phần đầu bản điều tra của Bộ Thông tin VNCH là một trích yếu lý lịch, xác định Trịnh Công Sơn sinh ngày 10.6.1940 tại phường Phú Nhơn, Thành nội Huế, tỉnh Thừa Thiên; gia cảnh: độc thân; nghề nghiệp: “Trước là học-sinh, nay viết nhạc, đặt bài hát, đặc-biệt, nhạc dân-ca nay đang thịnh hành tại quốc-nội và quốc-ngoại”. Phụ thân của Trịnh Công Sơn là ông Trịnh Xuân Thanh (đã mất) và mẫu thân là bà Lê Thị Quỳnh, 50 tuổi, ngụ tại nhà số 11/3 đường Nguyễn Trường Tộ, Huế; kèm giấy tờ tùy thân chi tiết của bà Quỳnh. Ba người em của Trịnh Công Sơn được liệt kê trong lý lịch là: Trịnh Quang Hà (thiếu úy Sư đoàn 1, Huế), Trịnh Xuân Tịnh và Trịnh Thị Vĩnh Thúy (đều là sinh viên tại Huế).
Riêng phần “bạn bè thân thích”, chỉ nêu tên hai người: Đinh Văn Cường, sinh viên Sĩ quan Thủ Đức khóa 5 (chính là họa sĩ Đinh Cường - NVN) và Bửu Ý, Giáo sư Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Phần này cũng khớp với bản khai (có bút tích và chữ ký) ngày 23.1.1969 tại Sài Gòn của Trịnh Công Sơn.
Phần “quá trình hoạt động” của Trịnh Công Sơn, hồ sơ này ghi nhận: “Năm 1945 trở đi: học sinh tiểu học; Năm 1954 đến 1959: Đỗ trung học đệ I cấp và học hết chương trình đệ II xong bị bệnh ở nhà viết nhạc cho đến nay”.
Một chi tiết quan trọng có trong bản khai của Trịnh Công Sơn nhưng không được đưa vào văn bản báo cáo, đó chính là phần trả lời câu hỏi “Đã gia nhập Hội hay đoàn thể nào?”. Trịnh Công Sơn khai: “Không - ”.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(còn tiếp)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến