Sao phải dùng từ 'ke ga' mà không là sân ga, cửa ga, trạm chờ...

 
Sao phải dùng từ 'ke ga' 
mà không là sân ga, cửa ga, trạm chờ...
M.TR (TỔNG HỢP)
 
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi như vậy quanh việc dùng từ ‘ke ga’ trong các ga tàu metro số 1. Ngoài thắc mắc, bạn đọc cũng gợi ý về cách dùng từ sao cho dễ đọc, dễ nhớ.
Bảng chỉ dẫn lối đi tại ga ngầm Nhà hát TP.HCM (thuộc tuyến metro số 1) có nội dung
 
Bảng chỉ dẫn lối đi tại ga ngầm Nhà hát TP.HCM (thuộc tuyến metro số 1) có nội dung "ke ga" và "platform" khiến nhiều người thắc mắc - Ảnh: HCMC Metro Confessions
 
Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Những ngày qua, nhiều người thắc mắc cụm từ “ke ga” có ý nghĩa gì khi được gắn tại các bảng chỉ dẫn trong ga tàu tuyến metro số 1.
Trả lời câu hỏi này, một cán bộ thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư metro số 1) cho biết theo Luật Đường sắt 06/2017 năm 2017 thì thuật ngữ "ke ga" được định nghĩa là "công trình đường sắt trong ga đường sắt để phục vụ hành khách lên, xuống tàu, xếp, dỡ hàng hóa".
Tuy nhiên, cách giải thích này chưa nhận được sự đồng thuận từ nhiều bạn đọc.
 
Sao không là sân ga, cửa ga, trạm chờ...
Theo nhiều bạn đọc, tiếng Việt không thiếu những từ đồng nghĩa để diễn đạt. Trong khi đó cách giải thích của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nặng về tính chuyên môn.
"Sao không dùng từ đại trà, dễ hiểu như "sân ga", "cửa ga" để ai đọc cũng biết ngay. Từ "ke ga" thì chỉ ngành đường sắt hiểu thôi. Tôi vào Google translate cũng dịch Platform là "sân ga" người Việt mới hiểu, chứ dịch là "ke ga" chắc chắn đa số người Việt không hiểu luôn" - bạn đọc Huy Kim gợi ý.
Cùng ý này, bạn đọc Ngô Tuấn Hiển viết: "Sao không dùng từ "sân ga" để gọi nơi khách lên xuống tàu cả trăm năm nay mà phải dùng từ "ke ga"?
Theo bạn đọc này: "Cho dù sân ga có bệ để người khuyết tật lăn xe lăn lên hay sân ga có bậc để lên xuống tàu thì vẫn gọi là sân ga được mà. Hoặc gọi là cái bục giúp người dân lên xuống tàu dễ dàng hơn là "ke ga". Bởi từ "ke ga" ở đây cũng là thuật ngữ kỹ thuật, không phải là từ phổ thông".
Cùng quan điểm, bạn đọc Trung Hiếu bổ sung: "Theo tôi, dùng từ "sân ga" là hợp lý nhất. Khi đến trạm dừng, nghe thông báo: "Hành khách đi về hướng Suối Tiên, xin vui lòng đến sân ga 1. Hành khách đi về phía Bến Thành, vui lòng đến sân ga 2", dễ nghe hơn. Còn từ "ke ga" lạ hoắc".
Góp thêm ý kiến, bạn đọc Nguyễn Văn Đức phân tích: "Có lẽ chữ "ke" được dịch từ chữ "quai" của Pháp. Nhưng, chữ này lần đầu tiên được biết là để áp dụng cho cái nghĩa "platform". Sao không dịch là "trạm" chờ metro tới, người đọc dễ hiểu hơn?".
Cùng chung thắc mắc chờ có câu trả lời từ các nhà ngôn ngữ học, bạn đọc Quang hỏi: "Còn từ đồng nghĩa nào thông dụng hơn không? Tiếng Việt phong phú lắm cơ mà!".
 
Phải tập quen dần từ ngữ quốc tế?
Bên cạnh các ý kiến cho rằng ngôn ngữ thông dụng nhất phải là ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu, một số ý kiến cho rằng để tiếp cận khoa học kỹ thuật hiện đại, người dân cũng nên làm quen những thuật ngữ mới để không bị lạc hậu.
Về ý này, bạn đọc Trương Kiệt lý giải: "Đây là thuật ngữ dùng trong ngành đường sắt, nghĩa là đã dùng từ lâu với đường sắt, nay dùng ở metro là bình thường, chẳng qua chúng ta ít đi tàu nên thấy lạ, chứ ai đi tàu thì thấy bình thường thôi".
Theo bạn đọc này thì: "Chưa biết thì học, chứ đừng phán là từ khó hiểu rồi chê. Chưa học đã chê là không tiến bộ".
Còn bạn đọc Duy Võ đề nghị: "Theo tôi, nếu dùng một cách tinh tế và chi tiết, tôi đề xuất Platform - sân ga (ở TP.HCM), Platform - Ke ga (ở Hà Nội).
Theo bạn đọc này thì từ ngữ nào được nhiều người hiểu và dùng nhiều ở địa phương nào thì chúng ta sử dụng ở đó, không nên cố chấp.
Bạn đọc Duy Võ dẫn chứng: "Cũng như miền Bắc gọi cái thìa, ga tàu thủy, còn ở miền Nam gọi là cái muỗng, bến tàu, vậy thôi. Từ ngữ được tạo ra là để giao tiếp, truyền đạt thông tin hiệu quả".
 
Đừng làm phức tạp thêm từ ngữ
Nói thiệt là lần đầu tiên tôi mới thấy từ "ke ga", trước giờ tôi cứ mặc định "platform" là sân ga. Truyện Harry Potter nhà văn Lý Lan cũng dịch là "sân ga số...". Ngoài ra, trước đây nhiều bài hát có tựa đề và nội dung có từ "sân ga".
Để làm rõ vấn đề, tôi mới lên tìm từ "sân ga" thì trang Wikipedia giải thích thế này: "Sân ga là khu vực trong một nhà ga được bố trí dọc theo đường ray để tạo điều kiện thuận tiện cho việc đón trả khách. Hầu hết các nhà ga đều có một vài sân ga khác nhau, riêng các nhà ga lớn sẽ có rất nhiều sân ga".
Tóm lại, nếu đại đa số bộ phận người dân đã quen thuộc với từ "sân ga", vậy tại sao đơn vị quản lý metro lại làm phức tạp từ ngữ lên thế nhỉ!
Bạn đọc Tran Dung

Nhận xét

Bài đăng phổ biến