8-CHÂU BÁ THÔNG


 8
CHÂU BÁ THÔNG
Trăm năm còn vị thành niên!
Bảy mươi mới bước vào đời
Tám mươi ta mới sang chơi láng giềng
Tuổi mình còn vị thành niên
Há cớ gì phải buồn phiền như ri?
(Trần Văn Chánh)
 
Mỗi khi đọc câu thơ tự trào dí dỏm của người bạn gởi tặng từ vùng Bắc Ninh xa lắc, lại nhớ đến Lão ngoan đồng Châu Bá Thông.
 
Ở vào lứa tuổi mà Khổng Tử bảo là “tri thiên mệnh”, đã đủ dày dặn kinh nghiệm để hiểu được mệnh trời, ấy vậy mà vẫn thấy mình là kẻ “vị thành niên”! Cuộc sống vẫn luôn mênh mông đối với những người hồn nhiên lạc quan, luôn mang trong mình cái “xích tử chi tâm” của Lão ngoan đồng.
 
Khổng Tử bảo: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ” (Ba muơi tuổi thì ý chí đã kiên định, bốn mươi tuổi thì không còn ngờ, năm mươi tuổi thì hiểu mệnh trời, sáu mươi tuổi thì tai thuận, bảy mươi tuổi thì có thể làm theo lòng ham thích mà không còn sợ vượt quá khuôn phép nữa – Luận ngữ - Vi chính II, 4).
 
Cho nên, “bảy mươi mới bước vào đời”! Lúc này đã có quyền “tòng tâm sở dục, bất du củ” rồi.
 
Ở cái tuổi “sang chơi láng giềng” thì người hàng xóm lọm khọm là láng giềng đã đành, thậm chí cái chết cũng là kẻ láng giềng. Lúc đó thì làm kẻ “sang chơi láng giềng” theo thể điệu “Être-pour-la-mort” (hữu thể hướng tử) của Heidegger!
 
Đối với nhà thơ Nguyễn Công Trứ, cái chơi “Tân nương dục vấn tân lang kỷ. Ngũ thập niên tiền nhị thập tam” (tạm dịch: Người đẹp muốn hỏi tuổi ta. Năm mươi năm trước mới hăm ba chứ gì!), ở cái tuổi bảy mươi ba, nghĩa là mới “vào đời” được ba năm, thì dĩ nhiên những đào nương xuân xanh hơ hớ trong tiếng ca và sênh phách luôn là kẻ láng giềng của vị Doanh điền sứ tài ba và “chịu chơi” nhất trong nền văn học Việt Nam này.
 
Cụ Nguyễn Công Trứ tựa như nhân vật Alexis Zorba của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazanzaki, luôn thấy mình ở lứa tuổi đôi mươi, yêu mê đắm, sống say sưa, làm việc hết mình để tận hưởng hết cái thanh sắc của trần gian cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt. Cái tố chất “chịu chơi” của Alexis Zorba hoặc của Uy Viễn tướng công dù hiếm, nhưng vẫn còn có thể tìm thấy ở một đôi người, chứ cái tố chất hồn nhiên như đứa trẻ con chơi đùa giữa đời của Châu Bá Thông thì chỉ có thể tìm thấy trong chính Lão ngoan đồng!
 
Nếu chọn trong tất cả tác phẩn Kim Dung một nhân vật được mọi tầng lớp độc giả yêu thích, kể cả trẻ con, thì có lẽ đó chính là Châu Bá Thông. Một nhân vật suốt đời chỉ biết chơi đùa, luôn tìm cách trốn tránh mọi trách nhiệm trong đời mà lại được mọi độc giả yêu mến, điều đó mới là lạ lùng.
 
Người ta nói Lên ba thì cười, lên mười thì mắng, có nghĩa cùng một câu nói, nếu ở miệng đứa bé lên ba nói ra thì thấy ngộ nghĩnh đáng yêu, còn ở miệng đứa bé lên mười thì lại thấy hỗn xược vô lễ. Cái “thực” không đổi khác mà lại sinh ra hai tâm trạng yêu ghét, bởi vì câu nói của đứa bé lên ba hoàn toàn xuất phát từ trạng thái hồn nhiên vô tâm. Mà ở trên đời, những gì xuất phát từ cái tâm hồn nhiên đều dễ dàng tiếp cận và làm cảm động được lòng người một cách đằm thắm sâu xa.
 
Châu Bá Thông được độc giả yêu mến bởi ông luôn là “đứa bé lên ba” đó.
 
Sau khi vô tình gây nên mối tình oan nghiệt tại cung điện Đoàn Nam đế, Châu Bá Thông lại suốt đời chạy trốn Anh Cô, không phải vì ông là kẻ bội bạc vô tình, mà chỉ vì không muốn mang trách nhiệm với cõi đời, nghĩa là không có khái niệm “làm người lớn”.
 
Thân ở trong cõi đời, nhưng tâm lại hoàn toàn không muốn vướng bận lụy phiền của cõi nhân gian.
 
Con người khi sinh ra là một đứa bé hồn nhiên, rồi lớn lên, vượt qua giai đoạn ấu thơ để vào đời, và từng bước khám phá ra những điều huyền ẩn. Nhưng chính trong quá trính khám phá để “trưởng thành” ấy, con người dần đánh mất tính hồn nhiên mà Thượng đế đã phú bẫm cho từ thuở ban sơ. Cái “xích tử chi tâm” dần bị chai sạn bởi những nghiệt ngã của cuộc sống.
 
Con người, để tồn tại và để cạnh tranh vượt lên cao hơn người khác bằng mọi thủ đoạn mưu ma chước quỷ, cứ ngày càng xa dần vườn địa đàng của tuổi thơ. Cái tâm hồn nhiên kia bị tập nhiễm quá nhiều điều thô bỉ, đê tiện cùng những thói quen dối trá lọc lừa mà chỉ khi có cơ duyên thoát khỏi những hệ lụy ấy, con người mới có thể sực tỉnh để chợt hiểu ra những trò nhảm nhí mà mình cứ mê mải múa may trên sân khấu đời.
 
Bộ sách Mạnh Tử gồm mấy vạn lời, suy cho cùng cũng chỉ là nỗ lực giúp con người khôi phục lại cái tâm hồn nhiên đó mà thôi. “Đại nhân giả bất thất kỳ xích tử chi tâm” (Bậc đại nhân không đánh mất đi tấm lòng con trẻ - Mạnh Tử, Ly Lâu hạ). Châu Bá Thông chính là bậc đại nhân “bất thất kỳ xích tử chi tâm” đó.
 
Hầu hết những cao thủ võ lâm đều xem võ học là phương tiện để thỏa mãn tham vọng bành trướng uy quyền và khoáng trương cái tôi. Chỉ có Châu Bá Thông xem võ học là mục đích tự thân. Thích học võ, vui học võ, say mê học võ. Hễ gặp ai có những tuyệt kỹ lạ lùng, như Dương Qua hay Kim luân Pháp vương là Châu Bá Thông sẵn sàng bái làm sư phụ để xin học. Như một đứa trẻ ham mê đồ chơi lạ.
 
Và chỉ có cái tâm hồn nhiên của trẻ thơ mới có thể sáng tạo ra những điều kỳ diệu từ những cái tưởng chừng rất đỗi tầm thường.
 
Cậu hoàng tử bé trong tác phẩm Le petit prince của Saint-Exupéry luôn ngạc nhiên trước những trò bận rộn của người lớn. Mà chỉ có những đứa bé hồn nhiên mới thấy hết được cái vẻ trịnh trọng điên đảo của người lớn.
 
Ông Bùi Giáng có lẽ cũng đã dùng cái tâm trẻ thơ để chuyển ngữ tác phẩm trên thành Hoàng tử bé bằng một ngôn ngữ vô cùng hồn nhiên thơ mộng, khác hẳn những cuốn sách dịch cà rỡn khác của ông.
Châu Bá Thông cũng chính là cậu Hoàng tử bé đáng yêu kia.
 
Tô Đông Pha hỏi Tạo vật hà như đồng tử hý! (tạo vật sao lại giống như đứa bé chơi đùa đến vậy!). Tạo hóa với đại lực lượng, đại ý chí mà lại biết chơi đùa cũng chỉ vì có cái tâm hồn nhiên của trẻ thơ.
Châu Bá Thông suốt đời chỉ biết chơi đùa chỉ vì cái tâm đó.
 
Chỉ vì một lời thách thức vớ vẩn mà Châu Bá Thông phải vượt mấy ngàn dặm từ Trung nguyên cho đến vùng hoang mạc xa xôi để tìm một lá cờ, giống như đứa trẻ chơi trò cút bắt, Châu Bá Thông chính là “đồng tử hý” vậy.
 
Nhờ cái tâm hài nhi ưa đùa bỡn mà Châu Bá Thông không hề thù hận ai, kể cả Hoàng Dược Sư là người đã đánh gãy chân ông và bắt giam ông trên đảo hàng chục năm. Ngồi trong thạch động, không có bạn chơi thì tự mình chơi với mình bằng cách dùng hai tay đánh với nhau. Kết quả là ông sáng tạo ra môn tuyệt kỹ độc đáo nhất võ lâm: “Song thủ hỗ bác”. Hai tay vừa hỗ tương vừa công kích lẫn nhau, tạo thành uy lực vô lượng, như hai đối cực âm và dương cùng vận hành trong vòng tròn thái cực.
 
Để học được môn võ công kỳ diệu này thì bài học vỡ lòng là phải dùng hai tay để vẽ cùng lúc một vòng tròn và một hình vuông. Mới nghe thì tưởng chừng như đơn giản, nhưng không ai học được. Cái công phu “phân tâm nhị dụng” (chia lòng ra làm hai để ứng dụng vào hai việc khác nhau) đó chỉ có hai người là Quách Tĩnh và Tiểu Long Nữ tiếp thu nổi.
 
Quách Tĩnh học được là nhờ cái tâm đôn hậu chân chất, Tiểu Long Nữ học được là nhờ cái tâm hư tĩnh như mặt nước hồ thu, không hề vướng bụi trần.
 
Châu Bá Thông vai vế ngang với Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư lại nài nỉ kết giao tình huynh đệ với Quách Tĩnh, là kẻ lẽ ra phải kêu mình bằng sư thúc tổ. Về sau, ông lại kết giao với Dương Quá, hạng con cháu của Quách Tĩnh nữa.
 
Chỉ tiếc một điều, có lẽ tại Lão ngoan đồng “kỵ” phái nữ sau “sự cố Anh Cô”, nếu không có lẽ ông đã kết nghĩa huynh với cô bé Quách Tương rồi. Hai tâm hồn khoáng đạt như vậy mà không có cơ duyên để kết nghĩa thì quả là điều uổng phí của trần gian.
 
Phật giáo chủ trương tất cả chúng sinh đều bình đẳng trước Tam bảo, thì mọi khách giang hồ đều bình đẳng trước cái tâm của Châu Bá Thông.
 
Cuối cùng thì cuộc trốn chạy Anh Cô cũng phải chấm dứt, cùng với cái chết trong cơn sám hối của Cừu Thiên Nhận. Châu Bá Thông và Anh Cô về sống chung, làm người láng giềng của Đoàn Nam đế. “Tám mươi ta mới sang chơi láng giềng”. Nhưng dẫu cho đến lúc đó, vẫn cho rằng Châu Bá Thông vẫn là kẻ “vị thành niên”.
 
Mọi người chúng ta ai cũng đã có lần có được cái tâm Châu Bá Thông, rồi lại đánh mất đi. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là dường như không ai muốn tìm lại cái tâm đó, có lẽ sợ bị mang tiếng là “trẻ con”! Chúng ta say sưa xác lập những giá trị, rồi luôn tìm mọi cách để chiếm đoạt những giá trị do chính chúng ta dựng nên, trong cái “thế giới người lớn” đầy những lễ nghi phiền toái cùng những dối trá lọc lừa.
 
Chính trong tiến trình xây dựng và chiếm đoạt các giá trị đã làm nảy sinh biết bao xung đột, hận thù. Rồi chúng ta lại vắt óc tìm mọi cách hòa giải, cũng bằng kiểu cách khệnh khạng của “người lớn”, mà có khi nào chịu hiểu rằng, chính cái kiểu cách khệnh khạng đó lại là mầm mống đẻ ra thêm các xung đột khác.
 
Thiên Sơn mộc trong Nam hoa kinh của Trang Tử chép: “Thuyền lớn vượt sông, có con đò nhỏ không người trôi đến chạm vào, thì dù là người có bụng hẹp hòi cũng không giận. Nhưng nếu trên đò có người, tất thuyền lớn sẽ hô hoán lên. Nếu gọi một hai lần mà không nghe ắt sẽ gọi lần thứ ba, rồi buông lời thóa mạ theo ngay. Lúc trước không giận mà bây giờ giận, vì lúc trước là chiếc đò không (hư) mà bây giờ là đò có người (thực). Người ta nếu biết làm mình trở thành chiếc đò không để trôi giữa đời, thì ai mà hại được? (Nhân năng hư kỷ dĩ du thế, kỳ thục năng hại chi?)”.
 
Châu Bá Thông chính là “con đò không” đó để rong chơi trong cõi giang hồ, đã biết “hư kỷ dĩ du giang hồ”. Cái tâm “hư kỷ” của Châu Bá Thông là cái tâm tự nhiên, vượt trên cả chữ “năng”. Ông không cần tập “năng hư kỷ” mà tự nhiên đã là “hư kỷ’ rồi.
 
Có người hỏi thiền sư Triệu Châu: “Con chó có Phật tính không?”. Ông đáp “Vô!”. Tâm Châu Bá Thông cũng chính là chữ “Vô” đó.
 
Cái tâm hài nhi của Châu Bá Thông là điều mà mọi tôn giáo và triết học chân chính đều nỗ lực muốn tìm lại. Hình ảnh ngây thơ của Chúa Hài Đồng hay nụ cười hồn nhiên của đức Phật Di Lặc luôn nhắc nhở ta về cái tâm Châu Bá Thông mà ta vô tình đánh mất.
 
Và sẽ vô cùng hạnh phúc cho ai, ở những năm tháng cuối đời tìm được cái tâm Châu Bá Thông ngay giây phút cận kề của cõi không hư.
 
HUỲNH NGỌC CHIẾN
 
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến