Kỳ 87 -NHÀ HẬU TRẦN CÓ ĐẶNG TẤT CHỐNG MINH NHƯ HỔ MỌC CÁNH
Kỳ 87
NHÀ HẬU TRẦN CÓ
ĐẶNG TẤT CHỐNG MINH
NHƯ HỔ MỌC CÁNH
Giản Định đế Trần Ngỗi (hoặc Trần Quỹ) vốn là con thứ của vua Trần Nghệ
Tông, tước Giản Định vương thời Trần, về sau mang tước Nhật Nam quận vương dưới
triều nhà Hồ. Được Trần Triệu Cơ tôn phò buổi ban đầu, Giản Định đế là vị vua
danh chính ngôn thuận theo chuẩn mực thời bấy giờ. Vua Giản Định vừa lên ngôi,
tung tin rầm rộ đi các nơi hiệu triệu toàn dân. Nhân dân các vùng lân cận lần
lượt theo về. Quân Minh dò biết tin, lập tức kéo đến đánh thẳng vào đại doanh của
Giản Định. Quân nhà Hậu Trần là quân mới hợp, chưa quen chiến trận, chưa đánh
đã tan chạy. Giản Định dẫn tàn quân tránh được, rút vào Nghệ An. Lúc này Đại
tri châu Đặng Tất ở Hóa Châu biết tin, bèn giết chết viên quan giám sát người
Minh, dẫn hơn 1 vạn quân bản bộ dùng thuyền vượt biển ra Nghệ An đón rước nhà
vua.
Đặng Tất tự biết mình đã đầu hàng quân Minh, dù là việc bất đắc dĩ cũng
khó tránh nghi ngại của vua. Bởi thế, ông đã đem con gái dâng cho vua Giản Định
để tỏ lòng thành. Giản Định thu nhận Đặng Tất, phong làm Quốc công. Các con
trai của Đặng Tất cũng đều được phong các chức vụ chủ chốt. Giản Định đế có uy
tín của một quý tộc Trần để hiệu triệu toàn dân, Đặng Tất có tài trí và quân đội
mạnh. Sự kết hợp của hai nhân vật này là điểm tựa quan trọng đầu tiên để gây dựng
một phong trào kháng chiến chống Minh to lớn. Quần hùng các nơi biết tin Đặng Tất
phò vua Giản Định ở Nghệ An, lũ lượt kéo nhau đến hội quân.
Nguyễn Cảnh Chân bấy giờ đang ở Thăng Hoa, tập họp các quân lính dưới
trướng cũ của mình kéo ra Nghệ An gia nhập hàng ngũ quân nhà Hậu Trần. Giản Định
đế phong cho Nguyễn Cảnh Chân làm Đồng tri khu mật viện. Nguyễn Cảnh Chân từ đó
trở thành mưu thần hàng đầu, cùng với Đặng Tất là hai cánh tay đắc lực của nhà
vua.
Cuối năm 1407, cuộc khởi nghĩa ở Đông Triều do thổ hào Phạm Chấn cùng
hoàng thất nhà Trần là Trần Nguyệt Hồ đứng đầu bị quân Minh đánh bại. Trần Nguyệt
Hồ bị giặc bắt. Phạm Chấn chạy thoát được, dẫn lực lượng còn lại chạy vào Nghệ
An theo về với Giản Định. Các lãnh tụ khởi nghĩa khác là Trần Nguyên Tôn, Trần
Dương Đình, Trần Ngạn Chiêu… cũng từ các nơi kéo quân đến hội. Cho đến đầu năm
1408, nhà Hậu Trần đã trở thành ngọn cờ đầu thu hút lực lượng kháng chiến tập hợp
lại với nhau. Thanh thế quân dưới trướng Giản Định đã khá mạnh. Nghệ An lúc này
tương đối xa thủ phủ của giặc Minh ở Đông Quan, tin tức không thông, giặc tạm
thời chưa nắm rõ tình hình tụ nghĩa của quân ta.Nghĩa quân Hậu Trần không chủ
trương đối địch ngay với chủ lực quân Minh tại vùng trung tâm Đại Việt mà thực
hiện chiến lược nam tiến. Binh lực của giặc Minh từ vùng Thanh Nghệ trở về nam
vốn chủ yếu dựa vào các ngụy quan, ngụy binh đóng giữ. Đó là những chỗ yếu
trong hệ thống của quân Minh. Ngụy binh có tinh thần chiến đấu kém do phải theo
giặc đánh lại người trong nước, dễ đầu hàng và vỡ chạy trong chiến trận. Quân
Minh bất đắc dĩ phải dùng ngụy binh là do chúng không thể có đủ binh lực người
Minh để chống lại toàn dân ta.
Giản Định muốn tiếp tục phân tán sự chú ý của quân Minh, sai Phạm Chấn,
Trần Nguyên Tôn, Trần Dương Đình, Trần Ngạn Chiêu đem quân ra bắc thu nhập tàn
quân tái chiếm lại Bình Than, lập căn cứ phòng thủ. Quân Minh biết tin, đem
quân đến đánh Bình Than. Các tướng cầm cự được ít thời gian thì lại thua tan,
rút lui về đại doanh ở Nghệ An.
Tranh thủ thời cơ, Đặng Tất tham mưu với vua Giản Định đem quân chủ lực
vào chiêu dụ thành Nghệ An, Diễn Châu. Ngụy quan trấn giữ thành Nghệ An là Trần
Nhật Chiêu, ngụy quan Trần Thúc Giao giữ thành Diễn Châu. Quân Hậu Trần kéo đến,
cả hai thành đều đóng cửa không ra đón rước. Giản Định bèn tung quân đánh chiếm
lấy thành trì. Trần Nhật Chiêu, Trần Thúc Dao binh lực mỏng không cầm cự nổi,
nhanh chóng bị đánh bại và bị Giản Định bắt chém đầu. Thuộc hạ của Trần Nhật
Chiêu, Trần Thúc Dao hơn 500 người cũng bị xử chém. Việc giết hai ngụy quan là
hợp lý vì họ đã theo giặc Minh mà cố giữ lấy thành trì. Nhưng việc giết hại những
người dưới quyền vốn bị lệ thuộc vào chủ nhân khiến cho sử sách chê bai vua Giản
Định là không có lòng nhân. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên bình rằng:
“Thiên hạ đại loạn, nhân dân Nghệ An, Diễn Châu biết ai là chân chúa.
Thúc Dao là con người tôn thất, Nhật Chiêu là tướng quân cũ, nhận quan tước của
nhà Minh, giữ đất trị dân, dân không theo có được không? Giết Thúc Dao và Nhật
Chiêu là phải, còn bọn thuộc hạ nên vỗ về mà dùng, thì chúng không cảm kích ơn
đức đó hay sao? Thế mà lại giết nhiều như vậy, sao gọi là quân nhân nghĩa được?”
Quả thực Giản Định dù có chí lớn nhưng tính cách đa nghi và thiếu nhân
đức. Lời bình của Ngô Sĩ Liên thật xác đáng. Tuy nhiên xét về chiến lược chung,
vua Giản Định cùng hàng ngũ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã có những bước đi ban đầu
đúng đắn. Chiếm được thành Nghệ An và thành Diễn Châu, quân Hậu Trần đã có đất
đứng chân ban đầu để thu hút lực lượng. Nhân dân trong vùng nô nức đến cửa quân
xin theo diệt giặc.
Bấy giờ ở nước Minh, vua Chu Đệ vẫn phải lo đối phó với các bộ tộc Mông
Cổ ở phía bắc. Nước Bắc Nguyên trên thực tế đã bị phân liệt thành các tiểu quốc
nhưng vẫn rất hùng mạnh, thiện chiến. Trương Phụ sau cuộc chiến với nhà Hồ đã
được Chu Đệ triệu hồi về nước để tăng cường cho quân đội trong nước Minh trước
mối đe dọa từ phía bắc. Phụ toan rút quân về nước, nhưng nhà Hậu Trần nổi lên
đã buộc hắn phải nấn ná lại. Hay tin quân Hậu Trần chiếm được hai thành Nghệ
An, Diễn Châu, Trương Phụ cùng với ngụy quan Mạc Thúy lập tức đem lực lượng lớn
tiến đánh. Quân lính dưới trướng Trương Phụ đều là tinh binh đã kinh qua nhiều
trận, rất thông thuộc chiến trường Đại Việt. Quân Minh tiến đánh thành Diễn
Châu, thế như nước vỡ bờ. Quân Hậu Trần cố sức chống giữ, nhưng rồi phải rút
lui về thành Nghệ An tránh mũi nhọn của giặc.
Trương Phụ lại đem hết quân đánh thành Nghệ An, Đặng Tất cùng các tướng
thúc quân chống trả kiên cường. Quân Minh không hạ thành ngay được, Trương Phụ
đều quân bao vây thành Nghệ An. Giản Định cùng các tướng bàn nhau sợ rằng ở
trong thành bị vây hết lương thì sẽ nguy. Quân Hậu Trần bèn lựa chỗ mỏng yếu của
quân Minh mà mở cổng thành đánh phá vòng vây, đem binh thuyền vượt biển rút về
Hóa Châu (bấy giờ Hóa Châu là châu lớn bao gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, bắc Quảng
Nam ngày nay). Lúc này, Hóa Châu đã là địa bàn vững chắc do thế lực của Quốc
công Đặng Tất cai trị. Khi Đặng Tất đem quân ra Nghệ An phò vua Giản Định, Hóa
Châu được hai em trai của Đặng Tất là Đặng Đức, Đặng Quý trấn giữ.
Khi quân ta phá vây rút lui, Trương Phụ thúc quân lên thuyền tức tốc đuổi
theo nhưng quân ta đã kịp rút đi an toàn. Trương Phụ dẫn quân vượt biển đuổi
theo, đến cửa biển Bố Chính thì gặp Phạm Thế Căng đón đường xin hàng. Phạm Thế
Căng là người Mường làm quan cho nhà Trần và nhà Hồ, trước đã từng hàng Trương
Phụ rồi. Nhưng khi quân Minh lơ là vùng phía nam thì y đã trở thành một quân
phiệt cát cứ địa phương, không thuộc quản lý của ai trên thực tế. Nay Trương Phụ
lại đem quân vào nam, y liền về hàng thêm lần nữa. Trương Phụ tuy cố cất quân
vượt biển vào nam để truy kích quân Hậu Trần nhưng quân lệnh của vua Chu Đệ
không thể trì hoãn lâu. Phụ nhân có được Phạm Thế Căng về hàng, bèn phong cho
Phạm Thế Căng chức Tri phủ Tân Bình (Quảng Bình và bắc Quảng Trị), giao cho Phạm
Thế Căng quyền cai trị các châu lộ phía nam và nhiệm vụ phải đánh dẹp quân Hậu
Trần. Được sự cam kết của Phạm Thế Căng rồi, Trương Phụ dẫn quân về bắc. Tháng
4.1408, Trương Phụ cùng quân bản bộ tinh nhuệ của mình rút về nước Minh. Như vậy
là cả hai tên tướng đầu sỏ của quân Minh khi đem quân xâm lược Đại Ngu là
Trương Phụ, Mộc Thạnh đều đã rút về nước cùng với những lực lượng đông đảo và
tinh nhuệ. Quân Minh trên khắp nước ta lúc này chỉ còn trên dưới 5 vạn, là thời
cơ tốt cho các phong trào khởi nghĩa hành động quyết liệt.
Quốc Huy
Nhận xét
Đăng nhận xét