TRÙNG DƯƠNG

TRÙNG DƯƠNG
Trong một bình luận trên Facebook, đạo diễn Trấn Thành đã giải thích cách đặt tên nhân vật "Trùng Dương" trong phim Mai khiến nhiều người phản ứng, tranh cãi.
Trấn Thành viết: "Kế bên Mai là Bình Minh và Dương. Đều là ánh sáng của đời Mai. Nhưng Bình Minh sẽ tươi sáng! Nhưng bên kia là Trùng Dương. Tuy là ánh dương nhưng sẽ trùng xuống!". Qua bình luận của Trấn Thành, người đọc có thể hiểu khái niệm "dương" mà đạo diễn muốn nói là sự liên tưởng ánh sáng mặt trời với "ánh sáng của đời Mai", bởi vì chỉ có "dương"(昜: mặt trời) mới phù hợp với "bình minh" (平明: lúc trời vừa sáng). Song, cách giải thích của Trấn Thành đã sai ở từ "trùng dương".
Thứ nhất, dương trong "trùng dương" không phải là mặt trời, do đó không liên quan gì với "ánh dương", dương (洋) ở đây chính là "biển". Trùng dương có nghĩa là "Biển cả liên tiếp nhau" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng, tr.1085). Mặt khác, trong Hán ngữ, theo Bách khoa thư Baidu, trùng dương (重洋) có 2 nghĩa: a. Một đại dương tầng tầng lớp lớp (Nhất trùng trùng đích hải dương); b. Biển xa, đại dương cách trở hàng ngàn dặm (Viễn dương, thiên lý trở cách đích hải dương).
Thứ hai, trùng không có nghĩa là "trùng xuống". Trong tiếng Việt, có ít nhất 7 từ Hán Việt đọc là "trùng", tất cả đều xuất phát từ Hán ngữ: 冲, 沖, 爞, 种, 虫, 蝩, 重. Xét về động từ, 7 chữ Hán này chứa nhiều nghĩa, song không có nghĩa nào là "trùng xuống", chỉ có trùng (沖) là "vọt lên, bay vọt lên", ví dụ: nhất phi trùng thiên (一飛沖天): "bay một cái vọt lên trời" (Sử ký). Như vậy, viết "trùng xuống" là không chính xác. Trong tiếng Việt, chỉ có từ chùn nghĩa là "rụt lại, không dám tiếp tục tiến, tiếp tục hành động"; hoặc chùng: "ở trạng thái không được kéo ra theo bề dài: dây đàn chùngthích mặc hơi chùng"; hoặc chùng là "vụng lén. Ăn chùngnói vụng" (Từ điển tiếng Việt, sđd, tr.203). Tóm lại, các chữ "trùng" này đều không có nghĩa là "trùng xuống" khi nói về "ánh dương".
Ngoài ra, còn từ Hán Việt khác cũng gọi là trùng dương, nằm trong cụm từ Tết Trùng Dương, tức Trùng Dương tiết (重陽節), nói về lễ hội có nguồn gốc ở Trung Quốc từ thời Tam Quốc. Tết Trùng Dương, còn gọi là Tết Trùng Cửu hay Trùng Cửu tiết, được tổ chức vào ngày 9 tháng 9 âm lịch hằng năm. Do hai số dương "cửu cửu" trong Kinh Dịch trùng với nhau nên lễ này còn được gọi là Song cửu hay Trùng Dương (重阳). Đây là một trong "Tam lễ" - tức Tam lệnh tiết (三令節) ở Trung Quốc, một lễ hội chính thức từ thời Đường Đức Tông, triều đại nhà Đường.
Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của Tết Trùng Dương, trong đó nổi tiếng nhất là câu chuyện về người đàn ông tên là Hoàn Cảnh ở Nhữ Nam thời Đông Hán, người đã dùng thần kiếm chém yêu quái gây bệnh dịch hạch. Truyền thuyết này đã được ghi lại trong Tục Tề hài ký (續齊諧記) của Ngô Quân Chi, đời nhà Lương, thời Nam Triều.
Cuối cùng, việc viết sai trên Facebook là điều bình thường, không có gì ầm ĩ. Song, đoạn văn kể trên là của Trấn Thành, một đạo diễn ăn khách và người dẫn chương trình nổi tiếng. Do đó, việc báo đài và người đọc đã phân tích, bình luận đoạn văn đó là điều nên làm, cần thiết cho việc sử dụng chính xác tiếng Việt.
VƯƠNG TRUNG HIẾU



Nhận xét

Bài đăng phổ biến