DƯƠNG DƯƠNG TỰ ĐẮC
DƯƠNG DƯƠNG TỰ ĐẮC
Thành ngữ trong tiếng Việt rất phong phú. Đó là những tổ hợp từ ngắn gọn
nhưng nội dung sâu sắc, cô đọng, nhiều ý nghĩa. Có những thành ngữ thuần Việt
nhưng cũng có nhiều thành ngữ Hán Việt..
Đôi khi chúng ta được nghe những
lời nói có sử dụng thành ngữ, chẳng hạn như thế này: “Con ơi, con đừng có
chơi với mấy đứa bạn mới quen ở phố ta nữa nhé. Mẹ thấy chúng nó còn ít tuổi
mà ăn mặc, đầu tóc lung tung quá. Thái độ thì dương dương tự đắc, vênh váo, chẳng
coi ai ra gì. Dù có con ông nọ bà kia thì cũng phải biết khiêm tốn chứ...”. Bà
mẹ nọ gọi cậu con trai ra và nhắc nhở như vậy. Hẳn là chúng ta ai cũng hiểu,
thành ngữ "dương dương tự đắc" dùng để chỉ ai đó có thái độ kiêu ngạo,
tự coi mình hơn người và lên mặt vênh vang với thiên hạ. Hành vi như thế rõ
ràng là một biểu hiện thiếu khiêm tốn, không biết tôn trọng người khác, mà đối
với chúng ta, nhất là lớp trẻ (cần trau dồi mọi phẩm chất về tri thức, đạo đức) nên
tránh.
Đây là một thành ngữ Hán Việt.
Chiết tự từng thành tố, "dương" ở đây
nghĩa là nước tràn đầy (ngoài ra, dương còn
có nhiều nghĩa khác, chẳng hạn: trái với âm (ví dụ: triết lý âm dương), mặt
trời, ban ngày (vầng dương soi tỏ), giống đực (âm thịnh dương suy), biển (đại
dương bao la), ngoại quốc (xuất dương), chỉ loài dê và chỉ một loại cây... Còn
"tự" trong thành ngữ nói trên
nghĩa là tự mình, "đắc" là đắc ý. Tựu
trung, nghĩa “cả gói” của thành ngữ này là “tự đắc ý về
sự viên mãn của mình”. Như vậy, xem ra, nghĩa đen và nghĩa bóng của tổ hợp
cũng khá gần nhau.
Về xuất xứ, theo Từ điển
thành ngữ điển cố Trung Quốc (NXB Khoa học xã hội, 1993) thì vào thời Chiến
Quốc, Án Tử (tức Án Anh) là thừa tướng nước Tề, có một người đánh xe riêng
nhưng anh chàng này ỷ thế quan, “núp bóng quan” nên tỏ ra kiêu ngạo, ra vẻ ta
đây không phải lối. Một lần, anh phu xe ấy chở Án Tử qua nhà, cố tình để vợ
trông thấy cái “oai” của mình. Vợ phu xe thấy chồng tỏ vẻ ta đây, vênh
váo, dương dương tự đắc thì rất bất bình. Đợi khi chồng về nhà, chị ta nhất
quyết đòi ly hôn. Chị vợ nói với chồng “Án Tử là thừa tướng một nước, ngồi
xe khiêm tốn là thế, còn anh chỉ là phu xe của ông ấy thôi mà vênh vênh váo váo
làm vậy”. Người phu xe nghe vợ nói thì tỉnh ngộ ngay, rất ân hận, liền
thay đổi thái độ, không có biểu hiện thế nữa. Đây quả là một bài học cho con
người về cách đối nhân xử thế ở đời.
Trong cuộc sống bây giờ, lạ thay
không ít người vẫn không ý thức được về mình, nên vẫn hay có những hành vi, cử
chỉ thiếu khiêm tốn, thậm chí “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Đó là thái độ
không biết mình biết người. Thật đáng buồn là từ hành vi đó, họ không những đã
tự “làm xấu mình” trước mắt bạn bè, anh em, đồng nghiệp, mà còn làm mất những
cơ hội trau dồi năng lực để tốt hơn, giỏi giang hơn. Vậy có thơ rằng:
Thôi đừng đắc ý dương dương
“Nước đầy tràn” cả ra đường khó đi
Vênh vang nào có hay gì
Tấm gương Án Tử nhắc ghi bao đời...
“Nước đầy tràn” cả ra đường khó đi
Vênh vang nào có hay gì
Tấm gương Án Tử nhắc ghi bao đời...
Phạm Văn Tình
Nhận xét
Đăng nhận xét