Kỳ 15 - SỬ TỐNG KỂ CHUYỆN QUÂN TỐNG BỊ LÀM THỊT KHI SANG XÂM PHẠM ĐẠI VIỆT
Kỳ 15
--------
SỬ TỐNG KỂ CHUYỆN
QUÂN TỐNG BỊ LÀM THỊT
KHI SANG XÂM PHẠM ĐẠI VIỆT
Sử nước Tống mô tả Thân Cảnh Phúc:
"Quân Tống thừa thắng chiếm châu Quang Lang (Lạng Châu), viên Tri châu là
con rể nhà vua, bèn trốn vào trong đám cỏ, thấy quân Tống thì ra giết chết hoặc
bắt về xẻo thịt ăn. Người ta cho là vị Thiên thần".
Phò mã Thân Cảnh Phúc, biệt hiệu Phò mã
áo chàm là tù trưởng động Giáp. Dòng dõi họ Thân nhiều đời hưởng tước lộc của
triều đình nhà Lý, được phong làm tri châu Quang Lang. Ba đời dòng họ Thân đều
là phò mã của triều Lý. Tù trưởng Thân Thừa Quý lấy công chúa con vua Lý
Thái Tổ. Tù trưởng Thân Thiệu Thái con của Thân Thừa Quý lấy công chúa Bình
Dương của vua Lý Thái Tông năm 1029. Tù trưởng Thân Cảnh Phúc, con trai Thân
Thiệu Thái lấy công chúa Thiên Thành của vua Lý Thánh Tông năm 1066. Nhờ có mối
quan hệ thông gia và họ hàng khăng khít như thế, phò mã Thân Cảnh Phúc một mực
trung thành với triều đình Đại Việt. Khi quân Tống tràn sang vùng biên ải, hầu
hết các tù trưởng vùng khê động phía bắc Đại Việt phải đầu hàng trước sức mạnh
quân sự và sự dụ dỗ của Tống.
Thân Cảnh Phúc là số ít những người còn lại
vẫn kiên trì chiến đấu. Thân Cảnh Phúc có trên 5.000 quân bản bộ, các đánh giá
của nước Tống đều xếp Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ, Tông Đản là ba nhân vật đáng gờm
nhất trong số các tù trưởng khê động phía Đại Việt. Quân của Thân Cảnh Phúc đa
phần là giáo binh miền sơn cước, thiện dụng cách chiến đấu nơi rừng núi, giỏi
mai phục, đặt bẫy và chiến đấu ở đường hẹp. Các chiến binh này không hề thua
kém quân của triều đình nhà Lý cũng như tinh tinh nước Tống về chất lượng. Họ
thực sự rất thiện chiến, nhất là khi được chiến đấu trên chiến trường quen thuộc.
Thân Cảnh Phúc còn được sự hỗ trợ của quân triều đình cùng đội tượng binh trong
cuộc chiến giữ các cửa ải.
Đầu năm 1077, khi Thân Cảnh Phúc đặt phục
binh ở ải Giáp Khẩu, bị Quách Quỳ đi đường vòng đánh bọc hậu nên buộc lòng phải
lui quân. Quách Quỳ dự tính sẽ cố gắng đánh nhanh thắng nhanh, chiếm kinh đô
Thăng Long và tiêu diệt quân đội triều đình sớm thì mọi đạo quân khác của Đại
Việt tất sẽ phải đầu hàng hoặc là bị tiêu diệt dễ dàng. Nhưng trong thực tế,
phòng tuyến Như Nguyệt quả là quá lợi hại. Quân Tống chôn chân một chỗ hàng
tháng trời, hậu cần dần thiếu hụt và binh lính dần yếu sức do không hợp thủy thổ.
Quân Thân Cảnh Phúc về đến động Giáp, một bộ phận quân chính quy triều đình phải
rút về phía nam để hội quân cùng phòng thủ chiến tuyến Như Nguyệt. Thân Cảnh
Phúc tổ chức sơ tán lực lượng vào rừng núi, chỉ còn những người già yếu ở lại
thôn làng. Với quân bản bộ của mình, Thân Cảnh Phúc chia làm các toán quân nhỏ,
rình rập theo dọc đường tiếp tế của quân Tống mà chờ đợi thời cơ. Khi có quân Tống
hay dân phu đi riêng lẻ, lập tức bị phục binh của Thân Cảnh Phúc bắt giết.
Cách đánh này, ngày ngay chúng ta quen gọi
là chiến tranh du kích, tức là loại hình chiến tranh dựa vào ẩn náu và phục
kích bằng lực lượng nhỏ gọn, không có chiến tuyến rõ ràng. Tuy nhiên, để chính
xác thì quân Thân Cảnh Phúc dùng gọi là kỳ binh. Về cách đánh, kỳ binh cũng giống
như du kích thời hiện đại là lấy chiến thuật phục kích, ẩn náu làm căn bản. Kỳ
binh cũng dùng các lực lượng nhỏ, đánh nhanh rút gọn. Điểm khác biệt căn bản giữa
hai loại hình khiến ta phải phân biệt chính là kỳ binh tuy chia nhỏ nhưng vẫn
có đội ngũ, có tổ chức theo kiểu quân đội thông thường. Du kích thì có thể ở lẫn
trong dân vùng địch chiếm, có thể chiến đấu riêng lẻ và khi cần thiết mới tập họp
thành đội ngũ. Kỳ binh của Thân Cảnh Phúc lấy núi rừng động Giáp làm căn cứ địa,
hoạt động mạnh khắp vùng Lạng Châu. Vùng này nằm trên tuyến đường Thiên lý nối
liền từ địa giới nước Tống thẳng tới Thăng Long.
Để vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ
khí thì dân phu của Tống nhất định phải đi qua. Chiến sự kéo dài và sự quấy rối
của quân Thân Cảnh Phúc khiến cho quân Tống vô cùng khốn đốn. Sử nước Tống mô tả
Thân Cảnh Phúc: "Quân Tống thừa thắng chiếm châu Quang Lang (Lạng
Châu), viên Tri châu là con rể nhà vua, bèn trốn vào trong đám cỏ, thấy quân Tống
thì ra giết chết hoặc bắt về xẻo thịt ăn. Người ta cho là vị Thiên thần". Quân
Tống phải cắt lính từ chiến tuyến bờ bắc Như Nguyệt ngược lên vùng Lạng Châu để
đối phó với Thân Cảnh Phúc, bảo vệ tuyến hậu cần. Dân phu làm nhiệm vụ vận chuyển
cũng phải căng mình ra chiến đấu cùng binh sĩ Tống.
Thân Cảnh Phúc thừa thế, càng tung quân
hoạt động rộng khắp tới cả vùng Bắc Giang, uy hiếp cả mặt lưng khối đại quân của
Quách Quỳ. Tại đây vùng Bắc Giang, ông gặp phải những lực lượng lớn của quân Tống,
dẫn đến giao tranh ác liệt. Trong một trận chiến tại Lục Ngạn (Bắc Giang), Thân
Cảnh Phúc chẳng may tử trận.
Phò mã áo chàm Thân Cảnh Phúc ngã xuống,
nhưng cuộc chiến đấu của ông vẫn được tiếp tục bởi các lực lượng người dân tộc
thiểu số châu mục. Thành quả cuộc chiến tiêu hao mà Thân Cảnh Phúc là người khởi
đầu và lãnh đạo rất lớn. 20 vạn dân phu Tống chịu không nổi cực khổ, lại bị phục
giết thường xuyên sau gần hai tháng trời đã chết đến quá nửa. Số dân phu còn lại
vật vờ gồng mình làm việc quá sức, phần lớn cũng bị bệnh tật, ốm yếu. Hậu quả
là đại quân của Quách Quỳ đóng ở bờ bắc bến Như Nguyệt bị cạn lương thảo. Từng
xuất ăn của quân Tống bị cắt bớt trầm trọng, thuốc thang chữa bệnh thiếu thốn dẫn
đến sức chiến đấu suy giảm mạnh. Quân Tống lúc kéo sang có 10 vạn, lúc hội quân
ở bến Như Nguyệt còn hơn 9 vạn. Sau khi giao chiến với quân giữ phòng tuyến thì
quân Tống hao hụt còn lại hơn 8 vạn. Tuy quân số còn đông như thế, nhưng số
quân khỏe mạnh chỉ còn hơn một nửa. Số quân Tống còn lại bị bệnh tật hoặc suy
nhược, hiệu quả chiến đấu kém đi nhiều. Thậm chí có những quân lính Tống chết
vì bệnh tật đói khát. Sử sách nước Tống, cũng như các lời tâu trình của tướng
lĩnh Tống về nước cũng phải thừa nhận tình cảnh bi đát mà quân Tống phải chịu.
Nhưng họ không dám nói thẳng nguyên do mà nói tránh, đổ hết tại “nóng nực, lam
chướng”.
Đó là cách mà sử sách các triều đại Trung
Hoa vẫn dùng để lý giải cho các thất bại quân sự ở nước ngoài. Thực sự thì,
quân Tống lâm vào tình cảnh khốn đốn nguyên do chính là vì thiếu lương thực và
thuốc men, mà thiếu lương thực thuốc men là do dân phu bị chết mòn. Dân phu Tống
là những dân phía nam nước Tống, quen với thủy thổ hơn là binh lính chiến đấu
nhưng lại chết nhiều một phần cũng do lao lực, nhưng phần nhiều là do bị Thân Cảnh
Phúc và các đội kỳ binh đánh giết. Chiến công này của Thân Cảnh Phúc và quân
dân vùng biên thùy phía bắc góp phần quan trọng vào cuộc chiến. Nhờ vào đó,
Thái úy Lý Thường Kiệt có đủ điều kiện để sớm tung ra những đòn kết liễu quân Tống,
trước khi liên quân Chiêm Thành và quân Khmer kịp đánh tới từ phía nam.
Quốc
Huy
Nhận xét
Đăng nhận xét