9-LĂNG SƯƠNG HOA

 9
LĂNG SƯƠNG HOA
Cái chết của nhành lục cúc
Khi sáng tạo nên cái trần gian điên dại và đầy hương sắc này, thì vẻ hùng vĩ của biển rộng núi cao, nét xinh tươi của oanh ca liễu rũ, trăng hoa sương tuyết, tiếng róc rách của sông lạch suối khe… dường như chưa làm hài lòng Hóa công, nên ngài phải sáng tạo thêm người phụ nữ.
Dường như mọi phụ nữ trên cõi đời này hiểu rằng Thượng đế tạo ra họ là để điểm tô thêm cho cái trần gian vốn đã đầy hương sắc, cho nên tự ngàn xưa, đối với họ, giữ gìn sắc đẹp vẫn luôn là điều cực kỳ trọng đại.
Với phụ nữ, nhan sắc lắm khi còn quan trọng hơn cả mạng sống. Nhậm Doanh Doanh khi bị Nhạc Bất Quần dùng lưới bắt tại Hoa Sơn thi nàng hiểu rằng cái chết là điều tất yếu. Vậy mà khi Nhạc Bất Quần muốn hủy hoại nhan sắc nàng thì nàng lại hoảng kinh. Chu Chỉ Nhược khi bị giam cầm tại chùa Vạn An cùng bao nhân vật của Lục đại môn phái, thì chuyện sống chết đã sớm bỏ ngoài lòng, nhưng khi Triệu Mẫn dọa dùng dao rạch mặt thì cô lại xiêu hồn lạc phách. Cả cô nàng Triệu Mẫn bướng bĩnh tinh quái là thế cũng không khỏi đứng tim, khi Thanh dực bức vương Vi Nhất Tiếu cảnh báo sẽ hủy hoại khuôn mặt kiều diễm của cô, nếu như cô đụng tới Chu Chỉ Nhược. Khang Mẫn bị A Tử hành hạ dã man nhưng vẫn còn tỉnh táo để tỏ tình với Kiều Phong, cô nàng không chết vì vết thương trí mạng mà chết vì đau khổ và kinh hãi khi soi thấy khuôn mặt bị tàn phá của mình trong tấm gương đồng.
Chúng ta không thể cay đắng như Hamlet của Shakespeare: “God hath given you a face, and you make yourselves another” (Thượng đế đã ban cho ngươi một gương mặt, và ngươi đã tự biến mình thành một gương mặt khác – Hamlet – Act II, Scene 1, 153-154), bởi lẽ phụ nữ vẫn còn muốn làm đẹp ngay cả khi đi đối diện với Diêm vương!
Chả trách nền công nghiệp mỹ phẩm trên thế giới lại thu được những món tiền khổng lồ từ thói đỏm dáng đáng yêu của phụ nữ.
Giai thoại thiền tông Nhật Bản kể rằng, ni cô Ryonen, sinh 1797, là một người có nhan sắc quyến rũ và thiên tài về thi ca. Năm mười bảy tuổi, bà phục vụ cho hoàng hậu, tương lai rực rỡ đang chờ đón bà như một công nương của triều đình. Bỗng nhiên hoàng hậu qua đời, bà chợt ngộ ra lẽ vô thường của cõi thế, nên xuống tóc đi tu.
Bà đến thành phố Endo, xin làm đệ tử của thiền sư Tetsugyu, nhưng vị thiền sư này từ chối vì bà quá đẹp. Vị thiền sư đó hiểu rằng cái nhan sắc lộng lẫy đó tuy là vật báu của trần gian, nhưng lại không thể phù hợp với chốn thiền môn vốn luôn đạm bạc với cuộc sống nâu sòng. Ắt hẳn nó sẽ gây nên ba đào nơi cửa Phật. Tâm bà tuy không động nhưng sẽ làm lụy đến tâm người. Bà bèn tìm đến thiền sư Hakuo, nhưng vị thiền sư này cũng từ chối vì lý do trên.
Ryonen hiểu rằng chính nhan sắc đẹp đẽ của bà là vật chướng ngại ngăn cản không cho mình đạt được điều tâm nguyện, nên bà bèn dùng lửa nóng hủy hoại hết khuôn mặt xinh đẹp, nhờ đó bà được thiền sư Hakuo nhận làm đệ tử. Và cũng nhờ thế mà bà mới chuyên chú vào việc tu thiền và trở thành một thiền sư nổi tiếng.
Hủy hoại dung mạo để cầu đạo, ni cô Ryonen đã làm một việc còn kỳ diệu hơn cả việc nhị tổ Huệ Khả quỳ giữa trời tuyết, cắt một cánh tay dâng lên sư tổ Đạt Ma để xin truyền tâm ấn. Ni cô Ryonen có lẽ là hiện tượng hiếm hoi và kỳ lạ của thiền môn, bởi lẽ đâu phải người con gái nào đem thân bỏ chốn am mây cũng đều ngộ ra lẽ vô thường của hai chữ “sắc không”. Nhan sắc đó cũng là hư không đấy.
Chỉ có những tâm hồn thiết tha cầu đạo như Ryonen khi ngộ được lẽ “bất trụ sắc sinh tâm, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (1) và “nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai” (2) của kinh Kim Cương thì mới có thể thực hiện được điều kỳ diệu đó.
Cái tìm được sẽ lớn hơn hàng vạn lần cái nhan sắc mất đi: đó là thành toàn điều tâm nguyện. Việc xả thân cầu đạo đó dù kỳ lạ nhưng vẫn có thể xảy ra, vì khi tuệ kiếm vung lên thì trần duyên đứt đoạn. Cái thân xác này, khi được quán tưởng đến chỗ rốt ráo, cũng chỉ là cái túi da đựng bao điều dơ bẩn, thì nào sá gì một chút dung nhan?
Nhưng đó là chuyện chốn thiền môn, còn ở trần gian đầy sai biệt này thì con người vẫn cứ vĩnh viễn đội mũ triều thiên lên nhan sắc. Vì nếu không thế thì cuộc đời ắt sẽ u ám và buồn tẻ lắm biết ngần nào!
Vậy mà vẫn có một người con gái dám hủy hoại dung nhan kiều diễm của mình để giữ tròn sự thủy chung với người chỉ một lần gặp gỡ: Đó là Lăng Sương Hoa trong Liên thành quyết.
Đinh Điển là người mê hoa. Tình cờ trong một buổi dạo chơi hội hoa cúc, Đinh Điển gặp được đệ nhất mỹ nhân vùng là Lăng Sương Hoa, tiều thư của quan tri phủ Lăng Thoái Tư. Sự đồng cảm trong những giò lục cúc đã đem hai người lại gần nhau. Tình yêu âm thầm nảy nở giữa kẻ lang bạt giang hồ với một tiểu thư khuê các. Những cánh hoa tươi thắm và ngát hương đã chứng kiến cho mối tình của họ và làm băng nhân cho những lần gặp gỡ. “Tôi cùng em mơ những chốn nào. Ước nguyền chung giấc mộng trăng sao. Sánh vai một mái lầu phong nguyệt. Hoa bướm vì em nghiêng cánh trao” (Đinh Hùng – Phạm Đình Chương).
Lăng Thoái Tư là một người văn võ song toàn, y là một long đầu trong Long sa bang, lại thi đổ tiến sỹ, làm Hàn Lâm học sỹ. Y nuôi tham vọng tìm được kho tàng của Lương Nguyên đế và luyện được Thần Chiếu công. Biết được Đinh Điển đang giữ Liên thành quyết – bộ giải mã những bí ẩn về chỗ cất giấu kho tàng – và bí cấp Thần Chiếu công, nên Lăng Thoái Tư lập mưu chiếm đoạt. Y vờ cho Lăng Sương Hoa mời Đinh Điền đến để bàn chuyện tác hợp lương duyên. Rồi dùng hoa độc tẩm thuốc mê để bắt Đinh Điển.
Sống trong cảnh tra tấn dã man chốn lao tù, với xương tỳ bà đã bị xuyên thủng, nhưng Đinh Điển vẫn tìm thấy nguồn an ủi. Hằng ngày, anh ta từ cửa sở nhà tù nhìn lên mái lầu xa, vẫn luôn thấy được những chậu hoa đặt nơi cửa sổ của phòng Lăng Sương Hoa, như một biểu tượng của tình yêu.
Cảnh đưa tin của Đinh Điền và Lăng Sương Hoa giống như anh chàng Hời trong truyện Tô Hoài. Một người ngồi dệt vải, khi nghe mùi hương thoang thoảng lan trong cảnh đêm thanh tĩnh của cành hoa lài ném qua cửa sổ, là biết đã đến giờ hẹn với người yêu.
Lăng Sương Hoa sợ cha nàng ép duyên nên nàng quyết định hủy hoại dung nhan để không còn ai muốn cưới mình nữa. Chỉ có vậy nàng mới giữ trọn tình yêu son sắt với Đinh Điển. Một quyết định làm người đọc tê buốt tâm can, vì điều đó ngẫm ra còn kinh khủng hơn tự vẫn. Chỉ có một sự hòa điệu của cung bậc tri âm trong tình yêu chân chính mới có thể giúp người con gái xinh đẹp làm một điều mà ngay cả Thượng Đế cũng phải bàng hoàng. Nàng không muốn xuất hiện với khuôn mặt xấu xí, mà để những chậu hoa thay mặt cho mình ngỏ những lời yêu.
Hoa thay dáng người. Hoa còn là người còn, và tình yêu vẫn ngát xanh màu lục cúc. Gặp nhau và yêu nhau nhờ những cành hoa, truyền tin cho nhau cũng nhờ những cành hoa. Mối tình thơ mộng đó bị vĩnh viễn cách ngăn vì lòng tham ngu xuẩn của người cha. Mà tự cổ chí kim, có kẻ nào bị lòng tham chi phối mà lại không trở nên ngu xuẩn, và do đó dễ trở nên tàn bạo?
Khi Lăng Sương Hoa qua đời trong u sầu đau khổ, Lăng Thoại Tư còn âm hiểm rắc thuốc độc lên quan tài để đánh lừa Đinh Điển. Kẻ si tình đến ôm quan tài và trúng ngay chất độc của hoa Kim Ba Tuần. Nhưng Lăng Thoại Tư đã làm một điều thừa. Làm sao Đinh Điển có thể sống được nữa khi Lăng Sương Hoa đã vì mình mà qua đời trong sầu hận? Địch Vân hợp táng nắm tro tàn của Đinh Điển với Lăng Sương Hoa, và trồng hoa thật nhiều quanh mộ để đôi tình nhân được yên nghỉ giữa ngàn hoa.
Trong vở kịch Hamlet, khi hoàng hậu Gertrude rắc hoa lên nấm mộ của Ophelia đã nói những lời tha thiết, mà ta muốn dùng để khắc lên nấm mộ Sương Hoa. “Sweets to the sweet! Farewell!” (Những nhánh hoa dịu dàng xin gởi đến một cành hoa đằm thắm. Xin vĩnh biệt) (Shakespeare – Hamlet, Act V, Scene I, 239).
Chinh phục được trái tim của người mình yêu, chịu chấp nhận thiệt thòi để tìm thấy hạnh phúc. Điều đó dễ. Khi biết rằng trái tim người mình yêu đã vĩnh viễn thuộc về kẻ khác nên biến sự thất vọng thành hận thù, đem tang tóc gieo rắc khắp thiên hạ để trút nỗi hờn căm, như Lý Mạc Sầu hay Mai Phương Cô, điều đó tuy có quá quắt nhưng vẫn là chuyện thường tình.
Biết rằng người mình yêu đã tìm thấy hạnh phúc nơi người khác, nên chấp nhận hy sinh tình yêu và, trong nổi cô đơn đau đớn, cứ mãi âm thầm cầu nguyện cho họ được hạnh phúc bằng tất cả trái tim, như Nghi Lâm, điều đó khó.
Nhưng trong tình yêu đam mê vô vọng lại dám chấp nhận chết thay cho người mình yêu để họ được hạnh phúc với người khác, như Trình Linh Tố và Công Tôn Lục ngạn, điểu đó cực khó.
Nhưng càng khó hơn nữa khi một người con gái xinh đẹp dám hủy hoại dung nhan để giữ trọn chữ thủy chung. Sự hy sinh kỳ diệu đó chỉ xảy ra với những người phụ nữ dịu hiền có trái tim nhân hậu bao dung.
Tình yêu thuần khiết được nâng lên tầm một tôn giáo, và kẻ si tình như một kẻ hành hương tìm về tuyệt đích, trong hình ảnh của người thương. Du Thản Chi là kẻ si tình vĩ đại nhưng mối tình cuồng si dữ dội đó vẫn cứ quằn quại đớn đau trong nỗ lực chiếm hữu đầy tuyệt vọng. Nó thiếu đi một chút thanh thản của một tín đồ đã “giác ngộ”.
Tình yêu của Lăng Sương Hoa sẽ mãi mãi thắp sáng lên trong tâm thức nhân gian những ánh lửa nhiệm mầu, mà chúng ta đôi lần thấy thấp thoáng trong Gitanjali của Tagore. Và trong ánh lửa đó vẫn hoài ánh lên màu thắm tươi của một nhành lục cúc.
HUỲNH NGỌC CHIẾN
_______
(1) Thân không trụ vào hình sắc mà sinh khởi; không nên trụ vào đâu cả để sinh khởi tâm.
(2) Nếu thấy được các hình tướng đều là phi hình tướng, ấy chính là thấy được Như Lai.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến