BA QUE XỎ LÁ

BA QUE XỎ LÁ

Nhiều người nói rằng Ba que xỏ lá không phải là một thành ngữ mà là tiếng lóng có nguồn gốc từ Nam bộ. Vậy nó có nghĩa là gì?

"Chơi xỏ", "thằng xỏ lá", là những từ để ám chỉ hành động lừa gạt, bọn người đểu cáng bịp bợm. Đây cũng là những tiếng lóng có nguồn gốc từ Nam bộ, và thông dụng của người Sài Gòn trong khoảng những năm 60 của thế kỉ trước. Xuất phát của "xỏ lá", nguyên gốc là "ba que xỏ lá", trong đó "ba que" là một trò chơi cờ bạc có từ lâu đời, còn "xỏ lá" là hành động trong trò chơi. Đã là cờ bạc thì luôn có những mánh khóe kiếm lời cho "nhà cái", người chơi thua nhiều hơn thắng. Bởi thế nên "ba que xỏ lá" dần lưu truyền thành một thành ngữ, với ý như đã nói ở đầu.

Đi từng lớp lang nguồn gốc. Từ thời Minh Mạng (1820-1840), trò "ba que" xuất hiện trong bài "Phú tổ tôm" của Trần Văn Nghĩa: Lạt nước ốc trò chơi vô vị: tam cúc, đố mười, đấu lình, bẩy kiệu, thấy đâu là vẻ thanh tao. Ngang càng cua lối ở bất bình: xa quay, chẵn lẻ, dồi mỏ, ba que, hết thẩy những tuồng thô suất. Về sau thời Pháp, trò chơi này được mô tả như sau: Trò chơi gồm một cái que và 3 cái lá. Mỗi lá đính một chiếc vòng nhỏ ở cuống, người chơi cầm que xiên vào 3 vòng này, sao cho phải vào được một lúc cả ba lá và nhấc được chúng lên thì được lĩnh thưởng. Mỗi người chỉ được xỏ một lần. Ai xỏ trật, không đủ cả 3 lá thì thua tiền cược. Cách chơi khác, người cầm "cái" dùng ba que nhỏ, một que có xỏ lá, sau đó giấu trong lòng bàn tay. Người chơi sẽ đoán que nào có xỏ lá, đoán đúng thì trúng thưởng, đoán sai thì mất tiền cược. Dù là cách chơi nào, bọn chủ trò, cầm "cái" vẫn có nhiều mưu mẹo, để làm sao người chơi thua nhiều hơn thắng.

Trong các cuốn từ điển chữ Quốc ngữ ở cuối thế kỉ 19, của nhà ngôn ngữ học Huỳnh Tịnh Của (Đại Nam quốc âm tự vị, 1895) và của linh mục người Pháp - Génibrel (Đại Việt Quốc âm Hán tự, 1898). "Xỏ lá" được định nghĩa là cuộc chơi gian lận, gạt gẫm. Còn "thằng xỏ lá" là một người đầy mưu mẹo, chuyên lừa dối. "Xỏ lá ba que" còn tiếp tục xuất hiện trong cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (in năm 1915). Trong cuốn này, "xỏ lá ba que" được dùng để chỉ tính cách của bọn tiểu nhân. Từ đó, dù trò cờ bạc gần như đã thất truyền, nhưng "xỏ lá ba que" dần được dùng như một thành ngữ mà về sau, trong quần chúng nhân dân đọc cho thuận miệng thành là, "ba que xỏ lá". Và khi lưu truyền trong dần chúng nhân dân, "ba que xỏ lá" tiếp tục có những biến thể, như là để cảnh báo đừng có xen vào chuyện của ai đó trong câu: "đừng có xỏ lá ba que nhe mậy". Hay tách ra gắn với từ mới, như là thành "xỏ xiên", "xiên xỏ", ám chỉ câu nói có ý châm chọc.


Theo Sài Gòn của tôi


Nhận xét

Bài đăng phổ biến